Đáng lưu ý là trong số 11 ngân hàng đang có vốn điều lệ dưới mốc 5.000 tỷ đồng, có cả những ngân hàng vốn nước ngoài như CIMB, ANZ, Hong Leong, tuy nhiên nhóm này có thể sẽ nhận được thêm nguồn lực hỗ trợ từ ngân hàng mẹ, ngược lại các ngân hàng trong nước có thể gặp nhiều khó khăn hơn.
Vốn pháp định sẽ được điều chỉnh?
Trong bản Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025” do Thủ tướng Chính phủ ban hành mới đây, một trong những nội dung đáng chú ý là việc phân nhóm các tổ chức tín dụng (TCTD) theo quy mô vốn điều lệ. Cụ thể nhà điều hành đặt mục tiêu TCTD phải có biện pháp bảo đảm có số vốn điều lệ đến năm 2025 như sau:
+ Đối với các ngân hàng thương mại: (i) Nhóm ngân hàng thương mại trong nước có tiềm lực tài chính, năng lực cạnh tranh, quy mô lớn: Vốn điều lệ tối thiểu đạt 15,000 tỷ đồng; (ii) Nhóm ngân hàng thương mại trong nước có tiềm lực tài chính, năng lực cạnh tranh, quy mô nhỏ và trung bình và ngân hàng thương mại có vốn nước ngoài: Vốn điều lệ tối thiểu đạt 5.000 tỷ đồng;
+ Đối với công ty tài chính: Vốn điều lệ tối thiểu đạt 750 tỷ đồng;
+ Đối với công ty cho thuê tài chính: Vốn điều lệ tối thiểu đạt 450 tỷ đồng.
+ Đối với ngân hàng thương mại, công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính yếu, yếu kém/được kiểm soát đặc biệt/thực hiện phương án cơ cấu lại do cấp có thẩm quyền phê duyệt: phương án tăng vốn thực hiện theo phê duyệt của cấp có thẩm quyền.
Cũng cần biết rằng dù NHNN thời gian qua đã thực hiện phân loại xếp hạng các ngân hàng theo 5 nhóm, dựa trên nhiều tiêu chí tính toán định lượng lẫn định tính theo thông tư 52/2018/TT-NHNN và gần đây là Thông tư 23/2021/TT-NHNN, nhưng việc phân nhóm theo quy mô vốn điều lệ thì đây là lần đầu tiên mới được quy định chính thức.
Theo thống kê từ NHNN cập nhật đến ngày 31/3/2022, trong số 31 ngân hàng nội địa (không tính 4 nhà băng yếu kém) và 9 ngân hàng 100% vốn nước ngoài, có 14 ngân hàng có vốn điều lệ trên 15.000 tỷ đồng nên dĩ nhiên sẽ được xếp vào nhóm 1; 15 ngân hàng đang có vốn điều lệ từ 5.000 tỷ đồng đến dưới 15.000 tỷ và 11 ngân hàng có vốn điều lệ dưới 5.000 tỷ đồng, trong đó có 5 ngân hàng duy trì mức vốn điều lệ quanh 3.000 tỷ đồng suốt nhiều năm nay mà không thể tăng thêm được.
Đây cũng chính là nhóm sẽ chịu áp lực tăng vốn đáng kể để đáp ứng theo yêu cầu tăng vốn và phân nhóm của nhà điều hành trong giai đoạn tới. Trong số 11 ngân hàng đang có vốn điều lệ dưới mốc 5.000 tỷ đồng nói trên, có cả những ngân hàng vốn nước ngoài như CIMB, ANZ, Hong Leong, tuy nhiên nhóm này có thể sẽ nhận được thêm nguồn lực hỗ trợ từ ngân hàng mẹ, ngược lại các ngân hàng trong nước có thể gặp nhiều khó khăn hơn khi muốn tăng vốn.
Đáng lưu ý là vốn pháp định hiện nay đối với ngành ngân hàng cũng chỉ ở mức 3.000 tỷ đồng. Nhiều năm trước đây cơ quan quản lý từng có lần đề xuất nâng mức vốn pháp định lên tối thiểu 5.000 tỷ đồng và sau đó là 10.000 tỷ đồng, nhưng vì lộ trình này tạo áp lực quá lớn cho hệ thống nên vẫn chưa được thực hiện. Tuy nhiên, với yêu cầu phân nhóm lần này, có lẽ yêu cầu vốn pháp định thời gian tới cũng sẽ được nâng lên ở mức tối thiểu 5.000 tỷ đồng, để thúc đẩy các nhà băng đang có mức vốn quá thấp phải sớm có giải pháp tăng vốn.
Đối với 16 công ty tài chính, đã có 10 công ty có vốn điều lệ trên mốc 750 tỷ đồng, 6 công ty còn lại từ 700 tỷ đồng trở xuống, trong đó thấp nhất là ở mức 500 tỷ đồng. Riêng 10 công ty cho thuê tài chính, có 5 tổ chức có vốn điều lệ dưới mốc 450 tỷ đồng, trong đó thấp nhất là mức 200 tỷ đồng. Theo đó, không loại trừ khả năng các công ty tài chính và công ty cho thuê tài chính không thể tăng thêm vốn trong thời gian tới, sẽ đứng trước áp lực phải hợp nhất, sáp nhập để tăng quy mô đáp ứng yêu cầu, như định hướng của nhà điều hành đã đặt ra.
M&A sẽ sôi động hơn?
Thực tế bài toán tăng vốn sẽ tiếp tục được tập trung ở tất cả các TCTD trong những năm tới, đòi hỏi phải có những giải pháp nhanh chóng, khả thi và phù hợp. Đơn cử như nhóm ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ đã đưa ra giải pháp tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ, riêng Agribank có thể được cấp thêm vốn từ nguồn ngân sách.
Đối với nhóm ngân hàng thương mại cổ phần cũng đặt ra giải pháp tăng vốn và cải thiện chất lượng nguồn vốn tự có, khuyến khích tham gia mua bán, hợp nhất, sáp nhập để gia tăng quy mô, phạm vi hoạt động, khả năng cạnh tranh. Với triển vọng của thị trường vốn nói chung và chứng khoán nói riêng cho giai đoạn tới, nhóm này có thể sẽ tích cực tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài nhiều hơn, ngoài câu chuyện tăng vốn còn là mục tiêu tận dụng công nghệ, kinh nghiệm của các tổ chức quốc tế phát triển các sản phẩm dịch vụ hiện đại, đáp ứng nhu cầu khách hàng trong kỷ nguyên số.
Riêng với nhóm ngân hàng thương mại đang có vốn điều lệ dưới mốc 5.000 tỷ đồng, các công ty tài chính dưới mốc 750 tỷ đồng và công ty cho thuê tài chính dưới mốc 450 tỷ đồng, thời gian tới nếu không thể tăng thêm vốn có thể sẽ buộc phải tính đến giải pháp hợp nhất và sáp nhập, nhằm tăng quy mô đáp ứng theo yêu cầu. Rõ ràng trong môi trường cạnh tranh ngày càng quyết liệt, quy mô hoạt động của nhiều doanh nghiệp ngày càng gia tăng, nhưng mức vốn của các tổ chức này vẫn cứ dậm chân tại chỗ sau nhiều năm, thì khó có thể đáp ứng được các chiến lược kinh doanh, mở rộng hoạt động và khả năng cạnh tranh bền vững.
Thực tế nhiều tỷ lệ an toàn trong hoạt động của các ngân hàng thương mại theo quy định hiện nay được tính toán theo vốn tự có hoặc vốn chủ sở hữu mà trong đó vốn điều lệ luôn là cấu phần chiếm tỷ trọng gần như lớn nhất, từ giới hạn cấp tín dụng, hệ số an toàn vốn, giới hạn góp vốn, mua cổ phần, trạng thái ngoại hối, giới hạn mua sắm tài sản cố định,… do đó nếu quy mô vốn điều lệ quá nhỏ bé và không thể tăng thêm được thì hoạt động phát triển kinh doanh của các nhà băng sẽ bị hạn chế rất nhiều.
Đáng lưu ý là ở mục tiêu cụ thể số 1 cũng yêu cầu “Triển khai thí điểm áp dụng Basel II theo phương pháp nâng cao tại các ngân hàng thương mại nhà nước nắm cổ phần chi phối và ngân hàng thương mại cổ phần có chất lượng quản trị tốt đã hoàn thành áp dụng Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn vào cuối năm 2025; phấn đấu đến năm 2023, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng thương mại đạt tối thiểu 10 - 11%; đến năm 2025, đạt tối thiểu 11 - 12%”.
Trong khi đó theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 9/2021, hệ số CAR tối thiểu áp dụng Thông tư 22/2019/TT-NHNN của nhóm ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước mới chỉ đạt 10,83%; nhóm ngân hàng thương mại cổ phần đạt 9,53%. Còn nếu tính theo quy định của thông tư 41/2016/TT-NHNN, hệ số CAR của nhóm ngân hàng thương mại nhà nước chỉ ở mức 9,17%, trong khi nhóm ngân hàng thương mại cổ phần cao hơn ở mức 11,38%. Như vậy, để nâng hệ số CAR theo lộ trình, các NHTM chưa đáp ứng được hoặc phải có giải pháp sớm tăng thêm vốn hoặc phải hợp nhất, sáp nhập như là cách tăng quy mô vốn về mặt cơ học.
Ngoài ra, trong bản Đề án tái cơ cấu lần này cũng đặt ra mục tiêu đầu tiên là: “Tạo bước chuyển rõ rệt, thực chất trong cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu; phấn đấu đến năm 2025 giảm số lượng các TCTD, xử lý cơ bản các ngân hàng yếu kém, không để phát sinh những ngân hàng yếu kém mới, hệ thống các TCTD lành mạnh và phát triển bền vững”. Vì vậy, càng có cơ sở để tin rằng hoạt động M&A trong ngành tài chính ngân hàng sẽ sôi động trở lại trong những năm tới.
Theo Phan Thụy/FILI