Sau gần 10 năm Luật Bảo hiểm tiền gửi đi vào cuộc sống, bên cạnh những mặt đạt được, vẫn còn một số vướng mắc, bất cập, cần thiết phải nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi người gửi tiền và góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng.
Năm 2012 đã đánh dấu một mốc quan trọng trong quá trình phát triển của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam khi lần đầu tiên có một văn bản luật điều chỉnh hoạt động bảo hiểm tiền gửi. Đây là văn bản pháp lý cao nhất và toàn diện nhất về bảo hiểm tiền gửi, trong đó quy định đầy đủ các nội dung về hoạt động bảo hiểm tiền gửi ở Việt Nam.
Luật Bảo hiểm tiền gửi quy định bảo hiểm tiền gửi là loại hình bảo hiểm bắt buộc, trừ ngân hàng chính sách, còn lại tất cả các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nhận tiền gửi của cá nhân đều phải tham gia bảo hiểm tiền gửi. Quy định tại Luật đã bảo đảm quyền và lợi ích cho người gửi tiền, tạo niềm tin cho người dân khi gửi tiền tại tổ chức tín dụng.
Tuy nhiên, trước xu thế phát triển ngày càng mạnh mẽ của hệ thống tài chính - ngân hàng, Luật Bảo hiểm tiền gửi cần được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với tình hình mới và sự thay đổi của hệ thống pháp luật hiện hành. Qua quá trình triển khai Luật Bảo hiểm tiền gửi, còn phát sinh nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc cần được giải quyết nhằm nâng cao hơn nữa vai trò của tổ chức bảo hiểm tiền gửi, để chính sách bảo hiểm tiền gửi thực sự đi vào cuộc sống. Việc tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý nhằm đảm bảo một hệ thống pháp luật đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho các định chế tài chính hoạt động hiệu quả là một yêu cầu khách quan. Cụ thể:
Luật Bảo hiểm tiền gửi quy định: Tiền gửi được bảo hiểm gồm tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các hình thức tiền gửi khác theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng. Tại các văn bản hướng dẫn thi hành Luật chưa có quy định rõ về “các hình thức tiền gửi khác”, do vậy còn có các quan điểm khác nhau trong việc xác định tiền gửi được bảo hiểm đối với hình thức như: tiền gửi ký quỹ, thẻ trả trước...
Việc áp dụng mức phí bảo hiểm tiền gửi phân biệt giữa các tổ chức tín dụng còn khó khăn. Hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam vẫn đang trong quá trình cơ cấu lại, gắn với trọng tâm là xử lý căn bản, triệt để nợ xấu và các tổ chức tín dụng yếu kém. Việc áp dụng phí bảo hiểm tiền gửi phân biệt sẽ làm tăng gánh nặng tài chính đối với các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, đặc biệt là những tổ chức tín dụng có độ rủi ro cao, gia tăng khó khăn cho quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của các tổ chức này.
Một số quy định tại Luật Bảo hiểm tiền gửi cần phải được sửa đổi, bổ sung để đảm bảo thống nhất với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, đồng thời tạo cơ sở để Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam thực hiện được các nhiệm vụ mới được giao.
Theo đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng đã bổ sung một số quyền hạn, nghĩa vụ của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trong quá trình tham gia tái cơ cấu tổ chức tín dụng, bao gồm: phối hợp tham gia xây dựng phương án phục hồi quỹ tín dụng nhân dân, phương án phá sản tổ chức tín dụng, cho vay đặc biệt đối với quỹ tín dụng nhân dân, công ty tài chính, mua trái phiếu dài hạn của tổ chức tín dụng hỗ trợ. Trong khi đó, các quy định tại Luật Bảo hiểm tiền gửi hiện chưa quy định các quyền, nghĩa vụ này của tổ chức bảo hiểm tiền gửi.
Luật Bảo hiểm tiền gửi sửa đổi cần theo hướng bổ sung chức năng, nhiệm vụ mới để Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam có vai trò lớn hơn trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền và kiểm soát rủi ro tổ chức tín dụng; tăng cường năng lực tài chính cho Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam; sử dụng hiệu quả nguồn lực từ Bảo hiểm tiền gửi vào thực hiện nhiệm vụ cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém, xử lý nợ xấu; nâng hạn mức Bảo hiểm tiền gửi phù hợp với yêu cầu thực tế nhằm bảo vệ tốt hơn người gửi tiền, nâng cao niềm tin của người gửi tiền vào hệ thống tổ chức tín dụng.
Ngoài ra, Luật Bảo hiểm tiền gửi sửa đổi cần theo hướng đồng bộ với các quy định pháp luật khác có liên quan để việc thực thi đạt hiệu quả trong thực tế, đồng thời tham khảo, học tập kinh nghiệm xây dựng Luật Bảo hiểm tiền gửi của các nước và hướng dẫn phát triển hệ thống Bảo hiểm tiền gửi hiệu quả của quốc tế.