Thứ bảy, 04/01/2025
   

Thúc đẩy dòng vốn Hàn Quốc vào Việt Nam

Ngày 18/10, báo Việt Nam News tổ chức tọa đàm Thúc đẩy dòng vốn Hàn Quốc vào Việt Nam, nhằm kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam-Hàn Quốc.

Ngày 18/10, báo Việt Nam News tổ chức tọa đàm Thúc đẩy dòng vốn Hàn Quốc vào Việt Nam, nhằm kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam-Hàn Quốc.

Theo số liệu mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn FDI đăng ký lũy kế từ Hàn Quốc trong giai đoạn từ năm 1988 đến tháng 9/2022 đã đạt hơn 80,5 tỷ USD với hơn 9.400 dự án đang có hiệu lực. Tính riêng 9 tháng đầu năm 2022, Hàn Quốc đứng thứ 2/97 quốc gia và vũng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 290 dự án, tổng vốn đầu tư hơn 3,8 tỷ USD.

Phát biểu khai mạc tọa đàm Thúc đẩy dòng vốn Hàn Quốc vào Việt Nam, bà Vũ Việt Trang - Tổng giám đốc Thông Tấn xã Việt Nam - nhấn mạnh, ngoài việc trở thành đối tác kinh tế lớn nhất của Hàn Quốc trong khu vực ASEAN, Việt Nam còn là đối tác trọng tâm của Hàn Quốc trong chính sách hướng Nam mới, với nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Hàn Quốc đang hoạt động đầu tư hiệu quả.

Về phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Đỗ Nhất Hoàng - Cục trưởng Cục Đầu tư Nước ngoài đánh giá cao hoạt động kinh doanh và đóng góp của doanh nghiệp FDI Hàn Quốc vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Đặc biệt, đã có sự dịch chuyển mạnh mẽ từ các lĩnh vực gia công đơn thuần sang các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, dự án năng lượng, tài chính - ngân hàng, M&A, và dịch vụ chất lượng cao trong thời gian vừa qua. Đồng thời tin tưởng Hàn Quốc sẽ tiếp tục duy trì vị thế đối tác FDI hàng đầu. “Trong vòng 1 đến 2 năm tới, Việt Nam và Hàn Quốc hoàn toàn có thể hiện thực hóa “mục tiêu kép”, đưa kim ngạch thương mại song phương và tổng vốn đầu tư lũy kế cùng cán mốc 100 tỷ USD”, ông Đỗ Nhất Hoàng chia sẻ.

“Hàn Quốc vẫn duy trì vị thế là nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam”, ông Bae Yong Geun - Phó chủ tịch Phòng công nghiệp thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM) - chia sẻ và cho hay, Việt Nam - tâm chấn của làn sóng Hàn Quốc ở Đông Nam Á, là một điểm đến quan trọng và hai nước đã trở thành những quốc gia hợp tác chặt chẽ nhất trên thế giới. Hiện, có hơn 9.000 công ty Hàn Quốc đã vào Việt Nam và hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác nhau như sản xuất, năng lượng, văn hóa, giáo dục và du lịch.

Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp với nhiều rủi ro, bất ổn, Việt Nam là một trong số ít nền kinh tế duy trì được đà tăng trưởng cao. Tuy nhiên, với những thách thức ngày càng gia tăng trên phạm vi toàn cầu và xu hướng điều chỉnh chính sách trong trung và dài hạn tại nhiều quốc gia, việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô cùng với cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy phát triển trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Tại tọa đàm các chuyên gia và khách mời đã thảo luận về chính sách, định hướng thu hút dòng FDI của Việt Nam thời gian tới, đặc biệt với các nhà đầu tư Hàn Quốc.

Là địa phương có vị trí địa chiến lược về chính trị, kinh tế với những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế so sánh cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; lực lượng lao động trẻ và có trình độ tay nghề cao; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh góp phần cắt giảm các chi phí gián tiếp của nhà đầu tư, doanh nghiệp trong quá trình đầu tư, sản xuất, kinh doanh… bà Vũ Kim Chi - Phó trưởng ban thường trực Ban Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư tỉnh Quảng Ninh - cho hay, tỉnh Quảng Ninh luôn xác định ưu tiên kêu gọi, thu hút đầu tư, tạo thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư Hàn Quốc vào tỉnh. “Chúng tôi mong muốn kêu gọi các doanh nghiệp Hàn Quốc quan tâm, tìm hiểu đầu tư trong các lĩnh vực hai bên có thế mạnh”, bà Vũ Kim Chi nhấn mạnh.

Trong đó, Quảng Ninh mong muốn các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và Hàn Quốc nói riêng đầu tư vào các lĩnh vực du lịch; phát triển công nghiệp xanh, công nghiệp sạch, công nghệ cao, công nghệ thông minh, thân thiện với môi trường; tăng nhanh tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ cao, công nghệ thông minh; định hướng thu hút các dự án công nghiệp sạch, công nghệ cao, chế biến chế tạo, logistics…

Là doanh nghiệp với hơn 30 năm đầu tư tại Việt Nam, ông Yoon Chang Woo - Tổng giám đốc POSCO Việt Nam đánh giá cao sự hỗ trợ của chính quyền sở tại, đặc biệt trong giai đoạn Covid-19. “Nhờ có sự hỗ trợ tích cực, vô cùng nhiệt tình từ chính quyền địa phương đối với các doanh nghiệp, chúng tôi đã có thể cùng nhau vượt qua những khó khăn vô cùng lớn”, nhà lãnh đạo chia sẻ.

Tuy nhiên, có sự lo ngại rằng các điều kiện đầu tư có thể xấu đi do hạn chế về nhân lực và cơ sở hạ tầng. Do đó, ông Chang Woo Yoon cũng khuyến nghị, các tỉnh miền Nam cần phát triển nguồn cung nhân lực hoặc cơ sở hạ tầng chủ chốt. Vì trong tương lai, trường hợp có nhiều doanh nghiệp sẽ tham gia đầu tư.

Là một trong những nhà đầu tư nước ngoài có mặt sớm tại Việt Nam, từ năm 1997, DEEP C hoạt động trong lĩnh vực phát triển tổ hợp khu công nghiệp. Hướng tới tiêu chuẩn xanh hơn để trở nên khác biệt, cung cấp địa điểm đầu tư bền vững và tin cậy cho khách hàng là mục tiêu theo đuổi của DEEP C. Ông Koen Soenens - Giám đốc Kinh doanh và Tiếp thị của khu công nghiệp Deep C - cho biết: “DEEP C sẽ tiếp tục mở rộng thêm các khu công nghiệp mới để đón thêm đại bàng, và khu công nghiệp mới này cũng sẽ đảm bảo các tiêu chuẩn bền vững mà 5 khu công nghiệp hiện tại đang hướng đến”.

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay