Hội đồng quản trị Ngân hàng Xăng dầu Petrolimex (PG Bank) vừa công bố nghị quyết thông qua việc đổi tên nhà băng thành Ngân hàng Thịnh Vượng và Phát triển, tên viết tắt mới là PGBank. Nhà băng sẽ trình Ngân hàng Nhà nước chấp thuận việc thay đổi này.
Kế hoạch thay đổi tên, trụ sở từng được nhắc tới tại đại hội cổ đông vào tháng 10 vừa qua. Tên thương mại và logo của ngân hàng đang sử dụng được gắn với cổ đông lớn trước đây của PG Bank là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex). Tuy nhiên, hiện Petrolimex đã thoái vốn và không còn là cổ đông lớn tại nhà băng. Doanh nghiệp này đồng thời cũng yêu cầu PG Bank chấm dứt sử dụng các nhãn hiệu thuộc sở hữu của Petrolimex trước ngày 31/12/2023.
Do đó, việc thay đổi tên thương mại và bộ nhận diện thương hiệu mới, theo hội đồng quản trị, là việc cần thiết để phù hợp với tình hình hiện tại và định hướng tái cấu trúc của ngân hàng.
Bên cạnh đó, nhà băng này cũng đã thông qua việc thay đổi trụ sở chính về Tòa nhà HEAC số 14-16 Hàm Long, phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Loạt thay đổi diễn ra sau khi xuất hiện 3 cổ đông lớn mua lại 40% cổ phần từ Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), gồm Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và phát triển thương mại Gia Linh (13%), Công ty cổ phần Quốc tế Cường Phát (14%) và Công ty cổ phần Thương mại Vũ Anh Đức (13%). Vài tháng gần đây, nhân sự thượng tầng của PGBank liên tục thay đổi sau khi Petrolimex thoái vốn.
Sau khi kiện toàn hội đồng quản trị, PGBank có chủ tịch mới là ông Phạm Mạnh Thắng, từng là sếp cũ của Vietcombank. Phó chủ tịch của nhà băng này là ông Đào Phong Trúc Đại, từng đại diện cho nhóm cổ đông của Tập đoàn Thành công khi giữ vị trí thành viên Hội đồng quản trị tại Ngân hàng Xuất nhập khẩu (Eximbank). Cách đây hai tuần, nhà băng này cũng bổ nhiệm tổng giám đốc mới là bà Đinh Thị Huyền Thanh.
PGBank không thuộc nhóm ngân hàng yếu kém, nợ xấu cũng dưới 3%, hạn chế lớn nhất của nhà băng này là tỷ lệ sở hữu vượt trần của Petrolimex. Tuy nhiên, từ năm 2014, các nhà băng đã bắt đầu "dạm ngõ" PGBank nhưng không có thương vụ nào được thực hiện cho tới năm nay.
Việc thoái vốn của Petrolimex tại PG Bank mở ra cơ hội cho sự thay đổi của nhà băng này. Cuối quý III, tổng tài sản PG Bank đạt gần 47.800 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức tối thiểu theo quy định 3.000 tỷ đồng.
9 tháng đầu năm nay, nhà băng này lãi trước thuế 360 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ 2022 trong bối cảnh mảng kinh doanh phi tín dụng khác như dịch vụ, ngoại hối, lãi khác đều sụt giảm.