
Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc
Báo cáo của NHNN Khu vực 12 cho hay, sau hơn một tháng hoạt động theo mô hình mới trên cơ sở sáp nhập, hợp nhất 5 chi nhánh NHNN các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu.
Ban Giám đốc đã phân công mỗi tỉnh trong khu vực một phó giám đốc theo dõi triển khai thực hiện trực tiếp cơ chế chính sách tiền tệ và cơ chế chính sách địa phương, đồng thời tiếp nhận kịp thời phản ánh của người dân sử dụng dịch vụ tài chính ngân hàng.
Qua đó, hoạt động giao dịch vốn tín dụng, thanh toán, kế toán… của các tổ chức tín dụng trong khu vực 5 tỉnh cơ bản hoạt động ổn định và sẽ giúp cải cách thủ tục hành chính cho tổ chức tín dụng.
Mạng lưới hoạt động của các tổ chức tín dụng tại khu vực 12 đảm bảo an toàn, phù hợp, hiệu quả, với mục tiêu đưa tiện ích, dịch vụ ngân hàng đến tận các xã vùng sâu, vùng xa. Khu vực 12 hiện có 1.106 điểm giao dịch của các tổ chức tín dụng, bao gồm 227 chi nhánh ngân hàng cấp 1 của khối ngân hàng thương mại, 790 chi nhánh cấp 2 và phòng giao dịch trực thuộc, 73 quỹ tín dụng nhân dân, 08 chi nhánh tổ chức tài chính vi mô CEP, 02 chi nhánh công ty tài chính và 07 văn phòng đại diện.
Ông Tạ Thành Long – Giám đốc NHNN Khu vực 12 cho biết, sau sáp nhập, quy mô dư nợ cho vay và nguồn vốn huy động của khu vực 12 chỉ đứng sau hai thành phố lớn Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Số liệu thống kê của NHNN Khu vực 12 cho hay, tổng huy động vốn trên địa bàn đến cuối tháng 3/2025 đạt hơn 1 triệu tỷ đồng, bình quân cả khu vực tăng 2,06% so với cuối năm 2024, tương quan hơn 89% quy mô cấp tín dụng của các TCTD trên địa bàn. Dư nợ tín dụng đến cuối tháng 3/2025 ước đạt hơn 1,1 triệu tỷ đồng, tăng 0,86% so với đầu năm, trong đó Đồng Nai và Bà Rịa Vũng Tàu ghi nhận tăng trưởng khá, các tỉnh còn lại có giảm nhẹ so với đầu năm. Tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên tiếp tục tăng trưởng ổn định.

Ông Tạ Thành Long – Giám đốc NHNN Khu vực 12 phát biểu tại buổi làm việc
Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN được triển khai hiệu quả trong thời gian qua, trực tiếp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, góp phần thúc đẩy phục hồi và đóng góp tích cực cho sự phát triển của kinh tế địa phương.
Mặt bằng lãi suất trên địa bàn khu vực tiếp tục được giữ ổn định, công tác thanh tra, giám sát góp phần hiệu quả đảm bảo các TCTD trên địa bàn chấp hành nghiêm các quy định về lãi suất điều hành, quán triệt chỉ đạo của NHNN về việc tiết giảm chi phí hoạt động, chỉ tiêu lợi nhuận và cắt giảm thủ tục, giấy tờ không cần thiết để phấn đấu hạ mặt bằng lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế.
Các tổ chức tín dụng trong khu vực các tỉnh miền Đông Nam bộ cho rằng hoạt động sáp nhập, tin gọn bộ máy trong khu vực không tác động đến hoạt động đến ngân hàng giao dịch với khách hàng.
Kết thúc buổi làm việc, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng biểu dương NHNN Khu vực 12 và các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã hoàn thành tốt nhiệm của của ngành Ngân hàng trong triển khai sắp xếp tinh gọn bộ máy trong thời gian qua. Đồng thời, mong muốn các đơn vị dần thích nghi với mô hình mới, hoạt động mới với nhiều kết quả tích cực hơn trong thời gian tới.
Tại buổi làm việc, các vụ, cục chức năng của NHNN chia sẻ những khó khăn trong công tác kho quỹ ở các khu vực xa xôi với trụ sở chính và sẽ hỗ trợ tối đa theo quy định hiện hành theo hướng hỗ trợ tổ chức tín dụng để phục vụ lưu thông tiền mặt. Hoạt động kho quỹ, tiền mặt của các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng cần chuẩn bị sẵn sàng cho một giai đoạn mới, khi xu hướng công nghệ thay đổi nhanh chóng.
Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng cho biết, xu hướng Ngân hàng Trung ương các nước trong khu vực và trên thế giới ngày một thay đổi theo xu hướng số hóa, theo đó mỗi ngân hàng thương mại cần có nghiên cứu, trao đổi và đề xuất kiện nghị với NHNN để thực hiện quản lý tiền mặt trong thực tế NHNN khu vực đặt trụ sở chính tại 15 tỉnh thành phố lớn.