Thứ sáu, 22/11/2024
   

Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Tín dụng xanh là vấn đề "cấp bách"

Đó là khẳng định của Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú tại Hội thảo “Tín dụng xanh - Việt Nam không thể chậm chân với Net Zero” do báo Lao Động phối hợp cùng Ngân hàng Nhà nước tổ chức sáng 9/9.

Pho_Thong_doc_Dao_Minh_Tu_Tin_dung_xanh_la_van_de_cap_bach_1.jpg

Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú phát biểu tại Hội thảo

Ngành Ngân hàng nỗ lực thúc đẩy tín dụng xanh

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang dần trở thành thách thức lớn nhất đối với nhân loại với những nguy cơ đe dọa tính mạng con người và tài sản của nhiều quốc gia thì việc ứng phó với biến đổi khí hậu và phục hồi thiên nhiên đã trở thành ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển kinh tế của các quốc gia trên thế giới. Tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, giảm dần sử dụng các nguyên liệu hóa thạch và tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong phát triển kinh tế đang là xu thế và hướng đi của nhiều nền kinh tế, đặc biệt đối với các quốc gia đang phát triển, để ứng phó có hiệu quả với những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.

Là một trong số những quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu, Phó Thống đốc cho biết, trong thời gian qua Việt Nam luôn chủ động và tích cực triển khai nhiều hoạt động vừa ứng phó với biến đổi khí hậu, vừa hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Minh chứng là những cam kết mạnh mẽ của Thủ tướng Chính phủ và những đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) với quyết tâm đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050 đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, qua đó mở ra nhiều cơ hội hợp tác về tăng trưởng ít phát thải, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo đà thuận lợi để Việt Nam phát triển nhanh và bền vững. Để hiện thực hoá mục tiêu trên, Ban Chỉ đạo quốc gia về triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 đã được thành lập với sự tham gia của nhiều Bộ, cùng với các chương trình, nhiệm vụ cụ thể, khẳng định quyết tâm, trách nhiệm của Việt Nam đối với cộng động quốc tế.

Thời gian vừa qua, Việt Nam và thế giới đã phải đối mặt với những khó khăn, thách thức chưa từng có như đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, suy giảm kinh tế toàn cầu… Cùng với cả nước, ngành Ngân hàng đã tích cực, chủ động và sáng tạo trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về tiền tệ, tín dụng ngân hàng nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, đối phó với tác động tiêu cực, duy trì ổn định sản xuất kinh doanh, qua đó góp phần vào sự phục hồi, ổn định của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng luôn tích cực và nỗ lực hướng đến các mục tiêu mà Chính phủ đã đặt ra trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam; ban hành Chương trình hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh phù hợp với từng giai đoạn thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia; ban hành Thông tư hướng dẫn các tổ chức tín dụng quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng; lồng ghép mục tiêu tăng dần tỷ trọng dư nợ tín dụng xanh trong tổng dư nợ tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng trong Chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến 2030, tạo cơ sở định hướng kinh doanh cho các tổ chức tín dụng...

Để đề xuất các giải pháp hiệu quả để góp phần thúc đẩy tín dụng xanh, ngân hàng xanh, kế hoạch phát triển thị trường vốn, tham gia thị trường carbon để tập trung nguồn lực phát triển bền vững tại Việt Nam, Phó Thống đốc mong muốn Hội thảo tập trung trao đổi, thảo luận vào các vấn đề chính đó là: Đánh giá vị trí, vai trò của tín dụng xanh, ngân hàng xanh góp phần thực hiện các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, thực hiện Đề án triển khai kết quả Hội nghị COP26 và thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050; Đánh giá sự phù hợp của cơ chế, chính sách tín dụng thúc đẩy tín dụng xanh, ngân hàng xanh của Việt Nam trong thời gian qua, kết quả đạt được, khó khăn, vướng mắc, hạn chế, nguyên nhân,... Đánh giá cơ hội và thách thức của ngành ngân hàng trong việc tham gia đóng góp nguồn lực để Việt Nam hiện thực hóa cam kết Net Zero vào năm 2050, kinh nghiệm quốc tế. Các điều kiện và giải pháp từ cơ quan quản lý Nhà nước để tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng phát triển tín dụng xanh, cũng như tham gia các thị trường tài chính xanh, thị trường cacbon để tập trung huy động nguồn lực cho phát triển bền vững của Việt Nam.

“Thông qua đây sẽ gợi mở những cách thức, hướng đi mới, đóng góp thiết thực giúp các cơ quan quản lý Nhà nước kịp thời hoàn thiện cơ chế góp phần thúc đẩy huy động nguồn lực xanh cho phát triển bền vững, đồng thời tạo thuận lợi cho các tổ chức tín dụng tận dụng các cơ hội tham gia thị trường tài chính xanh, phát triển tín dụng xanh, ngân hàng xanh”, Phó Thống đốc kỳ vọng.

Theo ông Tú, gần đây, rất nhiều hiệp hội, doanh nghiệp đã đặt ra vấn đề khi đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội, làm sao để tiếp cận nguồn vốn, nguồn lực để đầu tư cho các dự án. Tiêu biểu với dệt may, họ nói đây là cơ hội và không thể chậm chân trong tiếp cận với những quy định trong chứng chỉ carbon. Bởi sau này tất cả những sản phẩm xuất khẩu ra thế giới sẽ đều quy định có những chứng chỉ tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường.

“Nền kinh tế xanh nói chung và tín dụng xanh nói riêng đang rất thời sự. Đây là vấn đề cấp bách và không thể chậm trễ trong chuyển đổi” - ông Tú nhấn khẳng định.

Đồng thời cho biết, thời gian vừa qua ngành ngân hàng đã tích cực chuyển đổi số. Hoạt động giảm thiểu tối đa sử dụng giấy tờ. Có nhiều ngân hàng đã số hoá hoàn toàn, sử dụng robot tự động, qua đó xanh hoá chính bản thân mình, từ đó có sức lan toả ra cộng đồng.

Tín dụng xanh

Quang cảnh Hội thảo “Tín dụng xanh - Việt Nam không thể chậm chân với Net Zero”

Thành lập bộ phận đi trước đón đầu để thẩm định rủi ro ESG

Dù tích cực chuyển đổi xanh, tuy nhiên lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng nhìn nhận vẫn còn những tồn tại, vướng mắc.

Thứ nhất, các quy định về ngân hàng xanh, tín dụng xanh về cơ bản mới chỉ mang tính chất định hướng, khuyến khích các tổ chức tín dụng thực hiện mà chưa mang tính bắt buộc.

Thứ hai, nhiều ngân hàng chưa xây dựng được quy định nội bộ về quản lý rủi ro môi trường và xã hội, chưa có đơn vị/bộ phận chuyên trách về quản lý rủi ro môi trường và xã hội.

Thứ ba, kiến thức, kinh nghiệm của các cán bộ ngân hàng thực hiện công tác thẩm định và phê duyệt cấp tín dụng liên quan đến các vấn đề môi trường xã hội nhìn chung còn rất hạn chế.

Thứ tư, cơ chế huy động tạo nguồn vốn cho tín dụng xanh còn hạn chế. Việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi dành cho tín dụng xanh từ các tổ chức tài chính quốc tế còn gặp nhiều khó khăn.

Ngoài ra, trong quá tình theo dõi và giám sát, Phó Thống đốc nhấn mạnh mức độ nhận thức của đội ngũ ngũ cán bộ trong các ngân hàng, tổ chức tín dụng trong chuyển đổi xanh vẫn một số hạn chế. Trong khi đây lại là xu hướng không thể không triển khai. Có một số ngân hàng rất chủ động, tiên phong nhưng số khác lại chậm chân. Đây sẽ là thiệt thòi và khiến chính những ngân hàng đó đánh mất đi cơ hội lớn. Do đó ông Tú đề xuất các ngân hàng, tổ chức tín dụng cần thành lập những bộ phận đi trước đón đầu để thẩm định rủi ro ESG.

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay