Thứ năm, 26/12/2024
   

Thêm xúc tác để ngân hàng đẩy nhanh áp dụng Basel III

Cho đến thời điểm này, phần lớn các ngân hàng Việt đã hoàn thành tiêu chuẩn Basel II. Bên cạnh đó, có hơn chục NHTM tại Việt Nam tuyên bố đã hoàn thành triển khai Basel III như TPBank, OCB, VPBank...
Ngân hàng Việt nỗ lực áp dụng chuẩn Basel III

Một số ngân hàng tuy chưa áp dụng được toàn diện Basel III nhưng cũng đã áp dụng một vài cấu phần yêu cầu của bộ chuẩn mực này, như áp dụng tỷ lệ đảm bảo khả năng thanh khoản và tỷ lệ nguồn vốn ổn định ròng trong giám sát rủi ro định kỳ…

Theo đánh giá của PGS. TS. Nguyễn Hữu Huân (Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh), kết quả trên thể hiện quyết tâm của các ngân hàng trong áp dụng chuẩn mực quốc tế, góp phần tăng cường hiệu quả, đảm bảo an toàn vốn hơn nữa.

TPBank là một trong những ngân hàng triển khai Basel III mức nâng cao
TPBank là một trong những ngân hàng triển khai Basel III mức nâng cao

So với Basel II, Basel III có nhiều yêu cầu mới, khắt khe hơn. Việc triển khai Basel III cũng đòi hỏi đầu tư nguồn lực tài chính lớn cũng như sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ phía các ngân hàng. Riêng đối với cấu phần vốn, chuẩn mực Basel III đòi hỏi ngân hàng phải đáp ứng đồng thời cả tỷ lệ an toàn vốn và các cấu phần vốn lõi cùng cấu phần vốn đệm dự phòng nhằm đảm bảo an toàn hoạt động, do nó yêu cầu các ngân hàng nắm giữ lượng vốn cao hơn.

Theo đại diện của một ngân hàng đã hoàn thành Basel III, để thực hiện được mục tiêu, ngân hàng phải hy sinh lợi nhuận trong ngắn hạn nhằm giải quyết bài toán về chi phí lớn, đặc biệt là đầu tư cho hệ thống công nghệ thông tin, xử lý dữ liệu, chi phí cho tuyển dụng, đào tạo nhân sự chất lượng cao… Song đổi lại, áp dụng Basel III giúp họ đáp ứng tốt yêu cầu về vốn khi đủ vốn dự trữ cho cả điều kiện thị trường bình thường và bất thường, từ đó cho phép ngân hàng thích ứng với các biến động, đảm bảo khả năng chống chịu tổng thể trước các rủi ro có mức ảnh hưởng nghiêm trọng, các cú sốc kinh tế chẳng hạn như Covid-19… Đồng thời, ngân hàng cũng giảm thiểu rủi ro thanh khoản thông qua việc quản lý sự cân bằng trong việc huy động vốn và sử dụng vốn, kiểm soát hiệu quả tài sản thanh khoản cao, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu chi trả ngay của khách hàng khi cần thiết.

Do Basel III là một chuẩn mực trong lĩnh vực được nhiều ngân hàng thế giới áp dụng nên một khi ngân hàng trong nước cũng đáp ứng được các điều kiện của chuẩn mực này sẽ giúp họ cải thiện xếp hạng tín nhiệm, nâng cao sức cạnh tranh, dễ dàng tiếp cận thị trường vốn quốc tế.

Hiện chưa có bất kỳ quy định nào bắt buộc các ngân hàng Việt phải áp dụng toàn bộ Basel III. Tuy nhiên, do những ý nghĩa và tầm quan trọng của chuẩn mực này, nhiều NHTM Việt đã chủ động triển khai Basel III, nhất là trước biến động thị trường tài chính ngày càng gia tăng tần suất như hiện nay thì việc áp dụng tiêu chuẩn Basel III là hướng đi tất yếu và cần thiết.

Đặc biệt, gần đây hoạt động ngân hàng còn phải đối mặt thêm rủi ro mới như rủi ro biến đổi khí hậu. Các nhà phân tích cho rằng, quy định báo cáo rủi ro khí hậu sẽ là rào cản mới trong quản trị rủi ro tài chính của mạng lưới ngân hàng toàn cầu trong thời gian tới. Biến đổi khí hậu có thể ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực hoạt động của ngân hàng, gồm các rủi ro tín dụng, thị trường, vận hành và danh tiếng… Chính vì vậy, mặc dù việc áp dụng Basel III là không hề dễ dàng, nhưng đó là xu hướng tất yếu để ngân hàng phải làm để tạo tấm khiên bảo vệ cho sự an toàn trong hoạt động.

Vì sao ngân hàng cần liên tục thực hiện “stress test”?

Tùy theo khả năng của mình, có ngân hàng áp dụng toàn diện Basel III, có ngân hàng áp dụng một phần. Với sức khoẻ hiện tại của các ngân hàng, PGS. TS. Nguyễn Hữu Huân đánh giá, các ngân hàng quy mô lớn có đủ điều kiện, khả năng đáp ứng chuẩn mực Basel III thuận lợi và nhanh hơn. Các ngân hàng nhỏ cần nhiều thời gian hơn để đáp ứng chuẩn mực của Basel III.

Cũng như Basel I và II, khó khăn lớn nhất đối với các ngân hàng khi triển khai Basel III, theo vị chuyên gia này, vẫn là nguồn lực tài chính đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu cũng như đầu tư công nghệ, nhân sự… Để đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn theo chuẩn Basel III, các ngân hàng phải chấp nhận đánh đổi giữa lợi nhuận và an toàn - nếu muốn đảm bảo an toàn hoạt động, ngân hàng phải giảm lợi nhuận và ngược lại. Đối với ngân hàng lớn có thể đánh đổi được dễ hơn vì họ có lợi thế về quy mô. Các ngân hàng nhỏ, chất lượng tài sản không được “đẹp”, cần nhiều thời gian hơn để đáp ứng tiêu chuẩn trên. “Song, các ngân hàng cũng nên liệu cơm gắp mắm, không phải cố gắng bằng mọi giá để đạt được”, PGS. TS. Huân lưu ý.

Đối với một nền kinh tế toàn cầu ngày càng trở nên bất định, khó dự báo, một chuyên gia ngân hàng khác cho rằng, bên cạnh áp dụng chuẩn mực Basel III, các ngân hàng cần phải liên tục kiểm tra sức chịu đựng (stress test) - công cụ đo lường sức chịu đựng căng thẳng tài chính của ngân hàng ở mức độ như thế nào. Việc liên tục kiểm tra stress test sẽ giúp ngân hàng có công tác chuẩn bị, không bị bất ngờ khi xảy ra khủng hoảng, chống chịu với cú sốc tốt hơn.

“Công việc này rất quan trọng, các ngân hàng phải chú trọng. Bởi vì thực tế trên thế giới, ngay cả những ngân hàng áp dụng Basel III vẫn đối mặt với những rủi ro nhất định trong hoạt động kinh doanh, đặc biệt khi xảy ra các cú sốc về kinh tế. Nên việc ngân hàng áp dụng chuẩn mực Basel III là đúng, để giảm thiểu rủi ro, nhưng không phải là tất cả. Dù là Basel II hay Basel III, nó đều cần được thích ứng với các hoạt động của khách hàng”, vị chuyên gia này lưu ý.

Thực tế hiện nay, các ngân hàng rất chú trọng đến làm “dày” bộ đệm vốn hướng đến chuẩn mực Basel II, Basel III và các chuẩn cao hơn, đồng thời có thêm nguồn lực tài chính để mở rộng hoạt động kinh doanh. Trong giai đoạn vừa qua và thời gian sắp tới, các ngân hàng ưu tiên lựa chọn tăng vốn qua hình thức chia cổ tức bằng cổ phiếu. Nhất là trong thời điểm này, khi thị trường chứng khoán đang tăng trưởng trở lại, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu của các ngân hàng sẽ thuận lợi hơn.

Ngay trong đầu năm nay, không ít ngân hàng đã lên kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu và sẽ trình cổ đông thông qua trong kỳ đại hội thường niên năm nay. Cụ thể, Vietcombank công bố kế hoạch tổ chức Đại hội cổ đông thường niên 2024 vào ngày 26/4. Trước đó, Đại hội cổ đông năm 2023 của ngân hàng này đã thông qua kế hoạch chi trả cổ tức bằng cổ phiếu từ toàn bộ lợi nhuận sau thuế của năm 2022 là hơn 21.000 tỷ đồng. VietinBank cũng vừa công bố phương án phân phối lợi nhuận năm 2022. Theo đó, ngân hàng sẽ chia cổ tức bằng cổ phiếu theo phê duyệt của cơ quan thẩm quyền, dự kiến số tiền sẽ chia gần 11.648 tỷ đồng.

Nhìn chung, theo đánh giá của các chuyên gia EY, triển khai Basel III đã và đang mang lại các tín hiệu tích cực đối với việc quản trị rủi ro tại các ngân hàng Việt Nam, là tiền đề mở ra cơ hội nâng hạng thị trường cũng như hợp tác kinh doanh với các đối tác chiến lược nước ngoài trong tương lai. Việc đáp ứng Basel III không chỉ là tính toán triển khai dự án trong ngắn hạn, mà đòi hỏi thay đổi thực chất trong quản trị rủi ro, trong điều hành hàng ngày của các ngân hàng.

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay