Thứ bảy, 11/01/2025
   

Kiểm soát tốt tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, chứng khoán

Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), thực tế triển khai tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản (BĐS), chứng khoán tại các tổ chức tín dụng (TCTD) đang được kiểm soát tốt, trong đó, tín dụng hướng đến mục tiêu người dân có nhu cầu thực sự về nhà ở và tránh việc đầu cơ.

Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), thực tế triển khai tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản (BĐS), chứng khoán tại các tổ chức tín dụng (TCTD) đang được kiểm soát tốt, trong đó, tín dụng hướng đến mục tiêu người dân có nhu cầu thực sự về nhà ở và tránh việc đầu cơ.

Tín dụng tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn của khách hàng.

Quy mô, chất lượng tín dụng được kiểm soát theo đúng chỉ đạo của NHNN

Theo các chuyên gia, sự tăng nóng của thị trường BĐS từ đầu năm tới nay do nhà đầu cơ, lướt sóng, tập trung vào những khu vực thị trường “nóng”, tăng theo thông tin quy hoạch, đề xuất dự án hạ tầng hoặc thông tin lên quận huyện.

Bên cạnh đó, đầu tư kinh doanh BĐS trở thành kênh đầu tư hấp dẫn trong bối cảnh nền kinh tế đã và đang chịu tác động của đại dịch Covid-19. Hơn nữa, lợi nhuận từ đầu tư ngắn hạn vào chứng khoán và vàng, nhiều nhà đầu tư nhanh chóng chốt lời và đầu tư vào đất. Chưa kể, nguồn cung hạn chế trong khi nhu cầu nhà ở rất lớn, đặc biệt với các phân khúc nhà ở bình dân, nhà ở xã hội, dự án đất nền. Thêm nữa là thông tin về việc các địa phương ban hành bảng giá đất mới tăng 15%-20% so với trước đây...

Có nhiều nguồn vốn đổ vào thị trường BĐS như vốn của chủ đầu tư, vốn của người mua nhà, một phần nhỏ nguồn vốn FDI ... Đặc biệt, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19,nhiều ngành kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề, nên BĐS trở thành kênh đầu tư hấp dẫn hơn các kênh đầu tư, sản xuất kinh doanh khác.

Theo đánh giá của NHNN và thực tế triển khai tại các TCTD, tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro (trong đó có lĩnh vực BĐS, chứng khoán) thời gian qua trong tầm kiểm soát về cả quy mô và chất lượng tín dụng theo đúng định hướng, chỉ đạo của NHNN. Năm 2020, do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, tỷ lệ tăng trưởng dư nợ tín dụng lĩnh vực BĐS là 11,89%, thấp hơn tỷ lệ tăng trưởng tín dụng chung (12,17%).  Tốc độ tăng trưởng tín dụng BĐS đến hết tháng 3/2021 ước đạt 3% (tháng 3/2019 là 5,19%, tháng 3/2020 là 1,84% do ảnh hưởng của đại dịch covid-19). Mức tăng trưởng tín dụng BĐS tháng 3/2021 cao hơn không đáng kể so với tăng trưởng tín dụng chung (2,93%).

Do đó, NHNN cho rằng mức tăng của tín dụng cho BĐS không phải là nguyên nhân chính khiến bất động sản tăng nóng như hiện nay tại một số địa phương.

Cũng theo NHNN, tín dụng tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên. Tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn tăng 2,33% so với năm 2020 và chiếm tỷ trọng 24,63% tổng dư nợ toàn nền kinh tế; tín dụng đối với lĩnh vực doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng so với cuối năm 2020, chiếm 19,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế;  tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu (không bao gồm đầu tư trái phiếu doanh nghiệp) tăng gần 2% % so với cuối năm 2020; tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng gần 5% so với cuối năm 2020...

Nhiều giải pháp kiểm soát tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro

Trong điều hành tín dụng, NHNN luôn quán triệt các TCTD phương châm mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn, chất lượng, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn của khách hàng; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro (trong đó có lĩnh vực BĐS), tăng cường các giải pháp nâng cao chất lượng quản trị, kiểm soát rủi ro trong hoạt động tín dụng.

Trong những năm qua, NHNN luôn kiên định mục tiêu điều hành và đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm kiểm soát tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như BĐS, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông; trong đó tập trung vào việc ban hành cơ chế chính sách (thông qua các quy định về đảm bảo an toàn, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, quy định hệ số rủi ro đối với các khoản cho vay tiêu dùng lớn, các khoản phải đòi để đầu tư kinh doanh chứng khoán); phân tích dự báo tình hình và yêu cầu các TCTD báo cáo, phản ánh tình hình cũng như sử dụng công cụ kiểm tra, giám sát để đảm bảo dòng vốn tập trung vào sản xuất kinh doanh, kiểm soát lĩnh vực rủi ro và có cảnh báo kịp thời để đảm bảo an toàn hệ thống.

Theo đó, tại các Chỉ thị số 01/CT-NHNN hàng năm, Thống đốc NHNN chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như BĐS, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông, tăng cường quản lý rủi ro đối với cho vay phục vụ đời sống, tín dụng tiêu dùng. 

NHNN đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, cảnh báo các  TCTD về tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, trong đó yêu cầu TCTD: kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng đối với lĩnh vực BĐs, mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng/nhóm khách hàng lớn, các dự án có quy mô lớn, phân khúc cao cấp, biệt thự, nghỉ dưỡng; tập trung nguồn vốn tín dụng đầu tư vào các dự án có hiệu quả cao, dự án nhà ở xã hội, các dự án nhà ở thương mại đáp ứng nhu cầu người dân; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ cấp tín dụng để đầu tư kinh doanh chứng khoán; tuân thủ các quy định về hoạt động cho vay, giới hạn tỷ lệ an toàn trong cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát trong việc cấp tín dụng đầu tư kinh doanh chứng khoán; tuân thủ các quy định của pháp luật và các chỉ đạo của NHNN về việc cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông; tăng cường kiểm soát nguồn thu của dự án; phối hợp với khách hàng để xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình khai thác, vận hành dự án, đảm bảo thu hồi nợ đầy đủ, đúng hạn;  kiểm soát chặt chẽ mức độ tập trung tín dụng một khách hàng hoặc nhóm khách hàng có liên quan đảm bảo giới hạn tín dụng theo quy định;  đẩy mạnh cho vay hợp vốn theo các quy định hiện hành trong cho vay đối với các dự án lớn nhằm chia sẻ rủi ro, đảm bảo các chỉ tiêu an toàn theo quy định.

NHNN cũng ban hành, sửa đổi  các Thông tư quy định về các tỷ lệ đảm bảo an toàn (Thông tư số 06/2016/TT-NHNN ngày 27/5/2016, Thông tư 29/2017/TT-NHNN  sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NHNN về các tỷ lệ đảm bảo an toàn; an hành Thông tư số 22/2019/TT-NHNN và Thông tư số 08/2020/TT-NHNN thay thế Thông tư số 36/2014/TT-NHNN); trong đó tiếp tục điều chỉnh giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn theo lộ trình (Từ ngày 01/01/2020 đến hết ngày 30/9/2021: 40%; từ ngày 01/10/2021 đến hết ngày 30/9/2022: 37%; từ ngày 01/10/2022 đến hết ngày 30/9/2023: 34%; từ ngày 01/10/2023: 30%) và tăng hệ số rủi ro đối với các khoản cho vay tiêu dùng lớn (Các khoản cấp tín dụng có tổng số tiền thỏa thuận cho vay/mức cho vay tại các hợp đồng tín dụng từ 4 tỷ đồng trở lên áp dụng hệ số rủi ro 120%, kể từ ngày 1/1/2021 sẽ nâng lên 150%) nhằm hướng tín dụng vào các phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội.

Đồng thời, cơ quan quản lý đã ban hành các văn bản chỉ đạo, cảnh báo TCTD về việc cấp tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, các khách hàng lớn;  tăng cường công tác thanh tra, giám sát về việc tuân thủ các quy định về cấp tín dụng; kịp thời có biện pháp xử lý, chỉ đạo TCTD hạn chế tối đa nợ xấu phát sinh, đảm bảo an toàn hoạt động của các TCTD; theo dõi chặt chẽ tình hình tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, tín dụng đối với khách hàng dư nợ lớn…

Tiếp tục hướng tín dụng vào sản xuất kinh doanh, phục hồi kinh tế

Do đó, trong thời gian tới, căn cứ mục tiêu Chính phủ và các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2021 tại Chỉ thị 01/CT-NHNN ngày 07/01/2021, NHNN sẽ thực hiện các giải pháp sau:

Bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, tình hình dịch bệnh trong nước và quốc tế để điều hành tín dụng phù hợp với định hướng chung, tăng trưởng theo hướng mở rộng tín dụng, tập trung vốn cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh; định hướng cơ cấu tín dụng phù hợp với chuyển dịch nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững.

Chỉ đạo các TCTD kiểm soát chặt chẽ tín dụng (bao gồm: đầu tư trái phiếu doanh nghiệp) đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như  chứng khoán, BĐS, các dự án BOT, BT giao thông; tăng cường quản lý rủi ro đối với cho vay phục vụ đời sống, tín dụng tiêu dùng; việc mở rộng tín dụng phải đảm bảo khách hàng đáp ứng các điều kiện vay vốn và tuân thủ các quy định pháp luật, không nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng, hạn chế tối đa gia tăng nợ xấu; tăng cường công tác kiểm soát trước, trong và sau khi cho vay không để xảy ra tình trạng khách hàng sử dụng sai mục đích; chủ động triển khai các giải pháp xử lý nợ xấu, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp.

Tăng cường công tác giám sát đối với hoạt động cấp tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, mở rộng quy mô tín dụng gắn chặt với việc nâng cao chất lượng tín dụng của hệ thống các TCTD.

Rà soát, hoàn thiện các quy định pháp lý về giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD, hoạt động mua, bán trái phiếu doanh nghiệp, phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro.

Phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương có liên quan trong việc xử lý khó khăn, vướng mắc liên quan đến cấp tín dụng đối với các ngành, lĩnh vực.

Triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và các giải pháp tháo gỡ khó khăn về tín dụng cho người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh để phục hồi sản xuất kinh doanh;

Chỉ đạo các TCTD tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận tín dụng, đáp ứng nhu cầu hợp pháp của người dân, góp phần hạn chế tín dụng đen; tăng cường phối hợp với các địa phương đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng- doanh nghiệp;

Đẩy mạnh triển khai nhiệm vụ của ngành ngân hàng trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo DIV

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay