Gần đây, nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) đã tăng lãi suất huy động nhằm gia tăng nguồn vốn trước nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp tăng trở lại theo đà hồi phục của nền kinh tế.
Từ nay đến cuối năm, điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn, thách thức. Việc Việt Nam duy trì được mặt bằng lãi suất như hiện tại là nỗ lực lớn để hướng tới mục đích giữ lãi suất cho vay hợp lý, không tạo gánh nặng chi phí tài chính cho các doanh nghiệp và người dân
Ngân hàng sẵn sàng nguồn vốn trước nhu cầu tín dụng tăng
Nhìn vào biểu lãi suất của các NHTM, trong tháng 5, lãi suất huy động trung bình đối với cả hai kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng tiếp tục có diễn biến tăng nhẹ, lần lượt ở mức 0,02 và 0,03 điểm phần trăm, lên mức 4,92%/năm và 5,69%/năm. So với cùng kỳ năm 2021, cả 2 loại lãi suất trung bình này cũng tăng lần lượt 0,05 và 0,10 điểm phần trăm.
Nhóm NHTM cổ phần quy mô nhỏ (vốn dưới 5.000 tỷ đồng) là nhóm duy nhất có lãi suất tăng ở cả 2 loại kỳ hạn, cùng ở mức 0,10 điểm phần trăm, lên 5,61%/năm (6 tháng) và 6,23%/năm (12 tháng). Ngược lại, nhóm các NHTM cổ phần quy mô lớn (vốn trên 5.000 tỷ đồng) giảm 0,02 điểm phần trăm đối với kỳ hạn 6 tháng xuống còn 4,68%/năm và 0,01 điểm phần trăm đối với kỳ hạn 12 tháng, xuống 5,45%/năm.
Trong khi đó, nhóm NHTM nhà nước tiếp tục không điều chỉnh lãi suất trong tháng 5. Lãi suất trung bình kỳ hạn 6 tháng tiếp tục được duy trì ở mức 3,78%/năm trong tháng thứ 11 liên tiếp; trong khi lãi suất kỳ hạn 12 tháng vẫn đang không thay đổi ở mức 4,95%/năm sau 9 tháng.
Bước sang đầu tháng 6/2022, thêm hàng loạt ngân hàng điều chỉnh tăng biểu lãi suất tiết kiệm. Theo đó, nhiều NHTM đã đẩy mức lãi suất huy động lên khoảng 7,4% -7,55% năm cho các kì hạn dài trên 18 tháng, 24 tháng và 36 tháng.
Lãi suất ngân hàng cao nhất trên thị trường hiện nay thuộc về SCB với mức 7,55% cho kì hạn 18 tháng trở lên đối với tiền gửi tiết kiện trực tuyến.
BacABank, BaoVietBank, Nam A Bank, CBBank, PvcomBank, SHB, KienLongBank đều niêm yết trên mức 7,0% cho kì hạn dài 12 tháng trở lên nhưng với các điều kiện khác nhau.
Bốn “ông lớn” khối Big 4 là Agribank, VietinBank, BIDV, Vietcombank tiếp tục duy trì lãi suất thấp nhất trên thị trường. Chênh lệch lãi suất giữa các ngân hàng lên tới gần 3% tuỳ vào từng kì hạn gửi tiền.
Ở kì hạn 1 tháng, các ngân hàng niêm yết lãi suất huy động dao động từ 3,0% đến 4,0%. Có 5 ngân hàng niêm yết lãi suất ở mức cao nhất 4% là VIB, SCB, PVcomBank, PGBank, GPBank. Trong khi đó, BIG 4 niêm yết mức lãi suất ở mức thấp 3,0% - 3,1%. Thấp nhất thị trường là MB với mức lãi suất niêm yết 2,9%.
Ở kì hạn 3 tháng, chênh lệch lãi suất giữa các ngân hàng huy động là khoảng 0,7%. Đa số các ngân hàng thương mại đều niêm yết mức lãi suất huy động từ 3,3% - 4%.
Ở kì hạn 6 tháng, mức độ cạnh tranh lãi suất của các ngân hàng bắt đầu thấy rõ, chênh lệch lên tới 2,85%. Lãi suất ngân hàng kì hạn này dao động từ 4% - 6,85%. Cao nhất là SCB ở mức 6,85% (hình thức gửi tiết kiệm online). Vị trí thứ 2 là CBBank ở mức 6,8% (hình thức gửi tiết kiệm tại quầy). Xếp chót bảng lãi suất ngân hàng cao nhất kì hạn 6 tháng là Vietcombank, VietinBank, Agribank, BIDV mới mức 4%.
Từ kì hạn 12 tháng trở lên, sự phân hoá cạnh tranh lãi suất ngày càng gay gắt hơn. Có tới 3 ngân hàng niêm yết mức lãi suất huy động trên 7%/năm. Đứng đầu danh sách là SCB với mức lãi suất 7,3% (áp dụng cho khách hàng gửi online). Bám sát theo sau là NamABank với lãi suất ở mức 7,2%. CBBank niêm yết lãi suất kì hạn 12 tháng ở mức 7,15% và xếp ở vị trí thứ 3. Thấp nhất trên thị trường là lãi suất của HongLeong ở mức 4,6%.
Mức chênh lệch lãi suất huy động rõ rệt tại kì hạn 24 tháng kéo rộng ra đến 2,25%. Ngân hàng có lãi suất cao nhất là SCB niêm yết ở mức 7,55%. Trong khi đó, Vietcombank huy động tiền tiết kiệm với lãi suất thấp nhất thị trường ở kì hạn 24 tháng chỉ là 5,3%.
Hiện, lãi suất tiền gửi VND bình quân của NHTM trong nước ở mức 0,1%-0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 3,2%-3,6%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng; 5,1%-5,9%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 đến 12 tháng; 5,4%-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ trên 12 đến 24 tháng và 6,0% - 6,7% đối với kỳ hạn trên 24 tháng; lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân VND đối với một số ngành, lĩnh vực ưu tiên ở mức 4,3%/năm, thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của NHNN (4,5%/năm).
Nhìn chung tổng thể toàn hệ thống, năm nay nhu cầu tín dụng đã và đang tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Điều này khiến các ngân hàng phải tăng lãi suất tiết kiệm để củng cố nguồn vốn cho hệ thống ngân hàng ở các kỳ hạn, qua đó đáp ứng nhu cầu tín dụng tốt hơn từ nay đến cuối năm.
Riêng việc các NHTM chỉ điều chỉnh nhẹ biểu lãi suất huy động chủ yếu là do vẫn giữ được lợi thế về nguồn vốn. Trong đó, nguồn tiền gửi có kỳ hạn từ Kho bạc Nhà nước tại các ngân hàng này trong 3 tháng đầu năm tăng khoảng 66.000 tỷ đồng. Ngoài ra, các chương trình miễn phí chuyển khoản kể từ đầu năm 2022 cũng đang phát huy hiệu quả để hút tiền gửi không kỳ hạn về.
Điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, chủ động thích ứng rủi ro lạm phát
Trong điều hành lãi suất của NHNN, những tháng đầu năm 2022, NHNN giữ nguyên các mức lãi suất điều hành, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp, qua đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh; tiếp tục chỉ đạo TCTD chủ động cân đối khả năng tài chính để áp dụng lãi suất cho vay hợp lý; triệt để tiết giảm chi phí hoạt động, tập trung mọi nguồn lực giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn. Việc duy trì mặt bằng lãi suất ổn định thời gian qua đã góp phần giảm bớt khó khăn, tăng khả năng tiếp cận vốn vay ngân hàng cho doanh nghiệp và nền kinh tế.
Ông Phạm Chí Quang - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) nhận định: “Việc Việt Nam duy trì được mặt bằng lãi suất như hiện tại là nỗ lực lớn để hướng tới mục đích giữ lãi suất cho vay hợp lý, không tạo gánh nặng chi phí tài chính cho các doanh nghiệp và người dân”.
Tuy nhiên, điều hành chính sách tiền tệ của NHNN đang đứng trước nhiều áp lực. Các ngân hàng trung ương trên thế giới tăng lãi suất, nhiều nước đã dự kiến lộ trình thu hẹp nới lỏng tiền tệ (Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã điều chỉnh tăng 2 lần lãi suất mục tiêu nhằm đối phó với mức lạm phát tăng cao và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Không những thế, chiến sự Nga-Ukraine và chính sách Zero Covid của Trung Quốc khiến giá hàng hóa thế giới gia tăng, vượt xa mọi dự báo trước đây khiến chi phí đầu vào tăng mạnh, tạo áp lực lạm phát chi phí đẩy - lạm phát nhập khẩu). Lạm phát trong nước có xu hướng gia tăng do giá nguyên vật liệu thế giới tăng, chi phí vận chuyển tăng, nguồn cung gián đoạn. Theo khuyến nghị của IMF đối với kinh tế Việt Nam, trường hợp lạm phát liên tục tăng đòi hỏi chính sách tiền tệ cần thận trọng, chủ động thích ứng với rủi ro lạm phát ngày càng cao.
Với bối cảnh trên, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay của TCTD chịu nhiều tác động tổng hợp từ cả diễn biến bất lợi từ môi trường quốc tế và các áp lực trong nước (nhu cầu tín dụng tăng mạnh khi kinh tế phục hồi trở lại, huy động vốn tăng chậm).
Trên thị trường liên ngân hàng, thời gian qua, vốn khả dụng của các TCTD vẫn được đảm bảo và có dư thừa tạm thời, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng có xu hướng giảm và ở mức thấp. Tuy nhiên, các NHTM vẫn có nhu cầu vốn dài hạn để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng tín dụng, các hoạt động ngân hàng khác và đảm bảo các tỷ lệ đảm bảo an toàn. Theo đó, NHNN cho biết tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường tiền tệ, tình hình hoạt động của các TCTD để có các biện pháp điều hành phù hợp.
Thời gian tới, kinh tế thế giới dự kiến tăng trưởng chậm lại với nhiều bất trắc, rủi ro lạm phát tiếp tục duy trì tại nhiều nước do tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng trong khi chính sách tiền tệ thắt chặt có độ trễ nhất định, suy giảm tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, bất ổn gây ra từ đại dịch COVID-19, xung đột Nga-Ukraine.
Các tổ chức quốc tế hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022. Giá hàng hóa (nhiên liệu, lương thực, kim loại …) có khả năng neo ở mức cao. Thị trường tài chính, tiền tệ biến động phức tạp trong điều kiện ngân hàng trung ương các nước thắt chặt chính sách tiền tệ quyết liệt hơn (Fed dự kiến tăng lãi suất nhanh và mạnh hơn, đưa lãi suất mục tiêu lên mức 3,25-3,5%/năm cuối năm 2022 và 3,75-4%/năm cuối năm 2023, ECB dự kiến tăng lãi suất từ tháng 7/2022), đồng USD lên giá có thể gây ra hiện tượng đảo chiều dòng vốn “nóng” tại các quốc gia đang phát triển, triển vọng kém tích cực ở các thị trường tài sản.
Trong nước, tăng trưởng kinh tế năm 2022 dự kiến phục hồi do tỷ lệ tiêm chủng cao tạo điều kiện mở cửa nền kinh tế, tác động kích cầu từ Chương trình phục hồi kinh tế-xã hội 2022-2023, tuy nhiên cũng đối mặt với thách thức ngày càng tăng từ diễn biến phức tạp của kinh tế thế giới, chi phí sản xuất đầu vào tăng cao, kinh tế toàn cầu tăng chậm lại. Lạm phát năm 2022 dự báo tăng so với năm 2021 do cầu phục hồi và giá lương thực, nguyên nhiên vật liệu tăng, đặc biệt khi xung đột Nga-Ukraine phức tạp, khó lường.
Trên cơ sở chủ trương của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ và các đánh giá, nhận định về tình hình kinh tế vĩ mô, tiền tệ, tình hình dịch bệnh Covid-19 trong và ngoài nước, thời gian tới, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu năm 2022 bình quân khoảng 4%, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế, thích ứng kịp thời với diễn biến thị trường trong và ngoài nước, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng theo mục tiêu đề ra.
NHNN tiếp tục theo dõi sát diễn biến tiền tệ trong nước, quốc tế, dự báo lạm phát và lãi suất thị trường để điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; kêu gọi các TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động để ổn định lãi suất cho vay, khi điều kiện thuận lợi thì giảm lãi suất cho vay hỗ trợ sản xuất, kinh doanh.
Theo DIV