Thứ bảy, 26/04/2025
   

Hoạt động nổi bật của hội viên khu vực phía Nam từ 21/4-25/4/2025

Hoạt động nổi bật của hội viên khu vực phía Nam từ 21/4-25/4/2025 với các thông tin chính: Nhiều ngân hàng tổ chức thành công ĐHĐCĐ thường niên 2025; Ra mắt các sản phẩm, dịch vụ mới; Mở rộng hợp tác phát triển; Một số hội viên nhận các giải thưởng danh giá...
Hoạt động nổi bật của hội viên khu vực phía Nam từ 21/4-25/4/2025
Hoạt động nổi bật của hội viên khu vực phía Nam từ 21/4-25/4/2025
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB)

Ngân hàng ACB vừa công bố kết quả kinh doanh ước tính Quý 1/2025 với lợi nhuận trước thuế ước đạt 4.600 tỷ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ, chủ yếu do Ngân hàng chủ động thực hiện các chương trình ưu đãi lãi suất hỗ trợ khách hàng. Dù lợi nhuận giảm nhẹ, trong kỳ ACB vẫn duy trì tỷ lệ ROE ở mức cao trên 20%, thuộc nhóm dẫn đầu ngành, thể hiện hiệu quả quản trị vốn và khả năng sinh lời bền vững trong nhiều năm liền.

Tăng trưởng phí dịch vụ chủ lực cao hơn 17% so cùng kỳ, riêng hoạt động kinh doanh thẻ tăng 161%, đóng góp đáng kể vào nguồn thu nhập ngoài lãi - chỉ số tăng 7,5% so cùng kỳ. Tỷ lệ thu nhập ngoài lãi trên tổng doanh thu tăng lên 20% từ mức 18% cùng kỳ. ACB cũng ghi nhận sự tăng trưởng kinh doanh ngoại hối, thu nhập từ hoạt động khác. Ngân hàng cũng chủ động tối thiểu chi phí, theo đó tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) được kiểm soát tốt ở mức 34%.

Cuối Q1/2025, quy mô tín dụng của ACB đạt 590 nghìn tỷ đồng, tăng 3,1% so cùng kỳ năm trước. ACB đi theo chiến lược tăng trưởng tín dụng có chọn lọc, kiểm soát rủi ro, nhờ đó tỷ lệ nợ xấu có dấu hiệu chững lại và giảm nhẹ so với cuối năm 2024, còn 1,48%. Tổng quy mô huy động vốn của ACB, bao gồm tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá, đạt 664 nghìn tỷ đồng, tăng 4% so với năm trước.

ACB duy trì các chỉ số an toàn vốn ở mức cao: Tỷ lệ cho vay trên huy động (LDR) ở mức 79,8%, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn là 18,8%, và tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất (CAR) trên 11%, vượt xa yêu cầu tối thiểu 8% theo tiêu chuẩn Basel II. Những chỉ số này cho thấy ACB có nền tảng tài chính vững chắc, đủ sức ứng phó với các biến động thị trường và tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh.

Trong Q1/2025, ACB tiếp tục khẳng định vị thế tiên phong trong hoạt động phát triển bền vững và trách nhiệm xã hội thông qua việc phát hành Báo cáo Phát triển Bền vững năm 2024 vào ngày 04/4/2025. Đây là năm thứ ba liên tiếp ACB công bố báo cáo này, đồng thời là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam áp dụng và tham chiếu theo Nguyên tắc Ngân hàng Có trách nhiệm của Liên Hợp Quốc - một tiêu chuẩn quốc tế cao cấp về phát triển bền vững trong lĩnh vực tài chính.

Báo cáo được bổ sung yếu tố Economic (Kinh tế bền vững), phản ánh hiệu quả hoạt động kinh tế của ngân hàng và đóng góp vào nền kinh tế qua các khía cạnh phát triển bền vững. Báo cáo ghi nhận các hoạt động, dự án, cải tiến hệ thống, sản phẩm và dịch vụ trên các khía cạnh Môi trường (E), Xã hội (S) và Quản trị (G), góp phần nâng cao hiệu quả cho hoạt động kinh doanh của ACB. ACB cũng là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam phát hành cùng lúc hai báo cáo quan trọng: Báo cáo thường niên và Báo cáo phát triển bền vững ngay tại Đại hội cổ đông 2025.

Mới đây, ACB cũng phối hợp với UBND TP.HCM và Sở Giáo dục & Đào tạo TP.HCM tổ chức trao tặng 1.600 thùng rác cho hơn 120 trường học trên địa bàn TP.HCM. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ chương trình bảo vệ môi trường do ACB khởi xướng từ 2013.

Với những hành động và đóng góp tích cực cho TP.HCM, ACB là ngân hàng duy nhất được vinh danh trong Top 50 Doanh nghiệp tiêu biểu có thương hiệu và sản phẩm chủ lực của TP.HCM, nhân kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất Đất nước. Giải thưởng không chỉ là sự công nhận của chính quyền thành phố mà còn là cột mốc đáng nhớ trong hành trình 3 thập kỷ đồng hành cùng sự phát triển đổi mới của TP.HCM. ACB cũng trong Top ngân hàng tư nhân nộp ngân sách lớn nhất Việt Nam với số tiền đóng góp vào Ngân sách Nhà nước (bao gồm thuế phí) trong năm 2024 là 5.507 tỷ đồng.

Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVBank)

Ngày 24/4/2025, Ngân hàng Bản Việt tổ chức thành công ĐHĐCĐ thường niên 2025 với nhiều nội dung quan trọng được đệ trình và thông qua.

Tại ĐHĐCĐ, HĐQT và Ban Điều hành BVBank đã báo cáo các kết quả đạt được trong năm tài chính 2024. Theo đó, với định hướng bán lẻ và chiến lược phù hợp, linh hoạt trong quản trị điều hành trước diễn biến thị trường nhưng vẫn đảm bảo kiểm soát hoạt động hiệu quả, BVBank đã duy trì đà tăng trưởng ổn định, hoàn thành kế hoạch của cả năm 2024, cụ thể: Tổng tài sản đạt hơn 103.500 tỷ đồng, tăng trưởng 18%; Dư nợ cho vay đạt hơn 68.000 tỷ đồng, tăng khoảng 18% so 2023; Tổng huy động đạt 95.400 tỷ đồng, tăng trưởng 19%, trong đó, tiền gửi khách hàng đạt 75.000 tỷ đồng, tăng 12%; Tổng số lượng khách hàng tăng gần 30% so đầu năm 2024, đạt hơn 2,3 triệu khách hàng; Lợi nhuận trước thuế ghi nhận 390 tỷ đồng; Tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ theo quy định tại Thông tư số 31/2024/TT-NHNN là 2,69%.

Hiệu quả của hoạt động bán lẻ cũng được thể hiện rõ nét qua sự dịch chuyển trong danh mục cho vay và quy mô tiền gửi với 67% dư nợ là sản xuất kinh doanh, 85% quy mô tiền gửi là nhóm khách hàng nhỏ. Bên cạnh đó, hoạt động chuyển đổi số ghi nhiều dấu ấn với sự tăng trưởng 40% so với 2023 về tổng số lượng giao dịch, cũng như số lượng khách hàng mới (92% khách hàng mới đến từ kênh số), đồng thời triển khai thành công giải pháp thanh toán toàn diện Digistore dành cho nhà bán hàng.

Năm 2024, song song với hoạt động kinh doanh hiệu quả đảm bảo lợi ích tối đa cho cổ đông, BVBank luôn đồng hành cùng khách hàng, người dân để phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh, đời sống thông qua các gói vay giảm lãi suất theo chủ trương Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, đồng thời quyết liệt triển khai xác thực sinh trắc học theo Quyết định 2345/QĐ-NHNN và Thông tư 17&18/2024/TT-NHNN của NHNN để đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin tối đa cho khách hàng khi giao dịch online.

Định hướng chiến lược 2025 BVBank tiếp tục bám sát mục tiêu trở thành ngân hàng bán lẻ đa năng, hiện đại, hướng đến khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ, đồng thời đẩy nhanh trên lộ trình chuyển đổi số. Dự báo 2025 nền kinh tế cũng còn nhiều thách thức, chính vì vậy, việc nắm bắt cơ hội kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh sẽ là yếu tố kép để hoàn thành mục tiêu chiến lược, cụ thể: tăng trưởng về quy mô, cơ sở khách hàng, huy động và cho vay tiếp tục dịch chuyển sang nhóm khách hàng nhỏ lẻ, đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số và năng lực công nghệ thông tin.

Tại Đại hội, BVBank đề xuất kế hoạch kinh doanh với lợi nhuận trước thuế đạt 550 tỷ đồng, tăng 41% so với 2024; tổng tài sản đạt 122 nghìn tỷ đồng, tăng 18%; cho vay đạt 80.500 tỷ đồng tăng 18%; huy động từ tiền gửi khách hàng đạt 91.400 tỷ đồng, tăng 22%; tỷ lệ nợ xấu tiếp tục kiểm soát dưới 3%.

Ban Điều hành BVBank cũng chia sẻ thêm, mặc dù trong Quý 1/2025 môi trường kinh doanh có nhiều thách thức, nhưng BVBank đã kiểm soát tốt hoạt động, hoàn thành 15% kế hoạch lợi nhuận đặt ra nhờ đẩy mạnh tín dụng từ đầu năm và kiểm soát chi phí. Lợi nhuận Q1/2025 dự kiến đạt 80 tỷ đồng, tăng 16% so cùng kỳ.

BVBank cũng trình Đại hội phương án tăng vốn điều lệ và được thông qua. Theo đó, vốn điều lệ tối đa sau khi hoàn thành phương án triển khai kế hoạch tăng vốn năm 2024 là 6.408 tỷ đồng. Vốn điều lệ dự kiến tăng thêm 2025 là gần 1.300 tỷ đồng, thông qua phát hành cổ phiếu ra công chúng theo tỷ lệ 6:1 và phát hành cổ phiếu cho người lao động (ESOP). Tổng số vốn điều lệ sau khi tăng là 7.676 tỷ đồng.

Ngân hàng TMCP Kiên Long (KienlongBank)

- Sáng ngày 25/4/2025, Ngân hàng TMCP Kiên Long tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2025 bằng hình thức trực tuyến, trình kế hoạch kinh doanh, chia cổ tức bằng cổ phiếu, tăng vốn và niêm yết cổ phiếu lên sàn chứng khoán.

KienlongBank đặt mục tiêu đến cuối năm 2025, lợi nhuận tăng 24% lên 1.379 tỷ đồng; tổng tài sản tăng 11% lên 102.000 tỷ đồng; tổng vốn huy động tăng 13% lên 93.000 tỷ đồng; dư nợ tín dụng tăng 16% lên 71.000 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu 1,52%, thấp hơn bình quân toàn ngành. HĐQT kiên định với mục tiêu trở thành một trong những ngân hàng tiên phong trong lĩnh vực số hóa sản phẩm dịch vụ và cung cấp trải nghiệm ưu việt tới khách hàng. Ngân hàng tiếp tục rà soát, thúc đẩy các hoạt động nhằm đáp ứng ngày càng cao các tiêu chuẩn ESG.

Ngân hàng dự kiến phát hành hơn 180,74 triệu cp để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 50% và chào bán 180,74 triệu cp cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 50% với giá 10.000 đồng/cp hoặc cao hơn do HĐQT quyết định. Vốn điều lệ dự kiến sau khi hoàn tất 2 phương án sẽ tăng từ 3.653 tỷ đồng lên gần 7.268 tỷ đồng. Tổng nguồn vốn tăng thêm, KienlongBank dự định bổ sung nguồn vốn hoạt động kinh doanh, tái đầu tư tài sản cố định, phát triển mạng lưới hoạt động, chú trọng phát triển các ứng dụng AI vào mọi lĩnh vực hoạt động (bao gồm cả dịch vụ, phục vụ khách hàng, cũng như các ứng dụng phục vụ hoạt động nội bộ) nhằm tinh gọn bộ máy, tối ưu hiệu suất hoạt động 20-30%.

HĐQT KienlongBank cho rằng, việc niêm yết trên thị trường chứng khoán đối với cổ phiếu KLB là cần thiết và có ý nghĩa quan trọng, chứng minh cho việc KienlongBank ngày càng minh bạch trong hoạt động với vai trò là công ty đại chúng quy mô lớn, nâng cao năng lực hoạt động và khả năng cạnh tranh của KienlongBank để thực hiện các mục tiêu chiến lược. HĐQT đặt mục tiêu hoàn thành trong Quý 4/2025.

HĐQT cho biết, hiện cổ phiếu KLB đã đăng ký lưu ký tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) và đăng ký giao dịch (UPCoM) tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). HĐQT trình ĐHĐCĐ niêm yết cổ phiếu tại HNX, giao HĐQT lựa chọn Sở giao dịch Chứng khoán để đăng ký niêm yết, thời gian, đơn vị tư vấn.

Như các ngân hàng khác, KienlongBank cũng có tờ trình Phương án khắc phục dự kiến trong trường hợp được can thiệp sớm theo Điều 143 Luật Các Tổ chức tín dụng 2024.

ĐHĐCĐ không thông qua 2 tờ trình: (1) Phương án tăng vốn điều lệ (Tỷ lệ tán thành 55,06%; tỷ lệ không tán thành là 44,28%, không có ý kiến 0,0093%); (2) Phương án sửa đổi, bổ sung điều lệ của ngân hàng (Tỷ lệ tán thành là 55,07%; tỷ lệ không tán thành là 44,27%, không ý kiến 0,0093%).

Tờ trình về việc niêm yết cổ phiếu KienlongBank lên Sở Giao dịch Chứng khoán được thông qua với tỷ lệ đồng ý 55,07%. Tờ trình Ủy quyền, giao nhiệm vụ cho HĐQT quyết định một số vấn đề thuộc thẩm quyền của ĐHĐCĐ được thông qua với tỷ lệ 55,07%. Các tờ trình còn lại đều được thông qua với tỷ lệ trên 99%.

- Ngày 18/4/2025, tại Hà Nội, KienlongBank & Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Mirae Asset Prévoir (MAP Life) chính thức công bố thỏa thuận hợp tác toàn diện, giúp phân phối sản phẩm bảo hiểm nhân thọ MAP Life qua hệ thống 134 Chi nhánh/Phòng giao dịch của KienlongBank trên toàn quốc.

Ngành bảo hiểm nhân thọ Việt Nam đang đứng trước những cơ hội phát triển mạnh mẽ khi nhu cầu bảo vệ sức khỏe, tích lũy tài chính và an toàn tài chính cá nhân ngày càng tăng cao. Tuy nhiên, thị trường cũng đặt ra những yêu cầu mới về sự minh bạch, tính linh hoạt, trải nghiệm số hóa và vai trò thực sự của bảo hiểm trong đời sống khách hàng. Mirae Asset Prévoir tập trung nâng cao sự hiểu biết sâu sắc về nhu cầu của khách hàng, xây dựng nền tảng vững mạnh về tài chính và tăng cường xây dựng các kênh phân phối đa dạng, hiện đại giúp khách hàng đưa ra quyết định dễ dàng hơn và sống tốt hơn với thông điệp “Cho ngày mai tốt hơn, từ hôm nay”.

Với nền tảng vững chắc, tinh thần đổi mới không ngừng và sự gắn kết chiến lược giữa hai tổ chức - MAP Life và KienlongBank sẽ cùng nhau xây dựng nên một mô hình bancassurance hiệu quả, mang lại giá trị thực chất cho khách hàng và đóng góp tích cực vào sự phát triển của thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam.

Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank)

Sáng ngày 24/4/2025, Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM tổ chức thành công ĐHĐCĐ thường niên 2025, trình kế hoạch kinh doanh, phân phối lợi nhuận, góp vốn, mua cổ phần và một số nội dung đáng chú ý khác.

Liên quan đến kế hoạch tái cấu trúc Vikki Bank đã được xây dựng trong thời gian hơn 5 năm, có điều chỉnh liên tục và cập nhật từ trước khi nhận Đông Á, hiện Vikki đã được tái cấu trúc toàn diện từ tài chính, nguồn vốn, nhân sự và chuyển đổi từ ngân hàng truyền thống bị kiểm soát đặc biệt thành ngân hàng số. Chiến lược của Vikki Bank là kinh doanh chủ yếu trên nền tảng số với khách hàng bán lẻ và SME, tích hợp với nguồn lực của Tập đoàn Tài chính Ngân hàng HD, với 2 ngân hàng trụ cột là HDBank và Vikki Bank.

Về kế hoạch xây dựng Tập đoàn Tài chính Ngân hàng HD, ông Kim Byoungho - Chủ tịch HĐQT cho biết Ngân hàng đưa ra hệ sinh thái để tăng cường mạnh mẽ khái niệm tập đoàn tài chính; tích hợp các khối của tập đoàn tài chính, từ đó nhanh chóng, kịp thời đáp ứng nhu cầu thay đổi của khách hàng, cũng như tăng cường hơn tính hiệu quả của ngân hàng.

Về việc tác động của các chính sách thuế quan, với hệ số CAR hiện nay khoảng 14,85% là mức cao trong thị trường cho phép HDBank có khả năng chống chịu tốt trước biến động thị trường nếu có khủng hoảng xảy ra. Hưởng ứng chính sách của Chính phủ, HDBank đã hỗ trợ 20.000 tỷ đồng cho mảng hạ tầng, bán dẫn, công nghệ thông tin.

Năm 2024, lợi nhuận trước thuế vượt 16.700 tỷ đồng, tăng gần 29% so với năm trước và vượt kế hoạch cổ đông giao. Giá trị vốn hóa của HDBank cuối năm 2024 đạt trên 89.000 tỷ đồng, tăng trên 50% so với năm 2023. Sau khi trích lập các quỹ và cộng với 261.209 tỷ đồng lợi nhuận còn lại các năm trước chưa chia, HDBank có gần 10.396 tỷ đồng lợi nhuận có thể dùng để chia cổ tức, tương đương tỷ lệ có thể chia là 28%.

Năm 2025 đánh dấu một cột mốc quan trọng trong hành trình đổi mới của HDBank khi chính thức ra mắt Tập đoàn Tài chính Ngân hàng HD - giúp phát huy tối đa sức mạnh cộng hưởng to lớn từ HDBank, Ngân hàng số Vikki, Công ty Chứng khoán HD và các công ty con, công ty liên kết khác trong một tập đoàn thống nhất. Thay vì vận hành riêng lẻ và thiếu gắn kết, mô hình tổ chức mới theo mảng kinh doanh giúp tích hợp đa dạng dịch vụ (ngân hàng bán lẻ, ngân hàng doanh nghiệp, ngân hàng đầu tư, ngân hàng số và nhiều mảng hoạt động khác...) thành hệ sinh thái tài chính liền mạch, lấy khách hàng làm trung tâm.

Chiến lược kinh doanh số năm qua tiếp tục ghi nhận những kết quả đáng khích lệ với 94% giao dịch của khách hàng cá nhân được thực hiện qua nền tảng số, 80% khách hàng mới trong năm 2024 đến từ kênh số.

Ngân hàng đồng thời duy trì vị thế tiên phong trong tài chính bền vững, tích hợp toàn diện chuẩn mực ESG vào hoạt động. Năm 2024, Ủy ban Phát triển Bền vững được thành lập nhằm thực thi cam kết tăng trưởng xanh và kiến tạo giá trị dài hạn.

Năm 2025, HDBank với chiến lược tập trung vào tín dụng xanh, chuyển đổi số và phát triển bền vững, ngân hàng sẽ không chỉ mở rộng thị phần mà còn nâng cao giá trị thương hiệu, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội. HDBank sẽ tiếp tục chuyển dịch với sự kết hợp giữa công nghệ hiện đại và mô hình kinh doanh bền vững. Theo đó, Ngân hàng đặt mục tiêu đến cuối năm 2025, tổng tài sản tăng 28% lên mức 890.442 tỷ đồng; Vốn chủ sở hữu tăng 29% lên 73.332 tỷ đồng; Tổng huy động vốn tăng 28% lên 792.812 tỷ đồng và dư nợ tăng 32% lên 579.896 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%. Lợi nhuận trước thuế mục tiêu cho năm 2025 là 21.179 tỷ đồng, tăng 27% so với kết quả năm 2024. Tỷ lệ ROE mục tiêu là 26,2%, ROA là 2,15%.

Bên cạnh đó, HDBank còn các tờ trình về niêm yết trái phiếu ra công chúng, mua bán tài sản cố định, phương án khắc phục dự kiến trong trường hợp được can thiệp sớm theo Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024. Kết thúc Đại hội, tất cả tờ trình đều được thông qua.

Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB)

Ngày 22/4/2024, Ngân hàng TMCP Phương Đông tổ chức thành công ĐHĐCĐ thường niên 2025 tại TP.HCM, trình kế hoạch kinh doanh, tăng vốn điều lệ, phân phối lợi nhuận, bầu cử thành viên HĐQT, BKS nhiệm kỳ 2025-2030.

Với những mục tiêu chiến lược đã đặt ra, OCB xây dựng định hướng hoạt động hướng đến quản trị và tối ưu vận hành, cụ thể: Phấn đấu đưa OCB vào Top 5 ngân hàng TMCP tư nhân hàng đầu Việt Nam về hiệu quả ESG, đảm bảo sự phát triển bền vững; Tối ưu hóa mô hình quản trị và vận hành theo hướng hiện đại, tái cơ cấu mô hình tổ chức; Xây dựng chiến lược phân khúc khách hàng rõ ràng, định hướng sản phẩm và dịch vụ theo nhu cầu của từng phân khúc; Củng cố nền tảng quản trị rủi ro và tuân thủ, đảm bảo tăng trưởng bền vững; Đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ vào vận hành; Xây dựng đội ngũ nhân sự chất lượng cao, tạo lợi thế cạnh tranh bền vững. Đặc biệt, hoàn thiện và thúc đẩy thực thi ESG toàn diện trong hoạt động ngân hàng, hướng đến mục tiêu đưa tỷ trọng dư nợ tín dụng xanh trên tổng dư nợ TT1 năm 2025 trên 11%.

Năm 2025, OCB đặt mục tiêu tổng tài sản đạt 316.779 tỷ đồng, tăng 13%; tổng huy động thị trường 1 đạt 218.842 tỷ đồng, tăng 14%; tổng dư nợ thị trường 1 tăng 16%, đạt 208.472 tỷ; lợi nhuận trước thuế đạt 5.338 tỷ, tăng 33% so với kết quả 2024; tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 3%. Năm 2024, lợi nhuận trước thuế của OCB hơn 4.006 tỷ đồng. Sau khi trừ thuế và trích lập các quỹ, cộng với lợi nhuận còn lại các năm trước, lợi nhuận còn lại gần 3.706 tỷ đồng.

OCB dự kiến chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 7% vốn điều lệ, tương đương số tiền 1.726 tỷ đồng. Tổng lợi nhuận Ngân hàng còn lại sau khi trả cổ tức tiền mặt là gần 1.980 tỷ đồng. Với kế hoạch tăng trưởng quy mô kinh doanh liên tục hàng năm, việc tăng vốn điều lệ là cần thiết để giúp Ngân hàng nâng cao năng lực tài chính, đảm bảo hệ số an toàn vốn (CAR) theo quy định của cơ quan chức năng. Theo đó, OCB dự kiến phát hành gần 197,3 triệu cp (tỷ lệ 8%) để tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu cho cổ đông hiện hữu.

Nguồn vốn sử dụng từ vốn chủ sở hữu tại ngày 31/12/2024, xác định theo BCTC riêng và hợp nhất năm 2024 đã được kiểm toán, sau khi trích lập các quỹ theo quy định. Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ của OCB sẽ tăng từ 24.658 tỷ đồng lên 26.631 tỷ đồng. Số vốn tăng thêm OCB dự kiến dùng để đầu tư công nghệ thông tin, nâng cấp tài sản, xây dựng cơ bản, bổ sung nguồn vốn kinh doanh, đầu tư và cho vay. Thời gian thực hiện các đợt tăng vốn sẽ do HĐQT quyết định sau khi được cơ quan chức năng cho phép. Dự kiến sau khi tăng vốn, Aozora bank, Ltd. vẫn là cổ đông lớn duy nhất của OCB với tỷ lệ sở hữu 15%, không thay đổi so với các năm trước.

Đại hội cũng đã tiến hành bầu bổ sung thành viên HĐQT, thành viên BKS nhiệm kỳ 2025 - 2030: HĐQT sẽ gồm 7 thành viên và BKS gồm 5 thành viên, tăng 2 thành viên so với nhiệm kỳ 2020 - 2025. Việc bổ sung này nhằm phù hợp quy mô và nhu cầu về quản trị tại OCB trong giai đoạn mới.

Kết thúc Đại hội, tất cả tờ trình đều được thông qua.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank)

Sáng ngày 24/4/2025, tại Trung tâm Hội nghị 272 (số 272 Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2025. Đại hội diễn ra thành công tốt đẹp với sự đồng thuận cao của các cổ đông, thông qua nhiều nội dung quan trọng liên quan đến chính sách chia cổ tức, kế hoạch kinh doanh và mục tiêu lợi nhuận.

Tại Đại hội, các cổ đông đã biểu quyết thông qua tất cả các nội dung quan trọng do HĐQT trình như: Báo cáo tổng kết hoạt động năm 2024; Kế hoạch kinh doanh năm 2025; Báo cáo hoạt động của HĐQT và các Ủy ban trực thuộc; Phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ từ nguồn vốn chủ sở hữu; Quy chế tổ chức, hoạt động của Ban Kiểm soát.

Kết quả hoạt động kinh doanh của Saigonbank năm 2024 duy trì xu hướng tích cực với tổng tài sản tăng 6%, huy động vốn tăng 8%, dư nợ tín dụng tăng 10%, tỷ lệ nợ nhóm 3-5 kiểm soát ở mức 2,2%. Ngân hàng hoạt động có lãi, thanh khoản tốt và đảm bảo tuân thủ các tỷ lệ an toàn theo quy định của NHNN. Đáng chú ý, trong năm 2024, Saigonbank đã chuẩn hóa các quy trình nghiệp vụ nhằm nâng cao hiệu quả quản trị rủi ro theo chuẩn mực của Basel II, tiếp tục triển khai giải pháp quản lý hướng tới chuẩn mực Basel III.

Việc kiên định với định hướng phát triển an toàn, bền vững của Ban Lãnh đạo nhận được sự chia sẻ và đồng thuận từ cổ đông. Đại hội thống nhất cao thông qua các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2025 trọng yếu: Lợi nhuận trước thuế là 300 tỷ đồng; Dư nợ tín dụng tăng 10% so với năm 2024; Thanh toán đối ngoại 300 triệu USD; Tổng tài sản - Huy động vốn tăng 5% so với năm 2024; Tỷ lệ nợ xấu nằm trong giới hạn quy định của NHNN. Đại hội cũng đã thông qua Phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ 10%, dự kiến hoàn thành trong năm 2025 sau khi được các cấp thẩm quyền chấp thuận.

Tại Đại hội, Ban Lãnh đạo trực tiếp giải đáp các câu hỏi và lắng nghe ý kiến đóng góp về những nội dung liên quan đến cổ tức, lợi nhuận và định hướng tăng trưởng trong năm 2025. Với tinh thần cầu thị và minh bạch, các nội dung trình bày tại Đại hội đã nhận được sự đồng thuận cao từ cổ đông.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank)

- Ngày 25/4/2025, tại TP.HCM, Sacombank tổ chức thành công ĐHĐCĐ năm tài chính 2024. Đại hội đã thống nhất thông qua nhiều nội dung quan trọng như: Báo cáo kết quả hoạt động năm 2024 và định hướng, mục tiêu năm 2025; báo cáo tài chính riêng và hợp nhất năm 2024 đã kiểm toán; phương án phân phối lợi nhuận năm 2024 và kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2025; thù lao của HĐQT và Ban kiểm soát năm 2024; Tờ trình chủ trương tăng vốn điều lệ; Tờ trình chủ trương góp vốn/mua cổ phần công ty chứng khoán...

Năm 2024, trong bối cảnh thị trường tài chính Việt Nam đối diện với nhiều thách thức, Sacombank đã hoàn thành khá toàn diện kế hoạch đã đặt ra nhờ bám sát chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, chuyển đổi số hiệu quả, đón đầu sự dịch chuyển các xu hướng sản xuất và tiêu dùng. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế đạt 12.720 tỷ đồng, tăng 32,6% so với cùng kỳ; Tăng trưởng tín dụng đạt 11,7%, nâng tổng dư nợ chạm mốc 539.315 tỷ đồng - chiếm 3,4% tổng dư nợ toàn nền kinh tế; Tổng nguồn vốn huy động tăng mạnh 16,7%, vượt 106% kế hoạch. Trong đó, huy động từ thị trường 1 chiếm tỷ trọng cao (85,6%), riêng CASA tăng 9,3%, giúp Sacombank duy trì nguồn vốn ổn định và chi phí vốn cạnh tranh. Tỷ lệ ROA, ROE tăng ổn định, lần lượt đạt 1,42% và 20,03%. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng được kiểm soát ở mức 2,08%, giảm nhẹ so với đầu năm. Các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn hoạt động tuân thủ đúng theo quy định của NHNN. Đáng chú ý, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) ở mức 10,14% - cao hơn đáng kể so với mức 8% theo quy định, cho thấy Sacombank vẫn duy trì được biên độ tài chính an toàn.

Những thành quả ấn tượng này được Sacombank kiến tạo trong điều kiện chưa được tăng vốn điều lệ kể từ năm 2016 - một yếu tố đang giới hạn quy mô và năng lực cạnh tranh của Sacombank. Việc Ngân hàng vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao cho thấy khả năng vận hành linh hoạt, khai thác tối đa nguồn lực hiện hữu và quản trị rủi ro chặt chẽ.

Đây cũng là năm đầu tiên sau 9 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu, Sacombank lên kế hoạch chia cổ tức cho cổ đông trong bối cảnh Ngân hàng đã gặt hái được nhiều thành quả tích cực. Cụ thể, Sacombank đã xử lý thêm 76.695 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng thuộc Đề án, giảm tỷ trọng của hạng mục này trong tổng tài sản xuống còn 2,4%. Đặc biệt, Sacombank đã hoàn tất xử lý toàn bộ 21.576 tỷ đồng lãi dự thu được khoanh thuộc Đề án và trích lập 100% dự phòng cho toàn bộ danh mục nợ tồn đọng còn lại chưa xử lý.

Về vấn đề chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, tờ trình nêu rõ, sau khi được NHNN chấp thuận, HĐQT sẽ xây dựng phương án chi tiết và lấy ý kiến cổ đông trước khi triển khai. Hiện lợi nhuận hợp nhất giữ lại chưa phân phối của Sacombank lũy kế đã lên tới 25.352 tỷ đồng. Sacombank đã sẵn sàng cả về trách nhiệm và nghĩa vụ, kỳ vọng sẽ được phê duyệt tái cơ cấu thành công trong năm nay, mở đường cho các chiến lược phát triển quy mô và đột phá hơn.

Bên cạnh đó, trên cơ sở được ĐHĐCĐ thông qua cũng như nắm bắt các xu hướng tài chính sắp tới, Sacombank đặt kế hoạch năm 2025 tăng trưởng nhiều chỉ tiêu quan trọng từ 10 - 15%. Cụ thể, tổng tài sản tăng lên 819.800 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 14.650 tỷ đồng, tổng dư nợ tín dụng đạt 614.400 tỷ đồng, tổng huy động vốn đạt 736.300 tỷ đồng, tỷ lệ đảm bảo an toàn hoạt động tuân thủ đúng quy định của NHNN.

Với phương châm Chuyển đổi - Hiệu quả - Bền vững, Sacombank tiếp tục số hóa toàn diện, đặc biệt là ứng dụng AI để nâng cao năng suất lao động và gia tăng trải nghiệm khách hàng. Ngân hàng đồng thời kiểm soát chi phí hiệu quả, tối ưu hóa mô hình vận hành, phát triển hệ sinh thái đối tác, nhất là đối tác công nghệ và triển khai nhiều sản phẩm dịch vụ độc đáo, thu hút và tăng trưởng mạnh mẽ quy mô khách hàng.

- Sacombank mới đây năm thứ 5 liên tiếp đón nhận Giải thưởng Sao Khuê 2025 do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) tổ chức, với danh hiệu Xếp hạng 5 sao dành cho Ứng dụng Sacombank Pay, thuộc lĩnh vực Ngân hàng số.

Ứng dụng Sacombank Pay là một trong những sản phẩm trọng điểm trong hệ sinh thái ngân hàng số của Sacombank. Sacombank Pay giúp người dùng dễ dàng quản lý tài chính, thực hiện thanh toán - giao dịch mọi lúc, mọi nơi - từ mở tài khoản số đẹp, mở thẻ thanh toán chỉ trong 5 giây, mở thẻ tín dụng hay vay tiêu dùng online với thời gian phê duyệt và giải ngân chỉ trong 5 phút, đến thanh toán/rút tiền bằng mã QR, công nghệ NFC không tiếp xúc, eKYC định danh trực tuyến và nhiều tiện ích khác.

Ứng dụng liên tục được cập nhật công nghệ bảo mật cao, điển hình là việc tích hợp khả năng phát hiện gian lận, đối chiếu sinh trắc học, giúp bảo vệ tối ưu tài khoản và giao dịch của người dùng. Sacombank Pay mở rộng hệ sinh thái ưu đãi với hàng ngàn khuyến mãi hấp dẫn suốt cả năm.

Năm 2024, Sacombank Pay ghi nhận những con số tăng trưởng ấn tượng: Doanh số giao dịch đạt khoảng 3,5 triệu tỷ đồng, tăng 190% so với năm 2023 và 399% so với năm 2022; Số lượng khách hàng đạt khoảng 6,5 triệu, tăng 16% so với năm 2023 và 51% so với năm 2022. Đặc biệt, chỉ trong 2 tháng đầu năm 2025, doanh số giao dịch đã vượt mốc 890 nghìn tỷ đồng, khẳng định tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ và sự tin tưởng ngày càng cao của khách hàng.

Giải thưởng Sao Khuê là hoạt động đánh giá chuyên môn uy tín nhất của ngành phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam, được tổ chức thường niên suốt hơn 20 năm qua.

- Nhân dịp Kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30/04 và ngày Quốc tế lao động 01/05, Sacombank triển khai chương trình “Đón ưu đãi - Trọn niềm vui” với hàng loạt khuyến mãi hấp dẫn có tổng giá trị gần 10 tỷ đồng dành cho khách hàng tham gia bảo hiểm và khách hàng cá nhân khi thanh toán bằng thẻ hoặc ứng dụng Sacombank Pay để phục vụ nhu cầu mua sắm, du lịch và giải trí.

Đối với khách hàng sử dụng Sacombank Pay, Ngân hàng tặng mã VUILE50 giảm 50% (tối đa 50.000 đồng) khi lần đầu áp mã khuyến mãi đặt vé xem phim, vé xe, vé tàu và mã DAILE50 giảm 50% (tối đa 200.000 đồng) khi lần đầu đặt vé máy bay, khách sạn… Sacombank hoàn 30% (tối đa 200.000 đồng) cho 4.000 chủ thẻ tín dụng phát sinh giao dịch trong nước từ 1 triệu đồng trở lên sớm nhất; hoàn 30% phí chuyển đổi ngoại tệ (tối đa 300.000 đồng) cho chủ thẻ thanh toán và thẻ tín dụng phát sinh giao dịch ở nước ngoài từ 3 triệu đồng trở lên.

Từ nay đến ngày 30/6/2025, 3.500 chủ thẻ Sacombank Visa giao dịch qua các ví Apple Pay/Samsung Pay/Google Pay/Garmin Pay ở nước ngoài mỗi tháng được hoàn 300.000 đồng khi giao dịch từ 3 triệu đồng/ví sớm nhất.

Chủ thẻ Sacombank được giảm 500.000 đồng khi đặt tour du lịch từ 10 triệu đồng tại Vietravel; giảm 10% khi đặt vé máy bay tại Eva Air, mua sắm tại các thương hiệu thời trang thuộc Tam Sơn Group cùng hàng loạt ưu đãi khác.

Ngoài ra, khách hàng tham gia bảo hiểm nhân thọ Dai-ichi Life Việt Nam qua hợp tác với Sacombank cũng nhận được nhiều ưu đãi như: khách hàng doanh nghiệp từ nay đến hết tháng 6/2025 được hoàn tiền lên đến 15% tổng phí kỳ đầu (IP); khách hàng cá nhân tham gia hợp đồng mới trong tháng 5/2025 được nhận 0,5 chỉ vàng SBJ... Đồng thời còn có thêm hàng trăm quà tặng hấp dẫn dành cho các khách hàng tham gia các loại bảo hiểm sức khỏe/tài sản qua danh mục đối tác liên kết tại Sacombank.

Công ty Tài chính TNHH VPBank SMBC (VPB FC/ FE Credit)

Ngày 24/4/2025, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s Ratings vừa công bố kết quả đánh giá mới nhất đối với Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng và Công ty Tài chính TNHH VPBank SMBC (FE Credit).

Trong đó, Moody’s giữ nguyên các mức xếp hạng tín nhiệm then chốt đối với cả hai tổ chức, đồng thời nâng triển vọng của FE Credit lên “Ổn định”. Đối với FE Credit, Moody's giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm CFR (Đánh giá tín nhiệm dựa trên mối tương quan với các thành viên trong cùng tập đoàn) của FE Credit ở mức B1. Đặc biệt, tổ chức này đã nâng triển vọng của FE Credit lên mức “Ổn định” và đánh giá năng lực độc lập lên B3. Đối với FE Credit, Moody’s đánh giá cao những bước tiến trong việc tái cấu trúc danh mục tín dụng, tăng cường hợp tác với các đối tác bán lẻ, doanh nghiệp và đẩy mạnh số hóa.

Năm 2024, FE Credit đạt lợi nhuận trước thuế gần 515 tỷ đồng. Đến cuối năm, tổng tài sản của công ty này đạt hơn 67.650 tỷ đồng, tăng gần 7,3% so với cuối 2023. Vốn chủ sở hữu đạt gần 10.684 tỷ đồng, tăng 4%. Các chỉ tiêu về an toàn tài chính, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu, tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn đều đáp ứng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước.

Những con số tích cực này là kết quả của quá trình tái cấu trúc toàn diện trong hai năm (2023, 2024) và sự trợ lực từ hai định chế tài chính lớn trong và ngoài nước là VPBank và Công ty Tài chính Tiêu dùng SMBC (SMBCCF) - công ty con của Tập đoàn Sumitomo Mitsui Financial Group. Những điều chỉnh kịp thời trong hoạt động kinh doanh, tối ưu chi phí vận hành và tăng cường kiểm soát quản trị rủi ro đã mang lại thành quả ấn tượng cho FE Credit - công ty tài chính tiêu dùng chiếm thị phần lớn nhất Việt Nam.

FE Credit khẳng định cam kết “lấy khách hàng làm trọng tâm” trong hoạt động kinh doanh và vận hành; đẩy mạnh hợp tác với các nhà bán lẻ lớn nhằm mở rộng tệp khách hàng và mạng lưới điểm bán. Đặc biệt, FE Credit tăng cường đầu tư vào công nghệ mới, cung cấp cho khách hàng hệ sinh thái tài chính toàn diện thông qua số hóa mạnh mẽ, mang đến trải nghiệm an toàn và tiện lợi.

Công ty TNHH TM Dịch vụ Mạng lưới thông minh (SmartNet/ SmartPay)

Nhằm mở rộng hệ sinh thái tài chính số và hỗ trợ các doanh nghiệp và nhà bán hàng tiếp cận vốn hiệu quả, vừa qua VPBank và SmartPay đã chính thức cho ra mắt ứng dụng SmartSME - giải pháp tài chính toàn diện nhằm đem lại hiệu quả vượt trội trong tiếp cận vốn và phát triển kinh doanh cho các doanh nghiệp.

Theo đó, SmartSME by VPBank (SmartSME) là ứng dụng tài chính an toàn, minh bạch và tiện lợi, giúp người dùng dễ dàng tiếp cận nguồn vốn, tối ưu quản lý dòng tiền và phát triển kinh doanh bền vững. Trong giai đoạn đầu ra mắt, SmartSME hỗ trợ người dùng các tính năng nổi bật như: Mở thẻ tín dụng doanh nghiệp; Đăng ký tài khoản ngân hàng VPBank; Vay thấu chi và Vay tiền mặt. Người dùng hoàn toàn có thể chuẩn bị các hồ sơ theo hướng dẫn chi tiết từ ứng dụng và đăng ký trực tuyến để nhận được phê duyệt từ ngân hàng một cách tiện lợi, bảo mật trong thời gian ngắn.

Được thiết kế dành riêng cho đối tượng doanh nghiệp và nhà bán hàng, ứng dụng này cung cấp giải pháp tài chính “tất cả trong một” với quy trình đăng ký trực tuyến tiện lợi, minh bạch và thân thiện với người dùng. Khách hàng có thể được phê duyệt vay với hạn mức lên đến 5 tỷ đồng, giúp giải quyết kịp thời nhu cầu vốn lưu động, mở rộng hoạt động kinh doanh trong bối cảnh nhu cầu tăng trưởng của các doanh nghiệp cũng như chuyển đổi số đang ngày càng diễn ra mạnh mẽ.

SmartSME tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn bảo mật trong ngành tài chính - ngân hàng, đảm bảo mọi giao dịch của người dùng đều rõ ràng, an toàn và dễ kiểm soát, thao tác nhanh chóng mọi lúc, mọi nơi.

Công ty Cổ phần Zion (ZaloPay)

Diễn ra trong hai ngày 19 và 20/4 tại AEON Mall Hà Đông, Cửa hàng Mua Vui Zalopay với không gian rực rỡ cùng loạt hoạt động tương tác hấp dẫn, hứa hẹn sẽ trở thành điểm checkin siêu hot dành cho khách hàng, đặc biệt khách hàng trẻ.

Cửa hàng Mua Vui là một mô hình pop-up store mới toanh do Zalopay tổ chức: không chỉ là nơi để mua sắm mà còn là không gian tràn ngập năng lượng tích cực, nơi mỗi giao dịch đều mang lại niềm vui. Cửa hàng này được vận hành xuyên suốt từ nền tảng online - ngay trong ứng dụng Zalopay - đến không gian thực tế tại pop-up store. Nhờ đó, khách hàng có thể dễ dàng ghé thăm mọi lúc, mọi nơi. Đây cũng là lần đầu tiên tại Việt Nam, một nền tảng thanh toán số như Zalopay quyết định mở cửa hàng vật lý chỉ để phục vụ mục tiêu duy nhất: tạo ra niềm vui qua từng giao dịch, đúng với thông điệp đầy cảm hứng “Mua ngàn nụ cười, trả hết qua Zalopay”.

Toàn bộ sản phẩm nằm trong sự kiện đều có thể xem trước và mua lượt chơi ngay trên ứng dụng Zalopay. Đặc biệt với bộ sưu tập Mua Vui collection - điểm nhấn nổi bật của chiến dịch, mọi người có thể dễ dàng “ngắm nghía” trước trên app, sau đó đến trực tiếp store trong hai ngày diễn ra sự kiện để rinh món đồ yêu thích về tay. Hiện chương trình đang áp dụng riêng cho khu vực Hà Nội, trước khi Zalopay chính thức lan toả niềm vui đến nhiều tỉnh thành khác trong thời gian tới.

Được thiết kế như một sân chơi sống động, Cửa hàng Mua Vui là nơi dành cho thế hệ trẻ yêu cảm xúc tích cực, có kế hoạch tiêu dùng để tận hưởng từng khoảnh khắc vui vẻ mỗi ngày. Không dừng lại ở trải nghiệm thị giác, cửa hàng còn mang đến nhiều hoạt động tương tác khác và nhiều trò chơi sáng tạo khiến người tham gia không thể ngừng cười... Tại Cửa hàng Mua Vui, hoạt động thanh toán được tối ưu hóa để mang đến trải nghiệm nhanh chóng và tiện lợi. Chỉ cần sử dụng ứng dụng Zalopay, khách tham quan có thể dễ dàng quét mọi mã QR - từ Zalopay QR Đa Năng, VNPAY-QR đến mã QR của các ngân hàng - để thoải mái chọn lựa và nhận ngay các vật phẩm cùng phần quà độc quyền hấp dẫn.

Trước khi chính thức khai trương Cửa hàng Mua Vui, Zalopay đã hoạt náo với màn roadshow xích lô xanh lá dạo quanh Hà Thành, tạo sự chú ý trên mạng xã hội, mở màn cho chiến dịch một cách ấn tượng và đầy màu sắc.

Với sự kiện lần này, Zalopay không chỉ đơn thuần thực hiện một chiến dịch thương hiệu, mà đang từng bước hiện thực hóa một mục tiêu lớn hơn: biến thanh toán thành một hành trình cảm xúc - nơi mỗi lần quét mã chính là một lần “mua được niềm vui” theo đúng ‘nghĩa đen’. Cửa hàng Mua Vui chính là khởi đầu cho hành trình này, bắt đầu từ Hà Nội và sẽ tiếp tục lan tỏa niềm vui đến mọi miền đất nước.

Ngân hàng TNHH Indovina (IVB)

Ngày 22/4/2025 tại TP.HCM, Anphabe - đơn vị tư vấn tiên phong về giải pháp Thương hiệu Nhà tuyển dụng và Môi trường làm việc Hạnh phúc tổ chức Lễ vinh danh Vietnam Excellence 2025. Ngân hàng TNHH Indovina đã được ghi nhận với giải thưởng HR Excellence 2025 - hạng mục An sinh tại môi trường làm việc (Workplace Wellbeing). Giải thưởng là kết quả từ hành trình đánh giá chuyên nghiệp kéo dài suốt 3 tháng, qua 2 vòng thẩm định từ Hội đồng cố vấn uy tín, cùng khảo sát thực tế từ chính đội ngũ nhân sự các doanh nghiệp tham gia.

Các doanh nghiệp ngày nay hiểu rằng, sự bền vững không chỉ đến từ khát vọng vươn lên, mà được nuôi dưỡng từ một môi trường - nơi mỗi cán bộ nhân viên có thể tái tạo năng lượng, phục hồi tinh thần và phát triển một cách lành mạnh, lâu dài. Vì thế, An sinh tại môi trường làm việc không phải là giá trị cộng thêm, mà chính là chiến lược nhân sự được IVB thiết kế bài bản ngay từ đầu. Tư duy này được thể hiện rõ nét qua sự đồng bộ từ biểu tượng logo IVB hình lốc xoáy, tượng trưng cho sự vươn lên và 5 giá trị cốt lõi, đến EVP (Employee Value Proposition - Định vị thương hiệu nhà tuyển dụng) của IVB được thiết kế cạnh tranh và phát triển dựa trên 5 yếu tố sau: Tài chính an tâm; Sự nghiệp rõ ràng; Ghi nhận xứng đáng; Vững kết đồng đội; Nâng tầm giá trị.

Đây không chỉ là một giải thưởng mà là một hành trình đầy cảm hứng, nơi những chiến lược nhân sự không còn là lý thuyết, mà trở thành câu chuyện sống động của niềm tin, sự đổi mới, đặc biệt vào thời điểm IVB đang tiến gần đến cột mốc 35 năm thành lập. Với nền tảng về vị thế kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp và định hướng quản trị chuyên biệt, IVB cho rằng đầu tư vào con người là chiến lược then chốt để hiện thực hóa tầm nhìn, phát triển đội ngũ bền vững.

Ngân hàng TNHH MTV Shinhan Việt Nam (Shinhan Bank)

Ngân hàng Shinhan mới đây chính thức triển khai dịch vụ Nhận thông báo đa kênh (Zalo & SMS), mang lại trải nghiệm nhận thông báo giao dịch hiện đại, tiết kiệm và tối ưu hơn cho khách hàng, một bước tiến mới trong hành trình số hóa.

Giải pháp thông báo tài chính ưu việt cho mọi khách hàng Với Dịch vụ Nhận Thông Báo Đa Kênh, khách hàng sẽ nhận được các thông báo về biến động số dư tài khoản, giao dịch thẻ quốc tế, và các thông tin tài chính quan trọng khác từ Ngân hàng thông qua kênh Zalo với giao diện trực quan, sinh động và dễ thao tác. Đặc biệt, trong trường hợp Zalo không thể gửi tin, hệ thống sẽ tự động chuyển sang gửi SMS, đảm bảo khách hàng không bỏ lỡ bất kỳ cập nhật nào.

Dịch vụ hiện được áp dụng cho toàn bộ khách hàng cá nhân và doanh nghiệp tư nhân/hộ kinh doanh của Ngân hàng. Tối ưu chi phí - Tối đa trải nghiệm Dịch vụ nhận thông báo đa kênh (Zalo & SMS) mang đến nhiều lợi ích vượt trội, giúp khách hàng tiết kiệm chi phí lên đến 50% so với dịch vụ nhận thông báo qua SMS truyền thống. Các thông báo sẽ được ưu tiên gửi qua Zalo với giao diện dễ đọc, có hình ảnh và nút thao tác nhanh, hỗ trợ khách hàng dễ dàng tương tác và phản hồi với ngân hàng. Khi đăng ký sử dụng dịch vụ trong tháng 4/2025, khách hàng sẽ được miễn phí dịch vụ tháng đầu tiên.

VPĐD TP.HCM

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay