Ông Tim Leelahaphan - Chuyên gia kinh tế Thái Lan và Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered cho biết: “Triển vọng kinh tế Việt Nam về trung hạn vẫn đầy hứa hẹn. Để duy trì tốc độ tăng trưởng và khả năng cạnh tranh, Việt Nam cần phát triển cơ sở hạ tầng và giảm lượng khí thải Cacbon”.
Theo chuyên gia kinh tế của ngân hàng Standard Chartered, doanh số bán lẻ và sản xuất công nghiệp vẫn duy trì mạnh mẽ bất chấp sự điều chỉnh gần đây. Xuất nhập khẩu đang bắt đầu phục hồi, mặc dù thương mại điện tử vẫn chưa thấy tín hiệu phục hồi rõ ràng. Sự phục hồi FDI còn mờ nhạt, dấu hiệu phục hồi dòng vốn FDI mạnh mẽ hơn đòi hỏi tốc độ tăng trưởng GDP nhanh hơn. Các thách thức của thương mại toàn cầu có thể là một rủi ro chính.
Với lo ngại lạm phát quay trở lại, lạm phát được dự báo tăng từ mức 3.3% năm 2023 lên 5.5% vào năm 2024. Standard Chartered dự báo việc nới lỏng tiền tệ có thể sắp kết thúc do kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi. Ngân hàng kỳ vọng lãi suất giữ nguyên mặc dù việc cắt giảm lãi suất có thể xảy ra. Tỷ lệ tái cấp vốn dự kiến duy trì ở mức 4.5% cho đến cuối quý 3/2024, trước khi tăng 50 điểm cơ bản trong quý 4.
“Chúng tôi kỳ vọng ngân hàng trung ương sẽ xây dựng chính sách cân bằng giữa hỗ trợ phục hồi nền kinh tế và chống lạm phát gia tăng, cũng như sự suy yếu tiền tệ. Lạm phát và khoảng cách rộng giữa chi tiêu và thu nhập có thể dẫn đến những hành vi tìm kiếm lợi nhuận và rủi ro bất ổn tài chính”, ông Tim Leelahaphan chia sẻ thêm.
Đồng Việt Nam (VND) được dự báo tiếp tục đối mặt những thách thức, tỷ giá USD/VND dự kiến đạt 24,000 vào cuối năm 2024. Dự trữ ngoại hối dự báo phục hồi khi sức mạnh của đô la Mỹ giảm.