Bài viết phân tích các quy định pháp luật hiện hành về xử lý tài sản trong giao dịch cầm cố tài sản, qua đó cho thấy trong quá trình triển khai thực hiện còn một số khó khăn, vướng mắc như gây tốn kém thời gian, chi phí và công sức đối với các bên tham gia giao dịch cầm cố tài sản. Trên cơ sở đó, nhóm tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện quy định pháp luật xử lý tài sản trong giao dịch cầm cố tài sản.
Đặt vấn đề
Cầm cố tài sản là hình thức bảo đảm thực hiện nghĩa vụ phổ biến trong đời sống hàng ngày. Dưới góc độ luật định, Điều 309, Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 định nghĩa: “Cầm cố tài sản là việc một bên (gọi là bên cầm cố) giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia (gọi là bên nhận cầm cố) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ”.
Về kỹ thuật lập pháp, BLDS năm 2005, 2015 đều quy định quan hệ cầm cố đặc trưng (khác biệt với thế chấp tài sản) bằng việc người cầm cố giao tài sản cho người nhận cầm cố (không phải chủ sở hữu) giữ nhằm ba mục đích chủ yếu sau: (i) Bảo vệ chủ nợ chống lại việc người cấm cố tẩu tán tài sản cầm cố; (ii) Bảo đảm cho chủ nợ có được một đặc quyền so với những chủ nợ khác của người cầm cố, một khi những người này có xung đột quyền lợi với người nhận cầm cố trên tài sản cầm cố; (iii) Bảo vệ người cầm cố và các chủ nợ khác của người này chống lại rủi ro của tình trạng bảo đảm chung chung và có hiệu lực toàn bộ trên khối tài sản của người mắc nợ, bằng cách giới hạn đặc quyền của chủ nợ nhận cầm cố trên một hoặc nhiều tài sản được chỉ định rõ gọi là tài sản cầm cố.
Tuy nhiên, quy định pháp luật về xử lý tài sản trong giao dịch cầm cố tài sản đã phát sinh một số bất cập; từ đó, tạo nên những vướng mắc trong thực tiễn áp dụng pháp luật. Điều này gây tốn kém thời gian, chi phí các bên tham gia giao dịch.
Quy định pháp luật về xử lý tài sản trong giao dịch cầm cố tài sản
Xử lý tài sản bảo đảm trong giao dịch cầm cố tài sản là giai đoạn “cuối cùng” không mong muốn giữa bên cầm cố và bên nhận cầm cố. Pháp luật Việt Nam hiện hành chưa có định nghĩa, cụ thể, về xử lý tài sản cầm cố, mà chỉ quy định chung về “xử lý tài sản trong giao dịch bảo đảm”.
Trong khoa học pháp lý, Nguyễn Ngọc Điện định nghĩa: “Xử lý tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ được hiểu là biện pháp thu hồi nợ trong trường hợp người mắc nợ, vì lý do gì đó mà không thể trả nợ bằng tiền. Đây thường là biện pháp cuối cùng mà chủ nợ có thể sử dụng để thực hiện quyền đòi nợ của mình, trong điều kiện những biện pháp khác đều không thể thực hiện được”.
BLDS năm 2005 quy định về xử lý tài sản cho từng biện pháp bảm đảm, tuy nhiên các quy định này lại được soạn thảo theo hướng trùng lặp giữa các biện pháp bảo đảm với nhau. Do đó, BLDS năm 2015 đã soạn thảo theo hướng xây dựng một số điều luật điều chỉnh vấn đề xử lý tài sản bảo đảm.
Theo các nhà nghiên cứu pháp luật: “Việc đưa vấn đề xử lý tài sản bảo đảm vào phần chung và xây dựng một số quy định để thực thi có ý nghĩa quan trọng đối với thực tiễn xử lý tài sản bảo đảm sôi động và nhiều phức tạp như hiện nay”. Theo nhóm tác giả, các quy định về xử lý tài sản bảo đảm được nêu ra trong BLDS năm 2015 chủ yếu khái quát từ các quy định tại Nghị định số 163/2006/NĐ-CP của Chính phủ về giao dịch bảo đảm.
Sự kiện pháp lý làm phát sinh quyền xử lý tài sản cầm cố của bên nhận cầm cố là khi bên cầm cố không thực hiện, thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch cầm cố tài sản đã xác lập. Quyền xử lý tài sản cầm cố của bên nhận cầm cố được xác lập thông qua hợp đồng cầm cố và có hiệu lực ràng buộc các bên kể từ thời điểm giao kết.
Tuy nhiên, bên nhận cầm cố chỉ có quyền xử lý tài sản theo quy định của luật hoặc theo thỏa thuận (Điều 299 BLDS năm 2015). Về kỹ thuật lập pháp, quy định tại Điều 299 BLDS năm 2015 là điểm mới so với BLDS năm 2005. Theo đó, các nhà lập pháp đưa ra các trường hợp xử lý tài sản BLDS năm 2015 sẽ đảm bảo cho các bên có cơ sở pháp lý cụ thể để áp dụng khi tiến hành xử lý tài sản bảo đảm
Trên thực tế, khi xử lý tài sản trong giao dịch cầm cố, bên nhận cầm cố và bên cầm cố đều mong muốn tài sản được xử lý với giá cao nhất để bù trừ vào nghĩa vụ của bên cầm cố. Tuy nhiên, không phải lúc nào mong muốn của bên nhận cầm cố và bên cầm cố cũng giống nhau.
Nhiều trường hợp, bên nhận cầm cố muốn xử lý nhanh tài sản cầm cố nên xác định giá tài sản thấp. Ngược lại, bên cầm cố lại mong muốn tài sản cầm cố phải được xử lý với giá cao để bù trừ được nhiều nghĩa vụ mà họ phải thực hiện. Do đó, BLDS năm 2005 và 2015 đều quy định các phương thức xử lý tài sản bảo đảm nhằm hài hòa lợi ích giữa các bên trong giao dịch.
Về mối quan hệ giữa phương thức xử lý tài sản cầm cố, Điều 336 BLDS năm 2005 sử dụng thuật ngữ “hoặc” là cách thức theo thỏa thuận; “hoặc” là cách thức theo pháp luật và chưa cho biết rõ về sự ưu tiên giữa hai cách này; thì đến BLDS năm 2015 đã quy định cụ thể về thứ tự áp dụng các phương thức xử lý tài sản cầm cố theo hướng phương thức theo thỏa thuận (Khoản 1, Điều 303) được ưu tiên áp dụng trước phương thức theo pháp luật (Khoản 2, Điều 303). Điều này là hợp lý và logic, bởi nếu áp dụng theo phương thức xử lý theo pháp luật trong khi các bên đã thỏa thuận việc xử lý tài sản cầm cố thì sự thỏa thuận của các bên không còn ý nghĩa. Do đó, việc quy định cho phép các bên thỏa thuận về phương thức xử lý tài sản cầm cố cũng không còn ý nghĩa.
Về phương thức xử lý tài sản theo thỏa thuận, Khoản 1, Điều 303 BLDS năm 2015 quy định các phương thức xử lý tài sản cầm cố theo thỏa thuận gồm: (i) Bán đấu giá tài sản; (ii) Bên nhận bảo đảm tự bán tài sản; (iii) Bên nhận bảo đảm nhận chính tài sản để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm; (iv) Phương thức khác. Về kỹ thuật lập pháp thì pháp luật Việt Nam quy định các phương thức xử lý tài sản cầm cố thỏa thuận theo danh mục “mở”, điều này có nghĩa là các bên có thể thỏa thuận áp dụng các phương thức xử lý tài sản “ngoài” phạm vi được quy định tại Khoản 1, Điều 303 BLDS năm 2015.
Điểm đáng chú ý trong các phương thức xử lý tài sản theo thỏa thuận thì phương thức “Bên nhận bảo đảm nhận chính tài sản để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm” theo quy định BLDS năm 2015 đã có sự tiếp cận tương thích với thông lệ quốc tế.
Theo phương thức này, thay vì phải khởi kiện yêu cầu Tòa án cho bán tài sản và được ưu tiên thanh toán từ số tiền thu được do việc bán tài sản thì chủ nợ được phép lấy chính tài sản này thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ. Đây là phương thức xử lý tài sản cầm cố được áp dụng phổ biến trong các giao dịch cầm cố kèm theo hợp đồng vay giữa cá nhân.
Tuy nhiên, trên thực tế, quy định này có thể bị lạm dụng và chứa đựng những nguy cơ đối với cả bên cầm cố. Điều này là dễ hiểu khi ở thời điểm xác lập nghĩa vụ thì bên cầm cố ở trong tình thế quá cần tiền ngay tại thời điểm xác lập giao dịch, do vậy, bên cầm cố sẽ dễ dàng chấp nhận một phương thức xử lý tài sản bất lợi.
Hiện nay, để bảo vệ bên cầm cố trước thực trạng chấp nhận biện pháp xử lý này vì lý do rất cần vốn vay và chống lại hành vi thâu tóm tài sản một cách bất công của bên nhận cầm cố nếu xảy ra thì BLDS năm 2015 đã quy định yêu cầu về thủ tục phải tiến thành thông qua thẩm định giá tài sản (nếu các bên không thỏa thuận về giá trị tài sản cầm cố), nghĩa là bên nhận cầm cố không thể đơn giản tiến hành thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản cầm cố sang cho mình ngay khi có hành vi vi phạm nghĩa vụ của bên cầm cố mà cần có thủ tục xác định giá trị tài sản cầm cố.
Nghiên cứu so sánh cho thấy, Điều 2460 BLDS của Pháp quy định tương tự, theo đó: Trước khi quyết định giao tài sản cho chủ nợ thì phải tiến hành định giá tài sản. Việc định giá được tiến hành bởi các chuyên gia theo triệu tập của thẩm phán hoặc theo thỏa thuận của các bên. Trong trường hợp giá trị của tài sản được xác định là lớn hơn giá trị của nghĩa vụ được bảo đảm thì chủ nợ phải hoàn trả phần chênh lệch”.
Về phương thức xử lý tài sản theo pháp luật, Khoản 2, Điều 303 BLDS năm 2015 quy định: “Trường hợp không có thỏa thuận về phương thức xử lý tài sản bảo đảm theo quy định tại khoản 1 Điều này thì tài sản được bán đấu giá”. Như vậy, quy định phương thức xử lý tài sản theo pháp luật là bán đấu giá.
Về thủ tục, việc bán đấu giá thực hiện theo Luật Đấu giá tài sản năm 2016 và Nghị định số 62/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật đấu giá tài sản về hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản, quy chế bán đấu giá, niêm yết việc đấu giá tài sản, đăng ký tham gia đấu giá, tiền đặt trước và xử lý tiền đặt trước... Bên nhận cầm cố có quyền tham gia đấu giá, khác với người được ủy quyền bán tài sản theo hợp đồng ủy quyền thông thường thì bên nhận cầm cố có quyền mua tài sản cầm cố mà mình yêu cầu đem bán đấu giá.
Tuy nhiên, nếu xảy ra việc bên cầm cố có hành vi “cố ý” gây trở ngại nhằm mục đích kéo dài việc thi hành án thì bên nhận cầm cố khó khăn trong việc xử lý tài sản cầm cố. Giải pháp này khiến cho pháp luật Việt Nam có sự khác biệt so với thông lệ quốc tế. Ví dụ, tại Pháp, người nhận cầm cố có quyền lưu giữ tài sản cầm cố cho đến khi được trả đủ nợ, nếu phải giao tài sản cầm cố cho người có trách nhiệm để bán đấu giá trong trường hợp người cầm cố bị phá sản thì người nhận cầm cố có quyền lưu giữ số tiền bán tài sản cho đến khi được trả đủ nợ.
Nói chung, không ai cấm người cầm cố bán hoặc yêu cầu bán đấu giá tài sản cầm cố do người nhận cầm cố giữ; tuy nhiên người nhận cầm cố có quyền từ chối giao tài sản cho người mua (kể cả trong một cuộc bán đấu giá). Chính quyền từ chối đó khiến cho người thứ ba không thấy có lợi ích để mua tài sản liên quan chừng nào người nhận cầm cố còn chưa được trả đủ nợ.
Thực tiễn cho thấy, việc xử lý tài sản cầm cố trong giao dịch cầm cố tài sản tại bên nhận cầm cố sẽ phát sinh rủi ro “giao địch vô hiệu” trong trường hợp các bên thỏa thuận cầm cố “quyền sử dụng đất”. BLDS năm 2015 cho phép, bên cầm cố được sử dụng bất động sản (BĐS) để xác lập quan hệ cầm cố tại bên nhận cầm cố. Như vậy, về nguyên tắc quyền sử dụng đất (QSDĐ) là BĐS vô hình sẽ được phép xác lập giao dịch cầm cố.
Tuy nhiên, thực tiễn Tòa án không chấp nhận giao dịch cầm cố là QSDĐ. Ví dụ, Bản án số 61/2020/DS-PT ngày 24/6/2020 của Tòa án nhân dân TP. Cần Thơ nhận định: “Tại tờ cầm cố đất ngày 19/4/2017 thể hiện rõ bị đơn có cầm cố đất cho nguyên đơn với số tiền 500.000.000 đồng và 02 cây vàng 24K. Căn cứ vào Điều 166, Điều 167 của Luật Đất đai năm 2013 thì người sử dụng đất không có quyền cầm cố QSDĐ.
Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm xác định giao dịch giữa nguyên đơn và bị đơn vô hiệu là đúng pháp luật”. BLDS năm 2015 cho phép các bên cầm cố BĐS, tuy nhiên Luật Đất đai lại không quy định về khả năng cầm cố QSDĐ. Như vậy, giữa BLDS năm 2015 và Luật Đất đai không thống nhất. Việc Tòa án không chấp nhận tính hợp pháp của giao dịch cầm cố QSDĐ có thể được giải thích như sau: Không có khái niệm cầm cố QSDĐ. Chỉ có duy nhất một cụm từ đúng là thế chấp QSDĐ.
Ở đây, theo quy định thì người sử dụng đất chỉ có quyền thế chấp QSDĐ, nên không có quyền cầm cố QSDĐ. Từ đó, có thể hiểu trường hợp này, tuy BLDS không hạn chế nhưng Luật Đất đại đã hạn chế thì phải tuân theo quy định hạn chế của Luật Đất đai, theo đó QSDD chỉ có thể là đối tượng của thế chấp tài sản và không được phép cầm cố.
Giải pháp hoàn thiện quy định pháp luật về xử lý tài sản trong giao dịch cầm cố tài sản
Nhằm hoàn thiện quy định pháp luật về xử lý tài sản trong giao dịch cầm cố tài sản, nhóm tác giả đề xuất một số giải pháp như sau:
Thứ nhất, BLDS năm 2015 cần quy định cụ thể quyền “lưu giữ tài sản cầm cố” của bên nhận cầm cố. Dưới góc độ luật thực định thì BLDS năm 2015 và Nghị định số 21/2021/NĐ-CP quy định thi hành BLDS về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ quy định: “Bên bảo đảm hoặc người đang giữ tài sản bảo đảm có nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm cho bên nhận bảo đảm theo thông báo về xử lý tài sản bảo đảm. Trường hợp bên bảo đảm hoặc người đang giữ tài sản không giao tài sản bảo đảm thì bên nhận bảo đảm có quyền xem xét, kiểm tra thực tế tài sản bảo đảm để ngăn chặn việc tẩu tán tài sản bảo đảm, để xử lý hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết”.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, trong lĩnh vực cầm cố thì người nhận cầm cố có quyền đặc biệt đối với tài sản cầm cố. Quyền này cho phép người nhận cầm cố giữ thực tại tài sản cầm cố cho đến khi được trả hết nợ. Người nhận cầm cố có thể cấm việc kê biên tài sản cho mình giữ, dù là kê biên theo yêu cầu của chủ nợ có đặc quyền đối với tài sản. Trong trường hợp người có nghĩa vụ ở trong tình trạng thanh toán tư pháp thì người nhận cầm cố phải để cho người chịu trách nhiệm kê biên và bán tài sản cầm cố, nhưng khi đó người chịu trách nhiệm phải trả nợ được bảo đảm cho người nhận cầm cố nếu không thì người nhận cầm cố được thực hiện quyền lưu giữ của mình đối với số tiền bán tài sản.
Thứ hai, quy định về cầm cố quyền sử dụng đất trong Luật Đất đai năm 2013. Trong giao dịch dân sự, việc người sử dụng đất sử dụng chính QSDĐ để cầm cố tương đối phổ biến và được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như “cố đất” hoặc “thục đất”... Tuy nhiên, Luật Đất đai năm 2013 không quy định về quyền cầm cố QSDĐ của người sử dụng đất. Do đó, đã kéo theo thực tiễn xét xử, đa số các Tòa án tuyên bố giao dịch cầm cố QSDĐ vô hiệu với lý do không được Luật đất đai quy định.
Theo nhóm tác giả, Luật Đất đai năm 2013 cần ghi nhận giao dịch cầm cố QSDĐ trong Luật với các lý do cơ bản sau:
Một là, nghiên cứu cho thấy giao dịch cầm cố QSDĐ được thực hiện khá phổ biến trong giao lưu dân sự ở Việt Nam. Đây là thực tế tồn tại lâu đời và được duy trì đến nay. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam lại điều chỉnh rất khác nhau về vấn đề này qua các thời kỳ: “Trước năm 1980, người sử dụng đất được ccầm cố QSDĐ và các giao dịch này được pháp luật ghi nhận. Từ năm 1980 cho đến khi có BLDS năm 2005, pháp luật đã theo hướng không chấp nhận giao dịch cầm cố QSDĐ. Từ năm 2005 đến nay, Luật Đất đai năm 2013 quy định không rõ về khả năng cầm cố QSDĐ; tuy nhiên, BLDS năm 2005 và 2015 cho phép cầm cố BĐS trong khi đó QSDĐ là BĐS”. Sự không rõ ràng trong pháp luật đã tạo ra sự không an toàn pháp lý cho người sử dụng đất khi tham gia thực hiện các giao dịch về QSDĐ. Nếu Luật Đất đai năm 2013 theo hướng “cấm” giao dịch cầm cố QSDĐ thì hướng giải quyết này là hoàn toàn không hợp lý, logic và phù hợp với thực tiễn, từ đó tạo mâu thuẫn quy định giữa BLDS năm 2015 và Luật Đất đai năm 2013.
Hai là, cho phép người sử dụng đất được thực hiện giao dịch cầm cố QSDĐ là phù hợp với thông lệ quốc tế. Ví dụ: Năm 2006 và tiếp theo năm 2009, Pháp đã ghi nhận và quy định về khả năng cầm cố BĐS tại Điều 2387 BLDS. Theo đó, trên cơ sở quy định những BĐS được sử dụng cho thế chấp cũng có thể được dùng cho cầm cố BĐS. Nghĩa là bất kỳ BĐS nào cũng có thể được dùng để cầm cố.
TG: TS. Đoàn Thị Phương Diệp - Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh; ThS. Trịnh Tuấn Anh - Trung tâm Trọng tài Thương mại phía Nam (STAC), ThS.,NCS. Nguyễn Viết Tú - Trường Đại học Văn Hiến.
Tài liệu tham khảo:
1.Trịnh Tuấn Anh (2015), “Hướng hoàn thiện khái niệm tài sản khi sửa đổi bộ luật Dân sự năm 2005”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, Số 10(290);
2. Báo Đồng Khởi (2018), “Cầm cố đất đai dưới dạng thục đất”, https://baodongkhoi.vn/cam-co-dat-dai-duoi-dang-thuc-dat--15072018-a51283.html;
3. Đoàn Thị Phương Diệp (2017), “Cầm giữ tài sản, bảo lưu quyền sở hữu theo Bộ luật Dân sự năm 2015”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 17/2017;
4. Nguyễn Ngọc Điện (2001), “Bình luận khoa học về đảm bảo thực hiện nghĩa vụ trong luật dân sự Việt Nam”, NXB Trẻ;
5. Nguyễn Ngọc Điện (2012), “Quy định về xử lý tài sản bảo đảm trong nghị định số 163/2006/NĐ-CP và những vấn đề vần giải quyết tại thông tin liên tịch hướng dẫn xử lý tài sản bảo đảm”, Tạp chí Khoa học pháp lý, Số 04 (71);
6. Đỗ Văn Đại (2012), “Luật nghĩa vụ dân sự và bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự : Bản án và bình luận án”, NXB Chính trị Quốc gia;
7. Đỗ Văn Đại (2013), “Giao dịch về quyền sử dụng đất: Những bất cập và hướng sửa đổi Luật Đất đai”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp;
8. Đỗ Văn Đại (2012), “Giao dịch và giải quyết tranh chấp giao dịch về quyền sử dụng đất”, NXB Lao động;
9. Marie-Noëlle JOBARD- BACHELLIER, Manuella BOURASSIN, Vincent BREMOND, « Droit des sûreté », Sirey, 2007, số 1694 ;
10. Planiol & Ripert, Traite pratique de droit civil fransais, LGDJ, Q.3, 1956, Becqué. Vol.86.