Thời gian qua để hoàn thiện hành lang pháp lý cho lĩnh vực BHVM, Dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) đã được thêm vào một chương quy định riêng cho lĩnh vực này. Theo đó, các quy định về tổ chức cung cấp BHVM, điều kiện cấp giấy phép thành lập, cách thức hoạt động, quản trị rủi ro và quản lý nhà nước liên quan đến BHVM đều đã được thể hiện trong dự thảo luật.
Bảo hiểm siêu nhỏ bắt đầu đa dạng
Tại Việt Nam, lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ vi mô (BHVM) bắt đầu được Bộ Tài chính cho phép thí điểm từ năm 2009 với các sản phẩm phục vụ nhóm khách hàng từ 18-55 tuổi, có thu nhập thấp, không ổn định, tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và các khu công nghiệp. Ba doanh nghiệp được cấp phép thí điểm các sản phẩm này là Manulife, Dai-ichi và Prudential.
Tuy nhiên, thời gian qua do Luật Kinh doanh bảo hiểm chưa có quy định riêng về loại hình này, các doanh nghiệp khi triển khai BHVM vẫn phải thực hiện các yêu cầu về tài chính, về quy trình phân phối sản phẩm tương tự như các sản phẩm bảo hiểm thương mại khác, nên gặp rất nhiều khó khăn. Vì thế đến nay, Dai-ichi và Prudential đã ngưng phân phối BHVM, chỉ có Manulife vẫn còn duy trì bán các sản phẩm bảo hiểm này tại 19 tỉnh, thành phố với doanh thu phí bảo hiểm đến cuối tháng 7/2021 ước khoảng 1,6 tỷ đồng.
Ngoài Manulife, trong giai đoạn 2010-2020, thị trường BHVM có sự tham gia của hai tổ chức khác là Trung tâm Hỗ trợ phát triển nguồn lực tài chính cộng đồng (CFRC) và Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam. Ghi nhận đến cuối tháng 6/2021, các sản phẩm BHVM của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã được bán tại 12 tỉnh thành phố, doanh thu phí đạt khoảng 8,6 tỷ đồng với gần 130.100 hợp đồng còn hiệu lực. Còn với CFRC, các sản phẩm BHVM được bán mạnh trong giai đoạn 2013-2016; tuy nhiên do khó mở rộng hoạt động nên tổ chức này đã ngừng thí điểm từ năm 2017.
Trong vài năm gần đây, theo nhận định của Tập đoàn tái bảo hiểm SwissRe Group (Thụy Sĩ) thị trường BHVM tại khu vực Đông Nam Á đã bắt đầu sôi động với sự tham gia của hàng loạt công ty bảo hiểm lớn như: Nippon Life, PasarPolis, Allianz… Điều đáng ghi nhận là cả số lượng sản phẩm và cách thức phân phối BHVM đều đang được đa dạng hóa. Các hãng bảo hiểm có xu hướng bắt tay với nhóm tập đoàn kinh tế chia sẻ để tạo ra các sản phẩm BHVM và phân phối khá hiệu quả trên thị trường.
Hiện Tập đoàn Grab đã bắt đầu chào bán sản phẩm bảo hiểm tai nạn cá nhân 2.000 đồng cho mỗi cuốc xe theo hợp đồng hãng bảo hiểm Chubb. Một hãng bảo hiểm khác là Igloo của Singapore trong thời gian qua cũng đã hợp tác với Mobifone và Loship phát triển các sản phẩm BHVM dành cho khách hàng mua sắm online…
Cân nhắc hỗ trợ bằng ngân sách
Thời gian qua để hoàn thiện hành lang pháp lý cho lĩnh vực BHVM, Dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) đã được thêm vào một chương quy định riêng cho lĩnh vực này. Theo đó, các quy định về tổ chức cung cấp BHVM, điều kiện cấp giấy phép thành lập, cách thức hoạt động, quản trị rủi ro và quản lý nhà nước liên quan đến BHVM đều đã được thể hiện trong dự thảo luật.
Trong các phiên thảo luận của Quốc hội diễn ra vào tháng 9 và tháng 10 vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng BHVM là lĩnh vực cần được nhà nước hỗ trợ để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia kinh doanh sản phẩm này, từ đó lan tỏa hiệu quả lợi ích bảo hiểm đến nhóm người nghèo, người thu nhập thấp trong xã hội.
Theo quan điểm của Bộ Tài chính, Chính phủ có thể tổng kết các mô hình thí điểm của Manulife và Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam để đánh giá tính hiệu quả và mở rộng loại hình bảo hiểm này thông qua các tổ chức chính trị xã hội. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng kinh doanh bảo hiểm là hoạt động đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao. Trong khi đó, các tổ chức chính trị xã hội khó đáp ứng được yêu cầu về nghiệp vụ, nguồn nhân lực, cơ sở vật chất để triển khai BHVM. Vì thế cần cân nhắc các quy định pháp lý để khuyến khích các hãng bảo hiểm nhân thọ tham gia vào lĩnh vực này.
Đại diện Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho rằng, nếu xét ở khía cạnh quy mô thì BHVM tại Việt Nam đã được khá nhiều hãng bảo hiểm triển khai. Tuy nhiên, việc phân phối các dòng sản phẩm bảo hiểm này không mang lại nhiều lợi nhuận, đồng thời phát sinh khá nhiều vướng mắc pháp lý trong quá trình duy trì hợp đồng bảo hiểm.
Vì thế, khi Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi được thông qua thì các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thực hiện hoạt động BHVM cần tách bạch tính thị trường, độ khả thi của các dòng sản phẩm BHVM, đồng thời căn cứ trên mục tiêu phát triển bền vững của các nhà cung cấp để có những chính sách ưu đãi phù hợp và cân bằng lợi ích giữa hiệu quả kinh doanh và mục tiêu an sinh xã hội.
Bổ sung tổ chức tương hỗ cung cấp BHVM
Theo Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), bên cạnh doanh nghiệp bảo hiểm thì một tổ chức khác cũng được phép cung cấp các sản phẩm BHVM đó là các tổ chức tương hỗ. Các tổ chức này chỉ cung cấp các sản phẩm bảo hiểm đơn giản, giới hạn cho các thành viên. Vì thế sẽ có các tiêu chuẩn, điều kiện kinh doanh thấp hơn so với nhóm doanh nghiệp bảo hiểm. Chính phủ sẽ hướng dẫn nhóm các tổ chức tương hỗ trong hoạt động cung cấp BHVM. Từ đó đảm bảo tính linh hoạt, phù hợp với tình hình phát triển của các mô hình đồng thời đạt được mục tiêu đưa các sản phẩm BHVM đến gần hơn với người nghèo, người có thu nhập thấp trong xã hội.
Theo Thời báo Ngân hàng