Ngày 05/11/2021, với sự tham gia và phối hợp của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Câu lạc bộ Kế toán trưởng toàn quốc tổ chức sinh hoạt kỳ thứ 10 năm 2021 với chủ đề “Chia sẻ kinh nghiệm áp dụng IFRS 9 công cụ tài chính tại các ngân hàng thương mại”. Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã tham dự và có bài phát biểu quan trọng.
Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế (IFRS) mới về ghi nhận và đo lường các công cụ tài chính - IFRS 9 được Ủy ban Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (IASB) ban hành, thay thế Chuẩn mực Kế toán Quốc tế IAS 39 "Công cụ tài chính: Ghi nhận và Đo lường" từ ngày 1 tháng 1 năm 2018. Theo đó IFRS 9 đã đưa ra thay đổi trong bốn lĩnh vực sau: Phân loại và đo lường các tài sản tài chính; Hạch toán các thay đổi rủi ro tín dụng đối với nợ phải trả tài chính; Tổn thất tín dụng; Kế toán phòng ngừa rủi ro.
Theo diễn giả Lê Anh Xuân, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính Kế toán, Ngân hàng Nhà nước, chủ đề sinh hoạt Câu lạc bộ nhận được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, bởi kết quả triển khai IFRS 9 có ý nghĩa rất lớn, liên quan đến tiến trình triển khai chuẩn mực quản trị rủi ro BaselIII. Cùng với việc xây dựng lộ trình triển khai IFRS 9, Ngân hàng Nhà nước đã thành lập nhóm nghiên cứu, tham gia chương trình đào tạo và nhiều tổ chức tín dụng có báo cáo mong muốn thực hiện. Tuy nhiên, còn có những thách thức đến từ phía các tổ chức tín dụng khi triển khai IFRS 9, đó là: hệ thống cơ sở dữ liệu chưa đồng bộ, chưa có nền tảng giá trị đo lường hợp lý; Việc chuyển đổi đòi hỏi thời gian dài và quan trọng là nhận thức chung về IFRS 9 của các bộ phận quản lý, quản trị, kinh doanh chưa rõ.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng chia sẻ: Một trong nội dung quan trọng của báo cáo tài chính quốc tế đối với ngân hàng là chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS 9) đã đưa ra mô hình tổn thất tín dụng dự kiến (Expected Credit Loss-ECL), theo đó các ngân hàng sẽ phải trích lập dự phòng cho các khoản tổn thất trong tương lai, ngược với thực tiễn hiện hành là chỉ trích lập dự phòng cho các tổn thất đã phát sinh. Điều này sẽ cho phép các ngân hàng Việt Nam quản lý rủi ro tốt hơn, phù hợp với các thông lệ tốt nhất trên toàn cầu. Đặc biệt, IFRS 9 mang lại những lợi ích lớn cho các tổ chức tài chính như tăng khả năng so sánh, gia tăng chất lượng thông tin công bố từ đó mở cánh cửa hội nhập vào thị trường vốn quốc tế.
Tại Việt Nam, theo Quyết định số 345/QĐ-BTC ngày 16/3/2020 của Bộ Tài chính, thì sau năm 2025, tối thiểu tất cả các doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn và một số loại hình doanh nghiệp khác theo quy định phải áp dụng chuẩn mực IFRS. Việc áp dụng IFRS tại Việt Nam đối diện với nhiều thách thức, song nhiều ngân hàng đã bắt đầu chuẩn bị, triển khai các chuẩn mực IFRS, đặc biệt chuẩn mực IFRS 9 để giúp cải thiện phương thức báo cáo quản trị, quản lý rủi ro tốt hơn, đồng thời tăng sức hút đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Thực tế một số ngân hàng đã triển khai và áp dụng thành công như Ngân hàng Quốc tế (VIB) và Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) là hai ngân hàng đã tiên phong hoàn thành báo cáo tài chính năm 2020 theo chuẩn mực này trong nửa đầu năm 2021. Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) cũng công bố hoàn thành các yêu cầu IFRS 9 vào cuối tháng 9 vừa qua. Một số ngân hàng khác cũng đang trong quá trình chuẩn bị hoặc đang triển khai dự án: Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã khởi động dự án triển khai IFRS 9 từ cuối 2020 và sẽ sớm hoàn thành trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh: Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế (IFRS) là sự thay đổi quan trọng trong việc lập và trình bày báo cáo tài chính và là thay đổi về chuẩn mực kế toán lớn nhất trong thời đại và trở thành ngôn ngữ kế toán chung phổ biến nhất trên toàn cầu, giúp các giao dịch tài chính quốc tế giảm thiểu chi phí và tăng tính minh bạch. Quá trình hội nhập, các tiêu chuẩn và chuẩn mực quốc tế là điều không thể thiếu nhằm đảm bảo các doanh nghiệp Việt Nam tuân thủ các nguyên tắc cơ bản trong quản trị nội bộ và giao dịch với đối tác bên ngoài, trong đó Ngân hàng là một trong những ngành đòi hỏi cao các giá trị, chuẩn mực và nguyên tắc trong vận hành kinh doanh, một trong những chuẩn mực quan trọng mà nhiều ngân hàng đã và đang hướng tới áp dụng chính là Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) và chuẩn mực quản trị rủi ro theo Basel III.
Tại Việt Nam, hệ thống ngân hàng cho tới cuối năm 2020 mới cơ bản áp dụng Basel II. Hiện chưa có bất kỳ quy định nào về Basel III và vẫn chưa có quy định nào bắt buộc phải áp dụng toàn bộ tiêu chuẩn IFRS 9 cho các ngân hàng. Việc TPBank vừa công bố hoàn thành toàn bộ các yêu cầu của Basel III (phiên bản mới của tiêu chuẩn hoạt động ngân hàng toàn cầu), IFRS 9 và sẽ triển khai toàn diện ngay từ quý IV năm nay, trở thành ngân hàng đầu tiên trên thị trường được một bên thứ 3 là Công ty TNHH Thuế và Tư vấn KPMG đứng ra rà soát độc lập và công nhận về kết quả này. TPBank cũng là ngân hàng Việt Nam đầu tiên và duy nhất tính tới hiện tại, áp dụng đồng thời hai chuẩn mực về quản trị rủi ro và báo cáo tài chính khắt khe trong lĩnh vực ngân hàng trên toàn thế giới.
Chia sẻ từ ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank cho thấy, lợi ích của việc áp dụng các bộ tiêu chuẩn mới là giúp giảm thiểu rủi ro trong hoạt động, nâng cao năng lực quản trị, sức chống chịu của ngân hàng trước những biến cố có thể xảy ra. Tuy nhiên, chính điểm này cũng trở thành một trong những khó khăn lớn nhất với các ngân hàng nếu chọn tiến lên. "Chúng tôi đã phải đánh đổi khi áp dụng Basel III".
Kỳ sinh hoạt CLB Kế toán trưởng lần thứ 10 năm 2021 với chủ đề “Chia sẻ kinh nghiệm áp dụng IFRS 9 - Công cụ tài chính tại các NHTM” là một cơ hội trao đổi kinh nghiệm và học hỏi bổ ích cho các lãnh đạo, cán bộ doanh nghiệp, các ngân hàng thương mại và các chuyên gia. Với sự tham dự (trực tuyến) các diễn giả và đại biểu sẽ đưa ra nhiều khuyến nghị cho các doanh nghiệp, ngân hàng thương mại thúc đẩy quá trình triển khai và áp dụng thành công IFRS 9.