Thứ năm, 14/11/2024
   

Lo P2P lending Trung Quốc tràn sang Việt Nam

Hơn 10.000 nền tảng cho vay ngang hàng bị đóng cửa ở Trung Quốc thời gian qua khiến nguy cơ các công ty kinh doanh dịch vụ tài chính dựa trên nền tảng công nghệ trong lĩnh vực này tìm cách sang Việt Nam, gây rủi ro cho thị trường.

Hơn 10.000 nền tảng cho vay ngang hàng bị đóng cửa ở Trung Quốc thời gian qua khiến nguy cơ các công ty kinh doanh dịch vụ tài chính dựa trên nền tảng công nghệ trong lĩnh vực này tìm cách sang Việt Nam, gây rủi ro cho thị trường.

Cuối năm, khi nhu cầu vay vốn tiêu dùng của người dân tăng cao cũng là dịp để các ứng dụng (app) cho vay trực tuyến, cho vay ngang hàng (P2P lending) ra sức mời gọi. Không ít người đã phải vay qua app với mức lãi suất và phí dịch vụ rất cao.

Trung Quốc thanh lọc nền tảng cho vay ngang hàng

Ngân hàng (NH) Nhân dân Trung Quốc (PBOC) hôm 6-1 thông báo sẽ tăng cường cơ chế quản lý giám sát thận trọng đối với hoạt động tài chính trên các nền tảng trực tuyến, gồm chiến dịch xóa sổ NH bóng tối và các nền tảng P2P lending.

Các cơ quan quản lý tài chính Trung Quốc đã đóng cửa hơn 10.000 nền tảng P2P lending hồi tháng 11-2020. Các nền tảng cho vay này đã xuất hiện trên khắp Trung Quốc trong 14 năm qua và thu hút hàng triệu nhà đầu tư cá nhân, khiến nhiều khoản tiết kiệm hàng tỉ nhân dân tệ "bốc hơi".

Cuối tháng trước, PBOC đã triệu tập lãnh đạo Ant Group - công ty tài chính liên kết của tập đoàn đình đám Alibaba - để yêu cầu khắc phục ngay lập tức các vi phạm về quy định tài chính, bao gồm cả những vi phạm trong tín dụng, bảo hiểm, quản lý tài sản, kinh doanh sản phẩm. PBOC yêu cầu Ant Group cam kết bảo đảm tính bảo mật thông tin cá nhân trong quá trình xếp hạng tín dụng của khách hàng.

Ngành công nghiệp cho vay ngang hàng bùng nổ sau khi chính quyền Trung Quốc thực hiện chủ trương hỗ trợ các hoạt động tài chính qua mạng từ năm 2014. Trong thời kỳ hoàng kim, các công ty này mở những văn phòng hạng sang tại các vị trí đắc địa với tổng giao dịch hằng năm trị giá tới 3.000 tỉ nhân dân tệ (tương đương 460 tỉ USD).

Theo báo South China Morning Post (Hồng Kông), đến cuối năm 2017, các quan chức Trung Quốc nhận thấy rủi ro lớn từ những nền tảng P2P lending hoạt động mờ ám nên cam kết xóa sổ chúng khỏi hệ thống tài chính.

Wdzj.com, công ty tổng hợp dữ liệu về các nền tảng P2P lending, cho biết khoảng 56% nhà đầu tư ở Trung Quốc là những người làm công ăn lương, có thu nhập hằng tháng từ 5.000 nhân dân tệ (khoảng 767 USD) đến 10.000 nhân dân tệ (1.546 USD). Hồi tháng 8-2020, cơ quan quản lý Trung Quốc cho biết khoảng 800 tỉ nhân dân tệ (tương đương 122,7 tỉ USD) đầu tư vào các nền tảng cho vay này vẫn chưa được hoàn trả.

Việt Nam cần sớm có khung pháp lý về P2P lending

Tại Việt Nam, thông tin về việc Trung Quốc "xóa sổ" P2P lending thu hút sự quan tâm của thị trường, bởi đây là lĩnh vực phát triển khá mạnh thời gian qua.

Hiện trên thị trường có khoảng 100 công ty trong lĩnh vực P2P lending, bao gồm công ty đã hoạt động chính thức lẫn trong giai đoạn thử nghiệm (theo dự thảo "Báo cáo đánh giá tác động của một số loại hình kinh tế chia sẻ chính tới nền kinh tế" của Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây). Trong đó, một số công ty có nguồn gốc từ Trung Quốc, Nga, Singapore, Indonesia, cho thấy nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến thị trường cho vay tiêu dùng ở Việt Nam. Trong bối cảnh một số quốc gia như Trung Quốc, Singapore, Indonesia... tăng cường quản lý hoạt động P2P lending, các công ty nước ngoài, đặc biệt là công ty P2P lending của Trung Quốc, đang tìm cách chuyển hướng hoạt động sang thị trường Việt Nam.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, một chuyên gia kinh tế cho hay cách đây vài tháng, một tập đoàn tài chính chuyên về P2P lending ở Trung Quốc đã hỏi ông cách để chuyển hoạt động kinh doanh sang Việt Nam. "Dù biết Việt Nam chưa có khung pháp lý rõ ràng, có thể gây rủi ro cho hoạt động kinh doanh nhưng app này vẫn quyết tâm tìm đường sang" - chuyên gia này nói.

TS Trần Hùng Sơn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển công nghệ NH (Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐHQG TP HCM), nhận định vì chưa có quy định cho mô hình kinh doanh mới này nên đa phần các công ty P2P lending tại Việt Nam theo mô hình kết hợp giữa dịch vụ cầm đồ (ngành nghề kinh doanh có điều kiện) với tư vấn tài chính, tư vấn đầu tư, môi giới tài chính... Dự thảo "Báo cáo đánh giá tác động của một số loại hình kinh tế chia sẻ chính tới nền kinh tế" của Bộ Kế hoạch và Đầu tư có đề cập việc thiếu khuôn khổ pháp lý đối với mô hình cho vay ngang hàng tại Việt Nam. Do thiếu các quy định nên hoạt động này tại Việt Nam đã phát sinh những tiêu cực ở cả phía người cho vay (vay nặng lãi) và người đi vay (lừa đảo).

"Sau khi Chính phủ Trung Quốc siết chặt các hoạt động này, một loạt nền tảng P2P lending của Trung Quốc đang chuyển Việt Nam. Điều này sẽ gây nhiều tiềm ẩn rủi ro trong thời gian tới" - TS Trần Hùng Sơn lo ngại.

Nhận định về xu hướng phát triển của P2P lending và xu hướng những công ty Trung Quốc này sang Việt Nam, TS Nguyễn Quốc Anh, Khoa NH - Trường ĐH Kinh tế TP HCM, cho rằng đây là điều khó tránh khi trào lưu khởi nghiệp đang phát triển; các giải pháp thúc đẩy tiếp cận tài chính toàn diện được triển khai, đặc biệt là những doanh nghiệp siêu vi mô, khách hàng cá nhân vốn rất khó tiếp cận hệ thống vốn vay chính thức của tổ chức tín dụng.

"Cấm P2P lending là rất khó. Do đó, nhà nước cần sớm có quy định, khung pháp lý rõ ràng để quản lý một cách bài bản, tránh tình trạng những công ty này có thể núp bóng để lừa đảo, rửa tiền, cho vay lãi suất cao... Quy định của nhà nước cần xác định đối tượng nào được hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực này; phải xây dựng khung chế tài để xử lý vi phạm, tránh việc khó kiểm soát" - TS Nguyễn Quốc Anh phân tích.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Người Lao Động về xu hướng "xóa sổ" P2P lending ở Trung Quốc, liệu các công ty trong lĩnh vực này có tràn sang Việt Nam cạnh tranh hoặc cho vay núp bóng, cho vay lãi suất cao hay không, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán - NH Nhà nước, cho biết đang tiếp tục theo dõi thị trường để có giải pháp quản lý phù hợp.

Theo ông Dũng, trong đề án kinh tế chia sẻ của Chính phủ, NH Nhà nước được giao cơ chế thí điểm về P2P lending và đã có báo cáo trình Thủ tướng. Nghị quyết 01 năm nay của Thủ tướng cũng giao NH Nhà nước xây dựng nghị định thí điểm về kinh doanh dịch vụ tài chính dựa trên nền tảng công nghệ (fintech), trong đó có đề cập một hoạt động thử nghiệm về P2P lending.

Theo Người lao động

Hoàn thành sớm Basel II, ngân hàng tiến đến Basel III

Một vài ngân hàng đã bắt đầu áp dụng quy chuẩn nâng cao và có những bước chuẩn bị để hướng tới Basel III.

Basel II là một trong những chuẩn mực quốc tế quan trọng, liên quan trực tiếp tới "sức khỏe" của các NHTM. Danh sách các ngân hàng áp dụng Basel II đang ngày một nhiều thêm, chỉ trong hai tháng cuối năm 2020, nhiều nhà băng đã thông báo hoàn thành cả 3 trụ cột của Basel II, như: SHB, HDBank, LienVietPostBank, VietCapital Bank, Shinhan Việt Nam.

Theo các chuyên gia, việc hoàn thành cả 3 trụ cột Basel II của mỗi ngân hàng không chỉ là đáp ứng các yêu cầu về tỷ lệ an toàn vốn mà còn bước đầu đáp ứng các yêu cầu về quản trị điều hành, quản lý rủi ro, quản lý vốn theo chuẩn mực quốc tế. Đây là nền tảng quản trị quan trọng để giúp các nhà băng phát triển lành mạnh, an toàn, hiệu quả; qua đó thúc đẩy và đảm bảo sự phát triển bền vững của toàn bộ thị trường tài chính, cải thiện xếp hạng tín nhiệm, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Ông Lưu Trung Thái, Tổng Giám đốc Ngân hàng Quân đội (MB) chia sẻ, MB cũng đã hoàn thành khung đánh giá mức độ đủ vốn ICAAP, thực hiện đánh giá tính toán lượng vốn/mức đệm vốn cần thiết cho toàn bộ rủi ro trọng yếu trong kịch bản kinh doanh thông thường và kịch bản căng thẳng cho giai đoạn 3 năm tiếp theo (2021 đến năm 2023) để đảm bảo cho ngân hàng hoạt động an toàn, hiệu quả trước những rủi ro và diễn biến bất lợi của thị trường.

Là một trong những ngân hàng vừa thông báo áp dụng quy trình đánh giá nội bộ mức độ đủ vốn (ICAAP), hoàn thành toàn bộ 3 trụ cột của Basel II trước hạn, Tổng Giám đốc Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) Nguyễn Văn Lê cho biết: "Trong quá trình triển khai ICAAP, ngoài việc tính toán lượng vốn cần đáp ứng cho toàn bộ các rủi ro trọng yếu, SHB đã xây dựng các mô hình kiểm tra sức chịu đựng (stress-test) để đánh giá mức đủ vốn trong 3 năm tiếp theo trong cả điều kiện bình thường và điều kiện diễn biến bất lợi".

Các kịch bản stress-test của ngân hàng này được lựa chọn trên cơ sở phân tích các sự kiện trong quá khứ và dự báo diễn biến kinh tế vĩ mô đảm bảo các yêu cầu, nguyên tắc về phân tích định lượng và tính thực tiễn khi áp dụng.

Ông Lê cũng thông tin thêm: "SHB dự kiến sẽ đầu tư, phát triển Basel II theo phương pháp nâng cao và hướng tới chuẩn mực Basel III. Đây là cơ sở để ngân hàng tiếp tục phát triển chiến lược kinh doanh bền vững, toàn diện, là hành lang cho việc quản trị rủi ro và sử dụng vốn một cách hiệu quả, từ đó cung cấp các sản phẩm tài chính, phi tài chính an toàn, tin cậy và minh bạch dành cho khách hàng".

Không chỉ SHB, một vài ngân hàng cũng đã bắt đầu áp dụng quy chuẩn nâng cao và có những bước chuẩn bị để hướng tới Basel III. Basel III là khuôn khổ quản lý rủi ro với những tiêu chí chặt chẽ hơn Basel II, được Uỷ ban Giám sát Ngân hàng Basel (BCBS) công bố năm 2010. Mục tiêu của chuẩn mới là đối phó với khủng hoảng tài chính, nâng cao tính bền vững của hệ thống ngân hàng, góp phần ngăn ngừa những tổn thất hệ thống có thể xảy ra trong tương lai.

Basel III với nhiều đề xuất mới về vốn, đòn bẩy và các tiêu chuẩn về tính thanh khoản để củng cố các quy định, giám sát và quản lý rủi ro của ngành Ngân hàng. Các tiêu chuẩn vốn và các vùng đệm vốn mới sẽ đòi hỏi các ngân hàng giữ vốn nhiều hơn và chất lượng cao hơn so với mức vốn theo quy định hiện hành Basel II.

Tháng 10/2020, Ngân hàng Quốc tế (VIB) được ghi nhận là ngân hàng Việt Nam đầu tiên thí điểm áp dụng chuẩn mực quản trị rủi ro thanh khoản theo Basel III với việc triển khai thành công hệ thống công cụ đo lường tỷ lệ nguồn vốn ổn định ròng (NSFR). NSFR được tính bằng tỷ số giữa nguồn vốn ổn định thực có và phải có, với mục tiêu giúp các ngân hàng hoạt động dựa trên nguồn vốn ổn định lâu dài nhằm giảm thiểu rủi ro thiếu hụt vốn trong tương lai, duy trì ổn định tài chính và bảo vệ quyền lợi cho người gửi tiền.

Theo Basel III, một ngân hàng thực sự lành mạnh và phát triển bền vững sẽ có chỉ số này lớn hơn 100%. Sau khi áp dụng chuẩn mực này, theo chia sẻ của ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng Giám đốc VIB thì chỉ số này của VIB tại thời điểm cuối tháng 10/2020 là 120%, tương đương với các ngân hàng hàng đầu trong khu vực như DBS (Singapore) và CBA (Úc).

Cũng có những kế hoạch để tiệm cận với Basel II, lãnh đạo Ngân hàng Hàng hải Việt Nam (MSB) cho biết ngân hàng này đang bắt đầu xây dựng quy chuẩn để tiến tới áp dụng Basel III trong nội bộ. Trong năm 2021, MSB sẽ bắt đầu triển khai đo lường và quản trị rủi ro hoạt động, rủi ro thị trường theo chuẩn mực Basel III, triển khai theo phương pháp nâng cao theo chuẩn mực Basel II đối với rủi ro tín dụng và triển khai IFRS 9 (chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế).

Khẳng định triển khai áp dụng các thông lệ quốc tế, trong đó có Hiệp ước vốn Basel theo chuẩn Basel II (phương pháp cơ bản và nâng cao), tiến tới Basel III là cơ hội để các ngân hàng Việt Nam nâng cao vị thế, một chuyên gia tài chính - ngân hàng cũng nhấn mạnh, "đây không chỉ là đòi hỏi của NHNN hay cơ quan quản lý mà việc "nâng chuẩn" phải xuất phát từ tự thân mỗi ngân hàng, nếu chậm trễ thay đổi sẽ đồng nghĩa với việc tự loại mình ra khỏi thị trường".

Ngân hàng phải xác định việc áp dụng các chuẩn của Basel là chiến lược dài hạn, không chỉ để đáp ứng mục tiêu tuân thủ, mà quan trọng hơn hết là nâng cao năng lực quản trị nội bộ, hướng tới hỗ trợ hoạt động kinh doanh toàn diện. Trong đó, chính sách quản lý rủi ro và khẩu vị rủi ro được văn bản hóa để định hướng, nhận diện đầy đủ các rủi ro đối với hoạt động kinh doanh của ngân hàng.

Theo Thời báo Ngân hàng

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay