Thứ năm, 07/11/2024
   

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam họp bàn xây dựng cơ chế phối hợp trong xử lý giao dịch lừa đảo, gian lận

Ngày 04/12/2023, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức cuộc họp nhằm thảo luận về cơ chế phối hợp trong xử lý giao dịch lừa đảo, gian lận.

TS Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam chủ trì. Tham dự còn có đại diện Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) và đại diện các TCTD hội viên.

TS Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam
TS Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam

Phát biểu tại cuộc họp, TS Nguyễn Quốc Hùng cho rằng,  việc thảo luận xây dựng cơ chế phối hợp trong phòng ngừa rủi ro gian lận nhằm đảm bảo an toàn hoạt động thanh toán là rất cần thiết. Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ tháng 7/2024 là văn bản pháp lý có tác động rất lớn tới các ngân hàng. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đang xem xét sửa đổi Quyết định 630/QĐ-NHNN về giải pháp an toàn bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng. Trên tinh thần đó, các TCTD trao đổi, góp ý thẳng thắn, thống nhất các quy trình, cơ chế phối hợp nhằm tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý. Bên cạnh đó, các TCTD cần chủ động xây dựng các quy định, quy trình nội bộ đối với các sản phẩm, dịch vụ của mình nhằm mang đến trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng, phải đổi mới mới công nghệ đi đôi với củng cố niềm tin cho khách hàng.

Theo đại diện Vietinbank cho biết hiện nay các giao dịch gian lận, lừa đảo diễn ra hàng ngày, hàng giờ, đặc biệt trong 3 tháng vừa qua số lượng lừa đảo gia tăng rất nhanh, với số tiền rất lớn. Theo thống kê, các hình thức lừa đảo, gian lận qua trung gian thanh toán phần lớn là thanh toán trực tuyến qua các ví điện tử…Bên cạnh đó sự phối kết hợp giữa các ngân hàng, trung gian thanh toán vẫn còn gặp phải vướng mắc, bất cập. Chính vì thế cần phải xây dựng quy chế phối hợp giữa các bên cũng như nghiên cứu các giải pháp để ngăn chặn các giao dịch lừa đảo, gian lận để giảm thiểu rủi ro đối với khách hàng như: Xây dựng ngưỡng và hệ thống cảnh báo ngăn chặn, giảm thiểu rủi ro trong hoạt động tài chính; Có các tiêu chuẩn về mặt kỹ thuật để nhận diện các tài khoản có tỷ lệ gian lận lừa đảo cao; Bổ sung quy định phạt không tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật trong việc cung cấp các thông tin gồm IP, tên Sub Merchant, loại hình giao dịch...

Đại diện Vietcombank cũng đưa ra kiến nghị cần xây dựng một khung quy trình phối hợp trong trường hợp khách hàng bị lừa đảo mất tiền để cùng đưa ra các bước thực hiện, các chế tài để ngăn chặn sớm nhất phát sinh, các giao dịch lừa đảo. Đồng thời cần nâng cao hơn nữa vai trò của trung gian thanh toán trong phối hợp với các ngân hàng.

Trong khi đó, đại diện ACB cho biết, cần nghiên cứu đầu tư lớn hơn về hệ thống nội bộ của ngân hàng, ngăn chặn các gian lận, tự động hóa trong nội bộ ngân hàng, tự động hóa xử lý thông tin gian lận. Bên cạnh đó, nghiên cứu xây dựng hệ thống cảnh báo thông tin lừa đảo, gian lận chung cho các ngân hàng và NAPAS là đầu mối đại diện để các ngân hàng cùng nắm bắt tin tức nhanh chóng, kịp thời nhất.

Đại diện NAPAS hết sức đồng thuận với các ý kiến đưa ra của các TCTD và cho rằng đây là việc làm cần thiết. Đồng thời, ông cũng bổ sung việc các ngân hàng cần có cái nhìn tổng thể để phân tích và có các biện pháp cụ thể để ngăn chặn từ “đầu nguồn”. Ông đưa ra so sánh nếu luồng tiền giao dịch lừa đảo qua mạng như dòng suối chảy từ đỉnh núi xuống, nguồn chính là ngân hàng phát hành, dòng tiền từ trên núi xuống và đi qua những ngân hàng trung gian từ ngân hàng này sang ngân hàng kia; chân núi là đầu ngân hàng nhận. Vì vậy, ông mong muốn xây dựng một quy trình, quy chế phối hợp chặt chẽ trong xử lý giao dịch lừa đảo, gian lận và cần có biện pháp ngăn chặn phù hợp và "xây đập" ngăn chặn trên đường đi cũng như phản ứng nhanh để có quy trình ngân hàng thông tin cho nhau và cuối cùng chặn những điểm nóng là đầu ngân hàng có nhiều giao dịch lừa đảo.

Chia sẻ tại cuộc họp, đại diện Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) lưu ý các TCTD về vấn đề dữ liệu, bảo vệ thông tin khách hàng. Các TCTD cần rà soát các quy định, nâng cao vai trò, trách nhiệm để hoạt động thanh toán được an toàn hơn và giảm thiểu rủi ro cho xã hội. Bà nhấn mạnh thêm, khách hàng là khách hàng chung của toàn ngành Ngân hàng chứ không riêng của TCTD nào cả, các TCTD cần phải đồng lòng vì khách hàng.

Toàn cảnh cuộc họp
Toàn cảnh cuộc họp

Kết luận cuộc họp, TS Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, cần có một “đường dây nóng” để các ngân hàng cung cấp thông tin lừa đảo, thông báo và triển khai tập trung tới các đơn vị và ông cho rằng NAPAS là đơn vị phù hợp nhất để tiếp nhận thông tin. Các ngân hàng tự xây dựng kế hoạch triển khai, phối kết hợp chặt chẽ với nhau, bởi theo TS Nguyễn Quốc Hùng, “khách hàng của một ngân hàng là khách hàng của toàn hệ thống, khách hàng của một hội viên là khách hàng của tất cả hội viên”.

Tuy nhiên, TS Nguyễn Quốc Hùng cũng lưu ý các ngân hàng cũng cần quán triệt tới các cán bộ, nhân viên để mọi người cùng tuân thủ, thực hiện các quy trình, quy định đã đề ra. Ông cũng mong muốn sẽ sớm ban hành bộ quy trình, quy định chung của các TCTD để đảm bảo an toàn hệ thống, nâng cao vị thế của các ngân hàng.

Đồng thời, để thống nhất trong nội bộ hệ thống các TCTD, Hiệp hội Ngân hàng sẽ thành lập tổ soạn thảo, xây dựng quy trình, phối hợp xử lý nội bộ giữa các TCTD hội viên nhằm hỗ trợ và bảo vệ khách hàng khi bị kẻ gian lừa đảo để trục lợi…. và quý I/2024 có thể ban hành quy trình.

Ngọc Anh

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay