Năm 2017, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, tác động tích cực đến hoạt động xử lý nợ trong hệ thống, các Ngân hàng đã thu được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong quá trình xửlý nợ xấu, góp phần khai thông các dòng vốn tồn đọng, đưa quay lại đầu tư vào nền kinh tế. Trong đó, Ngân hàng Sài Gòn Thương tín (Sacombank) đã và đang thực hiện quyết liệt Đề án Tái cơ cấu sau sáp nhập Ngân hàng, được Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước phê duyệt, với nhiệm vụ trọng tâm là xử lý triệt để các khoản nợ, tài sản tồn đọng từ đơn vị sáp nhập. Với kỳ vọng và mong muốn thực hiện thành công Đề án, Sacombank đã tập trung nghiên cứu, ban hành nhiều chính sách thúc đẩy xử lý nợ xấu, đưa ra nhiều biện pháp xử lý nợ ngoài tố tụng đối với từng hồ sơ phức tạp, có giá trị lớn.
Tuy nhiên, với hàng lang pháp lý như hiện nay, hầu hết khối nợ xấu, tài sản tồn đọng tại Sacombank vẫn đang được giải quyết tại cơ quan Tòa án và Thi hành án dân sự, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số hồ sơ cần xử lý. Cụ thể, tính tại khu vực TP. Hồ Chí Minh, Sacombank đang có 86 hồ sơ xử lý nợ tại Tòa án và thi hành án, với tổng dư nợ 602.155 triệu đồng; đối với các khoản nợ đã bán cho VAMC và nhận ủy quyền để xử lý, Sacombank có 10 hồ sơ xử lý nợ tại Tòa án, với tổng dư nợ là 44.944 triệu đồng. Dù vậy, quá trình xử lý nợ thông qua biện pháp tố tụng dân sự vẫn tiếp tục phát sinh một số khó khăn, vướng mắc, bật cập cần được tháo gỡ, để hoạt động xử lý nợ đạt được hiệu quả cao. Qua buổi tọa đàm này, Sacombank trân trọng trình bày các vấn đề còn tồn tại này và nêu một số đề xuất, cụ thể như sau:
1. Một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến hoạt động thụ lý vụ án
- Bộ luật Tố tụng dân sự (khoản 2,3 Điều 192) quy định, trong thời hạn tối đa 8 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn khởi kiện, Tòa án ra một trong các quyết định: (1) Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện; (2) Tiến hành thụ lý vụ án và giải quyết theo quy định; (3) Chuyển đơn cho Tòa án có thẩm quyền; (4) Trả lại đơn.
- Tuy nhiên, trong thực tiễn không hiếm gặp trường hợp Tòa án thụ lý vụ án vượt quá thời hạn theo quy định trên. Trong năm 2020, do dịch Covid-19 nên việc nộp đơn khởi kiện nhiều thời điểm phải thông qua đường bưu điện, thời gian thụ lý vụ án còn bị kéo dài hơn so với khi nộp đơn trực tiếp. Qua các kênh thông tin và trao đổi, Ngân hàng được biết và chia sẻ với hệ thống Tòa án đang chịu áp lực giải quyết khối lượng lớn các vụ án và có xu hướng tăng theo từng năm. Tuy nhiên, khởi kiện tại Tòa án là biện pháp xử lý “đặng chẳng đừng”, sau khi Ngân hàng và khách hàng không thể tìm kiếm biện pháp xử lý chung, trong khi số dư nợ Ngân hàng cần phải thu hồi gia tăng qua từng ngày. Thời gian xử lý nợ càng bị kéo dài, áp lực thu hồi nợ cho Ngân hàng càng tăng, tiềm ẩn khả năng tổn thất, mất nhiều thời gian, nhân lực, chi phí của Ngân hàng để theo đuổi vụ án. Ngân hàng không hiếm lần buộc phải làm việc trực tiếp với thẩm phán thụ lý vụ án, thậm chí khiếu nại về việc thụ lý quá hạn. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn tồn tại, Ngân hàng vẫn thường xuyên phải đối mặt.
Đề xuất của Sacombank:
Đề nghị Tòa án xem xét, chỉ đạo tòa án các cấp quán triệt việc tuân thủ thời hạn thụ lý các vụ án liên quan đến hồ sơ xử lý nợ theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, hạn chế phát sinh trường hợp thụ lý vụ án quá hạn.
2. Một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến hoạt động tống đạt văn bản tố tụng
- Bộ luật Tố tụng dân sự (Điều 170) quy định nghĩa vụ cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng cho các đương sự trong quá trình giải quyết vụ án; người khởi kiện/nguyên đơn có quyền thông báo, đề nghị Tòa án tống đạt văn bản tố tụng đến địa chỉ chỉ định ghi trong đơn khởi kiện.
- Tuy nhiên, thực tiễn hoạt động tống đạt văn bản còn bất cập. Cụ thể: Ngân hàng đều nêu rõ trong đơn khởi kiện về thông tin của nhân sự đầu mối xử lý nợ, địa chỉ của chi nhánh/phòng giao dịch đang khởi kiện xử lý nợ, số điện thoại liên lạc. Tuy nhiên, Hội sở của Sacombank thường xuyên nhận được văn bản, quyết định tố tụng liên quan đến xử lý nợ của chi nhánh/phòng giao dịch.
Đặc biệt là thông báo thụ lý vụ án, nội dung chỉ nêu họ và tên của khách hàng (người bị kiện), không có thêm bất kỳ thông tin về giấy tờ tùy thân của khách hàng, hoặc tên chi nhánh/phòng giao dịch xử lý nợ, hoặc thông tin về khoản vay. Số lượng hồ sơ xử lý nợ phát sinh rất lớn tại các Ngân hàng và chủ yếu được các chi nhánh/phòng giao dịch trực tiếp xử lý, nên Hội sở Ngân hàng rất khó khăn và phải mất rất nhiều thời gian để rà soát, kiểm tra để chuyển các văn bản này về đúng đơn vị đang xử lý nợ, đặc biệt khó khăn nhiều đối với các đơn vị xa Hội sở.
Đề xuất của Sacombank:
Đề nghị Tòa án xem xét, chỉ đạo Tòa án các cấp thống nhất, quán triệt việc tuân thủ hoạt động tống đạt văn bản tố tụng theo quy định, có thể xem xét sử dụng dịch vụ thừa phát lại khi xét thấy cần thiết. Đối với các trường hợp đơn khởi kiện của Ngân hàng đã ghi rõ địa chỉ nhận tống đạt là địa chỉ của chi nhánh/phòng giao dịch trực tiếp xử lý nợ, thì đề nghị Tòa án tống đạt văn bản tố tụng đến địa chỉ của đơn vị đang xử lý nợ ghi trên đơn, không tống đạt về địa chỉ trụ sở chính của Ngân hàng.
3. Khó khăn, vướng mắc đối với hoạt động ủy thác tư pháp tống đạt văn bản tố tụng cho người có quyền, nghĩa vụ liên quan đang sinh sống tại nước ngoài
- Trường hợp vụ án phát sinh người có quyền, nghĩa vụ liên quan trong vụ án đang sinh sống tại nước ngoài, Tòa án sẽ yêu cầu Ngân hàng phải thực hiện thủ tục ủy thác tư pháp để tống đạt văn bản tố tụng ra nước ngoài, gây mất rất nhiều thời gian và chi phí cho Ngân hàng. Sau nhiều lần không có kết quả (trên hai lần), thẩm phán vẫn yêu cầu ủy thác tư pháp, nhưng Ngân hàng không chấp nhận và yêu cầu đưa vụ án ra xét xử. Tuy nhiên, Tòa án vẫn không tiếp tục giải quyết, cũng như không đình chỉ hay tạm đình chỉ giải quyết vụ án, dẫn đến hồ sơ bị tồn đọng, không được giải quyết.
Đề xuất của Sacombank:
Đề nghị Tòa án chỉ đạo giải quyết trường hợp tống đạt theo hình thức ủy thác tư pháp: cần giới hạn số lần ủy thác đủ để bảo đảm Tòa án đã thực hiện đúng nghĩa vụ tống đạt văn bản, hoặc áp dụng biện pháp tống đạt cho người thân thích của đương sự này, nếu người có quyền và nghĩa vụ liên quan này không tham gia thì xem xét giải quyết vắng mặt, để quá trình giải quyết vụ án được nhanh chóng.
4. Khó khăn, vướng mắc khi thực hiện thủ tục xác minh địa chỉ của bị đơn (khách hàng vay) tại cơ quan công an
- Tùy từng trường hợp, tại giai đoạn nộp đơn khởi kiện hoặc khi giải quyết vụ án, Tòa án thường xuyên yêu cầu Ngân hàng phải cung cấp văn bản xác minh của cơ quan công an về địa chỉ cư trú của khách hàng vay (người bị kiện). Tuy nhiên, không ít lần cơ quan công an đã từ chối đề nghị xác minh từ Ngân hàng, nêu rõ quan điểm chỉ xác minh khi có yêu cầu của Tòa án. Vì nguyên nhân này mà nhiều hồ sơ xử lý nợ đang bị tồn đọng, chưa được giải quyết. Có trường hợp, Tòa án sau khi nhận được kết quả xác minh, đã không thụ lý vụ án hoặc đề nghị Ngân hàng rút đơn khởi kiện, với lý do sổ tạm trú của khách hàng tại địa phương đã hết thời hạn, hoặc khách hàng không có đăng ký hộ khẩu tại địa phương, hoặc khách hàng không còn ở nơi cư trú.
- Theo Bộ luật Tố tụng dân sự (Điều 39) quy định, tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án là tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc. Bộ luật Dân sự (Điều 40) và Luật Cư trú (Điều 12) quy định, nơi cư trú của cá nhân là nơi người đó thường xuyên sinh sống; trường hợp không xác định được nơi thường xuyên sinh sống của người này, thì nơi cư trú của cá nhân là nơi người đó đang sinh sống. Đồng thời, Bộ luật Tố tụng dân sự quy định Tòa án chỉ trả lại đơn khởi kiện trong các trường hợp nêu tại Điều 192 Bộ luật này. Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 04/2017/NĐ-HĐTP hướng dẫn một số quy định về trả lại đơn khởi kiện, trong đó Điều 6 quy định: “khi người khởi kiện đã ghi đầy đủ và đúng địa chỉ nơi cư trú, làm việc của người bị kiện theo địa chỉ được ghi trong hợp đồng bằng văn bản thì được coi là “đã ghi đầy đủ và đúng địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở”. Trường hợp người bị kiện thay đổi nơi cư trú, làm việc mà không thông báo cho người khởi kiện biết về nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở mới thì được coi là cố tình giấu địa chỉ và Tòa án tiếp tục giải quyết theo thủ tục chung mà không đình chỉ việc giải quyết vụ án”.
Ngoài ra, căn cứ Bộ luật Tố tụng dân sự (Điều 97) quy định: Đương sự có quyền yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ khi đương sự không thể tự mình thực hiện (khoản 1.e), đồng thời, Bộ luật này quy định Tòa án là cơ quan có quyền thực hiện biện pháp xác minh sự có mặt hoặc vắng mặt của đương sự tại nơi cư trú (khoản 2.h). Như vậy, trường hợp Ngân hàng không thể xác minh thì căn cứ quy định trên, Tòa án sẽ thực hiện việc xác minh. Tòa án không thể nêu lý do Ngân hàng không thể cung cấp văn bản xác minh địa chỉ của người bị kiện, hoặc người bị kiện không cư trú tại địa phương để từ chối thụ lý hoặc yêu cầu Ngân hàng rút lại đơn khởi kiện, hoặc tạm đình chỉ hay đình chỉ giải quyết vụ án.
Đề xuất của Sacombank:
Đề nghị Tòa án chỉ đạo thống nhất tòa án các cấp giải quyết: trường hợp Ngân hàng bị cơ quan công an từ chối xác minh địa chỉ cư trú của khách hàng vay, thì Tòa án phải trực tiếp xác minh hoặc có văn bản yêu cầu cơ quan công an xác minh, mà không yêu cầu Ngân hàng rút đơn khởi kiện hoặc từ chối thụ lý vụ án, hoặc tạm đình chỉ hay đình chỉ giải quyết vụ án.
5. Vụ án liên quan đến xử lý nợ thường bị kéo dài thời gian giải quyết so với thời hạn theo quy định, hoặc bị từ chối giải quyết
- Theo Điều 203.1 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định, thời hạn chuẩn bị xét xử vụ án dân sự tối đa là 4 tháng (bao gồm cả được gia hạn), đối với vụ án kinh tế, thương mại là 3 tháng (bao gồm cả được gia hạn). Điều 203.2 Bộ luật này quy định, thời hạn mở phiên tòa tối đa là 2 tháng (nếu có lý do chính đáng) kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử. Tổng thời gian chuẩn bị và mở phiên tòa xét xử vụ án dân sự vào khoảng tối đa 6 tháng, đối với vụ án kinh tế, thương mại là 5 tháng. Ngoài ra, Tòa án không được trả lại đơn khởi kiện nếu không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự, không được đình chỉ giải quyết vụ án nếu không thuộc các trường hợp nêu tại Điều 217 Bộ luật này.
- Tuy nhiên, không hiếm trường hợp xử lý nợ tại tòa án diễn ra qua nhiều năm nhưng vẫn chưa có bản án có hiệu lực. Ngoài ra, nhiều vụ án Tòa án yêu cầu Ngân hàng rút đơn khởi kiện hoặc ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án khi phát sinh những trường hợp không nêu trong Điều 192, 217 Bộ luật Tố tụng dân sự. Sacombank xin nêu một số trường hợp sau:
+ Trong một số vụ án có khách hàng vay được công an xác minh không còn ở nơi cư trú hoặc sổ tạm trú đã hết hạn, Tòa án đã trả lại đơn khởi kiện cho Ngân hàng hoặc đình chỉ giải quyết vụ án, trong khi các hợp đồng tín dụng đều thỏa thuận rõ nội dung: “nếu khách hàng thay đổi nơi cư trú đã ghi trên hợp đồng mà không thông báo cho Ngân hàng thì được xem là cố tình giấu địa chỉ”, đồng thời Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự và Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP cũng quy định không trả lại đơn khởi kiện trong trường hợp này (vấn đề này đã được nêu ở phần trên).
+ Ngân hàng ghi nhận có trường hợp kết quả xác minh địa chỉ cư trú của khách hàng tại thời điểm ký hợp đồng tín dụng không phải địa chỉ ghi trên hợp đồng, Tòa án đã trả hồ sơ lại cho Ngân hàng hoặc sẽ chuyển hồ sơ đến Tòa án nơi thường trú của khách hàng ghi theo hộ khẩu, dẫn đến khó khăn cho Ngân hàng, đặc biệt là trường hợp khách hàng có hộ khẩu tại các tỉnh thành ngoài TP. Hồ Chí Minh.
+ Trong một số trường hợp Ngân hàng có ý kiến hoặc khiếu nại, Tòa án sẽ để hồ sơ vụ án trong tình trạng chuẩn bị xét xử nhưng không có thêm bất kỳ hoạt động tố tụng khác (trong khi không có quyết định tạm đình chỉ vụ án hoặc đình chỉ vụ án). Nếu Ngân hàng yêu cầu tiếp tục giải quyết, thì thẩm phán nêu lý do chưa triệu tập được khách hàng vay (bị đơn) hoặc người có quyền, nghĩa vụ có liên quan, nên chưa thể tiếp tục.
- Tính tại khu vực TP. Hồ Chí Minh, Sacombank hiện có 8 hồ sơ xử lý nợ tại Tòa án đã khởi kiện từ năm 2018 nhưng chưa giải quyết xong, với tổng dư nợ gần 50 tỷ đồng; 13 hồ sơ xử lý nợ đã khởi kiện trong giai đoạn từ năm 2010 - 2016 nhưng tới nay vẫn được xét xử, với tổng dư nợ là 352.569 triệu đồng.
Đề xuất của Sacombank:
Đề nghị Tòa án thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc tòa án các cấp tuân thủ thời hạn chuẩn bị xét xử, mở phiên tòa theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Đồng thời, thống nhất quan điểm áp dụng pháp luật: trường hợp khách hàng vay không còn cư trú tại địa chỉ được ghi trên hợp đồng tín dụng, thì cần xác định nơi cư trú của bị đơn (khách hàng vay) là địa chỉ được ghi trên hợp đồng và bị đơn đang cố tình trốn tránh, theo đó thụ lý và giải quyết vụ án theo thủ tục chung, để hồ sơ xử lý nợ được giải quyết nhanh chóng.
6. Một số khó khăn, vướng mắc khi xử lý nợ thẻ tín dụng và đề xuất phương án giải quyết
- Dư nợ thẻ tín dụng cá nhân đa số có giá trị nhỏ, nhưng số lượng hồ sơ nợ thẻ cần xử lý rất lớn và có xu hướng tăng nhanh qua từng năm. Việc xử lý nợ thẻ cũng gặp phải một số vướng mắc, khó khăn như vừa nêu, nhân sự thu hồi nợ thẻ phải trực tiếp xử lý hàng chục hồ sơ cùng một thời điểm, nhiều hồ sơ nợ thẻ đã quá hạn cần phải xử lý nhưng chưa thể khởi kiện.
Đề xuất của Sacombank: Với mong muốn chia sẻ tình trạng hệ thống Tòa án đang đang chịu áp lực rất lớn khi phải giải quyết số lượng án liên quan đến xử lý nợ, đặc biệt là các khoản vay tiêu dùng và thẻ tín dụng. Sacombank kính đề xuất: Tòa án TP. Hồ Chí Minh xem xét, chỉ đạo Tòa án các cấp xem xét giao cho một thẩm phán hoặc một số thẩm phán thụ lý cùng lúc nhiều hồ sơ xử lý nợ thẻ của một Ngân hàng (ví dụ như Sacombank) để giải quyết, trong quá trình giải quyết vụ án, thẩm phán có thể xem xét mở nhiều phiên tòa xét xử các hồ sơ xử lý nợ này trong cùng một ngày (sắp xếp thời gian xét xử các vụ án liên tiếp trong cùng một buổi), để tiết kiệm thời gian, nhân lực, chi phí của cả Tòa án và Ngân hàng.
7. Về áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm và xử lý tài sản bảo đảm quy định tại Điều 8 Nghị quyết số42/2017/QH14
- Thủ tục tố tụng rút gọn được quy định lần đầu tại Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (có hiệu lực ngày 01/07/2016). Năm 2017, Quốc hội ban hành Nghị địnhsố 42/2017/QH14 có quy định về áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm và xử lý tài sản bảo đảm (Điều 8). Năm 2019, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐTP hướng dẫn chi tiết về áp dụng thủ tục rút gọn khi giải quyết các tranh chấp trên.
- Tuy nhiên, thực tiễn ghi nhận số lượng các vụ xử lý nợ xấu thông qua thủ tục rút gọn tại Tòa án còn rất hạn chế, một số Ngân hàng đã yêu cầu Tòa án áp dụng hình thức rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm, nhưng chỉ dừng lại ở giai đoạn được Tòa án các cấp xem xét giải quyết, đến nay vẫn chưa có trường hợp nào được giải quyết theo thủ tục rút gọn, điều này phần nào ảnh hưởng đến kết quả xử lý nợ xấu nói chung, dù đã có nhiều quy định pháp luật được ban hành như dẫn chiếu trên.
8. Khó khăn, vướng mắc khi thi hành án xử lý khoản nợ có tài sản bảo đảm làbất động sản tại nhiều địa phương khác nhau
- Khoản vay được bảo đảm bằng nhiều bất động sản tọa lạc tại nhiều địa phương khác nhau là rất phổ biến. Khi có bản án có hiệu lực tuyên Ngân hàng có quyền phát mãi các tài sản để thu hồi nợ và có yêu cầu thi hành án, cơ quan thi hành án sẽ thực hiện ủy thác thi hành án đến từng cơ quan thi hành án nơi có bất động sản. Khi cơ quan thi hành án được ủy thác kết thúc việc thi hành án đối với tài sản được ủy thác, thì cơ quan thi hành án mới tiếp tục ủy thác thi hành án đến cơ quan thi hành án nơi bất động sản tiếp theo. Do vậy, nếu một bất động sản thi hành án bị vướng mắc, không thể xử lý, thì các tài sản bảo đảm còn lại sẽ không thể xử lý cho đến khi giải quyết được vướng mắc trên, dẫn đến tình trạng kéo dài thời gian xử lý tài sản, tăng áp lực thu hồi nợ, có trường hợp thời gian kéo dài qua nhiều năm, dẫn tình trạng khi Tòa tuyên án thì tổng giá trị các tài sản bảo đảm đủ hoặc dư khả năng để Ngân hàng thu hồi nợ cả gốc và lãi, nhưng sau quá trình thi hành án xong tất cả các tài sản thì Ngân hàng chỉ thu hồi được nợ gốc và một phần lãi phát sinh.
- Theo Khoản 2 Điều 55 Luật Thi hành án dân sự quy định, trường hợp người phải thi hành án có tài sản ở nhiều địa phương thì cơ quan thi hành án dân sự uỷ thác thi hành án từng phần cho cơ quan thi hành án dân sự nơi người phải thi hành án có điều kiện thi hành án để thi hành phần nghĩa vụ của họ. Khoản 2 Điều 16 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 33/2020/NĐ-CP) quy định: “Trường hợp người phải thi hành án có nhiều tàisản ở nhiều nơi thì cơ quan thi hành án dân sự thực hiện ủy thác theo thứ tựsau đây: a) Theo thỏa thuận của đương sự; b) Nơi có tài sản đủ để thi hành án; c) Nơi có tổng giá trị tài sản lớn nhất”. Căn cứ quy định trên, nếu phát sinh trường hợp tất cả các tài sản đều đủ điều kiện để thi hành án, cơ quan thi hành án sẽ quyết định ủy thác thi hành án đối với tài sản có giá trị lớn nhất.
Tuy nhiên, nếu tài sản này có vướng mắc không thể xử lý được (nhưng chưa đưa ra giải quyết tại tòa), thì pháp luật chưa có quy định cụ thể hướng giải quyết cho phép cơ quan thi hành án ủy thác thi hành án đối với các tài sản đủ điều kiện còn lại (ở những địa phương khác). Quy định tuy chưa cụ thể và cũng không cũng có nội dung bắt buộc rõ, nên việc áp dụng linh động điều luật trên vẫn có thể thực hiện, để việc thi hành án đối tài sản còn lại (đã đủ điều kiện thi hành án và không có vướng mắc) vẫn có thể được thực hiện nhanh chóng, góp phần nâng cao hiệu quả xử lý nợ, đồng thời giảm bớt các thiệt hại hoặc tổn thất cho Ngân hàng.
Đề xuất của Sacombank:
Đề nghị Cơ quan Thi hành án xem xét, chỉ đạo cơ quan thi hành án các cấp giải quyết việc thi hành án đối với các bản án tuyên cho Ngân hàng quyền được tài sản tại nhiều địa phương để thu hồi nợ theo hướng: nếu một tài sản được ủy thác thi hành án bị vướng mắc, chưa thể thi hành án, thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án cần chủ động ủy thác thi hành án đối với các tài sản còn lại.
Để hoạt động xử lý nợ nói chung và biện pháp xử lý thông qua cơ quan Tòa án, Thi hành án dân sự nói riêng đạt hiệu quả tích cực, thì những khó khăn, vướng mắc, bất cập nêu trên cần được tháo gỡ, giải quyết triệt để. Để tháo gỡ những vấn đề tồn tại này, cần có sự tham gia quyết liệt và nỗ lực từ nhiều phía. Trong khả năng của mình, Ngân hàng luôn cố gắng phối hợp, thực hiện nghiêm túc yêu cầu của cơ quan chức năng để hồ sơ xử lý nợ được giải quyết nhanh chóng. Do vậy, Ngân hàng rất kỳ vọng và mong muốn cơ quan Tòa án và Thi hành án dân sự kịp thời tháo gỡ các điểm bất cập còn tồn tại, để từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động xử lý nợ xấu thông qua tòa án và thi hành án dân sự, góp phần khơi thông dòng vốn quay trở lại đầu tư vào nền kinh tế.
Luật sư Nguyễn Văn Trình - Trưởng Phòng Pháp lý - Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Phó Chủ nhiệm CLB Pháp chế - Hiệp hội Ngân hàng.