Chủ nhật, 29/09/2024
   

Thực tiễn xử lý tài sản bảo đảm của các Ngân hàng thương mại tại Thành phố Hồ Chí Minh

Công tác quản lý, chỉ đạo giải quyết hồ sơ thi hành án dân sự liên quan đến các ngân hàng và tổ chức tín dụng là một trong những công việc trọng tâm, góp phần hỗ trợ hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh giải quyết nợ xấu và nâng cao hiệu quả công tác thi hành

Thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm (2016 - 2021) về chú trọng thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát triển bền vững, phát triển văn hoá - xã hội; bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; kiên quyết, kiên trì xử lý nợ xấu và các ngân hàng thương mại yếu kém, những năm qua Cục THADS thành phố Hồ Chí Minh luôn chú trọng công tác quản lý, chỉ đạo giải quyết hồ sơ thi hành án dân sự liên quan đến các ngân hàng và tổ chức tín dụng khác, xác định việc tổ chức thi hành án này là một trong những công việc trọng tâm, góp phần hỗ trợ hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố giải quyết nợ xấu và nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự nói chung.

1. Kết quả THA liên quan đến các tổ chức tín dụng, ngân hàng
Căn cứ Quy chế số 01/QCLN/NHNNVN-BTP ngày 18/3/2015 giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh và CụcTHADS Thành phố đã ban hành Quy chế phối hợp số 13083/CNNHNNVNCTHADS ngày 19/8/2015 để triển khai thực hiện trên địa bàn.

Kết quả thi hành án liên quan đến tổ chức tín dụng Ngân hàng tại Thành phố trong 03 năm gần đây như sau:

- Năm 2018 (từ ngày 01/10/2017 đến 30/9/2018): Số việc phải giải quyết là 3.192 việc, tương ứng với số tiền là 36.318 tỷ 155 triệu272 ngàn đồng (chiếm 2,87% về việc và 52,53% về tiền so với tổng số việc và tiền phải giải quyết). Kết quả đã giải quyết được về việc là 527 việc và về tiền là 3.125 tỷ 221 triệu triệu 915 ngàn đồng, đạt tỷ lệ 24,77% về việc và 12,31% về tiền.

- Năm 2019 (từ ngày 01/10/2018 đến 30/9/2019): Số việc phải giải quyết là 3.820 việc, tương ứng với số tiền là 66.535 tỷ 863 triệu 324 ngàn đồng (chiếm 3,39% về việc và 62,74% về tiền so với tổng số việc và tiền phải giải quyết). Kết quả đã giải quyết được về việc là 450 việc và về tiền là 6.460 tỷ 274triệu 723 ngàn đồng, đạt tỷ lệ 11,78% về việc và 9,71% về tiền.
- Năm 2020 (từ ngày 01/10/2019 đến 30/9/2020):Số việc phải giải quyết là 4.541 việc, tương ứng với số tiền là 63.321 tỷ 522 triệu 462 ngàn đồng (chiếm 4,49% về việc và 59,20% về tiền so với tổng số việc và tiền phải giải quyết). Kết quả đã giải quyết được về việc là 519 việc và về tiền là 18.974 tỷ 730 triệu 323 ngàn đồng, đạt tỷ lệ 24.14% về việc và 36,81% về tiền.
Với kết quả thi hành án như trên, có thể thấy hàng năm số việc và số tiền phải thi hành án liên quan đến các tổ chức tín dụng, ngân hàng luôn tăng. Số tiền phải thu cho các tổ chức tín dụng chiếm trên 50% tổng số tiền phải thi hành án. Trong khi đó, kết quả thi hành án liên quan đến tổ chức tín dụng ngân hàng trong thời gian qua của các cơ quan Thi hành án dân sự trên địa bàn thành phố vẫn còn hạn chế, chưa đạt theo tiến độ chung mặc dù Đảng ủy, Ban lãnh đạo Cục THADS Thành phố luôn xác định việc tổ chức thi hành án cho các tổ chức tín dụng Ngân hàng là nhiệm vụ trọng tâm của các cơ quan THADS và Chấp hành viên trong toàn thành phố.

2. Nhận xét, đánh giá về những thuận lợi, khó khăn trong việc tổ chức thi hành án liên quan đến các Tổ chức tín dụng, ngân hàng.
a. Thuận lợi:

Hầu hết những vụ việc thi hành cho các tổ chức tín dụng đều có tài sản đảm bảo, có hồ sơ thế chấp rõ ràng, mối quan hệ phối hợp giữa các ngân hàng và cơ quan thi hành án tương đối tốt. Do vậy, tỉ lệ có điều kiện thi hành và khả năng thu hồi vốnlà khá cao.

Công tác thi hành án, thu hồi nợ cho các tổ chức tín dụng ngân hàng là một trong những công tác trọng tâm của ngành thi hành án, được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp các ngành, do vậy:

- Tiến độ giải quyết các hồ sơ thi hành án nói chung và hồ sơ thi hành án liên quan đến tín dụng, ngân hàng nói riêng đã được chú ý đẩy nhanh tiến độ và đúng trìnhtự thủ tục theo quy định;

- Mối quan hệ phối hợp giữa các Cơ quan Thi hành án với các tổ chức tín dụng, ngân hàng ngày càng chặt chẽ và hiệu quả hơn. Đặc biệt, giữa Ngân hàng nhà nước thành phố Hồ Chí Minh và Cục Thi hành án dân sự thành phố đã có sự phối hợp hiệu quả trong công tác chỉ đạo phối hợp giữa các Chi cục và các tổ chức tín dụng, ngân hàng trên địa bàn thành phố.

Với Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD có hiệu lực từ ngày 15/8/2017, các chính sách đã được tháo gỡ khá toàn diện. Đồng thời tại Chỉ thị triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành liên quan chuẩn bị các điều kiện bảo đảm thực hiện thí điểm xử lý nợ xấu.

Cụ thể, Bộ Tư pháp chỉ đạo cơ quan Thi hành án các cấp thực hiện các quy định về thi hành án dân sự liên quan đến khoản nợ xấu của các TCTD, VAMC theo quy định tại Nghị quyết; tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhanh chóng, đúng pháp luật các bản án liên quan đến tín dụng, ngân hàng đã có hiệu lực pháp luật. Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan thuế quán triệt, hướng dẫn chính sách liên quan đến thuế quy định tại Nghị quyết. Đối với Bộ Tài nguyên và Môi trường, chỉ đạo các cơ quan đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản có trách nhiệm thực hiện thủ tục chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản cho bên mua, bên nhận chuyển nhượng tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của TCTD theo quy định tại Nghị quyết. Chính quyền địa phương các cấp có trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc tổ chức thực hiện Nghị quyết tại địa phương, đặc biệt là trách nhiệm hỗ trợ TCTD, VAMC trong quá trình thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu.

b. Khó khăn, vướng mắc:

Mặc dù các cơ quan Thi hành án luôn xem việc thi hành án liên quan đến các tổ chức tín dụng là công tác trọng tâm của cơ quan. Tuy nhiên kết quả đạt được trong thời gian qua vẫn còn hạn chế. Điều này có rất nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân quan trọng nhất vẫn là các quy định về trình tự thủ tục kê biên, bán đấu giá tài sản trong thi hành án còn rất phức tạp, ngoài ra còn có sự chồng chéo mâu thuẫn giữa các văn bản pháp luật chuyên ngành. Trong khi đó số lượng tiền phải thi hành án cho các tổ chức tín dụng là rất nhiều, chiếm trên 50% tổng giá trị mà các cơ quan Thi hành án phải tổ chức thi hành. Do vậy, áp lực đối với cơ quan thi hành án dân sự trong việc giải quyết việc thi hành án liên quan đến các tổ chức tín dụng là rất lớn.

Kết quả đạt được trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng vẫn còn rất thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của cơ quan Thi hành án dân sự cũng như  sự kỳ vọng của các tổ chức tín dụng, ngân hàng. Nhiều vụ việc thi hành án đã thụ lý trên 03 năm nhưng đến nay vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm.

Thực trạng này là do các nguyên nhân khách quan, cơ bản như:

- Hầu hết những vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng đều phải kê biên, xử lý tài sản bảo đảm là bất động sản, nhà đất có giá trị lớn. Trong khi đó tâm lý của người dân vẫn còn e ngại đối với việc mua tài sản thi hành án thông qua tổ chức bán đấu giá. Do vậy, tình trạng bất động sản, nhà đất bán đấu giá không có người mua, tài sản phải giảm giá nhiều lần, có những tài sản phải giảm giá đến 1/3, thậm chí là giảm đến 1/2 mới bán được dẫn đến việc thi hành án phải kéo dài.

- Trình tự, thủ tục xử lý tài sản (nhất là thủ tục xử lý bất động sản) còn khá phức tạp mất nhiều thời gian, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả giải quyết thi hành án cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng. Bên cạnh đó pháp luật về thi hành án vẫn còn một số kẽ hở giúp cho người phải thi hành án lợi dụng trốn tránh, kéo dài thời gian thi hành án. Ví dụ như tài sản khi kê biên có tranh chấp thì phải hoãn thi hành án chờ kết quả giải quyết của Tòa án. Thực tế hiện nay có rất nhiều vụ việc khi Chấp hành viên tiến hành kê biên tài sản là đương sự tìm mọi cách tạo ra các tranh chấp giả tạo mục đích chỉ để kéo dài việc thi hành án.

- Một số trường hợp hiện trạng tài sản thế chấp không phù hợp, có sai lệnh nhiều về diện tích giữa thực tế so với giấy chứng nhận quyền sở hữu, sử dụng gây khó khăn cho việc xác minh xử lý tài sản; Một số trường hợp tài sản là quyền sử dụng đất cấp cho tổ chức đem thế chấp, bảo đảm khi đến giai đoạn thi hành án thì đã hết thời hạn nhà nước cho thuê đất, giao đất nhưng người phải thi hành án không làm thủ tục tiếp tục thuê đất, giao đất vẫn chưa có hướng xử lý để thi hành án. Vấn đề gia hạn thời hạn sử dụng đất, thì năm 2020 Cục THADS Thành phố đã làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố và Văn phòng đăng ký đất đai Thành phố về việc gia hạn đối với quyền sử dụng đất của người phải thi hành án nhưng do các quy định của pháp luật về đất đai không có quy định riêng về gia hạn đối với tài sản kê biên, xử lý để thi hành án nên đây là vướng mắc mà Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố, Cục THADS Thành phố đã thống nhất phải báo cáo, kiến nghị lên cơ quan cấp trên để có hướng xử lý.

Ngoài nguyên nhân khách quan nêu trên, thì cũng phải nhìn nhận thẳng thắn không loại trừ một số nguyên nhân chủ quan của Chấp hành viên, lãnh đạo các cơ quan Thi hành án, cũng như mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan hữu quan như:

- Một số vụ việc để kéo dài, không tuân thủ thời hạn theo luật định, thậm chí có biểu hiện cố tình kéo dài việc thi hành án thông qua thủ tục đo vẽ - kê biên - thẩm định giá - bán đấu giá tài sản. Còn có trường hợp, sau khi tổ chức đấu giá thành, người trúng đấu giá đã nộp đủ tiền nhưng Chấp hành viên chậm tổ chức cưỡng chế bàn giao tài sản theo đúng Hợp đồng bán đấu giá tài sản cho người trúng đấu giá, ảnh hưởng đến việc thu hồi nợ của ngân hàng.

- Sự phối hợp của một số Chi nhánh Ngân hàng với cơ quan THADS nơi tổ chức thụ lý thi hành vụ việc chưa tốt.

- Việc phối hợp giữa cơ quan Thi hành án và các cơ quan ban ngành liên quan trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm chưa kịp thời, có vụ việc còn chậm (các vướng mắc thường tập trung đến việc xử lý tài sản nằm trong lộ giới, quy hoạch, có tranh chấp ranh giới với các hộ dân liền kề, chi phí xác minh tài sản tại Văn phòng đăngký đất đai...). Một số cơ quan, ban ngành ở địa phương chưa nhận thức sâu sắc, đúng đắn việc xử lý nợ xấu của Ngân hàng là một nhiệm vụ chính trị mà Đảng và Nhà nước quan tâm; chưa thực sự tích cực, kịp thời trong việc cung cấp thông tin tài sản,đo vẽ, xác định nội nghiệp phục vụ cho việc kê biên, xử lý tài sản thi hành án. Thời gian trả lời xác minh thi hành án của các cơ quan liên quan thường chậm ảnh hưởng đến tiến độ xử lý hồ sơ thi hành án.

- Một số quy định tại Nghị quyết 42 liên quan đến hoạt động thi hành án dân sự còn mâu thuẫn chậm được hướng dẫn, tháo gỡ như:

+ Đối với những tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu đã bị kê biên để thi hành án theo Điều 90 Luật THADS thì xử lý như thế nào? Tiếp tục kê biên hay trả lại cho tổ chức tín dụng để xử lý theo quy định tại Nghị Quyết 42? Và các khoản chi phí đã phát sinh ai là người phải chịu.

+ Đối với những tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu Chấp hành viên đã ra quyết định kê biên, nhưng chưa đưa tài sản ra bán đấu giá thì tổ chức tín dụng thông báo cho Chấp hành viên biết tài sản này bảo đảm của nợ xấu và yêu cầu Chấp hành viên trả lại cho tổ chức tín dụng, Ngân hàng để xử lý theo tinh thần NQ 42. Trường hợp này, chi phí phát sinh cho việc kê biên do ai chịu?

+ Việc xử lý tài sản bảo đảm theo bản án để thi hành án cho các Ngân hàng (không phải trường hợp xử lý tài sản theo Điều 90 Luật thi hành án dân sự), thì Ngân hàng không đồng ý cho cơ quan thi hành án trích từ tiền bán tài sản bảo đảm để nộp thuế thu nhập cá nhân và các loại phí (nếu có) cho chủ tài sản cũ, dẫn đến việc người mua được tài sản không thể thực hiện được thủ tục chuyển quyền sở hữu, sử dụng và đăng bộ sang tên đối với quyền sử dụng đất trúng đấu giá. Vì vậy, hiện nay nhiều vụ việc bán đấu giá thành, đã giao được tài sản nhưng người mua trúngđấu giá đang khiếu nại gay gắt do không làm được thủ tục sang tên.

3. Phương hướng nhiệm vụ và các giải pháp nâng cao hiệu quả việc thi hành án liên quan đến Tổ chức tín dụng, ngân hàng trên địa bàn Thành phố trong thời gian tới.

a. Phương hướng:

- Tiếp tục tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo giải quyết hồ sơ thi hành án dân sự liên quan đến các ngân hàng và tổ chức tín dụng khác. Xác định việc tổ chức thi hành án này là một trong những công việc trọng tâm trong năm, góp phần hỗ trợ hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố giải quyết nợ xấu và nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự nói chung.

- Tạo cơ chế phối hợp đồng bộ, thống nhất giữa cơ quan Thi hành án dân sự với các tổ chức tín dụng trong giải quyết hồ sơ thi hành án dựa trên Quy chế phối hợp số 13083/CNNHNNVN-CTHADS ngày 19/8/2015 giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh và Cục Thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh.

b. Giải pháp:

Từ thực tiễn cho thấy để nâng cao hiệu quả việc thi hành án liên quan đến tổ chức tín dụng, ngân hàng trên địa bàn Thành phố thì mối quan hệ phối hợp giữa ngân hàng, tổ chức tín dụng với các cơ quan Thi hành án trong quá trình tổ chức thi hành án có ý nghĩa quan trọng và giữ vai trò quyết định. Do đó, một số giải pháp đã được lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự Thành phố xác định và chỉ đạo triển khai thực hiện trong thời gian qua cũng như trong thời gian tới:

- Triển khai và thực hiện nghiêm túc, kịp thời các chỉ đạo của Tổng cục Thi hành án dân sự và các cơ quan có thẩm quyền khác liên quan đến công tác thi hành án dân sự nói chung và các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng nói riêng. Nâng cao tinh thần, trách nhiệm của đội ngũ Chấp hành viên trong tổ chức thi hành các vụ việc được giao, đặc biệt lưu ý đến quy định về thời hạn, tránh để hồ sơ kéo dài, chậm đôn đốc, giải quyết. Quá trình tổ chức thi hành, nếu phát sinh khó khăn cần trao đổi trực tiếp với các TCTD để tìm biện pháp giải quyết ngay, trong trường hợp cần thiết báo cáo cấp trên để có chỉ đạo kịp thời, tránh để vụ việc tồn đọng, xảy ra vi phạm.

- Tạo cơ chế phối hợp đồng bộ, thống nhất giữa cơ quan Thi hành án dân sự với các tổ chức tín dụng trong giải quyết hồ sơ thi hành án thông qua thực hiện Quy chế phối hợp giữa các cơ quan Thi hành án dân sự với các tổ chức tín dụng, ngân hàng.

- Phát huy vai trò và hiệu quả hoạt động của Tổ Chỉ đạo thi hành án liên quan đến tổ chức tín dụng, ngân hàng.

- Kiến nghị sửa đổi những quy định của pháp luật liên quan đến việc hoãn thi hành án khi tài sản kê biên có tranh chấp theo hướng những tài sản có hồ sơ pháp lý rõ ràng thì không thực hiện hoãn thi hành án.

- Cần xác định rõ quan điểm và trách nhiệm khi tham gia giải quyết việc thi hành án đó là trách nhiệm chung, là sự phối hợp, hỗ trợ để cùng nhau xử lý các khoản nợ xấu của ngân hàng, giúp cho hoạt động của tổ chức tín dụng ngân hàng ngày càng lành mạnh hơn.

- Tham mưu cho Ban chỉ đạo Thi hành án Thành phố quán triệt, chỉ đạo các cơ quan, ban ngành và các tổ chức tín dụng trên địa bàn Thành phố phải có trách nhiệm kịp thời cung cấp thông tin và phối hợp thực hiện các yêu cầu của Chấp hành viên, cơ quan Thi hành án dân sự trong quá trình xác minh, xử lý tài sản để thi hành án, tổ chức cưỡng chế thi hành án, tập trung chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn liên quan đến quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà.

- Thường xuyên tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật về dân sự, tố tụng dân sự, thi hành án dân sự... cho cán bộ, chuyên viên ngân hàng để có kiến thức cơ bản khi thẩm định tính pháp lý của tài sản nhận cầm cố, thế chấp, tham gia khởi kiện, thi hành án dân sự nhằm đảm bảo và quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức mình.

- Duy trì việc tổ chức đối thoại giữa Chấp hành viên, Lãnh đạo cơ quan Thi hành án dân sự với ngân hàng, tổ chức tín dụng. Định kỳ hàng quý (06 tháng) hoặc đột xuất, lãnh đạo cơ quan Thi hành án dân sự tổ chức buổi tiếp xúc, làm việc với một số ngân hàng, tổ chức tín dụng có yêu cầu để nghe phản ánh những khó khăn, vướng mắc trong quan hệ phối hợp với Chấp hành viên, cơ quan Thi hành án để kịp thời xem xét, giải quyết. Trong trường hợp cần thiết, tổ chức đối thoại giữa Chấp hành viên với Tổ chức tín dụng để trao đổi, thảo luận, tìm ra giải pháp thích hợp cho việc tổ chức thi hành án đạt hiệu quả.

Bên cạnh đó, theo sự chỉ đạo của Tổng cục thi hành án dân sự hoặc theo yêu cầu của các Ngân hàng (nhất là các ngân hàng có lượng án tín dụng ngân hàng lớn) tổ chức các hội nghị tập huấn những hiểu biết cơ bản về nghiệp vụ THADS cho cán bộ có liên quan của Ngân hàng để nâng cao, chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp trong THADS. Cần quán triệt các tổ chức tín dụng thỏa thuận với các bên liên quan về cách thức thanh toán các khoản thuế, phí liên quan trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm theo Thông báo Kết luận số 106/TB-VPCP ngày 22/3/2019 của Văn phòng Chính phủ.

- Tăng cường việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình quản lý và tổ chức thi hành án. Nghiên cứu xây dựng trục dữ liệu thông tin về tài sản thế chấp, tài sản đang xử lý thi hành án giữa Ngân hàng Nhà nước và cơ quan Thi hành án để thuận lợi trong quá trình xác minh tài sản để thi hành án hoặc để nhận thế chấp.

Đối với các tổ chức tín dụng, Ngân hàng:

- Phải kiểm tra chặt chẽ hồ sơ pháp lý của tài sản thế chấp khi cho vay như: tài sản thuộc sở hữu chung hay riêng; quyền sử dụng đất cấp cho hộ gia đình thì có bao nhiêu thành viên trong hộ? Thời hạn sử dụng đất? Khi lập hồ sơ cho vay đảm bảo tính chặt chẽ về tình trạng tài sản bảo đảm; tổ chức thẩm định giá đúng giá trị thực tế và đánh giá tác động về biến động giá trị của tài sản trong tương lai gần.

- Phải kiểm tra diện tích, hiện trạng của tài sản trên thực tế và so sánh với diện tích, hiện trạng trên giấy tờ sở hữu để có phương án hiệu quả khi xử lý tài sản sau này? Đối với tài sản là máy móc, thiết bị công nghệ phải tính toán đến khấu hao tài sản trong quá trình sử dụng chứ không nên căn cứ vào hoá đơn chứng từ mua hàng để quyết định giá trị cho vay.

- Trong quá trình thực hiện hợp đồng tín dụng, giải quyết tranh chấp và thi hành án, Ngân hàng phải thường xuyên kiểm tra hiện trạng tài sản thế chấp để tránh trường hợp khách hàng thay đổi hiện trạng tài sản sẽ gây khó khăn cho việc tổ chức thi hành án về sau.

Tham luận của Cục THADS thành phố Hồ Chí Minh

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay