Thứ ba, 21/01/2025
   

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị Thường niên năm 2024

Ngày 10/5, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức Hội nghị Thường niên lần thứ 4, nhiệm kỳ VII năm 2024. Hội nghị vinh dự có sự tham sự và chỉ đạo của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng.

Tham dự hội nghị, về phía Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam có: ông Phạm Tiến Dũng - Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Phó Thống đốc NHNN Việt Nam; bà Lê Thị Mai Hương, Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ Cơ quan Ngân hàng Trung ương; đại diện các vụ/cục chức năng.

Về phía Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam có ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng Hiệp hội; ông Phạm Quang Tùng, Phó Chủ tịch Hội đồng Hiệp hội; ông Trần Văn Tần, Phó Chủ tịch Hội đồng Hiệp hội; ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch Hội đồng Hiệp hội kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội; các thành viên Hội đồng Hiệp hội; cùng đại diện lãnh đạo các tổ chức hội viên (TCHV) và các CBNV Cơ quan Thường trực.

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng thay mặt Ban cán sự Đảng, Ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực và kết quả Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã đạt được trong năm 2023. Hiệp hội đã thực hiện tốt việc kêu gọi, vận động các tổ chức hội viên thực hiện nghiêm đồng thuận cơ chế chính sách theo chủ trương, chính sách của Nhà nước.

Thực hiện nhiệm vụ khá toàn diện, đóng góp tích cực vào thành công chung của ngành Ngân hàng trên tất cả các mặt công tác

Phát biểu Hội nghị, Chủ tịch Hội đồng Hiệp hội Phạm Đức Ấn cho biết, thực hiện quy định tại Điều lệ Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Nghị quyết của Hội đồng Hiệp hội, hôm nay, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức Hội nghị Thường niên lần thứ 4, nhiệm kỳ VII để tổng kết, đánh giá kết quả qua một năm triển khai thực hiện nhiệm vụ, đồng thời cùng nhau xây dựng các nhiệm vụ cần thực hiện trong năm 2024.

"Năm 2023, là năm đặc biệt khó khăn, thách thức đối với điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ; Ngân hàng Nhà nước với vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực tiền tệ cũng chịu nhiều áp lực gia tăng, cùng lúc phải xử lý nhiều vấn đề phức tạp; trong bối cảnh đó, Hiệp hội Ngân hàng cũng đối mặt với nhiều thời cơ và thách thức đối với hoạt động của Hiệp hội Ngân hàng", Chủ tịch Hội đồng Hiệp hội Phạm Đức Ấn nhấn mạnh.

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam
Chủ tịch Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Phạm Đức Ấn phát biểu khai mạc hội nghị.

Chủ tịch Hội đồng Hiệp hội khẳng định, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, nhiệm vụ của ngành và Hiệp hội, Hiệp hội đã tích cực tổ chức triển khai các Nghị quyết, kế hoạch, chương trình công tác đề ra, thực hiện một cách khá toàn diện và đã đóng góp tích cực vào thành công chung của ngành trên tất cả các mặt công tác.

"Có thể nói, thông qua các hoạt động của Hiệp hội thời gian qua đã làm cho vai trò vị thế của Hiệp hội Ngân hàng ngày càng nâng cao, nhận được sự tín nhiệm và ủng hộ của các cấp, các ngành và các tổ chức hội viên. Tuy nhiên, bên cạnh nhưng việc đã làm được, Hiệp hội cũng nhận thức được những vấn đề cần cải thiện để thực hiện ngày càng tốt hơn vai trò, đáp ứng yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, Bộ Nội vụ, sự kỳ vọng của các Tổ chức Hội viên trong thời gian tới", ông Phạm Đức Ấn chia sẻ.

Điểm lại những nổi bật về kết quả hoạt động năm 2023, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Nguyễn Quốc Hùng khẳng định, với ý chí quyết tâm cao, tích cực triển khai thực hiện các nghị quyết, kế hoạch, chương trình công tác; đồng thời nỗ lực, xử lý kịp thời những công việc phát sinh, Hiệp hội Ngân hàng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ một cách toàn diện, góp phần tích cực vào kết quả chung của toàn ngành Ngân hàng, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế toàn cầu.

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Nguyễn Quốc Hùng báo cáo Hội nghị

Trong năm qua, Hiệp hội Ngân hàng đã hết sức tích cực, trách nhiệm trong việc tham gia xây dựng cơ chế, chính sách, góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động ngân hàng.

Cụ thể, Hiệp hội đã phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với các ban, bộ góp ý kiến đối với 13 dự thảo Luật, 4 dự thảo Nghị định, 15 dự thảo Thông tư và 9 văn bản khác liên quan đến hoạt động ngân hàng. Đây là các dự thảo văn bản vô cùng quan trọng điều chỉnh các hoạt động của tổ chức tín dụng (TCTD).

Các văn bản góp ý nổi bật trong năm 2023 như: Luật Giao dịch điện tử (đã được ban hành); Luật Các TCTD (sửa đổi) - đã được ban hành; dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi); dự thảo Nghị định Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Thông tư về Phòng, chống rửa tiền...

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng cho biết, với tinh thần trách nhiệm cao, nội dung góp ý phù hợp, rất nhiều ý kiến của Hiệp hội Ngân hàng đã được các cơ quan có thẩm quyền đánh giá cao, ghi nhận và đã được tiếp thu, chỉnh sửa; trong đó, một số cơ quan tiếp thu chỉnh sửa ngay tại cuộc họp.

Bên cạnh đó, Hiệp hội Ngân hàng cũng đã thực hiện tốt vai trò cầu nối giữa các tổ chức hội viên với các cơ quan quản lý nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức hội viên.

Trong năm 2023, do tác động của kinh tế thế giới và trong nước, hoạt động của các TCTD hội viên hết sức khó khăn. Trước tình hình đó, Hiệp hội Ngân hàng đã kịp thời có hơn 30 văn bản, báo cáo, kiến nghị đối với Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành về tình hình hoạt động và những vướng mắc, bất cập của các TCTD hội viên, những vấn đề “nóng” mà xã hội quan tâm tác động đến hoạt động ngân hàng và đề xuất các chính sách, giải pháp tháo gỡ, tạo điều kiện cho các TCTD hoạt động an toàn, hiệu quả.

Đồng thời, kêu gọi các tổ chức hội viên thực hiện nghiêm đồng thuận cơ chế chính sách theo chủ trương, chính sách của Nhà nước, xây dựng Quy ước trong hoạt động.

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam
Các đại biểu tại hội nghị

Cũng trong năm 2023, Hiệp hội Ngân hàng đã tổ chức thành công 40 diễn đàn, hội nghị, hội thảo, tọa đàm; thực hiện tốt vai trò là thành viên Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ; đẩy mạnh hoạt động của 2 ủy ban chuyên môn (Ủy ban Chính sách và Ủy ban Công nghệ) và các tổ chức trực thuộc (CLB Pháp chế Chi hội thẻ, CLB AMC, CLB Fintech và CLB Tài chính tiêu dùng) trong việc phối hợp đề xuất cơ chế, chính sách của ngành Ngân hàng và hỗ trợ giải quyết một số vấn đề thuộc lĩnh vực chuyên sâu.

Trong năm qua, công tác truyền thông của Hiệp hội Ngân hàng đã có sự đổi mới, nâng cấp hết sức tích cực, góp phần đắc lực vào công tác truyền thông chung của ngành Ngân hàng.

Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ đã bám sát, duy trì thường xuyên cập nhật tình hình, phổ biến, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, cập nhật các quy định của ngành, diễn biến thị trường, hoạt động của Hiệp hội và của các tổ chức hội viên.

Tạp chí đã phối hợp chặt chẽ với Vụ Truyền thông Ngân hàng Nhà nước, các cơ quan báo chí trong và ngoài ngành tham gia công tác truyền thông chung của ngành, các sự kiện lớn quan trọng, chuyển tải nhanh chóng, liên tục; đẩy mạnh đăng tải các thông tin mang tính cảnh báo, thông tin tư vấn pháp luật góp phần định hướng dư luận, củng cố niềm tin của công chúng đối với hệ thống ngân hàng. Bên cạnh đó, duy trì phối hợp thường xuyên với các tổ chức hội viên nhằm quảng bá thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ mới...

Trang tin điện tử (website) của Hiệp hội Ngân hàng thông qua việc đầu tư nâng cấp, đổi mới giao diện và hệ thống quản trị nội dung (CMS), cổng thông tin điện tử Hiệp hội; nhiều tin, bài đã đăng tải lên website, trên kênh Youtube, Fanpage, Tiktok…

Về công tác đào tạo, nắm bắt và triển khai các chương trình đào tạo sát với nhu cầu đào tạo thực tế của các TCTD, tập trung vào 4 mảng chính: Triển khai thực hiện các cơ chế chính sách, hành lang pháp lý và kiến thức pháp luật trong lĩnh vực tài chính ngân hàng; Quản trị rủi ro, phòng, chống rửa tiền, tuân thủ theo các chuẩn mực quốc tế; Chuyển đổi số, Fintech, an ninh mạng, phân tích dữ liệu lớn; tài chính xanh và phát triển bền vững.

Trong năm qua, Hiệp hội đã tổ chức thành công 38 chương trình đào tạo/hội thảo/tập huấn (tăng 108% so với năm 2022), với tổng số lượt người tham dự là 12.289 người (tăng 141% so với năm 2022).

"Những hoạt động của Hiệp hội Ngân hàng trong năm qua đã có sự lan toả lớn", Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng chia sẻ.

Về công tác hợp tác quốc tế, tiếp tục hoàn thành nghĩa vụ và trách nhiệm về các hoạt động của Hiệp hội Ngân hàng ASEAN, kết nối hỗ trợ các tổ chức hội viên đăng ký tham dự các chương trình, hội thảo, tọa đàm theo các chương trình, kế hoạch đề ra. Tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức tài chính quốc tế, hiệp hội ngân hàng các nước trong và ngoài khu vực nhằm mở rộng khả năng tìm kiếm cơ hội hợp tác... Công tác quản trị nội bộ cũng được thực hiện tích cực và hoàn thành tốt.

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam
Toàn cảnh Hội nghị

Nỗ lực phấn đấu, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác năm 2024

Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, nhiệm vụ của Ngành và Nghị quyết của Hiệp hội Ngân hàng, tiếp tục phát huy những thành quả đạt được trong năm 2023, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng khẳng định, Hiệp hội Ngân hàng nỗ lực phấn đấu, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác năm 2024, trong đó tập trung vào 13 nhiệm vụ trọng tâm, đặc biệt nhấn mạnh vào các nội dung sau:

Một là, tập trung tham gia góp ý vào cơ chế chính sách nhất là tham gia ý kiến vào các Nghị định và Thông tư của ngành nhằm triển khai luật TCTD vừa được Quốc hội thông qua, đồng thời tham gia ý kiến vào Nghị định, Thông tư liên quan đến Luật Giao dịch điện tử, Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật bảo về người tiêu dùng, góp ý dự thảo Luật Thi hành án (sửa đổi), Luật Công chứng, Luật Tố tụng dân sự...

Hai là, làm tốt vai trò cầu nối giữa các tổ chức hội viên với các cơ quan quản lý nhà nước, nắm bắt phản ánh khó khăn, vướng mắc của các TCHV trong quá trình hoạt động kiến nghị các cơ quan thẩm quyền xem xét tháo gỡ, quan tâm đến quyền lợi của các TCHV liên quan chính sách hỗ trợ lãi suất, tái cơ cấu, xử lý nợ xấu, tăng vốn điều lệ, chính sách lãi suất huy động và cho vay; Tập trung nguồn lực để bảo vệ thành công về chính sách thuế VAT đối với nghiệp vụ L/C và thuế xử lý tài sản bảo đảm,…

Ba là, tiếp tục phải huy những mặt tích cực, đồng thời đổi mới hơn nữa công tác truyền thông thông qua việc thay đổi hình thức nội dung của Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ, website, hình thành bản tin Tiếng Anh, đồng thời ra đời bản tin tình hình kinh tế trong nước, thế giới và những hoạt động của TCHV, xây dựng kế hoạch truyền thông tập trung thông qua mạng xã hội...

Thứ tư, hợp tác với đơn vị xác thực chữ ký số nhằm giảm chi phí cho các TCHV thực hiện khi Luật giao dịch điện tử có hiệu lực, đây là nội dung rất quan trọng hỗ trợ cho các TCHV giảm phí xác thực chữ ký số, chữ ký điện tử, chữ ký điện tử chuyên dùng đảm bảo.

Thứ năm, đổi mới mạnh mẽ công tác đào tạo, hướng nội dung đào tạo mà các TCHV quan tâm và phục vụ cho hoạt động của các TCHV như: chuyển đổi số, dữ liệu dân cư, tài chính xanh, các hình thức gian lận trong thanh toán, rủi ro hoạt động, rủi ro thanh toán thẻ, phòng chống rửa tiền, kiến thức pháp luật về tranh chấp hợp đồng, giao dịch đảm bảo,…

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam
Thường trực Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam

Cần sự chung tay vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt và hiệu quả hơn của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam

Đồng tình với các báo cáo của Hiệp hội Ngân hàng, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng nhận định, năm 2024, bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến không thuận lợi, do đó nhiệm vụ đặt ra đối với ngành Ngân hàng hết sức nặng nề. Vì vậy, Phó Thống đốc khẳng định, rất cần sự chung tay vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt và hiệu quả hơn của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cùng với các hội viên của mình.

Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng đề nghị Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cần tập trung triển khai tốt các nhiệm vụ chung như: Tiếp tục thể hiện tốt vai trò đầu mối liên kết, tập hợp, vận động các tổ chức hội viên tiên phong thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các giải pháp điều hành của Ngân hàng Nhà nước; Tích cực tham gia góp ý vào các cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động ngân hàng; tiếp tục làm tốt công tác truyền thông, đào tạo.

Bên cạnh đó, Phó Thống đốc lưu ý thêm, trong bối cảnh chuyển đổi số ngành Ngân hàng phát triển mạnh mẽ hiện nay, tội phạm công nghệ cao cũng ngày càng tinh vi, xảo quyệt hơn, dẫn tới các thủ đoạn lừa đảo thông qua ứng dụng công nghệ cao đang làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành Ngân hàng trong hoạt động thanh toán, chuyển tiền và các dịch vụ khác. Do đó, Phó Thống đốc đề nghị Hiệp hội Ngân hàng và các TCTD đặc biệt lưu tâm đến vấn đề này...

Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng hy vọng, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam sẽ phát huy các kết quả đạt được để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, góp phần vào kết quả chung của toàn ngành Ngân hàng năm 2024.

Tiếp thu các chỉ đạo của Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng Hiệp hội Phạm Đức Ấn cho biết, Hiệp hội Ngân hàng sẽ nghiêm túc thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Trong bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới có nhiều khó khăn, thách thức, để có thể hoàn thành được nhiệm vụ mà Ban cán sự Đảng, Ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước giao, Chủ tịch Hội đồng Hiệp hội Phạm Đức Ấn đề nghị, Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng nói chung và các tổ chức hội viên nói riêng cần nhận thức sâu sắc thuận lợi và thách thức để tổ chức triển khai đồng bộ, có kết quả các giải pháp đã nêu tại các báo cáo trình bày tại Hội nghị.

Bên cạnh đó, Hiệp hội Ngân hàng thường xuyên nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sắc của Ban cán sự Đảng, Ban lãnh đạo NHNN cũng như sự phối hợp cuả các bộ, ngành, đơn vị liên quan.

"Để hoàn thành toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ năm 2022 và cả nhiệm kỳ, khối lượng công việc cần triển khai trong những tháng cuối năm là rất nặng nề. Với sự nỗ lực, quyết tâm, đoàn kết, đồng lòng của các tổ chức hội viên, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam sẽ tập trung thực hiện nhiệm vụ ở mức cao nhất, hoàn thành xuất sắc, toàn diện các mục tiêu đề ra, góp phần vào sự phát triển chung của ngành Ngân hàng, cũng như thúc đẩy nền kinh tế - xã hội đất nước”, Chủ tịch Hội đồng Hiệp hội Phạm Đức Ấn nhấn mạnh.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nhất trí thông qua Nghị quyết Hội nghị Thường niên lần thứ 4, nhiệm kỳ VII.

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay