Thứ tư, 06/11/2024
   

Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí, vai trò chiến lược đặc biệt quan trọng

Đó là phát biểu của đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại trực tiếp với nông dân Việt Nam, với chủ đề "Tiếp sức, hỗ trợ nông dân phục hồi, phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững" tổ chức sáng 29/5/2022, tại TP. Sơn La.

Đó là phát biểu của đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại trực tiếp với nông dân Việt Nam, với chủ đề "Tiếp sức, hỗ trợ nông dân phục hồi, phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững" tổ chức sáng 29/5/2022, tại TP. Sơn La.

Đây là lần thứ 4, Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam được tổ chức và là Hội nghị đầu tiên trong nhiệm kỳ Chính phủ mới. Hội nghị do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, phối hợp với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sơn La tổ chức.

Tham dự Hội nghị có hơn 500 đại biểu có mặt trực tiếp tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Sơn La, trong đó có khoảng 200 nông dân tiêu biểu đại diện cho hơn 10,2 triệu hộ hội viên nông dân cả nước, 29 nông dân tiêu biểu sẽ trực tiếp đặt câu hỏi và đối thoại với Thủ tướng.

Hội nghị có sự tham dự và chủ trì của đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo các ban Đảng, các ủy ban của Quốc hội; Hội đồng dân tộc của Quốc hội, lãnh đạo các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sơn La và các tỉnh, thành phố tại 62 điểm cầu trên cả nước; lãnh đạo Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và lãnh đạo Hội Nông dân 63 tỉnh, thành phố của cả nước.

1.600 câu hỏi, đề xuất, kiến nghị được gửi tới Thủ tướng Chính phủ

Phát biểu tại hội nghị, ông Lương Quốc Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho hay: Qua chuẩn bị Hội nghị đối thoại, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã triển khai lấy ý kiến sâu rộng trong các cấp Hội, hội viên nông dân cả nước; đã có hơn 1.600 câu hỏi, đề xuất, kiến nghị được gửi tới Thủ tướng Chính phủ. Những vấn đề chính, vấn đề lớn, nổi cộm kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ trong Hội nghị lần này:

Thứ nhất là, dịch bệnh Covid-19 bùng phát, nông dân cũng như doanh nghiệp đối tác nhà nông nhiều nơi bị ảnh hưởng nặng nề. Nông dân là đối tượng chịu thiệt thòi nhất khi giá vật tư đầu vào tăng phi mã, cụ thể giá phân bón có loại tăng 250%, giá thức ăn chăn nuôi cũng tăng, trong khi đó đầu ra nông sản gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch. Nông dân cần được hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ nông sản.

Thứ hai là, liên kết, hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị là xu thế và yêu cầu trong quá trình phát triển, liên kết "4 nhà", trong đó liên kết trung tâm "Nhà nông - Doanh nghiệp" nhiều nơi gặp thử thách, thậm chí đứt gãy. Vấn đề đặt ra, đó là cần tập trung giải quyết mối liên kết “4 nhà”, trong đó trọng tâm là phát triển các HTX nông nghiệp kiểu mới như thế nào?

Thứ ba là, chuyển đổi số trong nông nghiệp là một trong 8 nội dung của Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia; nhiều Nghị quyết của Đảng đều xác định vai trò chủ thể của nông dân trong quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, mục tiêu tỷ lệ kinh tế số trong GDP đến năm 2025 là 20%, năm 2030 là 30%. Như vậy, muốn có một nền nông nghiệp thịnh vượng, nông thôn hiện đại, thì cần có những người nông dân văn minh, nông dân có tri thức. Do vậy đặt ra yêu cầu nhiệm vụ cần phải đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện nông dân đủ tri thức, văn hóa, kỹ năng sản xuất nông nghiệp để thực hiện vai trò chủ thể của mình và có trình độ sản xuất ngang bằng với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Thứ tư là, thực hiện chủ trương của Đảng và nhà nước, đến nay đã có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, trong đó có cả một số doanh nghiệp nước ngoài, làm xuất hiện hình thức “gia công trong nông nghiệp”, điều này đem đến lợi ích lớn cho doanh nghiệp nhưng nông dân hưởng lợi ít và phụ thuộc hoàn toàn vào doanh nghiệp. Giải pháp nào để giải quyết vấn đề này.

Thứ năm là, những năm qua, Việt Nam xuất khẩu nông sản trên 48 tỷ USD, tuy nhiên vẫn chủ yếu là xuất khẩu thô, chế biến tinh còn rất hạn chế, 70-80% là xuất khẩu tiểu ngạch, trong số đó hơn 70% xuất khẩu lệ thuộc một thị trường lớn, rủi ro cao (đây chính là một trong những rào cản để phát triển nông nghiệp).

Thứ sáu là, chủ trương và khẩu hiệu “sản xuất theo tín hiệu thị trường”, nhưng hiện nay nông dân rất khó khăn trong việc định hướng sản xuất, tiếp nhận thông tin thị trường và hỗ trợ tổ chức sản xuất. Do vậy, cần thiết phải có một tổ chức chịu trách nhiệm tổng hợp thông tin thị trường và phát đi chỉ báo cho nông dân sản xuất theo tín hiệu thị trường, đảm bảo cho sản xuất hàng hóa của nông dân không rơi vào tình trạng được mùa - rớt giá; nông sản hàng hóa thừa, thiếu cục bộ ở từng địa phương.

Thứ bảy là, Nghị quyết 26 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn có nêu chủ trương định hướng nông dân tham gia cổ phần hóa bằng đất, nhưng sau hơn 10 năm vẫn chưa trở thành một xu hướng hợp tác lớn như kỳ vọng của nông dân lẫn doanh nghiệp. Nông dân góp đất có nguy cơ tăng rủi ro hoặc giảm cơ hội nhận được lợi ích tương xứng vì đất được doanh nghiệp định giá thấp, nông dân có cổ phần ít, lợi nhuận không đáng kể, không đảm bảo cuộc sống, cổ phần ngày càng nhỏ qua mỗi đợt huy động vốn mới. Người nông dân nhiều nơi mong muốn định giá quyền sử dụng đất sát với giá thị trường, được đảm bảo sinh kế, việc làm khi đất bị thu hồi…

Thứ tám là, phong trào khởi nghiệp quốc gia hiện nay đang được Đảng, Nhà nước rất quan tâm, chú trọng. Khởi nghiệp đã khó nhưng khởi nghiệp trong nông nghiệp còn khó hơn vì đây là một lĩnh vực nhiều rủi ro và cần đầu tư lâu dài; thực tế hiện nay cho thấy, các ý tưởng, dự án, mô hình khởi nghiệp do nông dân khởi xướng thực hiện còn rất ít, quy mô còn nhỏ, khó tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi.

Thứ chín là, một trong những khó khăn và thua kém về lợi thế cạnh tranh của nông nghiệp Việt Nam là chưa làm chủ được nhiều loại giống cây trồng, vật nuôi. Trân trọng đề nghị Thủ tướng chỉ đạo xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức cá nhân đầu tư nghiên cứu khoa học để làm chủ một số loại giống cây, con chủ lực.

Cần tiếp tục nhận thức đúng về vị trí, vai trò chiến lược đặc biệt quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn

Kết luận Hội nghị đối thoại với nông dân, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh cần tiếp tục nhận thức đúng về vị trí, vai trò chiến lược đặc biệt quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đặc biệt quan tâm lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, phát huy sức mạnh, vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Thực hiện thành công mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước phải gắn liền với sự phát triển khu vực nông thôn và nâng cao trình độ của người nông dân.

Phát biểu kết luận Hội nghị đối thoại với nông dân cả nước sáng ngày 29/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết các nội dung của cuộc đối thoại xoay quanh 10 vấn đề: Tiêu thụ hàng hóa nông sản; liên kết Nhà nước-nhà khoa học-nhà doanh nghiệp-nhà nông; chuyển đổi số; nâng cao khả năng cạnh tranh; vấn đề xuất khẩu tiểu ngạch; sản xuất theo tín hiệu thị trường; góp cổ phần bằng quyền sử dụng đất; phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; làm chủ đầu vào giống, vật tư nông nghiệp; việc làm ở khu vực nông nghiệp.

Hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng, nhất là sau khi Hội nghị Trung ương 5, khóa XIII đã thảo luận, cho ý kiến về nhiều vấn đề lớn, tầm chiến lược về nông nghiệp, nông thôn và nông dân.

Thủ tướng đánh giá cao tinh thần dân chủ, thẳng thắn, tâm huyết, trách nhiệm, thẳng thắn, cởi mở của các đại diện nông dân, các chuyên gia, các doanh nghiệp và đại biểu, đặc biệt là những vấn đề thảo luận rất trúng và thiết thực đối với sự phát triển của nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống nông dân. Các đại biểu đã trao đổi, thảo luận, làm rõ, chia sẻ và nhất trí về nhiều vấn đề quan trọng từ định hướng chiến lược, khó khăn, vướng mắc, giải pháp phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân.

Làm vững chắc thêm nền tảng cho đất nước phát triển nhanh và bền vững

Thủ tướng nêu rõ Đảng, Nhà nước luôn nhất quán quan điểm xuyên suốt và đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng, chiến lược, khẳng định vai trò, vị thế của nông nghiệp, nông thôn, nông dân trong tiến trình phát triển đất nước.

Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, triển khai các cuộc đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ với nông dân, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu.

Nông nghiệp được cơ cấu lại theo hướng hiện đại; phát triển về quy mô, trình độ sản xuất, chất lượng tăng trưởng. Thị trường tiêu thụ mở rộng, kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh; góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn.

Cơ cấu kinh tế, lao động nông thôn chuyển hướng tích cực; xây dựng nông thôn mới hoàn thành trước thời hạn, cơ sở hạ tầng thiết yếu được nâng cấp đồng bộ, hiện đại hơn.

Đời sống vật chất và tinh thần của người nông dân được cải thiện, tỉ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Nông dân có bước vươn mình trưởng thành, mạnh dạn đổi mới tư duy, sáng tạo trong cách làm, có nhiều điển hình tiên tiến sản xuất kinh doanh giỏi.

"Đóng góp của lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và của nông dân vào thành tựu chung của đất nước là rất quan trọng và to lớn; khẳng định được vai trò và vị trí, góp phần làm vững chắc thêm nền tảng cho đất nước phát triển nhanh và bền vững", Thủ tướng phát biểu.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, sản xuất nông nghiệp còn chủ yếu dựa vào nông hộ nhỏ; chất lượng, hiệu quả, năng suất chưa cao; công nghiệp chế biến phát triển chậm; nhiều nguyên liệu đầu vào phụ thuộc nhập khẩu.

Việc xây dựng nông thôn mới còn nghiêng về đầu tư cơ sở hạ tầng, chưa chú trọng đúng mức đến phát triển sản xuất, tạo sinh kế, việc làm. Quản lý tài nguyên, ứng phó với biến đổi khí hậu còn hạn chế, nhất là vấn đề phát thải khí metal trong sản xuất nông nghiệp.

Thu nhập của phần lớn nông dân còn thấp, có sự chệnh lệch với thành thị và giữa các vùng, miền; tỉ lệ hộ nghèo còn cao.

Cùng với đó là những khó khăn, thách thức đến từ sự gia tăng rào cản kỹ thuật, bảo hộ ngành nông sản, các chuẩn mực cao trong sản xuất, kinh doanh nông sản; cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và chuyển đổi số làm thay đổi căn bản phương thức sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp; nhu cầu tiêu dùng chuyển mạnh sang các sản phẩm chất lượng cao, sạch, hữu cơ, an toàn sức khỏe, thân thiện môi trường, gắn với trách nhiệm xã hội; thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, tác động trực tiếp sản xuất nông nghiệp, địa bàn nông thôn.

Đặc biệt quan tâm lắng nghe tâm tư, nguyện vọng nông dân

Thủ tướng yêu cầu chúng ta cần tiếp tục nhận thức đúng về vị trí, vai trò chiến lược đặc biệt quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Phát huy sức mạnh, vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Thực hiện thành công mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước phải gắn liền với sự phát triển khu vực nông thôn và nâng cao trình độ của người nông dân. Mục tiêu là phát triển nông nghiệp sinh thái, xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

Trong quá trình đó, phải quán triệt một số quan điểm: (i) Nông nghiệp, nông thôn, nông dân là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội; (ii) Phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị; (iii) Công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; (iv) Nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển, mục tiêu cao nhất là lợi ích của người dân, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và người dân nông thôn; (v) Xây dựng nông thôn hiện đại, phồn vinh, văn minh, có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, kết nối với đô thị, môi trường xanh, sạch, đẹp.

Thủ tướng cho biết để thực hiện được mục tiêu nói trên, Trung ương sẽ ban hành các Nghị quyết về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất; tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao"; Nghị quyết về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045"; Nghị quyết về "Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới". Các cấp, các ngành phải quán triệt, tổ chức thực hiện thật tốt các Nghị quyết này.

Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ của người nông dân, nhất là trình độ theo hướng "tri thức hóa nông dân" để làm chủ công nghệ trong sản xuất, kinh doanh và có thể làm giàu từ nông nghiệp.

Phát triển nông nghiệp hiện đại, hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, xây dựng thương hiệu, gắn với chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị trong nước và quốc tế.

Xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại gắn với đô thị hóa, phát triển công nghiệp, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; có giải pháp giảm nhanh tỉ lệ nghèo ở khu vực nông thôn. Tạo cơ hội bình đẳng tiếp cận các nguồn lực phát triển, các dịch vụ cơ bản, nhất là văn hóa, giáo dục, y tế cho nông thôn, theo tinh thần "ly nông không ly hương".

Tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, cải cách hành chính trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Chú trọng nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất, tạo thuận lợi cho tích tụ ruộng đất; tăng đầu tư của Nhà nước cho nông nghiệp, nông thôn; tín dụng ưu đãi; đa dạng hóa nguồn lực đầu tư với vai trò dẫn dắt của Nhà nước.

Các bộ ngành, cơ quan, nhất là Hội Nông dân Việt Nam và các đơn vị cơ sở trực tiếp làm việc hằng ngày với người dân, quán triệt tinh thần phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân và người dân nông thôn là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị; lắng nghe tìm hiểu các nhu cầu, nguyện vọng của người dân, kịp thời có các hỗ trợ, định hướng và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong tổ chức sản xuất, tiêu thụ, nâng cao giá trị, hiệu quả.

Cải thiện môi trường đầu tư, khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhất là các doanh nghiệp, tập đoàn lớn. Đẩy mạnh, khuyến khích khởi nghiệp trong nông dân, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khu vực nông thôn.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đào tạo nhân lực, đổi mới đào tạo nghề. Tăng cường ứng dụng thương mại điện tử, góp phần giải quyết căn bản vấn đề tiếp cận thị trường, tiêu thụ sản phẩm. Nâng cao năng lực cung cấp thông tin, dự báo thị trường, qua đó góp phần điều chỉnh sản xuất phù hợp.

Nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên, môi trường, giảm phát thải khí nhà kính gắn với bảo tồn đa dạng sinh học; khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai; chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng xanh.

Tăng cường đối thoại với nông dân, phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể, nhất là Hội Nông dân các cấp để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng chính đáng, nắm bắt khó khăn, vướng mắc để kịp thời tháo gỡ, hỗ trợ bà con, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.

Trong khuôn khổ thời gian có hạn, còn nhiều vấn đề chưa được nêu và thảo luận tại Hội nghị, Người đứng đầu Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương phải đặc biệt quan tâm, nắm chắc thực tiễn, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con nông dân, nhất là những vấn đề nảy sinh, vấn đề búc xúc để có giải pháp phù hợp, kịp thời, hỗ trợ người nông dân toàn diện, thực chất, hiệu quả theo chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của pháp luật.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan liên quan tổng hợp đầy đủ các ý kiến, làm cơ sở để tiếp tục nghiên cứu, xem xét sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân.

Thủ tướng đề nghị tiếp tục duy trì các cuộc đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ; đồng thời Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố đối thoại với nông dân từng địa phương vào giữa 2 kỳ đối thoại của Thủ tướng để giải quyết hiệu quả hơn các vấn đề theo tinh thần phân cấp, vừa giải quyết các vấn đề cấp bách, tình thế, vừa giải quyết các vấn đề chiến lược, lâu dài.

Theo SBV

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay