Chủ nhật, 22/12/2024
   

Phó Thống đốc Đào Minh Tú làm việc với ngành Ngân hàng Đà Nẵng về công tác tín dụng

Chiều 6/6/2024, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú làm việc với ngành Ngân hàng TP. Đà Nẵng về công tác tín dụng 6 tháng đầu năm 2024. Phó Thống đốc Đào Minh Tú và ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Đà Nẵng đồng chủ trì buổi làm việc.
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại buổi làm việc với ngành Ngân hàng TP. Đà Nẵng về công tác tín dụng 6 tháng đầu năm 2024
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại buổi làm việc với ngành Ngân hàng TP. Đà Nẵng về công tác tín dụng 6 tháng đầu năm 2024

Phát biểu mở đầu buổi làm việc, Phó Thống đốc cho hay, thời gian qua, Chính phủ và NHNN triển khai rất nhiều giải pháp như hàng chục công điện của Thủ tướng liên quan đến hoạt động ngân hàng, mà cụ thể là tháo gỡ khó khăn để đẩy mạnh đầu tư tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh. Cùng với đó, nhiều Thông tư, Chỉ thị của NHNN cũng được triển khai trong toàn hệ thống ngân hàng...

Theo Phó Thống đốc, Đà Nẵng là thành phố lớn trực thuộc Trung ương, nhưng tăng trưởng tín dụng trong những tháng đầu năm 2024 rất thấp, chỉ 0,09% trên tổng dư nợ, nên NHNN rất quan tâm, đã cấp tốc vào làm việc cùng với ngành Ngân hàng TP.Đà Nẵng để tìm hiểu nguyên nhân và phải kịp thời có giải pháp tháo gỡ.

Mở đầu buổi làm việc Phó Thống đốc Đào Minh Tú gợi mở, vì những lý do gì mà Đà Nẵng tăng trưởng tín dụng không quá 1%? Vì sao tín dụng tăng chậm? Làm thế nào để tín dụng tăng nhanh? Vậy nên, NHNN muốn lắng nghe những ý kiến thực tế từ địa phương, các chi nhánh NHTM, các doanh nghiệp cũng như đại diện các hội, hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn... để NHNN có những giải pháp hỗ trợ kịp thời.

Ông Võ Minh, Giám đốc NHNN chi nhánh TP.Đà Nẵng cho biết, thời gian qua, chi nhánh đã tăng cường chỉ đạo các TCTD trên địa bàn tuân thủ các chủ trương, quy định về lãi suất tiền gửi và cho vay của NHNN. Đồng thời, qua nhiều văn bản chỉ đạo thường xuyên yêu cầu các TCTD tận dụng nguồn lực, tiết giảm chi phí hoạt động để giảm lãi suất cho vay, tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng.

Theo ông Minh, ước tính đến cuối tháng 5/2024, tổng huy động vốn trên địa bàn đạt 197.000 tỷ đồng, tăng 3,14% so với cuối năm 2023; dư nợ cho vay khoảng 220.000 tỷ đồng, tăng 0,09% so với cuối năm 2023.

Trong khi đó, kết quả cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN, đến 30/4/2024, trên địa bàn có 38 TCTD triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ; lũy kế tổng giá trị nợ (gốc và lãi) được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ (từ 24/4/2023 đến 30/4/2024) khoảng 5.855 tỷ đồng, với 647 lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

Trong đó, các ngành được hỗ trợ chiếm tỷ trọng cao như: bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác có 103 khách hàng, doanh số đạt 2.015 tỷ đồng; xây dựng có 125 khách hàng, doanh số đạt 1.422 tỷ đồng; kinh doanh bất động sản có 49 khách hàng, doanh số đạt 1.007 tỷ đồng.

Ông Võ Minh, Giám đốc NHNN chi nhánh TP. Đà Nẵng báo cáo tình hình hoạt động của ngành Ngân hàng TP. Đà Nẵng tại buổi làm việc
Ông Võ Minh, Giám đốc NHNN chi nhánh TP. Đà Nẵng báo cáo tình hình hoạt động của ngành Ngân hàng TP. Đà Nẵng tại buổi làm việc

Triển khai Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết số 33/NQ-CP, chi nhánh đã phối hợp với Sở Xây dựng thành phố công bố danh mục 4 dự án đủ điều kiện có nhu cầu vay vốn theo chương trình.

Đến quý I/2024, các TCTD trên địa bàn cam kết cho vay theo Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp đạt hơn 2.485 tỷ đồng, số tiền giải ngân từ đầu năm hơn 1.375 tỷ đồng, dư nợ cho vay 1.725 tỷ đồng cho 301 doanh nghiệp. Bên cạnh đó, thông qua chương trình kết nối, các TCTD giảm lãi suất cho 15 doanh nghiệp trên tổng dư nợ được giảm lãi suất gần 334 tỷ đồng…

Cũng theo ông Võ Minh, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của ngành Ngân hàng trên địa bàn vẫn còn những khó khăn, hạn chế. Trong đó, phải kể đến, việc tăng trưởng tín dụng rất khó khăn; chỉ tăng 0,9% những tháng đầu năm 2024. Nguyên nhân chính do sức cầu tín dụng còn yếu. Trên thực tế, Đà Nẵng cũng như các địa phương khác, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn thấp khi chi phí đầu vào, nguyên vật liệu nhập khẩu cao. Thị trường đầu ra và đơn hàng của doanh nghiệp suy giảm, doanh thu khách hàng suy giảm, hồ sơ không đủ điều kiện để xét duyệt vay vốn, không còn tài sản thế chấp để mở rộng nguồn vốn vay…

Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh phát biểu tại buổi làm việc
Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh phát biểu tại buổi làm việc

Việc triển khai các chương trình tín dụng như gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, gói tín dụng 15.000 tỷ đồng cho vay lâm sản, thủy sản còn chậm và chưa đạt kết quả như kỳ vọng. Một số TCTD còn gặp khó khăn trong công tác xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ. Bởi, phần lớn tài sản đảm bảo của khách hàng gặp khó khăn là bất động sản. Thế những hiện nay việc xử lý thu hồi gặp nhiều trở ngại do thị trường bất động sản trầm lắng, thanh khoản thị trường thấp, thậm chí một số phân khúc không có giao dịch. Cùng đó, công tác thu hồi nợ đến hạn, nợ xấu, nợ sau xử lý gặp nhiều khó khăn do một số khoản nợ trong quá trình tố tụng nhưng thời gian xử lý của tòa án kéo dài…

Tại buổi làm việc, đại diện các doanh nghiệp, hội doanh nghiệp, Hiệp hội DNNVV TP. Đà Nẵng đã nêu lên những vấn đề thực tế còn tồn tại dẫn đến khó tăng trưởng tín dụng trong thời gian qua. Ông Nguyễn Đức Trị, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Dệt may Hòa Thọ cho rằng, Hòa Thọ là một doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam và hoạt động khá hiệu quả trong lĩnh vực dệt may với doanh số trên 5.000 tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, có thời điểm doanh nghiệp cũng đối mặt với những thách thức như lãi suất cao, tỷ giá tăng…

“Tôi cho rằng, có 3 nguyên nhân dẫn đến khó tăng tín dụng trong thời gian qua là do suy thoái kinh tế, sức mua giảm mạnh, sản xuất kinh doanh khó khăn, kéo theo tăng tín dụng khó. Vậy nên, để tăng trưởng tín dụng, các TCTD cần phải đồng hành cùng doanh nghiệp, chung tay tháo gỡ những khó khăn… Các TCTD nên hạ và ổn định lãi suất cho vay để giảm bớt áp lực đối với doanh nghiệp. Đồng thời, doanh nghiệp mong muốn tỷ giá ngoại hối và lãi suất cho vay phải luôn duy trì sự ổn định. Do đó, NHNN cần có chính sách điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, phù hợp với thị trường để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh”, ông Trị kiến nghị.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh nhấn mạnh, với nhiều nỗ lực ở địa phương, trong đó có sự góp sức tích cực của ngành Ngân hàng TP. Đà Nẵng. Thời gian gần đây, kinh tế thành phố đã có những khởi sắc. Vì vậy, thời gian tới, ngành Ngân hàng thành phố cần tiếp tục hỗ trợ chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các DNNVV ở địa phương trên tinh thần cùng đồng hành, cùng chia sẻ để vượt qua thời điểm khó khăn.

Còn ông Phạm Bắc Bình, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Đà Nẵng, Tổng Giám đốc Công ty Vận tải Bình Vinh thông tin, nhiều doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội phản ảnh về các thủ tục của TCTD còn nhiều hạn chế, chưa phù hợp với thực tế. Ví dụ, việc việc thẩm định lại tài sản sau 3 năm; đồng thời, Công ty thẩm định phải là công ty nằm trong danh sách do ngân hàng cung cấp. Đây là vấn đề rất bất cập, gây tốn kém cho doanh nghiệp. Vì phí thẩm định cao gấp 2-3 lần so với các công ty thẩm định không nằm trong danh sách ngân hàng cung cấp. Vậy có hay không đây là câu chuyện lợi ích nhóm...

Theo ông Bình, những vấn đề này vô hình trung làm cản trở việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp khi mà tiền của ngân hàng không giải ngân được thì nền kinh tế gặp khó khăn, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh không hiệu quả... Do đó, sự quan tâm của NHNN có buổi làm việc này để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp là rất đáng hoan nghênh. Hi vọng sẽ kịp thời có giải pháp tháo gỡ được những vướng mắc trong việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp...

Còn đại diện Hội Doanh nhân trẻ TP.Đà Nẵng cho hay, qua đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp khó khăn, dẫn đến bị nhảy nhóm tín dụng. Vậy nên, kiến nghị NHNN làm thế nào đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp tái tiếp cận tín dụng. Mặc dù, doanh nghiệp đã trả hết nợ, nhưng khi đi vay lại thì bị từ chối vay do "dính" nợ xấu. Vì vậy, NHNN cần có cơ chế hỗ trợ cho những doanh nghiệp từng bị nhảy nhóm nợ có mong muốn quay lại thị trường được tiếp cận vốn vay.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Thống đốc Đào Minh Tú đánh giá cao sự nỗ lực của ngành Ngân hàng TP. Đà Nẵng trong thời gian qua… Những vấn đề mà doanh nghiệp và Hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn nêu lên là rất xác thực với tình hình tế. Rất thông cảm với những khó khăn của các chi nhánh NHTM, NHNN. Tuy nhiên, các NHTM phải tiếp tục cố gắng để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng chính là tháo gỡ khó khăn cho ngân hàng...

Nguyên nhân tăng trưởng tín dụng thấp cũng đến từ nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. Trong đó, suy thoái kinh tế, sức mua kém, doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh dẫn đến sức hấp thụ vốn còn hạn chế...

Phó Thống đốc nhấn mạnh, ngành Ngân hàng không thiếu vốn. Trong bối cảnh như hiện nay, nhằm đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, yêu cầu ngành Ngân hàng trên địa bàn tiếp tục vào cuộc với tinh thần mạnh dạn, quyết liệt nỗ lực vượt qua khó khăn, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng trong tiếp cận vốn. Không để xảy ra tình trạng khách hàng đủ điều kiện mà không được tiếp cận vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng chính đáng.

Các TCTD trên địa bàn tiếp tục triển khai các giải pháp tăng trưởng tín dụng đúng, trúng mục tiêu, an toàn, hiệu quả, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng của nền kinh tế; cấp tín dụng hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, động lực tăng trưởng kinh tế ở Đà Nẵng. Tăng cường rà soát, đơn giản hóa quy trình và thủ tục cấp tín dụng, tối ưu hóa áp dụng chuyển đổi số vào quy trình cấp tín dụng, tiết giảm chi phí để phấn đấu giảm lãi suất cho vay; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng…

Phó Thống đốc cũng yêu cầu các TCTD trên địa bàn tiếp tục triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định của Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, đảm bảo thực hiện đúng quy định, giám sát chặt chẽ, an toàn, phòng ngừa, ngăn chặn việc lợi dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ để trục lợi. Tiếp tục tăng cường công tác thông tin, truyền thông, hướng dẫn khách hàng, đối tượng thụ hưởng trong tiếp cận chính sách. Chú trọng truyền thông rõ ràng, đầy đủ, minh bạch, chính xác về các chính sách, sản phẩm, dịch vụ của TCTD đến công chúng...

"Đà Nẵng - địa phương bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 sớm và nặng nề, du lịch, dịch vụ là những ngành mũi nhọn phải gánh chịu hậu quả khốc liệt nhất. Đến nay, do khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã rút lui khỏi thị trường, ảnh hưởng đến tăng trưởng dư nợ tín dụng. Agribank Đà Nẵng có thời điểm cơ cấu đến 4.000 tỷ đồng dư nợ...Trong tháng 6/2024, hy vọng tín dụng sẽ tăng trở lại, mới đây chi nhánh đã ký kết hợp đồng đồng tài trợ tín dụng gần 1.000 tỷ đồng đối với dự án điện, Chi nhánh sẽ nỗ lực để tăng trưởng tín dụng trở lại,..”, ông Đoàn Phúc, Phó Giám đốc Agribank Đà Nẵng cho biết.

Theo SBV
Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay