TS Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam chủ trì buổi làm việc. Tham dự còn có ông Phùng Huy Tâm, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Chữ ký số và giao dịch điện tử Việt Nam thuộc Hiệp hội An toàn Thông tin Việt Nam (VNISA), cùng đại diện một số tổ chức tín dụng, đại diện một số Ban, đơn vị Cơ quan Thường trực Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam.
Tại cuộc họp, đại diện của các Tổ chức tín dụng (TCTD) đã có những ý kiến đóng góp để triển khai chữ ký số đạt hiệu quả cũng như đồng thuận ý kiến về xây dựng hệ thống chuyển mạch ký số V-Hub. Tuy nhiên, các TCTD cũng quan tâm tới vấn đề kỹ thuật, tính pháp lý, mô hình kinh doanh, chi phí và đầu tư V-Hub.
Trả lời những vướng mắc, quan tâm của các tổ chức tín dụng, ông Phùng Huy Tâm, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Chữ ký số cho biết, V-Hub hoạt động theo mô hình đại lý của các CACC theo Điều 34, 35 Nghị định số 130/2018/NĐ-CP, quy định chi tiết thi hành Luật giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số.
V-Hub không phải là dịch vụ mà là công cụ và ứng dụng. Hệ thống V-Hub đều được ghi lại chi tiết bằng chứng, lỗi và giúp người dùng trải nghiệm tập trung, khi xảy ra sự cố sẽ tìm ra đơn vị chịu trách nhiệm. V-Hub đảm bảo hạ tầng kết nối liên tục, đảm bảo hiệu năng sử dụng để không ảnh hưởng tới khách hàng của ngân hàng. Đáp ứng điều kiện về phương án dự phòng đảm bảo duy trì hoạt động không bị ngắt quãng.
V-Hub khi triển khai cần chuẩn hóa quy trình thủ tục ngay từ đầu, nếu không đạt sẽ không được chấp thuận. Điều quan trọng nhất CA đầu tiên là cấp chứng từ số hợp lệ. Tiếp theo là dùng 1 app để thuận lợi cho người dùng. Thứ 3 là hỗ trợ, thứ 4 là giải quyết tranh chấp. V-Hub xây dựng ra để giải quyết nhanh nhất và hạn chế tối đa tranh chấp. Nếu xảy ra vấn đề thì tập trung vào một đầu mối để giải quyết.
Tại cuộc họp, TS Nguyễn Quốc Hùng đồng tình với những ý kiến đóng góp của các TCTD và đặt vấn đề với chủ nhiệm CLB chữ ký số để giải quyết các vướng mắc. Ông cũng nhấn mạnh về tính pháp lý khi triển khai thực hiện và yêu cầu cần làm rõ chức năm nhiệm vụ của V-Hub đảm bảo hạ tầng kết nối liên tục, đảm bảo hiệu năng sử dụng để không ảnh hưởng tới khách hàng của các TCTD.
Ngày 28/11/2017, Hiệp hội An toàn Thông tin Việt Nam (VNISA) đã ra quyết định thành lập Câu lạc bộ Chữ ký số và Giao dịch điện tử là một tổ chức chuyên môn của Hiệp hội, với thành viên sáng lập là một số đơn vị hoạt động trong lĩnh vực chữ ký số và chứng thực điện tử gồm Bkav, FPT, CA2, NewTel-CA, SmartSign, Viettel, VNPT.
Câu lạc bộ hoạt động với mục đích thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa ứng dụng Chữ ký số công cộng tại Việt Nam, góp phần đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cho các giao dịch điện tử.
Sau hơn 10 năm triển khai, đến nay chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số đã trở thành một dịch vụ công nghệ thông tin quan trọng và ngày càng phổ biến, góp phần vào ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử và phát triển thương mại điện tử tại Việt Nam.
N.A