Thứ bảy, 11/01/2025
   

Ngân hàng tiếp tục đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do Covid-19

Thông tư 03/2021/TT-NHNN được Ngân hàng Nhà nước ban hành mới đây sẽ hỗ trợ được nhiều khách hàng hơn trong việc cơ cấu lại dòng tiền, phục hồi sản xuất kinh doanh cũng như giảm áp lực trích lập của các ngân hàng thương mại, từ đó có điều kiện đồng hành cùng doanh nghiệp khắc phục các khó khăn do

Thông tư 03/2021/TT-NHNN được Ngân hàng Nhà nước ban hành mới đây sẽ hỗ trợ được nhiều khách hàng hơn trong việc cơ cấu lại dòng tiền, phục hồi sản xuất kinh doanh cũng như giảm áp lực trích lập của các ngân hàng thương mại, từ đó có điều kiện đồng hành cùng doanh nghiệp khắc phục các khó khăn do tác động của dịch Covid-19.

Thông tư 03/2021/TT-NHNN ngày 02/4/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid 19 (sau đây gọi là Thông tư 03) quy định 2 nội dung chính: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí; và phân loại nợ, giữ nguyên nhóm nợ và trích lập dự phòng rủi ro.

Những nội dung chính được sửa đổi, bổ sung

Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí được sửa đổi, bổ sung tại khoản 2, khoản 3 Điều 1 Thông tư 03. Cụ thể:

Quy định về thời gian khoản nợ phát sinh: Áp dụng đối với khoản nợ phát sinh trước ngày 10/6/2020 thay vì trước ngày 23/01/2020 theo quy định tại Thông tư 01.

Quy định về thời gian phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi của khoản nợ: Trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày 31/12/2021 thay vì từ ngày 23/01/2020 đến ngày liền kề sau 03 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch Covid 19 quy định tại Thông tư 01.

Quy định thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ tối đa: Không vượt quá 12 tháng kể từ ngày TCTD thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ thay vì không vượt quá 12 tháng kể từ ngày cuối cùng của thời hạn cho vay, cho thuê tài chính quy định Thông tư 01.

Quy định về thời gian TCTD thực hiện việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí cho khách hàng (được bổ sung mới so với Thông tư 01): TCTD thực hiện đến ngày 31/12/2021.

Việc phân loại nợ, giữ nguyên nhóm nợ và trích lập dự phòng rủi ro được sửa đổi, bổ sung tại khoản 4, khoản 5 Điều 1 Thông tư 03. Cụ thể:

Về việc giữ nguyên nhóm nợ và phân loại nợ: Về cơ bản nội dung Thông tư 03 tiếp tục kế thừa định hướng tại Thông tư 01, trong đó tiếp tục cho phép TCTD giữ nguyên nhóm nợ đối với số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí theo quy định tại Thông tư 01, Thông tư 03 để tạo điều kiện hỗ trợ, cho vay mới, góp phần ổn định sản xuất kinh doanh, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Về trích lập dự phòng rủi ro (được bổ sung mới so với Thông tư 01): Thông tư 03 yêu cầu các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải xác định số tiền dự phòng cụ thể phải trích bổ sung và thực hiện phân bổ số tiền này trong 3 năm, tối thiểu 30% tại thời điểm cuối năm 2021, tối thiểu 60% tại thời điểm cuối năm 2022 và 100% tại thời điểm cuối năm 2023.

Về phân loại nợ, trích lập dự phòng từ ngày 01/01/2024 (được bổ sung mới so với Thông tư 01): Kể từ ngày 1/1/2024, TCTD thực hiện phân loại và trích lập dự phòng đối với toàn bộ dư nợ, cam kết ngoại bảng của khách hàng có số dư được cơ cấu lại, miễn giảm lãi sẽ được thực hiện hoàn toàn theo Thông tư 02.

Theo quy định sửa đổi, TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ của khoản nợ khi đáp ứng đủ 8 điều kiện. Trong đó, khoản nợ phải phát sinh trước ngày 10/6/2020 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính và phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2020 đến ngày 31/12/2021. Bản dự thảo thông tư hồi tháng 1/2021 từng quy định thời gian phát sinh nghĩa vụ trả nợ ngắn hơn (23/1/2020-31/3/2021).

Ngoài ra, số dư nợ của khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ thuộc một trong các trường hợp hoặc số dư nợ còn trong hạn hoặc quá hạn đến 10 ngày từ ngày đến hạn thanh toán, thời hạn trả nợ theo hợp đồng, thỏa thuận; hoặc số dư nợ của khoản nợ phát sinh trước ngày 23/1/2020 và quá hạn trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2020 đến ngày 29/3/2020; hoặc số dư nợ của khoản nợ phát sinh từ ngày 23/1/2020 và quá hạn trước ngày 17/5/2021.

Bên cạnh đó, khoản nợ đó phải được TCTD đánh giá là của khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19. Điều kiện này nhấn mạnh vai trò đưa ra đánh giá từ phía ngân hàng, trong khi Thông tư cũ không đề cập đến.

Cùng với đó, khách hàng phải có đề nghị được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và TCTD đánh giá khách hàng có khả năng trả nợ đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại.  TCTD không thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khoản nợ vi phạm quy định pháp luật.

Thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ (kể cả trường hợp gia hạn nợ) cũng cần phù hợp với mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với khách hàng và không vượt quá 12 tháng kể từ ngày TCTD thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Về điều kiện thời gian, việc thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng thực hiện đến ngày 31/12/2021.

Việc bổ sung thêm các điều kiện để cho phép tái cơ cấu các khoản nợ sẽ hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn sản xuất, khi các khoản vay được xếp vào diện được cơ cấu sẽ được gia hạn về thời gian trả nợ, làm giảm bớt áp lực chi phí tài chính lên doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi sản xuất sau dịch Covid-19.

Doanh nghiệp và ngân hàng đều được lợi

Theo các chuyên gia, việc ban hành Thông tư 03 sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc phục hồi kinh doanh cũng như giảm áp lực trích lập của các ngân hàng thương mại.

Trước hết, đối với doanh nghiệp, phạm vi khoản nợ được cơ cấu và giữ nguyên nhóm nợ được mở rộng hơn so với Thông tư 01. Do vậy, Thông tư 03 sẽ hỗ trợ được nhiều khách hàng (doanh nghiệp) hơn trong việc cơ cấu lại dòng tiền, phục hồi sản xuất kinh doanh. Đồng thời, khách hàng được cơ cấu lại nợ phù hợp với dòng tiền do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 mà không bị chuyển sang nhóm nợ có mức độ rủi ro cao hơn. Bên cạnh đó, quy định mới còn khuyến khích TCTD cho vay mới khách hàng để duy trì, phục hồi sản xuất kinh doanh, từng bước vượt qua khó khăn, thực hiện trả nợ đúng hạn cho TCTD theo thời hạn cơ cấu lại do tạm thời chưa phải ghi nhận rủi ro thực tế đối với số dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid 19 (thông qua việc giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng).

Đối với các NHTM, việc điều chỉnh các mốc thời gian phù hợp với tình hình diễn biến dịch Covid-19 giúp các TCTD, chi nhánh NHNg có điều kiện đồng hành cùng doanh nghiệp khắc phục các khó khăn do tác động của dịch Covid-19, theo đó, các TCTD sẽ đưa ra phương án hỗ trợ khách hàng cụ thể, kịp thời hơn.

Thông tư 03 đã quy định cụ thể số dư nợ của khoản nợ được xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi phí và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01 và Thông tư 03 (trong đó cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi đối với số dư nợ của khoản nợ phát sinh trước ngày 10/6/2020, thay vì 23/1/2020 như quy định Thông tư 01, đồng thời đặt ra cụ thể thời điểm kết thúc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi là 31/12/2021).

Theo phân tích của Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS), với việc cho phép cơ cấu các khoản nợ phát sinh trong giai đoạn từ 23/1/2020 đến 10/6/2020, các ngân hàng có thể xem xét mở rộng lượng dư nợ tái cơ cấu với thời hạn giãn nợ tối đa 12 tháng.

Bên cạnh đó, việc kéo giãn thời hạn trích lập cho lượng dư nợ tái cơ cấu đến hạn đồng loạt trong năm 2021 sẽ giúp các ngân hàng tránh được tình trạng chi phí trích lập dự phòng tăng đột biến trong một khoản thời gian ngắn.

Đồng thời, quy định mới về việc trích lập dự phòng sẽ đảm bảo củng cố nguồn dự phòng để xử lý rủi ro, góp phần đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng.

Việc thực hiện phân bổ trích lập dự phòng theo lộ trình trong 3 năm sẽ tháo gỡ khó khăn cho các TCTD trong việc: (i) Giảm tải khối lượng công việc, chi phí phát sinh trong hoạt động cho việc thực hiện trích lập dự phòng rủi ro; (ii) Linh hoạt hơn trong kế hoạch tài chính khi TCTD có thể chủ động thực hiện việc trích lập dự phòng bổ sung trong năm nhưng phải đảm bảo đến kỳ phân loại, trích lập dự phòng cuối mỗi năm, TCTD thực hiện trích lập dự phòng bổ sung đầy đủ theo tỷ lệ tối thiểu quy định tại Thông tư 03. Từ đó, tạo điều kiện để các TCTD giảm mặt bằng lãi suất cho vay, miễn, giảm lãi, phí dịch vụ cho khách hàng do TCTD được giảm áp lực trích lập dự phòng ngay theo quy định tại Thông tư 02.

Với Thông tư 03, NHNN cho phép các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ với các khoản nợ phát sinh nghĩa vụ trả nợ trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2020 đến hết năm 2021.

Trước đó, Thông tư 01 chỉ cho phép tái cơ cấu với các khoản nợ phát sinh nghĩa vụ từ 23/01/2020 đến sau 3 tháng từ ngày Thủ tướng công bố hết dịch. Việc đó gây khó khăn cho tổ chức tín dụng khi xác định các khoản nợ đủ điều kiện để tái cơ cấu, cũng như theo dõi và hạch toán trong kế toán khi ngày lấy mốc có thể không trùng với kỳ hoạch toán kế toán của ngân hàng.

Theo DIV

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay