Đây là số liệu được ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chi nhánh TP. Hồ Chí Minh chia sẻ. So với các năm trước đây, tốc độ tăng trưởng này thấp hơn, tín dụng năm 2022 tăng 13,8%, năm 2021 tăng 11,9% và năm 2020 tăng 10,4%.
Tuy nhiên, kết quả tăng trưởng tín dụng như vậy được đánh giá là mức tăng trưởng hợp lý và đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn cho tăng trưởng và phát triển kinh tế xã hội thành phố.
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, kết quả này phản ánh trên 3 phương diện:
Thứ nhất, diễn biến của tình hình tín dụng, tăng trưởng tín dụng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh trong năm 2023 phản ánh hiệu ứng chính sách và theo đúng định hướng điều hành của Ngân hàng Nhà nước.
Cơ cấu tín dụng giữa VND và ngoại tệ; giữa ngắn hạn và trung dài hạn không thay đổi, song dư nợ tín dụng VND tăng trưởng cao hơn, tăng 10,8%; dư nợ ngắn hạn tăng 13,6%, trong khi đó dư nợ trung dài hạn tăng 6,5%. Diễn biến này phù hợp và phản ánh hiệu ứng chính sách, trong đó lãi suất cho vay VND thấp, kích thích tăng trưởng tín dụng tiền đồng.
Bên cạnh đó, tín dụng ngắn hạn tăng trưởng cao hơn và phản ánh định hướng tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế như cho vay xuất khẩu; cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa; cho vay nông nghiệp & nông thôn; cho vay công nghiệp hỗ trợ và cho vay doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao…
Thứ hai, tăng trưởng tín dụng phù hợp và đáp ứng nhu cầu vốn cho tăng trưởng kinh tế thành phố. Mặc dù tốc độ tăng trưởng tín dụng trên địa bàn trong năm 2023 so với các năm trước đây thấp hơn và thấp hơn so với định hướng tăng trưởng tín dụng năm song nếu đặt trong mối liên hệ về vấn đề đáp ứng vốn cho nền kinh tế và tốc độ tăng trưởng kinh tế thành phố năm 2023, thì đây là mức tăng trưởng hợp lý, phù hợp.
Năm 2023, tăng trưởng kinh tế thành phố đạt 5,81%, mức tăng trưởng tín dụng là 9,8%; tỷ lệ dư nợ tín dụng so với GRDP của thành phố năm 2023 là 220%, trong khi đó tỷ lệ này năm 2022 là 218%; năm 2021 là 214% và năm 2020 là 185%. Điều này không chỉ phản ánh quy mô tín dụng mà còn phản ánh vai trò nguồn vốn tín dụng ngân hàng cho tăng trưởng và phát triển thành phố luôn là nguồn vốn quan trọng và chủ yếu.
Thứ ba, hoạt động tín dụng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh làm tốt nhiệm vụ chính sách tiền tệ và nhiệm vụ địa phương đó là hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thành phố.
Trong đó, ngành ngân hàng thành phố đã thực hiện hỗ trợ 2% lãi suất theo Nghị định 31 của Chính phủ, với doanh số cho vay đạt gần 81 nghìn tỷ đồng, chiếm 36% so với cả nước, cho 429 doanh nghiệp; thực hiện cơ cấu lại nợ giữ nguyên nhóm nợ đạt 39.660 tỷ đồng, cho 36.763 khách hàng; cho vay ngắn hạn bằng tiền đồng đối với 5 nhóm ngành lĩnh vực ưu tiên với lãi suất không quá 4%/năm đạt gần 200 nghìn tỷ đồng; tổ chức thực hiện gói tín dụng 120.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực nhà ở xã hội để hỗ trợ thị trường BĐS, giải ngân gói tín dụng 15.000 tỷ đồng cho lĩnh vực lâm sản thủy sản đạt doanh số gần 500 tỷ đồng cho 200 khách hàng…
Song song với đó, các gói tín dụng cho vay tiêu dùng, chương trình tín dụng chính sách góp phần thực hiện hiệu quả hoạt động bảo đảm an sinh xã hội, tạo công ăn việc làm cũng như phòng chống tín dụng đen cũng được thực hiện khá tốt.
Bên cạnh đó, chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp không chỉ tạo điều kiện hỗ trợ vốn, nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp và người dân mà còn góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông qua việc làm tốt công tác truyền thông chính sách của Ngân hàng Nhà nước về giảm lãi suất cho vay doanh nghiệp, cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp, giải ngân các gói tín dụng ưu đãi… Kết quả đã tổ chức 34 hội nghị, với tổng số tiền cho vay, giải ngân gói tín dụng ưu đãi đạt 633 nghìn tỷ đồng, cho 176.891 khách hàng, tăng 11% so với năm 2022 - là số tiền hỗ trợ cao nhất của chương trình trong 10 năm qua.
Nhờ đó, hoạt động tín dụng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh năm 2023 đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chính sách tiền tệ và nhiệm vụ phát triển kinh tế địa phương.
VP TPHCM