Chủ nhật, 22/12/2024
   

Triển khai hiệu quả chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng

Chiều 25/4, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn ngành về công tác tín dụng và triển khai Thông tư số 02/2023/TT-NHNN ngày 23/04/2023 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ

Chiều 25/4, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn ngành về công tác tín dụng và triển khai Thông tư số 02/2023/TT-NHNN ngày 23/04/2023 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn. Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú chủ trì hội nghị.

Trien khai hieu qua chinh sach co cau lai thoi han tra no 1

Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú chủ trì Hội ngh

Hội nghị còn có sự tham dự của đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố, Ngân hàng Chính sách Xã hội, Ngân hàng Hợp tác xã, các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty tài chính…

Hội nghị được tổ chức trong bối cảnh từ hôm qua (ngày 24/04/2023), ngành Ngân hàng bắt đầu triển khai Thông tư số 02/2023/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn và Thông tư số 03/2023/TT-NHNN quy định ngưng hiệu lực thi hành khoản 11 Điều 4 Thông tư số 16/2021/TT-NHNN ngày 10/11/2021 quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp. Hai Thông tư nhằm tháo gỡ và mở rộng dư địa cho hoạt động tín dụng.

Tín dụng tăng trưởng thấp do hấp thụ vốn yếu

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, nhìn nhận năm 2022 và đầu năm 2023 vừa qua, nền kinh tế nói chung và ngành ngân hàng nói riêng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn: kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, lạm phát vẫn cao; rủi ro bất ổn tài chính khi một số ngân hàng tại Mỹ, châu Âu khó khăn, đóng cửa, phá sản; sự kiện tại SCB ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của các tổ chức tín dụng trong nước; hoạt động sản xuất, kinh doanh nói chung gặp nhiều khó khăn; các thị trường xuất, nhập khẩu lớn, truyền thống của Việt Nam bị gián đoạn, thu hẹp...

Bối cảnh đó đã đặt ra nhiều sức ép và thách thức đan xen đối với hoạt động tín dụng của ngành Ngân hàng. Một mặt, cầu tín dụng của nền kinh tế giảm do ba động lực tăng trưởng suy yếu (gồm cầu đầu tư phục vụ sản xuất kinh doanh, cầu tiêu dùng giảm và giải ngân đầu tư công chậm), ảnh hưởng tới khả năng hấp thụ vốn tín dụng của nền kinh tế. Ở một khía cạnh khác, trong bối cảnh thị trường vốn (thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán), chưa thực sự phát huy hiệu quả, chưa phát triển tương xứng với vai trò cung ứng vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế, thì áp lực vốn đối với tín dụng ngân hàng tiếp tục ở mức cao, nhất là vốn cho lĩnh vực bất động sản, đầu tư hạ tầng...

Nhận diện được các khó khăn, thách thức, ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã đề ra các giải pháp cho hoạt động của ngành, trong đó có công tác tín dụng; trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 khoảng 6,5% và lạm phát khoảng 4,5% được Quốc hội, Chính phủ đặt ra, Ngân hàng Nhà nước định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2023 khoảng 14 - 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế, hướng vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, tiếp tục kiểm soát rủi ro tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Đến 20/4/2023, tăng trưởng tín dụng đạt trên 12,23 triệu tỷ đồng, tăng 2,57% so với cuối năm 2022, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022. Tín dụng tăng thấp hơn cùng kỳ năm 2022 (6,46%), ngoài nguyên nhân từ phía cầu tín dụng thấp và thận trọng trong cấp tín dụng của các ngân hàng như đã nêu ở trên, còn có nguyên nhân do thị trường bất động sản tiếp tục khó khăn (chủ yếu liên quan đến vấn đề pháp lý của các dự án) dẫn tới tín dụng bất động sản tăng chậm hơn nhiều so với các năm trước kéo theo tăng tín dụng chung ở mức thấp...

Kết quả tín dụng trong những tháng đầu năm đặt ra cho Ngân hàng Nhà nước và ngành Ngân hàng bài toán cần trả lời trước các cơ quan Nhà nước về đáp ứng vốn cho sản xuất, kinh doanh, vốn cho mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội mà vẫn phải đảm bảo an toàn hoạt động hệ thống; trong khi nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong trả nợ các khoản vay tại các TCTD, nguy cơ chuyển nhóm nợ là rất cao, dẫn tới khó để tiếp tục tiếp cận vốn vay duy trì và khôi phục sản xuất kinh doanh.

Trước tình hình đó, để tạo điều kiện cho hoạt động tín dụng của ngành Ngân hàng, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 08/04/2023 và Nghị quyết 59/NQ-CP ngày 23/04/2023, làm căn cứ để NHNN đã ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN ngày 23/04/2023 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, tương tự như đã triển khai trong giai đoạn dịch Covid-19, có hiệu lực từ ngày 24/04/2023.

Tại thời điểm hiện nay, theo đánh giá của các bộ ngành chức năng, các chuyên gia, nền kinh tế đang đối diện nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp phải dừng hoạt động hoặc phải giảm bớt quy mô kinh doanh, khối lượng sản xuất, ảnh hưởng đến công ăn việc làm, đời sống của người lao động. Nguyên nhân chủ yếu là do tác động của kinh tế, tình hình địa chính trị thế giới ảnh hưởng đến vấn đề dòng vốn, dòng hàng hóa, lưu chuyển hàng hóa trên thế giới, xuất khẩu giảm, nhập khẩu gặp khó khăn... Thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn. Thị trường vốn (chứng khoán, trái phiếu) đang giảm sút cũng đều là những nhân tố ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng tín dụng.

Phó Thống đốc nhấn mạnh, ngay những tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành rất linh hoạt, sử dụng đến mức tối đa những công cụ, dư địa của chính sách tiền tệ. Thứ nhất là đảm bảo thanh khoản cho nền kinh tế, cho từng TCTD và thanh khoản cho toàn hệ thống ngân hàng. Thứ hai, từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã hai lần giảm lãi suất điều hành, đây vừa là công cụ điều hành, là thông điệp, tín hiệu cho thị trường, vừa là chỉ đạo, vận động các NHTM giảm lãi suất huy động và cho vay. Thứ ba, Ngân hàng Nhà nước đã tạo nhiều điều kiện tích cực (như đối với thị trường bất động sản, Ngân hàng Nhà nước chưa bao giờ siết tín dụng bất động sản, mà chỉ là kiểm soát chặt chẽ rủi ro vào một số lĩnh vực bất động sản đầu cơ...; gói 120.000 tỷ đã được kích hoạt từ 01/04/2023 tạo ra hiệu ứng chung cho thị trường). Thứ tư, ban hành chính sách hoãn giãn nợ, giữ nguyên nhóm nợ có ý nghĩa tác động trực tiếp để giảm bớt các khó khăn cho doanh nghiệp hiện nay. Thứ năm, liên quan đến thị trường trái phiếu, góc độ của Ngân hàng Nhà nước đang từng bước phối hợp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu, trong đó có việc ban hành Thông tư 03/2023/TT-NHNN.

NHNN đã sử dụng tất cả các công cụ có thể để tác động đến nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Bên cạnh đó, các giải pháp điều hành như hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, các chương trình do địa phương tổ chức… nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn. Trong điều hành của Ngân hàng Nhà nước, trong triển khai của các TCTD đã quyết liệt, kịp thời. Nhưng không có đầu tư mạnh mẽ thì rất khó để tín dụng tăng trưởng.

Trien khai hieu qua chinh sach co cau lai thoi han tra no 3

Bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN báo cáo kết quả hoạt động tín dụng tại hội nghị.

Báo cáo kết quả hoạt động tín dụng trong những tháng đầu năm 2023, bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - cho biết, trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 khoảng 6,5% và lạm phát khoảng 4,5% được Quốc hội, Chính phủ đặt ra, Ngân hàng Nhà nước định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2023 khoảng 14 - 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Trước yêu cầu phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động, kịp thời ban hành và quyết liệt chỉ đạo hệ thống các TCTD triển khai nhiều chính sách, giải pháp về tín dụng nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng nhưng không hạ chuẩn cấp tín dụng nhằm đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống TCTD.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã tích cực, chủ động trong: (i) rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động cấp tín dụng nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động của các TCTD; (ii) Phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam triển khai gói tài chính tiêu dùng lên tới 20.000 tỷ đồng của Công ty Tài chính HD Saison và Công ty Tài chính Ngân hàng Việt Nam thịnh vượng SMBC cho công nhân vay với lãi suất ưu đãi; (iii) Phối hợp các Bộ, ngành, địa phương, các Hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp đẩy mạnh triển khai Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, các Hội nghị tín dụng chuyên đề (DNNVV, Hợp tác xã, nông sản xuất khẩu chủ lực…) nhằm tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng; (iv) Tích cực triển khai chính sách hỗ trợ 2% lãi suất theo quy định tại Nghị định 31...

Bà Hà Thu Giang cũng chia sẻ, riêng đối với lĩnh vực BĐS, thực hiện nhiệm vụ tại Nghị quyết 33/NQ-CP ngày 11/03/2023 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản (BĐS) phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, Ngân hàng Nhà nước đã khẩn trương xây dựng kế hoạch và giao các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước triển khai Nghị quyết. Đồng thời, ngày 24/4/2023 NHNN đã có Công văn số 2931/NHNN-TD chỉ đạo TCTD: (i) tiếp tục dành vốn tín dụng cho các dự án BĐS đủ điều kiện pháp lý, có khả năng tiêu thụ sản phẩm, và đảm bảo kế hoạch trả nợ; nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án nhà ở thương mại giá rẻ có hiệu quả cao; (ii) Kiểm soát rủi ro cấp tín dụng đối với phân khúc BĐS cao cấp đang dư thừa nguồn cung/ BĐS không có nhu cầu thực/ kinh doanh có tính chất đầu cơ BĐS, làm giá, lũng đoạn thị trường BĐS; (iii) kiểm soát mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng/ nhóm khách hàng lớn, khách hàng có liên quan đến cổ đông lớn, người có liên quan của cổ đông của TCTD, cho vay chéo... cân đối tỷ trọng dư nợ cấp tín dụng đối với lĩnh vực BĐS một cách hợp lý, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng. Kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng, việc sử dụng vốn nhất là việc tập trung quá lớn tín dụng vào một số doanh nghiệp trong hệ sinh thái hoặc doanh nghiệp “nội bộ” có nguy cơ rủi ro lớn; (iii) Kịp thời báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về những khó khăn vướng mắc trong công tác tín dụng và báo cáo các Bộ, ngành, cơ quan, địa phương để hỗ trợ các doanh nghiệp, dự án BĐS trong việc giải quyết các vướng mắc khó khăn về quy trình, thủ tục pháp lý, quy định pháp luật trong triển khai thực hiện dự án...

Về chương trình 120.000 tỷ đồng, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai tích cực, có văn bản số 2308/NHNN-TD ngày 01/04/2023 hướng dẫn các nội dung chính về lãi suất, thời gian ưu đãi để đảm bảo triển khai thống nhất cho các NHTM và các khách hàng thuộc đối tượng vay vốn; chương trình đã triển khai từ 01/04/2023. Về phía Bộ Xây dựng đã có Công văn số 1551/BXD-QLN ngày 20/04/2023 về danh mục dự án, đối tượng, điều kiện, tiêu chí được tham gia đầu tư xây dựng, mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.

Nỗ lực tối đa hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế

Chia sẻ về các giải pháp trong thời gian tới, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành tăng trưởng tín dụng theo đúng mục tiêu, định hướng đã đề ra tại Chỉ thị 01 và các văn bản, chỉ đạo triển khai, các chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn nhằm tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng của người dân, doanh nghiệp; đáp ứng yêu cầu phục hồi và phát triển kinh tế.

Tại hội nghị, ông Phạm Chí Quang - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ chia sẻ, thực hiện chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, công cụ điều hành chính sách tiền tệ để tăng lượng tiền cung ứng cho nền kinh tế và giảm lãi suất cho vay hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Thứ nhất, về điều hành thị trường mở, từ đầu năm 2023 đến nay, Ngân hàng Nhà nước điều hành linh hoạt nghiệp vụ thị trường mở nhằm ổn định thanh khoản và lãi suất trên thị trường tiền tệ. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước liên tục duy trì các phiên chào mua giấy tờ có giá (GTCG) với khối lượng, kỳ hạn phù hợp với mục tiêu điều hành CSTT, đảm bảo thanh khoản cho hệ thống TCTD luôn trong trạng thái dư thừa, đáp ứng kịp thời nhu cầu chi trả, thanh toán của nền kinh tế. Kể từ đầu tháng 3 trở lại đây, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh giảm lãi suất chào mua GTCG từ mức 6,0%/năm xuống mức 5,5%/năm và hiện là 5,0%/năm. Với việc điều hành thị trường mở như trên, thời gian qua thanh khoản của hệ thống TCTD được đảm bảo và số dư tiền gửi của TCTD tại Ngân hàng Nhà nước thường xuyên trong tình trạng dư thừa so với số phải dự trữ bắt buộc. Theo đó, lãi suất thị trường liên ngân hàng giảm nhanh, tạo điều kiện để các TCTD có thêm dư địa giảm lãi suất huy động và cho vay đối với nền kinh tế.

Thứ hai, song song với công tác điều hành thanh khoản tiền đồng thì NHNN cũng điều hành rất linh hoạt việc can thiệp thị trường ngoại tệ. Theo đó, từ đầu năm trở lại đây, tỷ giá đồng Việt Nam ổn định so với các đồng tiền khác trong khu vực và Ngân hàng Nhà nước đã mua được ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối. Từ đó góp phần đưa được một lượng lớn tiền đồng vào nền kinh tế để đưa vào lưu thông, tạo sự dồi dào thanh khoản trong hệ thống TCTD.

Thứ ba, cùng với các biện pháp điều hành CSTT nêu trên, Ngân hàng Nhà nước cũng triển khai nhiều biện pháp để giảm mặt bằng lãi suất thị trường. Từ đầu năm đến nay, cùng với tín hiệu nền kinh tế cho thấy có khả năng kiểm soát được lạm phát theo mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đề ra, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động, linh hoạt và nhanh chóng hai lần liên tiếp giảm lãi suất điều hành, giảm trần lãi suất tiền gửi và trần lãi suất cho vay của các TCTD. Trên cơ sở đó một mặt hỗ trợ TCTD tiết giảm chi phí, mặt khác tạo định hướng giảm dần lãi suất trên thị trường. Kết quả của việc điều hành đồng bộ các công cụ nêu trên cho đến nay về cơ bản mặt bằng lãi suất tiền gửi, lãi suất cho vay của thị trường đã giảm đáng kể. Cụ thể, hiện nay lãi suất cho vay mới phát sinh đối với nền kinh tế đã giảm 0,6% so với cuối năm 2022 và tiếp tục có xu hướng giảm trong thời gian tới.

Trien khai hieu qua chinh sach co cau lai thoi han tra no 4

Ông Phạm Chí Quang - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN – phát biểu tại hội nghị.

Ông Phạm Chí Quang cũng cho biết thêm, ngay buổi sáng hôm nay, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo buổi họp cùng với bốn ngân hàng thương mại nhà nước và các Bộ, ngành để bàn một số các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế, hỗ trợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp, hỗ trợ thị trường bất động sản và các định hướng giảm lãi suất cho vay đối với nền kinh tế. Tin vui là bốn Ngân hàng thương mại nhà nước chiếm trên 50% thị trường tín dụng của Việt Nam đều đồng thuận rất cao với chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong việc giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới.

Với định hướng đó và sự cam kết của các NHTM, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục đưa ra nhiều giải pháp chính sách, một mặt hỗ trợ các ngân hàng giảm lãi suất, mặt khác điều hành để tạo thanh khoản ổn định, tạo niềm tin vững chắc cho thị trường trong việc hỗ trợ các TCTD cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế với lãi suất cho vay hợp lý để hỗ trợ cho quá trình phục hồi nền kinh tế trong thời gian tới.

Thông tư số 02 thể hiện trách nhiệm lớn của ngành Ngân hàng

Tại hội nghị, bà Hà Thu Giang đã tóm tắt một số nội dung của Thông tư số 02/2023/TT-NHNN và khẳng định, việc cho phép TCTD thực hiện cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng gặp khó khăn không có khả năng trả nợ TCTD đúng thời hạn sẽ tạo điều kiện cho khách hàng có thể được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, kéo dài thời gian trả nợ mà không phải chuyển nhóm nợ xấu. Qua đó, khách hàng có điều kiện được tiếp cận các khoản vay mới phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, có nguồn tài chính để tìm kiếm việc làm, nguồn thu nhập mới để trả nợ vốn vay tại các TCTD.

Phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Kim Oanh - Phó Tổng giám đốc Vietcombank cho biết, ngay từ đầu năm Vietcombank đã có hai đợt giảm lãi suất mạnh để hỗ trợ khách hàng. Hiện nay ngân hàng cũng đang nghiên cứu các sản phẩm, giải pháp để đẩy nhanh vốn ra thị trường. Bà Oanh cũng đề cập, hiện tại khó khăn nhất đối với việc triển khai tín dụng là sức hấp thụ vốn của nền kinh tế và khả năng sử dụng vốn trong các hoạt động sản xuất - kinh doanh với các dự án, phương án kinh doanh hiệu quả. Vietcombank cam kết đẩy nhanh nhất việc thực thi Thông tư 02 và Thông tư 03; tiếp tục nghiên cứu các cơ chế về quản trị, điều hành để tiết kiệm chi phí trong hoạt động sản xuất - kinh doanh của ngân hàng, tạo điều kiện tiếp tục giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp. Các ngân hàng như Agribank, BIDV, Vietinbank… cũng đồng tình với ý kiến này.

Bà Micheal Wee - Tổng giám đốc Standard Charterbank - cho biết, nhóm Công tác Ngân hàng (BWG) cam kết thực hiện tốt các giải pháp để hỗ trợ khách hàng; đồng thời lấy ý kiến các phòng, ban về Thông tư 02, đưa ra kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước để thực hiện một cách hiệu quả nhất.

Về phía Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hà Nội, Giám đốc Nguyễn Minh Tuấn chia sẻ, thanh khoản trên địa bàn hết sức dồi dào, tuy nhiên khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế chậm. Năng lực của các doanh nghiệp hiện suy giảm nên khó đáp ứng được các điều kiện của ngân hàng. Thông tư 02 là cứu cánh đối với khối doanh nghiệp khi họ đều mong muốn được cơ cấu lại nợ. Thông tư 02 đã đáp ứng được điều đó và còn mở rộng hơn so với trước.

Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, việc ban hành Thông tư 02 thể hiện trách nhiệm rất lớn của ngành Ngân hàng. Trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế, các TCTD đã giảm lãi suất đầu vào, lãi suất cho vay; lựa chọn dự án tốt để cho vay… nhưng cần có cái nhìn tổng quan, các doanh nghiệp đang rất khó khăn, sức hút vốn của nền kinh tế cũng gặp khó, nên dù lãi suất có thấp nữa thì nhiều doanh nghiệp cũng không vay. Vậy nên, việc ban hành Thông tư 02 là cần thiết.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thống đốc Thường Đào Minh Tú đề nghị, trong giai đoạn hiện nay và sắp tới, theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, các cấp lãnh đạo từ Ngân hàng Nhà nước, NHTM cần tập trung vào các nội dung sau:

Một là, coi công tác tín dụng là quan trọng; cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, dành thời gian, dành sự quan tâm cho lĩnh vực này, là nhiệm vụ chính để tháo gỡ cho nền kinh tế; Tập trung huy động, cho vay, để đẩy mạnh khối lượng nhưng vẫn phải đảm bảo chất ượng tín dụng.

Hai là, chia sẻ với doanh nghiệp và nền kinh tế. Đây vừa là mong muốn, là lời hiệu triệu, vừa là chỉ đạo của Chính phủ. Các NHTM có thẩm quyền quyết định lãi suất, quyết định cho vay, nhưng vẫn phải đảm bảo hài hòa với mặt bằng lãi suất chung, vì hoạt động ngân hàng là hoạt động có điều kiện; Phải có tinh thần hỗ trợ; quan tâm đến hiệu quả, chia sẻ với doanh nghiệp, khách hàng, hỗ trợ cho nền kinh tế, tập trung vào các dự án lớn, trọng điểm của địa phương.

Ba là, trong bối cảnh hiện nay với nhiều khó khăn cả với doanh nghiệp, khách hàng tư nhân và cả với ngành Ngân hàng, cần chủ động đề xuất, kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước về cơ chế, chính sách, những khó khăn để tháo gỡ chung; kiến nghị, đề xuất với chính quyền địa phương; những gì thuộc cơ chế, chính sách của Chính phủ, Trung ương; hỗ trợ, tư vấn cho doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn về thủ tục, tiêu thụ sản phẩm, dòng tiền, pháp lí…

Trien khai hieu qua chinh sach co cau lai thoi han tra no 2

Quang cảnh hội nghị.

Đối với các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Phó Thống đốc yêu cầu:

Một là, tiếp tục triển khai có hiệu quả Chỉ thị 01, nhất là những nội dung thuộc trách nhiệm của TCTD.

Hai là, hướng dòng vốn vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn, nhưng không hạ chuẩn tín dụng; tiếp tục rà soát, cải tiến, cắt gọn quy trình, thủ tục phức tạp.

Ba là, các TCTD quán triệt nội dung văn bản số 2931 (ngày 24/4) liên quan đến cho vay bất động sản. Quan điểm về cho vay BĐS từ trước đến nay là nhất quán, có sự kiểm soát những phân khúc rủi ro. Bốn NHTM NN cần tuyên truyền rộng rãi về gói 120 nghìn tỉ đồng, công bố ngay các dự án đã thực hiện được; báo cáo những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện. Các NHTM khác quan tâm có thể tham gia ngay.

Bốn là, tiếp tục triển khai gói hỗ trợ 2%, không được từ chối những doanh nghiệp đủ điều kiện và phải chịu trách nhiệm với Trung ương.

Năm là, tiếp tục đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng.

Sáu là, về lãi suất, tiếp tục triển khai các giải pháp để tiết giảm chi phí, giảm mặt bằng lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Hiệp hội Ngân hàng tiếp tục vận động các NHTM nhà nước, NHTM quy mô lớn giảm lãi suất để có mặt bằng lãi suất hợp lý hơn.

Về Thông tư 02, Phó Thống đốc đề nghị các NHTM sớm ban hành quy chế nội bộ, nhưng không làm tăng thêm những điều kiện, thủ tục khó khăn, phản ánh đúng, thực chất; tuyên truyền, phổ biến để các doanh nghiệp, hiệp hội cùng nắm được; nếu có khó khăn, vướng mắc thì kiến nghị về Ngân hàng Nhà nước (Vụ Tín dụng các ngành kinh tế đầu mối).

Phó Thống đốc cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố chỉ đạo các NHTM trên địa bàn tập trung thực hiện tốt Chỉ thị 01; triển khai chương trình tín dụng đặc thù; gói 120 nghìn tỉ bám sát chính sách của địa phương, dự án mà địa phương công bố, phối hợp với chính quyền địa phương khi có vấn đề cần thiết, hỗ trợ việc cho vay của bốn NHTM nhà nước; tập trung chỉ đạo việc triển khai Nghị định 31 về gói hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách; triển khai tốt Thông tư 02, vừa hỗ trợ, vừa theo dõi, giám sát việc thực hiện; thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách; tăng cường thông tin, truyền thông…

Với các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế tiếp tục theo dõi công tác tín dụng toàn ngành; kịp thời báo cáo những vấn đề phát sinh; đánh giá thực trạng khó khăn, vướng mắc chung về hoạt động tín dụng, triển khai Thông tư 02. Vụ Chính sách tiền tệ cần theo dõi sát thị trường lãi suất, chỉ đạo chung của Thủ tướng và ngành Ngân hàng, phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng vận động các ngân hàng hạ lãi suất… Cơ quan Thanh tra, giám sát theo dõi sát triển khai Thông tư 02; xây dựng kế hoạch thanh tra, giám sát…

Theo SBV

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay