Thứ tư, 13/11/2024
   

Tham gia ý kiến đối với dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 22/2016/TT-NHNN

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã có công văn gửi Ngân hàng Nhà nước Tham gia ý kiến đối với dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 22/2016/TT-NHNNvà Thông tư 15/2018/TT-NHNN ngày 18/6/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 22/1016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước quy định việc tổ chức tín dụng, chi

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã có công văn gửi Ngân hàng Nhà nước Tham gia ý kiến đối với dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 22/2016/TT-NHNNvà Thông tư 15/2018/TT-NHNN ngày 18/6/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 22/1016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua trái phiếu doanh nghiệp.

Qua nghiên cứu và trên cơ sở ý kiến của mốt số Tổ chức tín dụng(TCTD) hội viên, Hiệp hội Ngân hàng có một số ý kiến như sau:

I. Nhận xét chung

- Thông tư 22/2016/TT-NHNN và Thông tư số 15/2018/TT-NHNN được ban hành đã có những tác động rất tích cực đến hoạt động mua, bán trái phiếu doanh nghiệp của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (gọi chung là TCTD). Sau nhiều năm áp dụng, cùng với sự phát triển mạnh mẽ trong hoạt động ngân hàng, việc ban hành Thông tư mới thay thế Thông tư về mua, bán trái phiếu doanh nghiệp hiện nay là cần thiết để bảo đảm phù hợp với thực tiễn, tình hình hoạt động của các TCTD, trong đó đặc biệt là việc bổ sung nội dung quy định về hoạt động mua, bán trái phiếu doanh nghiệp của các TCTD đã tạo hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch cho hoạt động này.

Tuy nhiên, để hoàn thiện hơn khuôn khổ pháp lý liên quan đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp, đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét có hướng dẫn đối với một số hoạt động liên quan đến phát hành trái phiếu mà pháp luật đã quy định TCTD được thực hiện như: (i) Điều 106 Luật Các tổ chức tín dụng quy định, ngân hàng thương mại được thực hiện hoạt động đại lý trong lĩnh vực liên quan đến hoạt động ngân hàng, kinh doanh bảo hiểm, quản lý tài sản theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Thực tế liên quan tới hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp, với các khoản trái phiếu mà TCTD đầu tư, để chủ động quản lý, xử lý rủi ro tín dụng thì các TCTD thường vẫn làm đầu mối quản lý tài sản bảo đảm (TSBĐ). Một số trường hợp, TCTD không đầu tư nhưng với uy tín và kinh nghiệm quản lý, xử lý TSBĐ, Tổ chức phát hành và các trái chủ vẫn có nhu cầu để các TCTD đứng ra làm Đại lý quản lý TSBĐ, tuy nhiên do hiện nay Ngân hàng nhà nước chưa có hướng dẫn cụ thể nên các TCTD cũng chưa có cơ sở cung cấp dịch vụ này cho khách hàng; (ii) Hoặc một số hoạt động TCTD được phép thực hiện theo các văn bản pháp luật khác như đại lý phát hành trái phiếu doanh nghiệp (theo Điều 14, Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế), nhưng  Ngân hàng Nhà nước chưa có hướng dẫn cụ thể để các TCTD được thực hiện hoạt động này. Ngân hàng Nhà nước cần ban hành văn bản hướng dẫn hoạt động ngân hàng, hoạt động kinh doanh khác của các TCTD liên quan đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp để có hành lang pháp lý thực hiện.

- Liên quan đến dự thảo Thông tư này, năm 2020, Ngân hàng Nhà nước đã lấy ý kiến góp ý của các TCTD và Hiệp hội Ngân hàng. Trên cơ sở phản ánh của các TCTD, Hiệp hội Ngân hàng đã có văn bản số 120/HHNH-PLNV ngày 17/5/2020, tuy nhiên, nhiều nội dung Ban soạn thảo vẫn giữ nguyên quan điểm tại dự thảo này và bổ sung thêm nhiều điều khoản khác chặt chẽ hơn so với dự thảo trước. Vì vậy, các TCTD đề nghị Hiệp hội Ngân hàng tiếp tục có ý kiến với Ngân hàng Nhà nước về các nội dung quy định tại dự thảo Thông tư lấy ý kiến lần này.

II. Góp ý cụ thể

1. Về nguyên tắc mua, bán trái phiếu doanh nghiệp (Điều 3):

a/ Khoản 3 Điều 3 dự thảo Thông tư quy định: “3. Tổ chức tín dụng mua, bán trái phiếu doanh nghiệp phải có hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ, xếp hạng tín nhiệm của doanh nghiệp phát hành trái phiếu và phải ban hành quy định nội bộ về mua, bán trái phiếu doanh nghiệp phù hợp với quy định tại Thông tư này và các quy định của pháp luật liên quan”.

Đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi quy định tại Khoản này thành “Tổ chức tín dụng mua, bán trái phiếu doanh nghiệp phải có hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ hoặc xếp hạng tín nhiệm của doanh nghiệp phát hành trái phiếu …”nhằm làm rõ TCTD có thể sử dụng một trong hai hình thứcxếp hạng tín dụng hoặc xếp hạng tín nhiệm. Hiện tại ngân hàng đã có xếp hạng tín dụng nội bộ cũng đã đánh giá tình hình tài chính và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp từ đó xếp hạng khách hàng

b/ Khoản 5 Điều 3 dự thảo Thông tư quy định: “5.Tổ chức tín dụng không được vay vốn của tổ chức tín dụng khác để mua trái phiếu doanh nghiệp”.

Luật các TCTD không cấm hoạt động này, nên không có sơ sở để đưa ra điều cấm như trên. Việc đưa ra điều cấm này chưa thực sự phù hợp với nguyên tắc xây dựng pháp luật. Bên cạnh đó, các TCTD huy động vốn từ nhiều nguồn khác nhau bao gồm nguồn vốn từ dân cư, tổ chức và các định chế tài chính (bao gồm TCTD khác) và thực hiện quản lý vốn tập trung.Nguồn vốn tập trung được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau như đầu tư,cho vay, trả nợ đến hạn...và không tách riêng nguồn hình thành vốn khi sử dụng. Vì vậy, TCTD không có căn cứ để xác định nguồn vốn sử dụng để mua trái phiếu doanh nghiệp được hình thành từ nguồn nào. Do đó, đề nghị bỏ nội dung này do không phù hợp với hoạt động quản lý vốn của TCTD.

c/ Khoản 6 Điều 3 dự thảo Thông tư quy định: 6. Tổ chức tín dụng chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp khi có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% theo kỳ phân loại gần nhất theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động đối với tổ TCTD, trừ trường hợp mua trái phiếu doanh nghiệp theo phương án cơ cấu lại được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật”.

- Đề nghị làm rõ cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật”tại khoản này được hiểu theo quy định pháp luật cụ thể nào và phương án cơ cấu lại được cấp có thẩm quyền phê duyệt có được hiểu là cho phép doanh nghiệp được phát hành trái phiếu để trả nợ vay cho chính TCTD đầu tư trái phiếu không?

- Đề nghị xem xét không áp dụng quy định tại Khoản 6 Điều 3 dự thảo Thông tư đối với các công ty tài chính tổng hợp, hoặc nếu có áp dụng thì tỷ lệ nợ xấu cần theo tiêu chuẩn nợ của nhóm các Công ty tài chính do: Hoạt động của các công ty tài chính tổng hợp chủ yếu là mảng cho vay tiêu dùng, với đặc trưng là các món vay nhỏ, vay không có tài sản đảm bảo, nên tỉ lệ nợ xấu ở nhóm công ty này sẽ cao. Theo thống kê tỷ lệ nợ xấu của các công ty tài chính có thị phần lớn trên thị trường giao động quanh mức 6-7% (ví dụ FE tỷ lệ này năm 2020 là 6,6%; HD Sài gòn 5,8%; Home Credit 7,8%).

d/ Điểm c Khoản 7 Điều 3 dự thảo Thông tư quy định TCTD chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp khi: “c) Doanh nghiệp phát hành cam kết không thay đổi mục đích sử dụng vốn trong thời gian tổ chức tín dụng nắm giữ trái phiếu”.

Đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại quy định tại điểm c Khoản 7 Điều 3 dự thảo Thông tư vìnếu TCTD đầu tư trái phiếu sơ cấp thì TCTD cũng chỉ là một trong những người sở hữu trái phiếu, do đó, không thể đặt ra yêu cầu là Tổ chức phát hành không thay đổi mục đích sử dụng vốn trong thời gian TCTD nắm giữ trái phiếu, như vậy tạo ra sự bất bình đẳng giữa các nhà đầu tư với nhau, làm thay đổi tính chất trái phiếu cùng một đợt là ngang bằng nhau về quyền lợi. Hơn nữa, nếu TCTD đầu tư trái phiếu thứ cấp, tức là mua từ nhà đầu tư khác thì cũng rất khó có cơ hội để đàm phán về cam kết này với với Tổ chức phát hành.

e/ Điểm e Khoản 7 Điều 3 dự thảo Thông tư quy định TCTD chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp khi: “e) Doanh nghiệp phát hành trái phiếu cam kết mua lại trái phiếu trước hạn thanh toán trong trường hợp doanh nghiệp phát hành vi phạm quy định pháp luật về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, vi phạm phương án phát hành trái phiếu doanh nghiệp, vi phạm cam kết giữa doanh nghiệp phát hành và TCTD”.

Đề nghị Ban soạn thảo làm rõ điều kiện tại điểm e Khoản 7 này có được áp dụng cho trường hợp mua trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường thứ cấp hay không?Thực tế, khi đầu tư thứ cấp, TCTD không thể can thiệp vào phương án phát hành trái phiếu doanh nghiệp của doanh nghiệp phát hành, việc yêu cầu doanh nghiệp phát hành cam kết riêng về điều kiện tại điểm e này nếu như trong phương án phát hành trái phiếu không có nội dung này sẽ rất khó.

f/ Điểm g Khoản 7 Điều 3 dự thảo Thông tư quy định TCTD chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp khi: “g) Trái phiếu doanh nghiệp mà doanh nghiệp phát hành đã thay đổi phương án sử dụng vốn, số tiền thu được từ đợt chào bán, đợt phát hành đối với số tiền thu được từ đợt chào bán, đợt phát hành, ngoài các quy định tại điểm a, b, c, d, e khoản này, thì tổ chức tín dụng chỉ được mua trái phiếu này khi doanh nghiệp phát hành trái phiếu hoạt động sản xuất, kinh doanh có lãi liên tục 3 năm gần nhất và doanh nghiệp phát hành được xếp hạng ở mức cao nhất theo quy định xếp hạng tín dụng nội bộ, xếp hạng tín nhiệm của tổ chức tín dụng”.

Đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi quy định trênthành: “… TCTD chỉ được mua trái phiếu này khi doanh nghiệp phát hành trái phiếu hoạt động sản xuất, kinh doanh có lãi trong1 năm gần nhất (căn cứ báo cáo tài chính của công ty mẹ trong trường hợp doanh nghiệp phát hành là công ty mẹ) và doanh nghiệp phát hành được xếp hạng tín dụng nội bộ hoặc xếp hạng tín nhiệm ở mức được cấp tín dụng trở lên”vì xét theo 1 năm gần nhất cũng đã đánh giá được tình trạng hoạt động của Doanh nghiệp. Ngoài ra, so sánh nghị định 153/2020/NĐ-CP, doanh nghiệp phát hành không bắt buộc có lãi nên quy định sản xuất, kinh doanh có lãi 1 năm gần nhất cũng đã chặt hơn quy định tại Nghị định 153/2020/NĐ-CP. Bên cạnh đó, tính hình dịch bệnh Covid hiện tại có ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh doanh nghiệp, quy định doanh nghiệp phát hành được xếp hạng tín dụng, xếp hạng tín nhiệm ở mức cao nhất rất khó để đạt được, hầu như không khách hàng nào có thể đạt được. Quy định tại dự thảo gián tiếp có thể làm giảm mức đánh giá đối với khách hàng.

g/ Khoản 9 Điều 3 dự thảo Thông tư quy định: 9. Tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp phát hành”.

Đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ hơn thế nào là “mục đích cơ cấu lại các khoản nợ” do hiện nay chưa có văn bản pháp luật nào có định nghĩa về vấn đề này. Trong thông tư 02/2013/TT-NHNN quy định về phân loại tài sản có và trích lập dự phòng rủi ro… chỉ có định nghĩa về nợ cơ cấu thời hạn trả nợ.

h. Khoản 10 Điều 3 dự thảo Thông tư quy định: 10. Tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác”.

Mục đích trái phiếu để mua cổ phần, phần vốn góp là các mục đích không bị pháp luật cấm, cũng không phải là yếu tố ảnh hưởng tới chất lượng tín dụng, do đó không có cơ sở để cấm các TCTD thực hiện mua trái phiếu với mục đích này. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo xem xét bỏ quy định tại Khoản 10 Điều 3 dự thảo Thông tư.

i/ Khoản 11 Điều 3 dự thảo Thông tư quy định: “11. Tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để tăng quy mô vốn hoạt động”.

Mục đích tăng quy mô vốn hoạt động là mục đích phát hành trái phiếu hợp pháp theo Luật Chứng khoán và Nghị định 153/2020/NĐ-CP. Việc doanh nghiệp phát hành trái phiếu với mục đích tăng quy mô vốn hoạt động để phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh là nhu cầu chính đáng và không thuộc các trường hợp không được cấp tín dụng và TCTD vẫn được phép cho vay đối với mục đích này theo Thông tư 39/2016/TT-NHNN. Nếu quy định như dự thảo sẽ ảnh hưởng rất lớn đến Tổ chức phát hành có nhu cầu huy động vốn thật sự, cũng như TCTD trong hoạt động đầu tư này. Thực tế hiện nay, các nhà đầu tư tham gia đầu tư thị trường trái phiếu doanh nghiệp chủ yếu là các TCTD, các công ty chứng khoán. Với quy định này của dự thảo sẽ làm giảm cơ hội các TCTD được đầu tư vào thị trường này, cũng như làm giảm đi sức hấp dẫn, thanh khoản của trái phiếu doanh nghiệp, thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Mặt khác, các quy định hiện hành đã đủ đảm bảo để các TCTD đầu tư an toàn hơn, như Nghị định 153/2020/NĐ-CP đã quy định chặt chẽ hơn so với Nghị định 163/2018/NĐ-CP về quản lý mục đích sử dụng vốn (theo Điều 5, Điều 13 và Điều 21 Nghị định 153/2020/NĐ-CP). Bên cạnh đó, theo quy định, các khoản đầu tư trái phiếu doanh nghiệp được theo dõi tính toán như một khoản cho vay trong các giới hạn đảm bảo an toàn trong hoạt động (theo Thông tư 22/2019/TT-NHNNN, Thông tư 22/2016/TT-NHNN, Thông tư 41/2016/TT-NHNN).Cơ chế quản lý này được thực hiện thông qua việc yêu cầu phải bao gồm giá trị đầu tư trái phiếu doanh nghiệp khi tính toán các chỉ số:  Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu; Giới hạn cấp tín dụng các đối tượng thuộc Điều 127 Luật các TCTD; Giới hạn cấp tín dụng một khách hàng, một khách hàng và người có liên quan theo Điều 128 Luật cácTCTD; Tỷ lệ tăng trưởng tín dụng; Tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn.

Do đó, để nghị Ban soạn thảo xem xét lại quy định các TCTD không được đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp có mục đích phát hành tăng quy mô vốn hoạt động. Nhằm kiểm soát chặt hoạt động mua trái phiếu doanh nghiệp, thay vì quy định không cho phép, Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét đưa ra các điều kiện ràng buộc mà TCTD phải đáp ứng khi đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp ở giai đoạn đầu tư sơ cấp.

k/Khoản 12 Điều 3 dự thảo Thông tư quy định:Tổ chức tín dụng không được bán trái phiếu doanh nghiệp cho công ty con của chính tổ chức tín dụng đó, trừ trường hợp bán trái phiếu doanh nghiệp cho công ty con theo phương án tái cơ cấu đã được phê duyệt”

Luật các TCTD, Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và các quy định về quản trị công ty, công bố thông tin quy định rất chặt chẽ về trình tự, thủ tục phê duyệt giao dịch giữa công mẹ - con, đảm bảo chặt chẽ, minh bạch, công khai. Thêm vào đó, TCTD và các công ty con là các pháp nhân độc lập với nhau và có địa vị pháp lý như nhau khi tham gia vào các quan hệ dân sự hay kinh doanh thương mại. Việc bán trái phiếu doanh nghiệp giữa TCTD và công ty con là các giao dịch giữa các pháp nhân với điều kiện tuân thủ theo quy định giao dịch và công bố thông tin giữa các bên liên quan, không làm ảnh hưởng đến hoạt động và tình hình tài chính của các TCTD. Đồng thời, việc giới hạn TCTD bán trái phiếu doanh nghiệp cho công ty con có thể ảnh hưởng đến chiến lược, hoạt động kinh doanh của TCTD và công ty con. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo xem xét bỏ quy định nàyhoặc quy định theo hướng chỉ hạn chế TCTD bán trái phiếu doanh nghiệp cho công ty con trong trường hợp công ty con đó không phải là công ty chứng khoán vì việc mua bán trái phiếu doanh nghiệp là hoạt động kinh doanh chứng khoán bình thường và độc lập của các công ty chứng khoán. Bản thân các công ty chứng khoán cũng phải tuân thủ quy định pháp luật về chứng khoán (như quy định về nghiệp vụ, về các chỉ số tài chính,…) khi thực hiện mua bán chứng khoán.Do đó việc các công ty chứng khoán mua trái phiếu doanh nghiệp từ công ty mẹ là TCTD không ảnh hưởng đến TCTD và công ty chứng khoán. Nếu hạn chế việc bán trái phiếu doanh nghiệp từ TCTD sang công ty con là công ty chứng khoán thì sẽ hạn chế nguồn hàng của công ty chứng khoán, trong khi đó công ty chứng khoán cũng là một nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, một thể chế kinh doanh đóng vai trò quan trọng trong việc tạo lập và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

m/ Khoản 14 Điều 3 dự thảo Thông tư quy định: “14. Trừ trường hợp bán có kỳ hạn và bán trái phiếu doanh nghiệp theo phương án cơ cấu lại được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật, trong vòng 12 tháng sau khi bán trái phiếu doanh nghiệp thì TCTD không được mua trái phiếu doanh nghiệp mà TCTD đã bán và/hoặc trái phiếu doanh nghiệp được phát hành cùng lô/cùng đợt phát hành với trái phiếu doanh nghiệp mà TCTD đã bán. Sau 12 tháng kể từ khi bán trái phiếu doanh nghiệp, TCTD chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp đã bán và/hoặc trái phiếu doanh nghiệp được phát hành cùng lô/cùng đợt phát hành với trái phiếu doanh nghiệp mà TCTD đã bán khi: a) Bên mua trái phiếu doanh nghiệp này từ TCTD phải thanh toán toàn bộ số tiền mua trái phiếu doanh nghiệp tại thời điểm ký kết hợp đồng mua, bán trái phiếu doanh nghiệp; b) Doanh nghiệp phát hành trái phiếu hoạt động sản xuất, kinh doanh có lãi liên tục 3 năm gần nhất và được xếp hạng ở mức cao nhất theo quy định xếp hạng tín dụng nội bộ, xếp hạng tín nhiệm của TCTD”.

Việc mua bán trái phiếu doanh nghiệp là một trong những quyền hợp pháp của trái chủ sở hữu trái phiếu doanh nghiệp. Do đó, quyền của TCTD đối với trái phiếu doanh nghiệp không nên bị hạn chế so với các trái chủ khác. Quy định trong vòng 12 tháng sau khi bán trái phiếu doanh nghiệp, TCTDkhông được phép mua lại trái phiếu doanh nghiệp đã bán và/hoặc trái phiếu cùng lô/cùng đợt phát hành sẽ hạn chế các giao dịch của thị trường thứ cấp, ảnh hưởng đến tính thanh khoản của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, cũng như hạn chế việc TCTD đầu tư trái phiếu doanh nghiệp một cách linh hoạt trong điều kiện thị trường cho phép, nhằm gia tăng biên lợi nhuận của TCTD, dẫn tới các Tổ chức kinh tế sẽ gặp khó khăn hơn trong việc huy động vốn từ phát hành trái phiếu, kênh dẫn vốn cho doanh nghiệp có thể bị đứt gãy.

Bên cạnh đó, đối với hoạt động mua bán dưới 12 tháng, khi đầu tư TCTD có tính vào tăng trưởng tín dụng. Khi bán trái phiếu doanh nghiệp, TCTD đều theo dõi và trích lập dự phòng theo đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước trong trường hợp chưa thu 100% giá trị Hợp đồng mua bán. Như vậy, việc mua bán là giao dịch thực chất. Việc TCTD mua tiếp trái phiếu đó dựa trên cơ sở đánh giá sức khỏe, tính thanh khoản của trái phiếu doanh nghiệp, gia tăng cơ hội kinh doanh cho TCTD.Do đó, đề nghị Ban soạn thảo không quy định thời gian trong vòng 12 tháng sau khi bán, thì TCTD mới được phép mua lại.

Ngoài ra, đề nghị Ban soạn thảo chỉnh sửa quy định tại điểm b Khoản 14 Điều 3 dự thảo Thông tư tương tự như Điểm g Khoản 7 Điều 3.

2. Về quy định nội bộ (Điều 5)

Điểm đ Khoản 2 Điều 5 dự thảo Thông tư quy định: “Các chính sách và giới hạn quản lý rủi ro tín dụng trong hoạt động mua, bán trái phiếu doanh nghiệp, hệ thống đo lường và quản trị rủi ro, điều kiện, biện pháp và quy trình xử lý rủi ro”. Tuy nhiên việc TCTD bán đứt đoạn trái phiếu doanh nghiệp đang sở hữu hoàn toàn không phát sinh rủi ro về tín dụng đối với TCTD chính vì thế việc xây dựng giới hạn quản lý rủi ro tín dụng, hệ thống đo lường... đối với hoạt động bán trái phiếu doanh nghiệp là chưa phù hợp. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo bỏ yêu cầu này đối với hoạt động bán trái phiếu doanh nghiệp của TCTD.

3. Về trách nhiệm của tổ chức tín dụng khi thực hiện mua trái phiếu doanh nghiệp (Điều 7)

a/ Khoản 1 Điều 7 dự thảo Thông tư quy định: Thẩm định, kiểm tra phương án và các điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp, mục đích sử dụng vốn để xem xét quyết định việc mua trái phiếu doanh nghiệp. TCTD tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định mua trái phiếu doanh nghiệpcủa mình”.

Điểm b Khoản 1 Điều 13 Nghị định 153/2020/CP-NĐ quy định “Phương án phát hành trái phiếu doanh nghiệp” đã bao gồm: mục đích phát hành trái phiếu, kế hoạch sử dụng nguồn vốn thu được từ phát hành trái phiếu. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo bỏ phần "mục đích sử dụng vốn" vì kiểm tra Phương án phát hành trái phiếu đã bao gồm mục đích sử dụng vốn.

b/ Khoản 2 Điều 7 dự thảo Thông tư quy định: “Hợp đồng mua trái phiếu doanh nghiệp tối thiểu phải có các nội dung sau: Tên trái phiếu, mục đích phát hành trái phiếu, phương án sử dụng vốn, số tiền thu được từ đợt chào bán, đợt phát hành trái phiếu của doanh nghiệp phát hành, mục đích nắm giữ trái phiếu, số lượng, mệnh giá trái phiếu mua, giá mua trái phiếu, tổng số tiền mua trái phiếu, lãi suất trái phiếu; phương thức thanh toán gốc, lãi trái phiếu; thời hạn và phương thức thanh toán trái phiếu; biện pháp bảo đảm (nếu có); cam kết của doanh nghiệp phát hành không thay đổi mục đích sử dụng vốn trong thời gian tổ chức tín dụng nắm giữ trái phiếu; cam kết của doanh nghiệp phát hành trái phiếu mua lại trái phiếu trước hạn thanh toán trong trường hợp doanh nghiệp phát hành vi phạm quy định pháp luật về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, vi phạm phương án phát hành trái phiếu doanh nghiệp, vi phạm cam kết giữa doanh nghiệp phát hành và tổ chức tín dụng; xử lý các vi phạm hợp đồng mua trái phiếu của các bên trong hợp đồng; xử lý tranh chấp phát sinh; các nội dung khác do các bên trong hợp đồng thỏa thuận phù hợp với quy định tại Thông tư này và quy định của pháp luật có liên quan”.

Đề nghị Ban soạn thảo bỏ yêu cầu về nội dung “mục đích phát hành, phương án sử dụng vốn, số tiền thu được từ đợt chào bán” do các nội dung này được nêu trong Bản công bố thông tin của Tổ chức phát hành nên không cần nhắc lại.

Bên cạnh đó, đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại quy định về “mục đích nắm giữ trái phiếu” vì hợp đồng mua bán trái phiếu doanh nghiệp là văn bản được ký kết giữa bên mua và bên bán trái phiếu với các nội dung chi tiết về khoản trái phiếu được giao dịch, mục đích nắm giữ trái phiếu là hoạt động kinh doanh nội bộ của TCTD sau khi thực hiện thành công giao dịch mua bán trái phiếu, đồng thời doanh nghiệp phát hành hoặc/và bên bán cũng không có nhu cầu kiểm soát mục đích nắm giữ trái phiếu của bên mua sau giao dịch. Do vậy, nội dung về mục đích nắm giữ trái phiếu được nêu ra tại hợp đồng mua trái phiếu doanh nghiệp là chưa phù hợp.

Ngoài ra, đề nghị xem lại quy định “cam kết của doanh nghiệp phát hành không thay đổi mục đích sử dụng vốn trong thời gian TCTD nắm giữ trái phiếu” và “cam kết của doanh nghiệp phát hành trái phiếu mua lại trái phiếu trước hạn thanh toán trong trường hợp doanh nghiệp phát hành vi phạm quy định pháp luật về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, vi phạm phương án phát hành trái phiếu doanh nghiệp, vi phạm cam kết giữa doanh nghiệp phát hành và TCTD”. Nếu trong Phương án phát hành đã có quy định về trường hợp Tổ chức phát hành phải thanh toán trước hạn trong các trường hợp vi phạm này thì có thể Tổ chức phát hành sẽ không cam kết riêng với TCTD muốn đầu tư trái phiếu, lý do có thể đưa ra là TCTD cũng chỉ là một người sở hữu trái phiếu, cùng quyền lợi ngang hàng với các trái chủ khác nên việc Tổ chức phát hành phải cam kết trong Hợp đồng mua bán hoặc cam kết riêng với TCTD là không công bằng với các trái chủ khác và nội dung cam kết cũng đã có trong Phương án phát hành. Như vậy, đề nghị nên trao cho TCTD quyền chủ động kiểm soát điều kiện này trong các tài liệu cam kết của Tổ chức phát hành nói chung hoặc nói riêng (khi chưa có cam kết, công bố chung).

c/ Khoản 5 Điều 7 dự thảo Thông tư quy định: “Thực hiện theo dõi, giám sát hoặc thông qua bên thứ ba có chức năng liên quan trong giao dịch để theo dõi, giám sát việc sử dụng tiền thu từ phát hành trái phiếu của doanh nghiệp”.

Việc chưa quy định rõ thời điểm cung cấp chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn trái phiếu dẫn tới các TCTD đang có các cách vận dụng khác nhau về thời điểm cung cấp chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn. Có TCTD yêu cầu cung cấp chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn trái phiếu ngay tại thời điểm chuyển tiền đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, có TCTD sẽ yêu cầu cung cấp chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn sau khi chuyển tiền đầu tư trái phiếu doanh nghiệp và định kỳ 3 tháng hoặc 6 tháng... Do đó, đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung hướng dẫn thời điểm cung cấp chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn trái phiếu để có sự thống nhất giữa các TCTD.

d/ Khoản 7 Điều 7 dự thảo Thông tư quy định: “7. Trong thời gian nắm giữđến ngày đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp, tối thiểu định kỳ 06 tháng/lần, tổ chức tín dụng đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp phát hành, đánh giá tình hình tài chính, khả năng thanh toán gốc, lãi trái phiếu của doanh nghiệp phát hành”.

Trên thực tế đối với khoản đầu tư thứ cấp nội dung đánh giá định kỳ 6 tháng khó thực hiện nên đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại nội dung này. Ngoài ra, đề nghị Ban soạn thảo hướng dẫn rõ các nội dung đánh giá có bao gồm xếp hạng tín dụng lại doanh nghiệp phát hành hay không? Nếu không thì việc xếp hạng tín dụng của doanh nghiệp phát hành có phải thực hiện định kỳ không?

e) Khoản 8 Điều 7 dự thảo Thông tư quy định: “8. Thực hiện theo dõi, báo cáo riêng đối với việc mua trái phiếu doanh nghiệp xanh”.

Đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ hơn thực hiện theo dõi, báo cáo riêng là tuân theo quy định nào, có theo định kỳ tối thiểu 6 tháng/ lần như ở Khoản 7 Điều 7 không?

4. Về trách nhiệm của tổ chức tín dụng khi thực hiện bán trái phiếu doanh nghiệp (Điều 8)

Khoản 5 Điều 8 dự thảo Thông tư quy định: “Có trách nhiệm cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời về tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành,...”.

Trên thực tế, TCTD (Bên bán) chỉ có thể cung cấp thông tin đầy đủ cho bên mua theo hồ sơ tín dụng đang lưu trữ tại TCTD, nghĩa vụ đảm bảo tính chính xác về tình hình tài chính… là trách nhiệm của Tổ chức phát hành. Ngoài ra, từ “kịp thời” cần phải được làm rõ nghĩa, bởi vì thực tế TCTD (Bên bán) thường định kỳ thu thập thông tin tài chính… của Tổ chức phát hành 6 tháng/lần do đó cũng chỉ có thể cung cấp đầy đủ thông tin theo kỳ kế toán gần nhất của doanh nghiệp. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo xem xét cách diễn đạt nội dung này theo hướng TCTD (Bên bán) có trách nhiệm chia sẻ đầy đủ các thông tin về Tổ chức phát hành, giao dịch trái phiếu…cho bên mua theo hồ sơ tín dụng đang lưu trữ tại bên bán để phù hợp hơn với thực tiễn.

Các nội dung góp ý đối với dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 22/2016/TT-NHNN,Hiệp hội Ngân hàng trân trọng đề nghị cơ quan soạn thảo tổng hợp, xem xét giải quyết.

  • Ngân hàng Nhà nước ban hành các quyết định về lãi suất tiền gửi

    Ngân hàng Nhà nước ban hành các quyết định về lãi suất tiền gửi

    Nhằm đảm bảo tính thống nhất về căn cứ pháp lý với các Thông tư quy định về lãi suất tiền gửi, ngày 01/11/2024, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành các Quyết định 2410/QĐ-NHNN và 2411/QĐ-NHNN quy định về lãi suất tiền gửi trong đó chỉnh sửa căn cứ pháp lý ban hành và không thay đổi các mức lãi suất tiền gửi.

  • CEO TPBank giải mã chiến lược bán lẻ ngân hàng kiểu ‘FMCG kết hợp vàng bạc đá quý’

    CEO TPBank giải mã chiến lược bán lẻ ngân hàng kiểu ‘FMCG kết hợp vàng bạc đá quý’

    TPBank có quy mô chi nhánh của một ngân hàng tầm trung nhưng số lượng khách hàng cá nhân tương đương với một nhà băng top đầu. Đó là kết quả của một chiến lược bán lẻ đặc thù, bắt nguồn từ tư duy khác biệt của những lãnh đạo cấp cao tại đây.

  • Phó Thống đốc Phạm Quang Dũng tiếp Thống đốc Cơ quan dịch vụ giám sát tài chính Hàn Quốc

    Phó Thống đốc Phạm Quang Dũng tiếp Thống đốc Cơ quan dịch vụ giám sát tài chính Hàn Quốc

    Ngày 11/11, tại Trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Phó Thống đốc NHNN Phạm Quang Dũng đã có buổi tiếp với ông Lee Bokhyun - Thống đốc Cơ quan Dịch vụ giám sát tài chính Hàn Quốc (FSS).

  • Đoàn NHNN dự Hội nghị thường niên của Ngân hàng thanh toán quốc tế

    Đoàn NHNN dự Hội nghị thường niên của Ngân hàng thanh toán quốc tế

    Từ ngày 10-11/11/2024, Đoàn Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) do Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng dẫn đầu cùng đại diện lãnh đạo Vụ Thanh Toán, Cục Công nghệ thông tin và Vụ Hợp tác Quốc tế đã tham dự Hội nghị thường kỳ của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) tại Basel, Thụy Sĩ. Hội nghị này là dịp quan trọng để NHNN tiếp tục củng cố quan hệ với các đối tác quốc tế và tiếp cận các xu hướng kinh tế tài chính toàn cầu.

  • Ngân hàng gia tăng hợp tác cho vay gián tiếp

    Ngân hàng gia tăng hợp tác cho vay gián tiếp

    Trong tháng 10 vừa qua, các ngân hàng OCB và VPBank đã lần lượt ký kết Hợp đồng khung cho vay gián tiếp đối với nguồn vốn vay ủy thác từ Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (Quỹ SMEDF thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

  • Cảnh báo lừa đảo thẻ tín dụng và thanh toán online
    13:39

    Cảnh báo lừa đảo thẻ tín dụng và thanh toán online

    Tội phạm công nghệ giả danh nhân viên ngân hàng để lừa đảo, chào mời nâng hạn mức thẻ tín dụng, hoàn tiền và yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân. Họ còn sử dụng các thủ đoạn để lách xác thực sinh trắc học, khiến nhiều người, vì tham lam và sử dụng ứng dụng giả mạo, trở thành nạn nhân. Các bẫy lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua giao dịch ngân hàng ngày càng phổ biến.

  • Cập nhật lãi suất tiền gửi cá nhân 02 tuần qua

    Cập nhật lãi suất tiền gửi cá nhân 02 tuần qua

    Trong 02 tuần qua (từ 28/10 đến 08/11/2024), bảng lãi suất của 36 ngân hàng ghi nhận ít sự điều chỉnh nhất trong vòng gần 02 năm qua, với chỉ 04/36 ngân hàng có điều chỉnh tăng nhẹ lãi suất; không có ngân hàng giảm lãi suất.

  • Ngân hàng Nhà nước không có quy định cấm cho vay bất động sản

    Ngân hàng Nhà nước không có quy định cấm cho vay bất động sản

    Trong phiên trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội sáng ngày 11/11/2024, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết mục tiêu điều hành của Ngân hàng Nhà nước là làm sao vừa kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô nhưng vừa phải đảm bảo an toàn của hệ thống ngân hàng.

  • Thống đốc Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn về quản lý thị trường vàng

    Thống đốc Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn về quản lý thị trường vàng

    Là "Tư lệnh" ngành đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội sáng 11/11, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đã trả lời đại biểu về nhiều nội dung, trong đó có vấn đề quản lý thị trường vàng và đô la Mỹ.

  • Ông Trương Thành Nam Phó Tổng Giám đốc OCB xin từ nhiệm

    Ông Trương Thành Nam Phó Tổng Giám đốc OCB xin từ nhiệm

    Ngày 7/11, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) đã có văn bản số 325601/2024/CV-OCB về việc nhận được đơn đề nghị chấm dứt hợp đồng lao động của ông Trương Thành Nam - Phó Tổng Giám đốc, theo nguyện vọng cá nhân. Đơn xin từ nhiệm của ông Nam sẽ có hiệu lực khi Hội đồng quản trị có quyết định miễn nhiệm.

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay