Thứ sáu, 22/11/2024
   

Nhiều ngân hàng đạt tỷ lệ cao các giao dịch thực hiện trên kênh số

Ngành Ngân hàng là ngành đi đầu trong chuyển đổi số, cũng là lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số trước. Các ngân hàng thương mại cũng đẩy mạnh việc ứng dụng thành quả công nghệ vào phát triển sản phẩm, dịch vụ với nhiều tiện ích cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế. Nhiều ngân hàng đạt tỷ lệ

Ngành Ngân hàng là ngành đi đầu trong chuyển đổi số, cũng là lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số trước. Các ngân hàng thương mại cũng đẩy mạnh việc ứng dụng thành quả công nghệ vào phát triển sản phẩm, dịch vụ với nhiều tiện ích cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế. Nhiều ngân hàng đạt tỷ lệ trên 90% giao dịch thực hiện trên kênh số.

Hinh anh Ngan hang so

Ảnh minh họa (nguồn: Internet)

Nhiều chính sách thúc đẩy chuyển đổi số ngân hàng

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã nghiên cứu, ban hành theo thẩm quyền một số chính sách, quy định tạo thuận lợi cho hoạt động chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo như: Chị thị số 02/CT-NHNN ngày 13/01/2022 về việc đẩy mạnh chuyển đổi số và bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong hoạt động ngân hàng; Kế hoạch Chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 810/QĐ-NHNN ngày 11/5/2021); Kế hoạch Chuyển đổi số của NHNN năm 2022 (Quyết định số 1097/QĐ-NHNN ngày 28/6/2022); Kế hoạch của ngành Ngân hàng triển khai Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” (Quyết định số 1033/QĐ-NHNN ngày 15/6/2022); Kế hoạch của ngành Ngân hàng triển khai Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 1887/QĐ-NHNN ngày 03/11/2022); Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng về chuyển đổi số, kỹ năng số cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giai đoạn 2022-2025 và định hướng đến năm 2030; Kế hoạch của ngành Ngân hàng triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg về Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử...

NHNN đã chủ động nghiên cứu, xây dựng các quy định pháp lý nhằm phát triển Thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) và thúc đẩy chuyển đổi số như: (i) Nghị định về TTKDTM và Nghị định về Cơ chế quản lý thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng; (ii) Ban hành hướng dẫn quy định về nhận biết, xác minh khách hàng bằng phương thức điện tử (eKYC) cho phép người dân mở tài khoản, mở thẻ trực tuyến (Thông tư số 16/2020/TT-NHNN ngày 04/12/2020; Thông tư 17/2021/TT-NHNN ngày 16/11/2021); (iii) Quy định triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile-Money) (Quyết định 316/QĐ-TTg ngày 9/3/2021); (iv) Ban hành các văn bản thống nhất tiêu chuẩn kỹ thuật về mã thanh toán phản hồi nhanh (QR code), thẻ chip nội địa.

Ngoài ra, NHNN đã ban hành Thông tư về nghiệp vụ bảo lãnh ngân hàng của các TCTD, trong đó có quy định về việc cho phép phát hành, bảo lãnh bằng phương thức điện tử, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận, sử dụng dịch vụ ngân hàng và hiện đang rà soát, sửa đổi Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của TCTD đối với khách hàng, bổ sung pháp lý đối với cho vay bằng phương tiện điện tử.

Về phía các TCTD, tổ chức TGTT, theo báo cáo của NHNN, 95% ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã và đang xây dựng, triển khai Chiến lược chuyển đổi số tại đơn vị mình. Một số dịch vụ cơ bản đã được thực hiện hoàn toàn trên kênh số (mở tài khoản, thanh toán, chuyển tiền, tiền gửi tiết kiệm,..); nhiều ngân hàng đạt tỷ lệ trên 90% giao dịch thực hiện trên kênh số; các ngân hàng Việt Nam được đánh giá có mức độ ứng dụng ngân hàng số với tốc độ nhanh nhất trong khu vực Châu Á (theo đánh giá tháng 9/2021 của hãng tư vấn McKinsey). Các công nghệ của CMCN 4.0 (như trí tuệ nhân tạo (AI), tự động hóa quy trình bằng Rô-bốt (Robotic Process Automation), công nghệ Chuỗi khối (Blockchain Technology)...) đã được các ngân hàng Việt Nam ứng dụng mạnh mẽ và rộng rãi vào các dịch vụ ngân hàng cốt lõi như thanh toán, tín dụng, nhận tiền gửi.

Bên cạnh đó, TTKDTM tăng trưởng mạnh mẽ. TTKDTM trong năm 2022 đạt mức tăng trưởng cao so với năm 2021: Giao dịch TTKDTM tăng 89,05% về số lượng và 32% về giá trị; qua kênh Internet tăng 98,54% về số lượng và 50,24% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 139,32% về số lượng và 106,54% về giá trị; qua phương thức QR code tăng 225,36% về số lượng và 243,92% về giá trị.

Đến cuối tháng 12/2022, dịch vụ Mobile - Money do 03 doanh nghiệp thực hiện thí điểm cung ứng ra thị trường (Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội - Viettel, Tổng Công ty Truyền thông - Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam - VNPT-Media, Tổng Công ty Viễn thông - MobiFone) đã đạt được một số kết quả khả quan. Về phát triển khách hàng: Số lượng tài khoản Mobile - Money được mở tại các doanh nghiệp thực hiện thí điểm là hơn 2,835 triệu tài khoản, trong đó số lượng tài khoản đăng ký và sử dụng dịch vụ ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo là gần 2 triệu tài khoản (chiếm 70,44% tổng số tài khoản. Số lượng giao dịch đạt hơn 19 triệu giao dịch với tổng giá trị khoảng 1.268 tỷ đồng.

Nhìn chung, việc triển khai thí điểm dịch vụ Mobile-Money đã đảm bảo an toàn, góp phần vào phát triển hoạt động TTKDTM, tăng cường việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính, đặc biệt tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo của Việt Nam.

Chuyển đổi số đặt ra cho ngành Ngân hàng nhiều thách thức, bao gồm: (i) Các quy định pháp lý hiện hành về giao dịch điện tử, chữ ký điện tử, chứng từ điện tử, việc định danh và xác thực khách hàng điện tử, việc chia sẻ dữ liệu và bảo mật thông tin khách hàng,… cần phải rà soát, điều chỉnh để phù hợp với bối cảnh mới; (ii) Chưa có sự đồng bộ và chuẩn hóa của cơ sở hạ tầng giữa các ngành, lĩnh vực để tạo điều kiện thuận tiện nhất cho việc kết nối, tích hợp tạo lập hệ sinh thái số; (iii) Bố trí nguồn lực phục vụ chuyển đổi số: Chuyển đổi số đòi hỏi vốn đầu tư, chi phí lớn; thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, có kinh nghiệm, kiến thức cả về nghiệp vụ và công nghệ số; (iv) Xu hướng gia tăng tội phạm công nghệ với những thủ đoạn mới ngày càng tinh vi, khó lường, gia tăng rủi ro an ninh mạng; (v) Vẫn còn một bộ phận người dân có tâm lý e ngại khi tiếp cận và sử dụng các dịch vụ thanh toán trên nền tảng số.

Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho chuyển đổi số ngành Ngân hàng

Bám sát các chủ trương, định hướng của Đảng, Chính phủ về chuyển đổi số, trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục tập trung triển khai thực hiện các giải pháp cụ thể như sau:

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tạo thuận lợi cho hoạt động chuyển đổi số ngân hàng, trước mắt là hoàn thiện trình Chính phủ ban hành Nghị định về TTKDTM và Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng; rà soát, sửa đổi văn bản pháp lý (Luật các tổ chức tín dụng, Luật NHNN, Nghị định, Thông tư hướng dẫn,...) để thúc đẩy hơn nữa hoạt động chuyển đổi số ngành Ngân hàng.

Tiếp tục hoàn thiện hạ tầng công nghệ phục vụ chuyển đổi số, tăng cường kết nối, hợp tác với các ngành, lĩnh vực khác (Kết nối với Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư, CSDL căn cước công dân, các CSDL chuyên ngành khác) nhằm tạo dựng hệ sinh thái số và cung ứng các dịch vụ an toàn, thuận tiện cho khách hàng; phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an và các Bộ, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ triển khai Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ.

Tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng công nghệ và tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn và hoạt động liên tục các hệ thống thanh toán và hệ thống thông tin quan trọng của ngành Ngân hàng.

Ứng dụng công nghệ để phát triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số phục vụ người dân đi đôi với đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng, các giao dịch ngân hàng số, thanh toán số.

Đẩy mạnh công tác truyền thông, triển khai các chương trình giáo dục tài chính cho người dân, doanh nghiệp để tăng cường kiến thức, kỹ năng quản lý tài chính, nâng cao hiểu biết trong sử dụng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số một cách an toàn, hiệu quả.

Theo DIV

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay