Thứ sáu, 22/11/2024
   

Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý kiểm soát, kiểm toán nội bộ tại các Quỹ tín dụng nhân dân

Ngày 04/11/2022, tại Học viện Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức Hội thảo khoa học “Hoàn thiện khung pháp lý kiểm soát và kiểm toán nội bộ nhằm đảm bảo an toàn tại các Quỹ tín dụng nhân dân” dưới sự chủ trì của Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú.

Ngày 04/11/2022, tại Học viện Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức Hội thảo khoa học “Hoàn thiện khung pháp lý kiểm soát và kiểm toán nội bộ nhằm đảm bảo an toàn tại các Quỹ tín dụng nhân dân” dưới sự chủ trì của Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Trần Đăng Phi, Phó Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, NHNN cho biết, kể từ khi được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 1993, các QTDND đã không ngừng lớn mạnh về quy mô và có những đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đến ngày 30/9/2022, trên cả nước có 1.179 QTDND, với quy mô tổng tài sản hơn 166,7 nghìn tỷ đồng, chiếm hơn 1% tổng tài sản hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD). Hoạt động của QTDND đã góp phần nâng cao đời sống của các thành viên và đặc biệt là đóng góp ngày càng quan trọng cho công cuộc xóa đói, giảm nghèo tại khu vực nông nghiệp, nông thôn. Bên cạnh những thành tích đạt được, vẫn còn tình trạng một số QTDND vi phạm quy định pháp luật, hoạt động tiềm ẩn nhiều rủi ro gây ảnh hưởng tới quyền lợi của người gửi tiền cũng như đời sống xã hội tại địa phương.

Để nâng cao chất lượng, an toàn tổ chức và hoạt động của hệ thống QTDND, NHNN đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách và có những biện pháp chấn chỉnh hoạt động, tăng cường công tác thanh tra, giám sát đối với các QTDND, trong đó đặc biệt nhấn mạnh vai trò của việc kiểm soát và kiểm toán nội bộ. Trong thời gian qua, hệ thống kiểm soát nội bộ của các QTDND được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 44/2011/TT-NHNN ngày 29/12/2011 quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ và kiểm toán nội bộ của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (Thông tư số 44), về cơ bản đã tạo một hành lang pháp lý để các QTDND hoạt động an toàn, hiệu quả. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, các quy định về việc kiểm soát và kiểm toán nội bộ tại Thông tư số 44 đối với TCTD có những hạn chế, bất cập nhất định, trong khi các ngân hàng thương mại và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã có Thông tư số 13/2018/TT-NHNN quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ của ngân hàng thương mại và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, còn các QTDND vẫn đang thực hiện theo quy định tại Thông tư số 44 mà những quy định tại Thông tư này có một số nội dung không còn phù hợp với thực tế hoạt động của các QTDND.

Từ thực tế nêu trên, để nâng cao hiệu quả kiểm soát, kiểm toán nội bộ đối với các QTDND, giảm thiểu những rủi ro xảy ra đối với các QTDND do hệ thống kiểm soát, kiểm toán nội bộ còn bất cập, NHNN thấy rằng, việc sửa đổi Thông tư số 44 và một số quy định liên quan là yêu cầu cấp thiết để các QTDND hoạt động an toàn, hiệu quả, phù hợp với tình hình mới, điều kiện mới.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Hợp tác, Chủ tịch Hiệp hội QTDND Việt Nam khẳng định: Hệ thống QTDND ngày càng được củng cố và phát triển, trong đó có sự hỗ trợ của Ngân hàng Hợp tác và sự chỉ đạo sát sao của NHNN. Các quy trình ngày càng được hoàn thiện, trong đó quy trình kiểm soát, kiểm toán nội bộ được các QTDND xây dựng và thực hiện theo đúng hướng dẫn của NHNN trên cơ sở Thông tư số 44. Các QTDND đã chú trọng việc bồi dưỡng nguồn nhân lực về kiểm soát, kiểm toán nội bộ, chọn lọc cán bộ cử đi đào tạo, bồi dưỡng. Tuy nhiên, vẫn còn một số QTDND chưa bám sát mục tiêu hoạt động, có biểu hiện chạy theo lợi nhuận, các quy chuẩn về kiểm soát, kiểm toán nội bộ chưa được coi trọng. Quan điểm, cách thức điều hành, chỉ đạo bộ máy lãnh đaọ, tính trung thực, giá trị đạo đức, cơ cấu tổ chức bộ máy, quy chế, quy trình, thủ tục, quan điểm của các QTDND về tầm quan trọng của kiểm soát, kiểm toán nội bộ vẫn còn khác nhau, có QTDND chưa tách biệtđược các mảng nghiệp vụ này. Cán bộ làm chuyên môn kiểm soát, kiểm toán nội bộ đồng thời làm nhiều vị trí khác.

Ông Nguyễn Quốc Cường nhấn mạnh, ba trụ cột để một tổ chức phát triển bền vững là nguồn tài chính thông suốt, nguồn nhân lực chất lượng cao và hệ thống quản trị điều hành, kiểm soát, kiểm toán nội bộ. Trong đó kiểm soát, kiểm toán nội bộ là bộ phận quan trọng của công tác quản trị điều hành, quyết định sự thành công của tổ chức. Vì vậy, để hệ thống QTDND ngày càng phát triển ổn định, bên cạnh việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường sự hiểu biết về pháp luật của QTDND thì rất cần thiết thiết lập hệ thống kiểm soát, kiểm toán nội bộ hiệu quả nhằm quản lý, kiểm soát về rủi ro, nâng cao đạo đức nghề nghiệp và an toàn hoạt động của các QTDND. Đây cũng là một nhiệm vụ hết sức quan trọng trong quá trình tái cơ cấu hệ thống QTDND.

Theo ông Trịnh Công Văn, Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Sơn La cho rằng, nhân sự tại QTDND còn nhiều hạn chế về năng lực. Các chính sách, cơ chế, quy trình nội bộ của các QTDND còn chung chung, chưa được xây dựng đầy đủ, chưa đảm bảo theo đúng trình tự của pháp luật như quy trình về giảm lãi, xóa nợ, quy trình cho vay, giải ngân tiền vay. Ngoài ra, các QTDND không có chiến lược hoạt động nên còn lúng túng trong triển khai, không đánh giá được quỹ đang hoạt động đúng hướng hay chệch hướng. Đồng thời, nhận thức về vai trò và sự cần thiết của kiểm soát, kiểm toán nội bộ trong cán bộ, nhân viên của quỹ tín dụng chưa được coi trọng dẫn đến mất đoàn kết nội bộ, xảy ra tình trạng kiện cáo trong nội bộ quỹ. Vì vậy, cần xây dựng khung hệ thống, tiến tới xây dựng KPI, phối hợp với Hiệp hội QTDND Việt Nam cho cán bộ về công tác kiểm soát, kiểm toán nội bộ, do đó, các quỹ hoạt động an toàn, hiệu quả. Từ thực tiễn tại quản lý các QTDND trên địa bàn, ông Trịnh Công Văn kiến nghị: (i) Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng tham mưu Thống đốc NHNN sớm ban hành Thông tư thay thế Thông tư số 44. Tuy nhiên, cần khảo sát thật kỹ, xem xét văn hóa từng vùng miền, xin ý kiến tham gia của các chuyên gia NHNN các tỉnh, thành phố trước khi ban hành; (ii) Hiệp hội QTDND, Ngân hàng Hợp tác xã hằng năm tổ chức lớp tập huấn về về kiểm soát, kiểm toán nội bộ, xây dựng những quy định, quy chế, văn bản mẫu liên quan đến hoạt động về kiểm soát, kiểm toán nội bộ để hướng dẫn tập huấn cho các QTDND.

Theo TS. Nguyễn Thị Kim Thanh, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội QTDND, hoạt động kiểm toán nội bộ của các QTDND hiện nay là rất yếu, cán bộ kiểm toán nằm trong cơ cấu của Ban kiểm soát, nhưng hoạt động này hầu như không diễn ra, nếu có chỉ mang tính hình thức, không phát huy được hiệu quả. Vì vậy, việc quy định kiểm toán nội bộ tại QTDND cũng cần phải có nghiên cứu thêm, nên quy định như thế nào để phát huy thực sự vai trò của kiểm toán. TS. Nguyễn Thị Kim Thanh đề xuất đối với những quỹ nhỏ quy mô dưới 100 tỷ đồng tổng tài sản, không cần có kiểm toán nội bộ mà phát huy vai trò của kiểm soát nội bộ ở từng cấu phần. Đối với những quỹ còn lại, cần quy định về trình độ, năng lực của cán bộ làm công tác kiểm toán tại quỹ, kèm theo đó là mức lương để thu hút được nhân tài và thẩm quyền báo cáo của cán bộ kiểm toán, phải có trách nhiệm báo cáo trực tiếp với cơ quan quản lý một cách độc lập, sau khi đã có đề xuất, kiến nghị với lãnh đạo quỹ về những phát hiện sai sót trong quá trình thực hiện kiểm toán…

TS. Nguyễn Thị Minh Phương, Khoa Ngân hàng đã chỉ ra những khoảng cách giữa Thông tư số 44 và các thông lệ quốc tế như: Thông tư số 44 chưa nêu bật được tầm quan trọng của hệ thống kiểm soát nội bộ, chưa đề cao môi trường kiểm soát, chưa đề cập đến văn hóa kiểm soát thể hiện sự nhận thức thống nhất từ các lãnh đạo cấp cao của đơn vị như Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Ban kiểm soát, Tổng giám đốc đến các cá nhân, các bộ phận; không làm rõ vấn đề quản lý, đánh giá rủi ro trong khi đó, thông lệ quốc tế quy định về mặt nguyên tắc, phải nhận diện rủi ro, đánh giá rủi ro, xác định và phân tích những thay đổi có thể ảnh hưởng đến hệ thống kiểm soát nội bộ; không quy định về cơ chế truyền thông dẫn đến khả năng hệ thống chính sách, quy trình… của QTDND sau khi được xây dựng sẽ không được phổ biến đến toàn thể các bộ phận, các cán bộ, nhân viên dẫn đến việc không thực hiện theo quy định nội bộ, vi phạm các quy định nội bộ… Bên cạnh đó, căn cứ vào thông lệ Hiệp hội Kiểm toán nội bộ Hoa Kỳ (IIA) xây dựng, Thông tư số 44 chưa quy định 03 tuyến trong hệ thống kiểm soát nội bộ. Trên cơ sở tham khảo các thông lệ quốc tế và rà soát lại Thông tư số 44 căn cứ vào đặc điểm của QTDND, TS. Nguyễn Thị Minh Phương kiến nghị cần thiết phải thay đổi Thông tư số 44; tập trung làm rõ 5 cấu phần của hệ thống kiểm soát nội bộ gồm: Môi trường kiểm soát, đánh giá rủi ro, hoạt động kiểm soát, thông tin và truyền thông, hoạt động giám sát; làm rõ vai trò, nhiệm vụ của kiểm toán nội bộ; rà soát lại vai trò, vị trí nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ phận.

Theo ông Vũ Đình Hoành, Chủ tịch Hội đồng quản trị QTDND thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương cho biết, việc tổ chức kiểm toán nội bộ trong các QTDND vẫn chưa được coi trọng, còn mang tính hình thức, chưa đúng với bản chất, chức năng của kiểm toán nội bộ do quan điểm, nhận thức của một số lãnh đạo về vai trò, tác dụng của kiểm toán nội bộ trong hoạt động kiểm soát chưa được coi trọng, còn có tâm lý của người lãnh đạo không muốn có một bộ phận kiểm tra, đánh giá hoạt động do chính mình là người quản lý, điều hành; tính độc lập của kiểm toán viên nội bộ chưa được xác lập và đảm bảo, bởi hầu hết năng lực, trình độ của kiểm toán viên còn hạn chế, làm việc còn mang tính hình thức, chưa đảm bảo đúng với chức năng, nhiệm vụ của kiểm toán nội bộ. Kiểm toán nội bộ chưa thực sự trở thành công cụ quản lý có hiệu quả, chưa thực hiện tốt việc ngăn chặn, phát hiện và xử lý các hành vi tiêu cực, gian lận, sai sót trong quản lý và điều hành các hoạt động của QTDND. Để các QTDND có cơ sở xây dựngmột hệ thống kiểm soát, kiểm toán nội bộ đầy đủ, hiệu lực và hiệu quả, ông Vũ Đình Hoành đề xuất NHNN nên ban hành riêng Thông tư “quy định về hoạt động kiểm soát nội bộ và kiểm toán nội bộ đối với quỹ tín dụng nhân dân” thay thế Thông tư số 44; nên quy định Bộ phận kiểm toán nằm trong cấu phần, nhiệm vụ bắt buộc của Ban kiểm soát, các nhân viên làm công tác kiểm toán nội bộ phải là thành viên của Ban kiểm soát và do Trưởng Ban kiểm soát lựa chọn ra quyết định bổ nhiệm và điều hành; đồng thời Trưởng Ban kiểm soát phải là người chịu trách nhiệm về chất lượng của hoạt động kiểm soát và kiểm toán nội bộ, thường xuyên đánh giá và báo cáo về hoạt động kiểm soát nội bộ và kiểm toán nội bộ với Hội đồng quản trị và NHNN theo quy định.

Ông Claude Lafond, Giám đốc Dự án STEP đưa ra một số kiến nghị như sau:

Đối với NHNN: (i) Cần hoàn thiện bộ tiêu chuẩn về các yêu cầu cơ bản đối với mô hình QTDND; yêu cầu các QTDND nhỏ và/hoặc yếu kém không thể đáp ứng tiêu chuẩn tối thiểu hợp nhất với các QTDND lớn hơn và/hoặc mạnh hơn; (ii) Phân công rõ ràng quyền giám sát, quyền hạn và nhiệm vụ để Ngân hàng Hợp tác  được chính thức trao quyền giám sát, báo cáo và theo dõi các rủi ro; tăng cường tính minh bạch và hiệu quả của các cơ chế bảo vệ tính khách quan và độc lập của Ban kiểm soát và kiểm toán nội bộ đối với Hội đồng quản trị và Ban lãnh đạo; (iii) Tích hợp kiểm soát nội bộ như một hợp phần thường xuyên, hợp lý trong việc thiết kế, triển khai và thực hiện toàn bộ các quy trình hoạt động của QTDND; sử dụng cách tiếp cận và phương pháp luận chuẩn hóa chức năng của kiểm toán nội bộ; (iv) Có lộ trình chuyển đổi từng bước, khả thi; xác định các bộ tiêu chuẩn  khác nhau dựa trên quy mô, nguồn lực và hiệu quả hoạt động; có chiến lược liên tục xây dựng năng lực, ưu tiên đào tạo chuyên môn hơn đào tạolý thuyết

Đối với Ngân hàng Hợp tác xã: Cần phát huy hơn nữa chức năng giám sát rủi ro hệ thống QTDND và vai trò tư vấn: Phát triển phương pháp giám sát rủi ro toàn diện dựa trên các mô hình và công cụ phân tích dữ liệu; rà soát và điều chỉnh phân công nhiệm vụ nhằm chuẩn bị đầy đủ nguồn lực để có thể triển khai giám sát rủi ro liên tục và đạt hiệu quả cao với những trách nhiệm mới được NHNN giao phó; xác định các biện pháp khắc phục, theo dõi và tư vấn trong triển khai thực hiện cho QTDND; báo cáo định kỳ cho chi nhánh và Hội sở NHNN về tình hình rủi ro hiện tại của hệ thống QTDND dựa trên một nhóm các chỉ số và lĩnh vực xác định.

Đối với Hiệp hội QTDND Việt Nam: Cần đẩy mạnh đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật cho các QTDND như cập nhật các quy định pháp lý và hướng dẫn áp dụng; chuẩn hóa các quy trình hoạt động thông qua các hội thảo chia sẻ kinh nghiệm và phương pháp; rủi ro cơ cấu toàn hệ thống QTDND và hướng giải quyết; hỗ trợ kỹ thuật đóng vai trò là cầu nối giữa các thông lệ do NHNN khuyến nghị và việc triển khai thực hiện của các QTDND.

Trao đổi tại Hội thảo, ông Trương Quốc Thụ, Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Lâm Đồng cho rằng, để tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống kiểm soát, kiểm toán nội bộ QTDND thì:

(i) Về phía các QTDND: Cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống các quy trình, quy định về kiểm soát nội bộ; từng bước tách bạch hoạt động giữa chức năng giám sát của Hội đồng quản trị với chức năng điều hành kinh doanh của Ban Điều hành, thành viên Hội đồng quản trị không nên trực tiếp tham gia vào phê duyệt các quyết định cho vay; tăng cường chú trọng việc đào tạo, nâng cao trình độ nghiệp vụ và đạo đức nhân viên.

Hội đồng quản trị phải tiếp tục nghiên cứu, xây dựng hoàn thiện quy trình kiểm toán nội bộ, từng bước xây dựng và ban hành bộ tiêu chí đánh giá rủi ro đảm bảo kiểm soát được các rủi ro trọng yếu trong hoạt động của QTDND. Xây dựng cơ chế, chế tài xử lý đối với các vi phạm phát hiện qua kiểm toán nội bộ, bố trí nhân sự kiểm toán nội bộ đảm bảo đủ năng lực, trình độ, đạo đức, được đào tạo bài bản về nghiệp vụ kiểm toán, thường xuyên tạo điều kiện cho kiểm toán nội bộ tham gia các lớp đào tạo nâng cao trình độ.

(ii) Về phía NHNN: Cần tiếp tục nghiên cứu, chỉnh sửa, bổ sung Thông tư số 44 theo hướng quy định chi tiết hơn các loại rủi ro trọng yếu QTDND cần kiểm soát; các tuyến bảo vệ QTDND cần phải xây dựng đảm bảo kiểm soát, phòng ngừa, phát hiện, xử lý kịp thời các rủi ro trong hoạt động; nhân sự kiểm toán nội bộ phải theo hướng độc lập, khách quan không xung đột quyền lợi, lợi ích. Nghiên cứu xây dựng và ban hành cẩm nang về nghiệp vụ kiểm toán nội bộ làm tiêu chuẩn cho các kiểm toán nội bộ QTDND

(iii) Về phía Hiệp hội QTDND: Tăng cường công tác đào tạo và đào tạo lại, thường xuyên mở các lớp đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm soát, kiểm toán bên cạnh các lớp đào tạo, bồi dưỡng các nghiệp vụ QTDND đối với nhân sự kiểm soát, kiểm toán của các QTDND; làm đầu mối trong việc hỗ trợ và tạo sự đồng thuận của các QTDND trong việc làm việc với các bên cung cấp giải pháp công nghệ thông tin nhằm giúp các QTDND nâng cấp, hoàn thiện và triển khai thực hiện hệ thống công nghệ thông tin theo hướng đảm bảo thực hiện được các biện pháp bảo vệ người gửi tiền cũng như minh bạch các thông tin tiền gửi, tiền vay.

Từ những hạn chế của Ban kiểm soát và kiểm toán nội bộ tại QTDND, ông Phan Đức Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị QTDND Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội đề xuất một số giải pháp nâng cao công tác kiểm soát, kiểm toán nội bộ như: Cần nâng cao trình độ chuyên môn, xây dựng kế hoạch làm việc, thiết kế các công cụ kiểm tra, kiểm soát từng bộ phận nghiệp vụ của quỹ; lãnh đạo các quỹ cần nhìn nhận đúng vai trò, chức năng của Ban kiểm soát, đồng thời, cần xây dựng kế hoạch phát triển quỹ trong dài hạn và ngắn hạn, xây dựng quy trình làm việc của từng bộ phận chuyên môn, có quy trình kiểm soát nội bộ khoa học; đảm bảo tính độc lập của kiểm toán nội bộ khi thực hiện nhiệm vụ.

Đồng thuận với các quan điểm của các chuyên gia, bà Vũ Ngọc Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, NHNN khẳng định, việc ban hành thông tư thay thế Thông tư số 44 là rất cần thiết hiện nay và việc xây dựng quy trình riêng về kiểm soát, kiểm toán nội bộ cho các QTDND còn phải cần thời gian vì quy định này hiện đang được điều chỉnh tại Điều 40 và 93 Luật Các TCTD. Tuy nhiên, bà Lan cho rằng, sai sót của các QTDND vừa qua là do chưa làm tốt kiểm soát, kiểm toán nội bộ, vì vậy, để sửa chữa trước những sai sót này, bên cạnh việc hoàn thiện chính sách, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng nên nghiên cứu xây dựng cẩm nang/sổ tay hướng dẫn kịp thời các QTDND trong việc xây dựng quy trình kiểm soát, kiểm toán nội bộ để khắc phục những tồn tại vừa qua.

Theo ông Vũ Ngọc Khuynh, Trưởng Ban Kiểm soát Ngân hàng Hợp tác cho rằng, cần nghiên cứu, hoàn thiện khung pháp lý về kiểm tra, kiểm soát QTDND nói chung và Ngân hàng Hợp tác nói riêng. Theo ông Vũ Ngọc Khuynh, việc đổ vỡ các QTDND thời gian vừa qua chủ yếu là rủi ro đạo đức. Tuy nhiên, các nguyên tắc của hợp tác xã đã bị bỏ qua bởi người quản trị, điều hành trong hoạt động QTDND đó là vấn đề thành viên. Do đó, Trưởng Ban Kiểm soát Ngân hàng Hợp tác kiến nghị thể chế hóa quyền kiểm soát thành viên QTDND để các thành viên biết vai trò của mình, tham gia giám sát hiệu quả hoạt động QTDND.

Các đại biểu đã tập trung thảo luận, mang tới nhiều góc nhìn đa chiều, từ việc trao đổi kinh nghiệm của những QTDND có quy mô hoạt động ngày càng phát triển bền vững và những QTDND đang gặp khó khăn trong quá trình hoạt động, đến những nhìn nhận đánh giá từ phía các cơ quan quản lý, từ góc độ của Ngân hàng Hợp tác, Bảo hiểm tiền gửi, các nhà khoa học và các chuyên gia trong, ngoài nước, qua đó, có cái nhìn đầy đủ hơn về thực trạng hoạt động kiểm soát, kiểm toán nội bộ của các QTDND, đưa ra được những giải pháp phù hợp cho việc chỉnh sửa, hoàn thiện khung pháp lý về kiểm soát và kiểm toán nội bộ của các QTDND, góp phần thiết thực vào quá trình tái cơ cấu QTDND.

Phát biểu tổng kết Hội thảo, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh việc sửa đổi Thông tư số 44 là cần thiết và cấp bách bởi một trong những nguyên nhân chính gây nguy cơ rủi ro, đổ vỡ hệ thống QTDND trong thời gian qua cũng như hoạt động của một số QTDND không hiệu quả, chệch hướng tôn chỉ mục đích là do hoạt động kiểm soát và kiểm toán nội bộ của một số QTDND rất yếu kém. Vì vậy, Phó Thống đốc Thường trực NHNN đưa ra một số đề nghị sau:

Thứ nhất, cần thiết chấn chỉnh và nâng cao vai trò công tác kiểm soát, kiểm toán nội bộ của các QTDND, làm tốt công tác kiểm soát, kiểm toán nội bộ ngay từ trong nội tại của các QTDND sẽ hạn chế rủi ro, ngăn chặn được các tiêu cực, đảm bảo việc tuân thủ các quy định pháp luật.

Thứ hai, phải phát huy được vai trò của thành viên trong việc giám sát hoạt động của QTDND; phải xây dựng hành lang pháp lý cho hoạt động của QTDND đáp ứng mô hình hiện tại. Để nâng cao năng lực, nâng cao vai trò hiệu quả của công tác kiểm soát, kiểm toán nội bộ và sửa đổi Thông tư số 44 thì phải tiếp tục đảm bảo ổn định, an toàn, lành mạnh của các QTDND. Đồng thời, củng cố từng bước để các QTDND phát triển tại chỗ trên cơ sở đảm bảo ổn định, an toàn.

Thứ ba, các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan ban hành chính sách, các chuyên gia, Ngân hàng Hợp tác... cần đồng thuận, nhận thức rõ về vai trò, chức năng và sự cần thiết của bộ phận kiểm soát, kiểm toán nội bộ, từ đó thiết kế xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý kiểm soát, kiểm toán nội bộ nhằm đảo bảo an toàn hoạt động tại các QTDND. Nhận thức này phải lan tỏa xuống từng QTDND để khi triển khai thực hiện, thậm chí chi phí cao hơn chi phí hiện tại QTDND vẫn phải tuân thủ để đảm bảo an toàn hoạt động.

Thứ tư, nhanh chóng thiết lập, củng cố, chấn chỉnh lại hệ thống kiểm soát, kiểm toán nội bộ, đảm bảo được yêu cầu an toàn của từng quỹ; phân cấp yêu cầu kiểm soát, kiểm toán nội bộ theo từng cấp quy mô; các đơn vị quản lý phải nghiên cứu một cơ chế  tổ chức vận hành, chức năng nhiệm vụ của các bộ phận kiểm soát, kiểm toán nội bộ với chức năng và thẩm quyền rõ ràng để Hội đồng quản trị  không thể làm nhược hóa chức năng của kiểm soát, kiểm toán nội bộ. Đồng thời, khi thanh kiểm tra phải thanh kiểm tra cả về hoạt động kiểm soát, kiểm toán nội bộ.

Thứ năm, cần nghiên cứu sớm sửa Thông tư số 44 với các quy định chung của các TCTD trong đó có QTDND. Trường hợp cần thiết có thể xây dựng một thông tư riêng cho hệ thống QTDND để hệ thống hoạt động tốt hơn, minh bạch, an toàn hơn.

Thứ sáu, cần tăng cường phối hợp giữa các NHNN chi nhánh, Ngân hàng Hợp tác; Hiệp hội QTDND Việt Nam và Học viện Ngân hàng trong việc đào tạo, bồi dưỡng về kiểm soát, kiểm toán nội bộ cho các QTDND. Giám đốc NHNN các tỉnh, thành phố yêu cầu các QTDND tham gia các lớp đào tạo về kiểm soát, kiểm toán nội bộ .

Thứ bảy, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, NHNN; NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố; Ngân hàng Hợp tác; Bảo hiểm tiền gửi cần tăng cường thêm trách nhiệm, vai trò nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát, kiểm toán nội bộ của các QTDND trong thời gian tới; đánh giá, nhìn nhận đầy đủ về vai trò, trách nhiệm của các bộ phận kiểm soát, kiểm toán nội bộ trong QTDND. Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng cần khai thác bộ phận kiểm soát, kiểm toán nội bộ để nắm bắt thông tin cũng như tăng cường việc giám sát các QTDND, đồng thời để bộ phận kiểm soát, kiểm toán nội bộ thấy công việc của họ không chỉ là nhiệm vụ được QTDND trả lương mà còn chịu sự giám sát khác từ NHNN để họ tăng cường hoạt động, tránh bị vô hiệu hóa.

Thứ tám, cần nghiên cứu xây dựng bộ phận kiểm toán nội bộ độc lập hỗ trợ các QTDND thay vì thực hiện kiểm toán độc lập hằng năm; nghiên cứu có nên đặt bộ phận kiểm toán nội bộ độc lập trong Ngân hàng Hợp tác hay không. Nếu đặt trong Ngân hàng Hợp tác sẽ trang bị thêm một công cụ cho Ngân hàng Hợp tác trong việc tăng cường vai trò đầu mối hỗ trợ hệ thống. Bên cạnh đó, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, NHNN cũng có thêm một kênh để nắm bắt thông tin, tăng cường giám sát.

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay