Thứ bảy, 11/01/2025
   

Tăng cường phối hợp trong quản lý nhà nước và hoàn thiện chính sách về Mobile Money

Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông vừa ký kết Quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước đối với việc thực hiện thí điểm dịch vụ Mobile Money.

Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông vừa ký kết Quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước đối với việc thực hiện thí điểm dịch vụ Mobile Money.

Đây là bước tiến quan trọng trong tiến trình sớm triển khai thí điểm dịch vụ dùng tài khoản viễn thông thanh toán hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ theo quy định tại Quyết định số 316/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đang được các doanh nghiệp viễn thông mong chờ.

Theo quy chế phối hợp, Ngân hàng Nhà nước là cơ quan đầu mối tiếp nhận Hồ sơ đề nghị triển khai thí điểm của các doanh nghiệp viễn thông và thẩm định các nội dung được phân công. Khi thành phần hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, Ngân hàng Nhà nướcsẽ gửi lấy ý kiến Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông.

Triển khai thí điểm Mobile Money để xem xét, xây dựng các quy định pháp lý chính thức

Trước đó, ngày 09/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 316/QĐ-TTg về việc phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Quyết định 316). Theo quy định, thời gian thực hiện thí điểm dịch vụ Mobile Money là 2 năm kể từ thời điểm doanh nghiệp đầu tiên thực hiện thí điểm được chấp thuận triển khai thí điểm dịch vụ này. Kết quả thí điểm triển khai dịch vụ Mobile Money sẽ là cơ sở thực tiễn để cơ quan quản lý có thẩm quyền xem xét, xây dựng và ban hành các quy định pháp lý chính thức cho hoạt động cung ứng dịch vụ tại Việt Nam.

Về cơ bản, Mobile Money hướng đến đối tượng khách hàng là người dân miền núi, vùng sâu vùng xa, các vùng nông thôn, chưa có tài khoản ngân hàng cũng như điều kiện sử dụng các dịch vụ thanh toán hiện đại. Do đó, Mobile Money nếu được quản lý tốt sẽ có những ảnh hưởng tích cực đến nền kinh tế và các đối tượng tham gia. Cụ thể:

Đối với nền kinh tế: Thị trường có thêm các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), tăng cường việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính, đặc biệt tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, Mobile Money được phát triển dựa trên tận dụng hạ tầng viễn thông nên sẽ giảm các chi phí xã hội để phát triển TTKDTM.

Đối với các doanh nghiệp viễn thông triển khai dịch vụ Mobile Money: Sẽ phát triển và đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ và đối tượng khách hàng (ngoài các dịch vụ viễn thông truyền thống), nhờ đó, mở rộng thị trường, tăng doanh thu và nâng cao khả năng cạnh tranh.

Đối với khách hàng: Mobile Money cung ứng cho nhóm khách hàng không có tài khoản ngân hàng một kênh giao dịch nhanh chóng và thuận tiện, sử dụng 24/7, thanh toán mọi lúc, mọi nơi với thiết bị di động. Mobile-Money cũng góp phần phổ cập kiến thức tài chính toàn diện cho toàn dân. Thông qua đó, người sử dụng sẽ dần quen với sử dụng các dịch vụ tài chính chính thức khác tại ngân hàng và tổ chức trung gian thanh toán. Bên cạnh đó, áp lực cạnh tranh buộc các tổ chức cung ứng dịch vụ phải nâng cao chất lượng dịch vụ, do đó, khách hàng được trải nghiệm dịch vụ tốt hơn.

Sử dụng Mobile Money không cần có tài khoản ngân hàng

Để mở và sử dụng ví điện tử, khách hàng cần có tài khoản ngân hàng hoặc thẻ ghi nợ và phải liên kết ví điện tử với tài khoản ngân hàng. Hạn mức sử dụng của ví điện tử cá nhân là 100 triệu đồng/tháng.

Trong khi đó, khách hàng mở và sử dụng dịch vụ Mobile Money không đòi hỏi phải có tài khoản ngân hàng. Khách hàng cần có SIM thuê bao di động được định danh, xác thực theo quy định của pháp luật, có thời gian kích hoạt và sử dụng liên tục trong ít nhất 3 tháng liền kề là có thể mở và sử dụng dịch vụ Mobile-Money. Để hạn chế rủi ro trong giai đoạn thí điểm và phù hợp với giao dịch giá trị nhỏ, hạn mức giao dịch của Mobile Money là 10 triệu đồng/tháng.

Như vậy, điểm khác biệt lớn nhất giữa dịch vụ Mobile Money và ví điện tử là không yêu cầu phải có tài khoản ngân hàng. Nhờ đó, dịch vụ Mobile Money sẽ hỗ trợ cho việc phát triển TTKDTM, tăng cường tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính, đặc biệt tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo của Việt Nam.

Doanh nghiệp viễn thông muốn xin giấy phép để cung cấp dịch vụ này cần những điều kiện gì?

Theo ông Phạm Tiến Dũng - Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước, tinh thần triển khai Mobile Money là đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng dịch vụ. Đối với doanh nghiệp được phép triển khai thí điểm dịch vụ này: phải mở tài khoản thanh toán tại NHTM và số dư trên các tài khoản đảm bảo thanh toán phải được duy trì không thấp hơn so với tổng số dư tất cả các tài khoản Mobile Money của khách hàng tại cùng thời điểm. Thứ hai, doanh nghiệp thực hiện thí điểm phải có hệ thống đáp ứng yêu cầu đảm bảo an toàn hệ thống thông tin cấp độ 3 quốc gia theo quy định của pháp luật hiện hành. Thứ ba, dịch vụ Mobile Money phải triển khai đúng quy định, quyền hạn, trách nhiệm của doanh nghiệp.

Cụ thể, trước tiên, doanh nghiệp phải đáp ứng tiêu chí có đồng thời giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán ví điện tử và giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng di động mặt đất sử dụng băng tần số vô tuyến điện hoặc là công ty con được công ty mẹ có giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng di động mặt đất sử dụng băng tần số vô tuyến điện cho phép sử dụng hạ tầng, mạng lưới, dữ liệu viễn thông theo quy định tại Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 09/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Khoản 1 mục II Điều 1, Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 09/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về đối tượng được triển khai thí điểm là các doanh nghiệp phải có đồng thời Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán Ví điện tử và Giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng di động mặt đất sử dụng băng tần số vô tuyến điện hoặc là công ty con được Công ty mẹ có Giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng di động mặt đất sử dụng băng tần số vô tuyến điện cho phép sử dụng hạ tầng, mạng lưới, dữ liệu viễn thông.

Các doanh nghiệp viễn thông cần xây dựng Hồ sơ đề nghị triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money đảm bảo đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại Quyết định 316/QĐ-TTg, gửi Ngân hàng Nhà nước đầu mối xem xét, thẩm định. Theo quy định tại điểm a khoản 1 mục V Điều 1 Quyết định số 316/QĐ-TTg, Hồ sơ bao gồm: Đề án triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money; Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán; Giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng di động mặt đất sử dụng băng tần số vô tuyến điện; Hồ sơ về nhân sự.

Trong Đề án triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money của doanh nghiệp thực hiện thí điểm phải đảm bảo các nội dung như: tuân thủ các quy trình về nghiệp vụ, phải có phương án cụ thể để quản lý tách bạch tài khoản Mobile Money với tài khoản của SIM thuê bao di động; xây dựng cơ chế rủi ro về thanh khoản để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng. Tài khoản đảm bảo thanh toán cho dịch vụ Mobile Money phải được tách bạch, riêng biệt với các tài khoản thanh toán khác của doanh nghiệp thực hiện thí điểm mở tại ngân hàng thương mại...). Trong Đề án này, doanh nghiệp thực hiện thí điểm phải xây dựng công cụ để Ngân hàng Nhà nước, Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an có thể truy cập hệ thống để khai thác thông tin, dữ liệu, giám sát theo thời gian thực tổng số dư của các tài khoản Mobile Money và số tiền trên các tài khoản đảm bảo thanh toán cho dịch vụ Mobile Money của doanh nghiệp thực hiện thí điểm mở tại ngân hàng thương mại; trên công cụ phải có chức năng để cơ quan quản lý giám sát việc tuân thủ của doanh nghiệp thực hiện thí điểm đối với các hành vi bị cấm. Bên cạnh đó, trong Đề án, doanh nghiệp thực hiện thí điểm phải đảm bảo các quy định về nhận biết, định danh khách hành (KYC) chính xác; đồng thời tuân thủ các nguyên tắc chung và quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố; đảm bảo các quy định về lựa chọn và quản lý các điểm kinh doanh...

Trên cơ sở Hồ sơ đề nghị của các doanh nghiệp viễn thông, NHNN sẽ đầu mối, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an để xem xét, chấp thuận việc triển khai dịch vụ Mobile Money.

Khi nào người dân được sử dụng dịch vụ Mobile-Money?

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh, ngay sau khi các doanh nghiệp viễn thông đáp ứng các điều kiện và được chấp thuận triển khai cung ứng dịch vụ Mobile Money, người dân có nhu cầu sử dụng dịch vụ, đặc biệt là người dân ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa có thể đăng ký mở, nạp tiền và sử dụng dịch vụ Mobile Money.

Khi đăng ký sử dụng dịch vụ Mobile Money, khách hàng sẽ phải cung cấp chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân hoặc Hộ chiếu trùng với thông tin đăng ký số thuê bao di động của khách hàng. Ngoài ra, cũng cần lưu ý mỗi khách hàng chỉ được mở 01 tài khoản Mobile Money tại mỗi doanh nghiệp viễn thông.

Theo Quyết định 316, khách hàng có thể sử dụng Mobile Money để thực hiện nhiều giao dịch khác nhau như: nạp, rút tiền, thanh toán việc mua hàng hóa, dịch vụ, chuyển tiền. Khách hàng có thể nạp, rút bằng tiền mặt tại các điểm kinh doanh, nạp/rút từ tài khoản thanh toán của khách hàng tại ngân hàng hoặc từ ví điện tử của khách hàng tại chính doanh nghiệp viễn thông thực hiện thí điểm. Sau khi mở tài khoản Mobile Money, khách hàng có thể nhận tiền và chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng, ví điện tử hoặc tài khoản Mobile Money khác.

Khách hàng không được cho thuê, mượn, trao đổi, tặng, cho hoặc mua, bán tài khoản Mobile Money để đảm bảo an toàn, bảo mật khi sử dụng dịch vụ.

Sau 2 năm, kết quả thực hiện thí điểm dịch vụ Mobile-Money là cơ sở thực tiễn để cơ quan quản lý có thẩm quyền xem xét, xây dựng và ban hành quy định pháp lý chính thức cho hoạt động cung ứng dịch vụ Mobile Money tại Việt Nam. 

Ông Phạm Tiến Dũng cũng cho biết, khi triển khai Mobile Money, Ngân hàng Nhà nước xác định đầu tiên phải theo hướng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng trên 3 khía cạnh. Đó là bảo vệ tiền của khách hàng thông qua bắt buộc các nhà mạng phải gửi ở ngân hàng và không được sử dụng với mục đích khác. Bên cạnh đó, hệ thống Mobile Money được xây dựng dựa trên yêu cầu thông tin cấp độ của quốc gia để bảo vệ thông tin cho khách hàng tuyệt đối. Khi có tiền trong Mobile Money, khách hàng được sử dụng tất cả các dịch vụ một cách hợp pháp.

Tuân thủ và đảm bảo các điều kiện để triển khai thành công Mobile Money

Theo Quyết định 316, các doanh nghiệp thực hiện thí điểm cần tuân thủ và đảm bảo các điều kiện, quy định khi tổ chức triển khai. Để triển khai thành công Mobile Money phụ thuộc vào nhiều bên, nhiều yếu tố khác nhau. Trong đó các yếu tố mang tính tiền đề là:

Đối với doanh nghiệp viễn thông, cần xây dựng ứng dụng an toàn, thuận tiện, dễ sử dụng; xây dựng hệ thống các điểm kinh doanh trên toàn quốc, trong đó ưu tiên triển khai thí điểm tại các địa bàn thuộc khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Các đơn vị cung ứng hàng hóa/dịch vụ, cần chấp nhận rộng rãi phương thức thanh toán này với các chi phí hợp lý.

Về phía người dùng, cần thấy rõ lợi ích khi sử dụng phương thức này trên cả khía cạnh lợi ích tài chính và tính thuận tiện trong sử dụng. Do đó, các doanh nghiệp viễn thông, cơ quan chức năng cần đẩy mạnh truyền thông, giáo dục tài chính để nâng cao kiến thức, kỹ năng sử dụng dịch vụ tài chính đối với đối tượng người dân khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, người nghèo, các đối tượng chính sách...

Đối với công tác quản lý nhà nước, Mobile Money là dịch vụ mới tại Việt Nam, do đó, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa Ngân hàng Nhà nước, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an trong việc thẩm định, cấp phép, thanh tra, kiểm tra, giám sát theo đúng quy định tại Quyết định 316 của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt phối hợp trong việc hoàn thiện chính sách về dịch vụ Mobile Money sau 02 năm thí điểm.

Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục theo dõi và nắm bắt thông tin phản ánh dư luận liên quan đến việc thực hiện thí điểm Mobile Money để kịp thời phối hợp với các Bộ ngành xử lý các vướng mắc, phát sinh.

Theo DIV

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay