Thứ năm, 14/11/2024
   

P2P Lending: Sẽ không còn “vàng thau lẫn lộn”

Hiện Ngân hàng Nhà nước đang trình Chính phủ Khung pháp lý thử nghiệm cho Fintech. Theo Chỉ thị từ NHNN, trong thời gian chờ sandbox được thông qua, CIC tạm dừng kết nối với các công ty P2P Lending muốn tham gia hệ thống thông tin tín dụng.

Hiện Ngân hàng Nhà nước đang trình Chính phủ Khung pháp lý thử nghiệm cho Fintech. Theo Chỉ thị từ NHNN, trong thời gian chờ sandbox được thông qua, CIC tạm dừng kết nối với các công ty P2P Lending muốn tham gia hệ thống thông tin tín dụng.

Báo cáo của Transperancey Market Research về quy mô và xu hướng phát triển thị trường P2P Lending (cho vay ngang hàng) toàn cầu cho hay, thị trường này có thể đạt quy mô 897,9 tỷ USD vào năm 2024.

Thế mạnh của P2P Lending nằm ở chỗ đây là công cụ kết nối trực tiếp người cho vay với người đi vay trên nền tảng trực tuyến mà không cần phải có trung gian tài chính. Nó giúp người đi vay dễ tiếp cận vốn, thời gian nhanh, nhiều dạng sản phẩm cho vay, lãi suất có thể thấp hơn vay qua trung gian tài chính. Với các khoản vay cá nhân, các công ty P2P Lending đưa ra các sản phẩm vay đa dạng như vay tín chấp theo lương, vay theo sổ hộ khẩu, vay theo đăng ký xe máy, vay trả góp, vay theo hóa đơn điện/nước, vay theo giấy đăng ký xe ô tô… Còn dành cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), các công ty P2P Lending cũng đưa ra các sản phẩm dịch vụ như: tài trợ các khoản phải thu, tài trợ bên mua hàng, tài trợ vốn lưu động, tài trợ thương mại điện tử…

Với người cho vay, P2P Lending cũng giúp họ có lợi nhuận cao hơn, phân tán rủi ro, nhiều cơ hội lựa chọn người đi vay. Với thị trường, P2P Lending giúp đa dạng hơn về kênh dẫn vốn, tăng tiếp cận tài chính, tài nguyên dữ liệu về dân cư, DN được khai thác hiệu quả, hỗ trợ DNNVV phát triển, nếu quản lý tốt sẽ thúc đẩy cạnh tranh đổi mới sáng tạo phân bổ vốn hiệu quả theo nguyên tắc thị trường, chi phí đi vay giảm…

Theo chuyên gia, tiềm năng của P2P Lending là rất lớn khi nhu cầu của người vay ngày càng cao. Không phủ nhận những lợi ích mà P2P Lending có thể mang lại nếu mô hình này được triển khai rộng rãi, đặc biệt trong bối cảnh Covid-19 khiến nhiều quốc gia phải giãn cách xã hội, P2P Lending có thể giải quyết vấn đề giải ngân khoản vay cho những người bị ảnh hưởng bởi dịch mà không cần phải tiếp xúc. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đang rất tích cực trong việc hoàn thiện các chính sách hỗ trợ DNNVV; phát triển công nghệ, nhất là Fintech; tinh thần quốc gia khởi nghiệp cũng đang được thúc đẩy. Đây đều là những yếu tố có thể giúp cho mô hình P2P Lending rộng cửa phát triển hơn.

Song giới chuyên gia cũng cho rằng, cần phải kiểm soát chặt mô hình này bởi thời gian qua đã xuất hiện tình trạng tín dụng đen núp bóng mô hình P2P Lending gây ra mất ổn định kinh tế - xã hội. Thêm nữa, mặc dù có hệ thống chấm điểm riêng nhưng các công ty P2P Lending hiện vẫn chưa tiếp cận được với nguồn thông tin từ Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia (CIC) để đánh giá khách hàng vay; cũng không có cơ chế giám sát người vay (sau khi giao dịch thành công)…

Tại thị trường Việt Nam, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện có khoảng 100 công ty hoạt động trong lĩnh vực P2P Lending, một số DN có nguồn gốc từ Trung Quốc, Singapore, Indonesia… Thời gian qua cũng ghi nhận hơn 10.000 nền tảng cho vay ngang hàng bị đóng cửa ở Trung Quốc, dấy lên lo ngại không ít DN sẽ đổ sang thị trường Việt Nam, gây mất kiểm soát. Để ngăn chặn tốt nhất những công ty cho vay ngang hàng biến tướng, giới chuyên gia nhấn mạnh là phải sớm có hành lang pháp lý điều chỉnh và giám sát lĩnh vực này. Hiện Việt Nam chưa có khuôn khổ pháp lý, quy định quản lý cụ thể để thích ứng với xu hướng ứng dụng mạnh mẽ công nghệ mới, mô hình, giải pháp sáng tạo vào ngành dịch vụ ngân hàng - tài chính. NHNN nhìn nhận, việc thiếu vắng quy định như trên một phần do mô hình cho vay ngang hàng là mô hình rất mới với Việt Nam, không thể sử dụng các quy định hiện hành về quản lý, giám sát các TCTD để áp dụng vào mô hình mới này.

TS. Châu Đình Linh chia sẻ thêm, chính vì hiện chưa có một cơ chế pháp lý ràng buộc để tạo ra luật chơi cho P2P Lending, nên rất cần phải có cơ chế thử nghiệm. "Trong quá trình thử nghiệm sẽ đưa ra những điều chỉnh để tạo thành khung pháp lý hoàn chỉnh hơn", TS. Linh cho hay.

Liên quan vấn đề này, hiện NHNN đang trình Chính phủ Khung pháp lý thử nghiệm (Regualtory sandbox) cho Fintech. Theo Chỉ thị từ NHNN, trong thời gian chờ sandbox được thông qua, CIC tạm dừng kết nối với các công ty P2P Lending muốn tham gia hệ thống thông tin tín dụng. Trường hợp sandbox được thông qua, các công ty đủ điều kiện được tham gia thử nghiệm có thể phải tham gia hệ thống thông tin tín dụng của NHNN. CIC cho biết cơ quan này đang tích cực chuẩn bị các điều kiện kết nối để hỗ trợ các công ty Fintech tham gia hệ thống thông tin tín dụng ngay sau khi sandbox được thông qua.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia ngân hàng, khi càng sớm có quy định thì sẽ cho phép những công ty P2P Lending làm ăn chân chính được trải qua quá trình thử nghiệm, là tín hiệu tốt cho thị trường, giảm thiểu tới mức tối đa tình trạng "vàng thau lẫn lộn" như hiện nay. Giấy phép đối với công ty P2P Lending phải đáp ứng được vốn tối thiểu và nội dung hoạt động, thẩm định an toàn và bảo mật thông tin; đảm bảo các điều kiện như quy trình eKYC, quản lý tài sản khách hàng, công bố thông tin và thu xếp hợp đồng…

Theo Thời báo Ngân hàng

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay