Theo đó, kết thúc năm 2024, NCB đã đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh mới và đạt được nhiều kết quả tích cực. Đồng thời, hoàn thành tăng vốn điều lệ lên gần 11.800 tỷ đồng, quyết liệt triển khai tái cơ cấu ngân hàng theo đúng phương án cơ cấu lại tầm nhìn tới 2030 đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Từng bước khắc phục các vấn đề tồn tại, nâng cao hiệu quả hoạt động
Năm 2024 đánh dấu bước ngoặt của NCB trong hành trình tái cơ cấu với việc trở thành tổ chức tín dụng đầu tiên hoàn thành việc xây dựng và được phê duyệt phương án cơ cấu lại theo “Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025” theo Quyết định 689/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.
Tháng 6/2024, NCB đã khẩn trương và quyết liệt triển khai việc phân loại lại tài sản có theo phương án cơ cấu lại ngay sau khi được phê duyệt. Tiếp đó, ngân hàng đã triển khai đồng bộ các giải pháp theo đúng lộ trình của phương án cơ cấu lại, gồm: tích cực thu hồi xử lý tài sản tồn đọng, đạt 130% mục tiêu tại phương án cơ cấu lại; hoàn thành việc trích lập dự phòng và thoái lãi dự thu ngay sau khi hoàn thành tăng vốn điều lệ lên gần 11.800 tỷ đồng vào tháng 12/2024.
Với giải pháp bài bản, đúng đắn và phù hợp được triển khai quyết liệt đã giúp NCB bước đầu khắc phục các vấn đề tồn tại, dần nâng cao hiệu quả hoạt động của ngân hàng. Tính đến 31/12/2024, 6 tháng sau khi triển khai bước đầu tiên của lộ trình phương án cơ cấu lại, tỷ lệ nợ xấu của NCB ghi nhận mức giảm đáng kể trong bối cảnh thị trường còn nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, việc trích lập dự phòng, thoái lãi dự thu và chi phí vốn của các khoản tồn tại cũ theo lộ trình tại phương án cơ cấu lại đã khiến lợi nhuận năm 2024 ghi nhận mức âm. Mặc dù hoạt động kinh doanh phát triển mới của NCB trong 2024 đạt kết quả rất đáng ghi nhận, với tổng thu nhập hoạt động thuần (TOI) sau dự phòng rủi ro từ hoạt động kinh doanh mới (good bank) là 2.968 tỷ đồng. Sau khi trừ đi toàn bộ chi phí hoạt động, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh mới đạt 1.339 tỷ đồng.
NCB cho biết, ngân hàng đang đáp ứng tốt công cuộc tái cấu trúc toàn diện, đảm bảo hoạt động liên tục, minh bạch, an toàn và các chỉ số an toàn hoạt động luôn tuân thủ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Các bước tiếp theo trong lộ trình tái cơ cấu đã được phê duyệt sẽ được NCB triển khai, nhằm hoàn thành việc xử lý dứt điểm các tài sản tồn đọng và hoàn thành phương án cơ cấu lại vào năm 2029.
Chuyển mình nhờ Chiến lược mới, với nhiều chỉ tiêu tăng trưởng tích cực
Năm 2024, nhờ triển khai mạnh mẽ chiến lược mới, hợp tác với các đối tác công nghệ hàng đầu thế giới. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi số và nâng cấp sản phẩm dịch vụ với hàng loạt gói giải pháp tài chính ưu việt, NCB đã đạt nhiều kết quả tích cực.
Cụ thể, tính đến hết 31/12/2024, NCB đã hoàn thành vượt mức mục tiêu đặt ra tại Đại hội đồng cổ đông thường niên. Trong đó, tổng tài sản đạt 118.562 tỷ đồng, tăng 23,2% so với 2023 và vượt 12% so với kế hoạch. Tổng dư nợ cho vay khách hàng đạt 71.175 tỷ đồng, tổng huy động vốn thị trường 1 đạt 100.491 tỷ đồng, vượt lần lượt 10,6% và 16,8% so với kế hoạch.
Bên cạnh đó, NCB cũng đạt quy mô hơn 1,346 triệu khách, bằng 117,05% so với kế hoạch cả năm và tăng trưởng 34,6% so với cuối 2023. NCB cũng đã chính thức được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận sửa đổi nội dung vốn điều lệ tại Giấy phép thành lập và hoạt động, tăng từ hơn 5.600 tỷ đồng lên gần 11.800 tỷ đồng, sau khi phát hành thành công hơn 617 triệu cổ phiếu trong đợt chào bán cho các nhà đầu tư trong nước vừa qua.
Việc bổ sung nguồn lực tài chính thể hiện quyết tâm, hành động mạnh mẽ của các cổ đông và toàn thể cán bộ nhân viên ngân hàng trong hành trình tái cơ cấu toàn diện, đảm bảo ngân hàng hoạt động an toàn, lành mạnh, hiệu quả, đáp ứng các quy định pháp luật và các yêu cầu của cơ quan quản lý. Đồng thời, giúp NCB khẳng định năng lực cạnh tranh ngày càng cao trên thị trường.
Theo lộ trình, NCB sẽ tiếp tục tăng vốn và dự kiến quy mô vốn điều lệ của NCB sẽ đạt hơn 29.000 tỷ đồng vào năm 2028, củng cố nguồn lực tài chính, gia tăng nguồn vốn trung - dài hạn để mở rộng hoạt động kinh doanh.
Trong đó, năm 2024, các chỉ số an toàn hoạt động của NCB tiếp tục duy trì và đảm bảo giới hạn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Tính đến ngày 31/12/2024, tỷ lệ dự trữ thanh khoản đạt 17,27%, cho thấy Ngân hàng đang duy trì một “bộ đệm thanh khoản” có khả năng chống chịu tốt trước những biến động trên thị trường.
Song song với việc triển khai quyết liệt phương án cơ cấu lại, thực thi từng bước theo định hướng chiến lược quản lý gia sản hỗn hợp số, NCB đã triển khai mạnh mẽ chuyển đổi số từ đầu năm 2024.
Được biết, năm vừa qua, NCB liên tục khẳng định năng lực cạnh tranh và vị thế mới với hàng loạt dấu ấn, như: Mở tài khoản thanh toán ngân hàng từ ứng dụng định danh điện tử VNeID của Bộ Công An; Giành giải Khuyến khích tại cuộc thi Data for Life 2024; Năm thứ hai liên tiếp được HR Asia Awards vinh danh “Nơi làm việc tốt nhất Châu Á”; Ngân hàng số NCB iziBankbiz cho khách hàng doanh nghiệp được vinh danh Top 10 Tin dùng Việt Nam ngành Ngân hàng, Bảo hiểm, Chứng khoán,…