Thứ hai, 23/12/2024
   

Lừa đảo đầu tư trực tuyến qua mạng, chiếm đoạt khoảng 60 tỷ đồng

Ngày 8/7, Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, vừa bắt giữ nhóm đối tượng lừa đảo đầu tư trực tuyến qua mạng do Nguyễn Hữu Đạt (23 tuổi, trú tại huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định) cầm đầu để điều tra về hành vi “sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt

Ngày 8/7, Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh vừa bắt giữ nhóm đối tượng lừa đảo đầu tư trực tuyến qua mạng do Nguyễn Hữu Đạt (23 tuổi, trú tại huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định) cầm đầu để điều tra về hành vi “sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”.

Tổng cộng có 14 đối tượng trong đường dây lừa đảo đã bị bắt, trong đó có 7 đối tượng được các lực lượng Công an tỉnh vận động ra đầu thú. Công an tỉnh vẫn đang tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án, kêu gọi các đối tượng liên quan, nạn nhân đến trình báo.

Theo thông tin ban đầu, từ đầu năm 2021, Nguyễn Hữu Đạt tham gia đầu tư sàn giao dịch nhị phân Worf Broker nhưng thua lỗ nên chuyển sang làm môi giới để hưởng hoa hồng. Do thu nhập của công việc thấp nên Đạt đã nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản của các nhà đầu tư thông qua huy động vốn của khách hàng. Đạt đã liên lạc với 10 đối tượng khác để bàn bạc, phân công nhiệm vụ từng người rồi thuê nhà tại phường An Phú (thành phố Thủ Đức) làm nơi hoạt động. Đạt đã mua nhiều máy tính để bàn và hàng ngàn sim điện thoại đưa về nhà thuê để tạo các nick ảo trên nền tảng Telegram.

Sau khi tham gia vào các hội nhóm đầu tư tài chính hoặc cờ bạc trên mạng, các đối tượng tìm kiếm thông tin khách hàng, gửi về cho Nguyễn Tam Lợi (28 tuổi, thường trú tại Pleiku, tỉnh Gia Lai) cùng đồng bọn để tiếp cận, rủ rê, lôi kéo khách hàng tham gia đầu tư. Nhóm này trực tiếp tạo hàng trăm tài khoản ảo, lập ra 100 nhóm “Telegram VIP” và hơn 2.000 nhóm “Telegram thường” để phân loại mức tiền khách đầu tư. Mỗi nhóm VIP có 200 - 250 nick, nhưng chỉ có 1 nick là của khách hàng thật, còn lại là nick ảo.

Để tạo lòng tin cho các nạn nhân, các đối tượng sử dụng phần mềm chạy tự động quảng cáo tin nhắn, làm giả các hóa đơn chuyển tiền cho người thắng và tung tin giả về việc thắng tiền trên sàn nhị phân, mời chào khách hàng tham gia đầu tư và đưa ra các lời hứa hẹn thu lời 4 - 10% mỗi ngày. Khi khách hàng đồng ý tham gia đầu tư, các đối tượng sẽ đề nghị khách hàng chuyển tiền đến các tài khoản ngân hàng của một số đối tượng để được đưa vào nhóm “những người đầu tư”.

Để tăng cường sự tin tưởng của khách, trong vài ngày đầu, đối tượng sẽ gửi tiền lợi nhuận như đã cam đoan. Đến khi nạn nhân liên tục chuyển thêm tiền và không còn khả năng tiếp tục đầu tư, Đạt chỉ đạo các đối tượng thông báo “Ban chuyên gia đã đặt cược hết số tiền đầu tư của khách và bị thua”, kèm theo đó là hình ảnh bảng kết quả đặt cược các phiên trong ngày. Đồng thời, các đối tượng dùng các nick ảo để vừa trách móc Ban chuyên gia, vừa tự động viên nhau, nhằm đánh lạc hướng và xoa dịu nạn nhân.

Theo Công an tỉnh, bước đầu các đối tượng đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Với phương thức lừa đảo nêu trên, nhóm của Đạt đã lừa đảo, chiếm đoạt khoảng 60 tỷ đồng của các nhà đầu tư.

Theo Báo tin tức

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay