Thứ năm, 26/12/2024
   

TP. Hồ Chí Minh: Tín dụng tạo lập dòng tiền tháo gỡ các điểm nghẽn kinh tế

Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết, tăng trưởng tín dụng tạo lập dòng tiền tháo gỡ các điểm nghẽn của nền kinh tế.

Ngày 13/6, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP. Hồ Chí Minh công bố tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 5/2024 trên địa bàn tăng 0,61% so với cuối tháng liền kề, tăng 1,93% so với cuối năm trước và tăng 9,83% so với cùng thời điểm năm 2023.

tín dụng

Như vậy, tăng trưởng tín dụng ở TP. Hồ Chí Minh đã duy trì tốc độ tăng trưởng dương liên tục từ tháng 2 đến nay.

Riêng khu công nghiệp - khu chế xuất vẫn giữ được tăng trưởng tín dụng cao từ nhiều năm nay, tính đến cuối tháng 5/2024 tín dụng vào các doanh nghiệp trong khu vực này tăng 3,5% so với cuối năm trước và tăng 8,9% so với cùng kỳ.

Chính sách tín dụng nông nghiệp - nông thôn cũng là một trong những lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Theo đó, tính đến cuối tháng 5/2024, dư nợ cho vay vào lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn tăng 4% so với cuối năm 2023 và tăng 24% so với cùng kỳ.

Mặc dù là một đô thị lớn và đang có tốc độ đô thị hóa nhanh, nhưng hoạt động cho vay nông nghiệp - nông thôn ở TP. Hồ Chí Minh có quy mô lớn và tốc độ tăng trưởng cao. Theo đó, đến cuối tháng 5/2024, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã cho vay nông nghiệp - nông thôn với khoảng 1,63 triệu hộ nông dân, doanh nghiệp, dư nợ đạt hơn 351.302 tỷ đồng.

Các gói tín dụng ưu đãi lãi suất như gói tín dụng lâm - thủy sản của các ngân hàng thương mại và các ngân hàng cho vay nông nghiệp nông thông theo chính sách tín dụng của Chính phủ tăng trưởng là yếu tố chính tác động tích cực đến hoạt động tín dụng lĩnh vực này trên địa bàn trong 5 tháng đầu năm.

Mặc dù tín dụng chung có tăng trưởng, song tốc độ tăng trưởng thấp, điều này cho thấy khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu.

Lãi suất cho vay của các ngân hàng thời gian qua ở mức thấp trong nhiều thời điểm và giai đoạn qua. Lãi suất thấp sẽ tạo điều kiện giảm giá thành hàng hóa, giảm giá bán ra thị trường, giữ mặt bằng giá cả ở mức thấp. Điều này còn là một cơ hội cho bình ổn thị trường đối với những mặt hàng thiết yếu và thực hiện chính sách an sinh xã hội.

Theo chương trình cho vay bình ổn thị trường ở TP. Hồ Chí Minh, từ đầu năm 2024 đến nay, các tổ chức tín dụng giải ngân được 5.375 tỷ đồng đối với 32 doanh nghiệp, trong đó 14 doanh nghiệp bình ổn và 18 doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng.

Tín dụng tăng trưởng khá ở TP. Hồ Chí Minh, còn do hệ thống ngân hàng trên địa bàn đã tích cực thực hiện kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, thông qua cầu nối là Ngân hàng Nhà nước thành phố và chính quyền quận, huyện thành phố.

Theo đó, trong gói tín dụng ưu đãi trị giá hơn 500.000 tỷ đồng thực hiện thông qua chương trình kết nối ngân hàng đến nay đã giải ngân được trên 200.000 tỷ đồng, chiếm 40,6% quy mô gói đăng ký cam kết. Trong đó, có gần 70.000 khách hàng, doanh nghiệp nhận giải ngân và hỗ trợ từ gói này thông qua các chính sách giảm lãi vay, gia hạn nợ và không chuyển nhóm nợ, cho vay mới với lãi suất thấp và áp dụng chính sách ưu đãi của các chương trình tín dụng của Ngân hàng Nhà nước như cho vay 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên, cho vay ngoại tệ đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu…

Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết, việc duy trì tốc độ tăng trưởng tín dụng tạo lập dòng tiền, luân chuyển vốn tháo gỡ các điểm nghẽn tín dụng trong nền kinh tế. Theo đó, tín dụng không chỉ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp gặp khó mà đối với các doanh nghiệp hoạt động bình thường, nhất là trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh là động lực tăng trưởng của nền kinh tế sẽ có ý nghĩa lan tỏa mạnh mẽ. Doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, có dòng tiền và trả nợ ngân hàng tạo luân chuyển vốn và tác động hiệu ứng đối với các doanh nghiệp, ngành nghề, lĩnh vực khác phục hồi và tăng trưởng.

 
Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay