Thứ bảy, 20/07/2024
   

Khuyến khích phát triển thanh toán điện tử, thanh toán thẻ

Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động thanh toán điện tử nói chung và hoạt động thẻ nói riêng đảm bảo phù hợp, tương xứng với tốc độ phát triển và ứng dụng công nghệ hiện đại trong hoạt động ngân hàng, qua đó tạo lập khuôn khổ pháp lý đầy đủ, đồng bộ nhằm khuyến khích phát triển thanh toán điện tử, thanh toán thẻ.
Khuyến khích phát triển thanh toán điện tử, thanh toán thẻ
Khuyến khích phát triển thanh toán điện tử, thanh toán thẻ

Hiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, chuyển đổi số ngành ngân hàng tiếp tục được Ngân hàng Nhà nước rà soát, bổ sung, hoàn thiện, tạo sự đồng bộ và điều kiện thuận lợi cho phát triển thanh toán không dùng tiền mặt. Đồng thời, ứng dụng công nghệ mới và đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán, thúc đẩy hoạt động ngân hàng số.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, sẽ tiếp tục tổ chức triển khai tích cực các đề án, chương trình, kế hoạch, chính sách nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và hoạt động ngân hàng số, như: Kế hoạch triển khai Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch Chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch của ngành Ngân hàng triển khai Quyết định 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06)...

Giao dịch qua thẻ tăng mạnh về số lượng và giá trị

Các chỉ số thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Theo Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước, trong 7 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022: Giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 51,14% về số lượng; giao dịch qua kênh Internet tăng 66,18% về số lượng và 4,01% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 63,10% về số lượng và 8,77% về giá trị; qua phương thức QR code tăng 124,15% về số lượng và 16,12% về giá trị; qua POS tăng 25,24% về số lượng và 23,97% về giá trị; giao dịch qua ATM có xu hướng giảm, tỷ lệ giảm tương ứng là 6,86% về số lượng và 7,94% về giá trị.

Đối với thị trường thẻ, tính đến tháng 7 năm nay, số lượng thẻ đang lưu hành đạt hơn 140 triệu thẻ (tăng 8,27% so với cuối năm 2021) với gần 10,8 triệu thẻ mở bằng eKYC. Giao dịch qua thẻ cũng tăng mạnh cả về số lượng và giá trị giao dịch, đến tháng 7, giao dịch toàn hệ thống đạt gần 1,3 tỷ món, tương đương 2,63 triệu tỷ đồng (tăng 3,21% về số lượng so với cùng kỳ năm 2022).

Đáng chú ý, các ngân hàng thương mại đang đẩy mạnh phát triển dòng thẻ tín dụng nội địa, bởi thực tế dù có nhiều tiện ích nhưng thẻ tín dụng nội địa đang chiếm một tỷ lệ khiêm tốn (trong 39 triệu thẻ tín dụng đang hoạt động có trên 811 nghìn thẻ tín dụng nội địa, chỉ chiếm 8,7% trong tổng số lượng thẻ).

Tính đến hiện tại, NAPAS đã triển khai thẻ tín dụng nội địa đến 15 tổ chức thành viên, trong đó có 11 ngân hàng và 4 công ty tài chính với số lượng thẻ tín dụng nội địa. Thị trường thẻ tín dụng nội địa được các chuyên gia đánh giá còn nhiều tiềm năng để phát triển.

Về ưu điểm, thẻ tín dụng nội địa như phương tiện cấp tín dụng tiêu dùng, giúp nhóm yếu thế tiếp cận một khoản vay với chính sách thuận tiện, cho phép sử dụng thanh toán trực tiếp tại các điểm bán hàng, thanh toán trực tuyến, thanh toán trong giao thông công cộng...

Ngoài ra, với tính năng của thẻ tín dụng là chi tiêu trước trả tiền sau, thời gian miễn lãi từ 45 đến 55 ngày cùng với điều kiện mở thẻ đơn giản, chi phí phát hành và thanh toán thấp, giúp người dân tiếp cận nguồn vốn tiêu dùng chính thức từ các tổ chức tài chính, góp phần hạn chế tín dụng đen.

Hơn nữa, so với các dòng thẻ tín dụng khác, ưu điểm của thẻ tín dụng nội địa còn là biểu phí minh bạch, phù hợp, cân bằng lợi ích của các bên nên cũng sẽ tạo động lực cho các đơn vị tham gia triển khai. Với những đặc điểm như vậy, thẻ tín dụng nội địa là sản phẩm phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của Việt Nam, hỗ trợ phát triển lĩnh vực tài chính tiêu dùng cũng như phát triển kinh tế.

Ngoài phát triển thẻ tín dụng, các tổ chức phát hành thẻ cũng không ngừng cải tiến, nâng cấp các sản phẩm, dịch vụ thanh toán hiện đại, nâng cao trải nghiệm cho khách hàng, khuyến khích thanh toán qua thẻ.

Theo ông Nguyễn Quang Hưng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS), hiện nay, NAPAS đã phối hợp với 2 ngân hàng đầu tiên là VIB và MB triển khai cung cấp dịch vụ “Tap to phone” ra thị trường.

Đây là dịch vụ giúp các đơn vị chấp nhận thanh toán (các cửa hàng, siêu thị...) của tổ chức thanh toán có thể sử dụng ứng dụng soft POS cài đặt ngay trên điện thoại thông minh để chấp nhận thanh toán thẻ thay cho thiết bị máy POS truyền thống trước đây. Giao dịch thanh toán được xử lý an toàn, chính xác và nhanh chóng theo thời gian thực 24/7.

Thông qua triển khai ứng dụng soft POS sẽ giúp mở rộng mạng lưới chấp nhận thanh toán thẻ hiện nay, trong đó hướng đến hỗ trợ các cửa hàng quy mô nhỏ mà chưa được các ngân hàng phục vụ lắp đặt máy.

Thông thường, muốn lắp đặt POS truyền thống, các cửa hàng sẽ phải đáp ứng doanh số thanh toán thẻ theo quy định của từng ngân hàng (50-60 triệu đồng/tháng), chính vì thế, dịch vụ Tap to phone sẽ phù hợp với các cửa hàng quy mô nhỏ, doanh thu thanh toán thẻ không cao mà vẫn có thể lắp đặt thiết bị thanh toán, đáp ứng nhu cầu thanh toán thẻ của nhiều đối tượng khách hàng.

Hơn nữa, dịch vụ Tap to phone do NAPAS triển khai với các ngân hàng còn linh hoạt cho phép chấp nhận thanh toán cả nội địa NAPAS và thẻ quốc tế. Với những giao dịch giá trị nhỏ, khách hàng sẽ không phải nhập PIN, chỉ cần thao tác chạm vào soft POS là hoàn tất các bước thanh toán.

Với sự tiện lợi và những lợi ích mang lại cho cả merchant và khách hàng, dịch vụ Tap to phone sẽ giúp cung cấp thêm phương thức thanh toán thuận tiện, gia tăng trải nghiệm, qua đó góp phần thúc đẩy thói quen thanh toán của người dân. Dịch vụ Tap to phone thay vì đầu tư máy POS, có thể chấp nhận thẻ tất cả mọi nơi, góp phần thúc đầy tài chính tiêu dùng, nhu cầu chi tiêu đại bộ phận dân chúng.

Thúc đẩy thanh toán không tiền mặt và đảm bảo an toàn trong hoạt động thẻ

Vì vậy, trong thời gian tới, để tiếp tục đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển thị trường thẻ tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động thanh toán điện tử nói chung và hoạt động thẻ nói riêng đảm bảo phù hợp, tương xứng với tốc độ phát triển và ứng dụng công nghệ hiện đại trong hoạt động ngân hàng, qua đó tạo lập khuôn khổ pháp lý đầy đủ, đồng bộ nhằm khuyến khích phát triển thanh toán điện tử, thanh toán thẻ, hạn chế sử dụng tiền mặt và đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán.

Theo ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, để hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động thẻ ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước sẽ nghiên cứu bổ sung quy định về thủ tục phát hành thẻ, định danh khách hàng qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, về đối tượng tham gia vào hoạt động thanh toán thẻ và các biện pháp đảm bảo an toàn trong hoạt động thẻ.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục thúc đẩy phát triển các sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới, hiện đại, gia tăng các dịch vụ trên thẻ như thanh toán bằng thẻ chíp phi tiếp xúc (contactless), thanh toán NFC, thanh toán qua mã QR, thương mại điện tử qua ứng dụng Mobile Banking, Internet Banking… kết hợp với các giải pháp xác thực khách hàng qua sinh trắc học, bảo mật, mã hóa thông tin thẻ (tokenization), định danh điện tử (eKYC).

Về hợp tác kết nối thanh toán xuyên biên giới, Ngân hàng Nhà nước chủ động hợp tác với ngân hàng trung ương các nước mở rộng hội nhập quốc tế trong lĩnh vực thanh toán, nghiên cứu thúc đẩy kết nối thanh toán xuyên biên giới phù hợp với xu hướng kết nối thanh toán trong khu vực, đồng thời đem lại tiện ích cho người dân, từ đó thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.

Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan thúc đẩy thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ, dịch vụ hành chính công, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục.

Đồng thời, để đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán, trong thời gian tới, sẽ tăng cường phối hợp trao đổi thông tin giữa Ngân hàng Nhà nước với Bộ Công an và các đơn vị liên quan để kịp thời ngăn chặn, phòng ngừa các hành vi vi phạm trong hoạt động thanh toán. Cùng với đó là nghiên cứu cập nhật triển khai áp dụng các tiêu chuẩn thông lệ quốc tế, giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn bảo mật nhằm ngăn ngừa rủi ro phát sinh trong hoạt động thanh toán.

Trong đó, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung tại Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng và Kế hoạch số 01/KHPH-BCA-NHNNVN triển khai thực hiện các nhiệm vụ tại Đề án 06, nhằm thúc đẩy, tạo thuận lợi cho các ngân hàng thương mại, tổ chức trung gian thanh toán cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán an toàn, bảo mật, tiện ích, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.

Việc kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ cho phép các tổ chức tín dụng có thể xác minh thông tin nhận biết khách hàng, làm sạch dữ liệu và hỗ trợ khách hàng trong tiếp cận các dịch vụ ngân hàng.

Các tổ chức tín dụng cần tiếp tục tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động thanh toán, ngân hàng; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng; đồng thời đẩy mạnh truyền thông, giáo dục tài chính nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho công chúng trong sử dụng sản phẩm, dịch vụ tài chính, ngân hàng nói chung, trong thanh toán không dùng tiền mặt nói riêng.

Theo DIV
Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay