Thứ sáu, 10/01/2025
   

Góp ý dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 01/2015/TT-NHNN

Hiệp hội Ngân hàng tiếp tục tham gia ý kiến lần 2 đối với dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2015/TT-NHNN quy định hoạt động kinh doanh, cung ứng sản phẩm phái sinh lãi suất của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Tiếp theo ý kiến tại Công văn số 83/HHNH-PLNV ngày 11/3/2021 của Hiệp hội Ngân hàng về việc góp ý lần 1 đối với dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2015/TT-NHNN quy định hoạt động kinh doanh, cung ứng sản phẩm phái sinh lãi suất của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, sau khi nghiên cứu và trên cơ sở ý kiến của một số tổ chức hội viên, Hiệp hội Ngân hàng tiếp tục tham gia ý kiến lần 2 đối với dự thảo.

VỀ GIẢI THÍCH từ ngữ:

Khoản 2 Điều 1 dự thảo Thông tư bổ sung Khoản 15 vào Điều 3 như sau: Thanh toán ròng là việc thanh toán một khoản tiền ròng được tính theo giá trị thị trường hiện tại hoặc giá trị tính theo mô hình giá (mark to model) của các hợp đồng phái sinh lãi suất được chấm dứt tại hoặc trước thời điểm đến hạn theo thỏa thuận giữa các bên và sau khi thực hiện bù trừ các dòng tiền phải trả của các hợp đồng phái sinh lãi suất giữa các bên giao kết hợp đồng tại một ngày xác định với một đồng tiền xác định để thành một khoản phải thu hoặc khoản phải trả của một bên”.

Đề nghị Ban soạn thảo hướng dẫn rõ giao dịch thanh toán ròng này có áp dụng cho việc thanh toán, trao đổi gốc lãi giữa hai đồng tiền và quy về một đồng tiền hay không?

VỀ PHẠM VI hoạt động kinh doanh, cung ứng sản phẩm phái sinh lãi suất trên thị trường trong nước:

Khoản 4 Điều 1 dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung điểm b Khoản 2 và điểm b Khoản 3 Điều 6, trong đó đã mở rộng định nghĩa “sản phẩm hoán đổi lãi suất một đồng tiền cộng dồn” và “sản phẩm hoán đổi lãi suất giữa hai đồng tiền cộng dồn” theo đó, khoản tiền lãi được nhận hoặc phải trả được tính theo các mức lãi suất có kèm theo các điều kiện dựa trên biến động về tỷ giá, lãi suất và giá cả hàng hóa. Với nội dung này, đề nghị Ban soạn thảo:

(i) Mở rộng định nghĩa giao dịch gốc tại Khoản 3 Điều 3 Thông tư 01/2015/TT-NHNN cũng bao gồm các giao dịch chịu rủi ro lãi suất, tỷ giá và giá cả hàng hóa.

(ii) Điều chỉnh lại tại Điều 5 Thông tư 01/2015/TT-NHNN và các điều khoản đề cập đến mục đích của giao dịch phái sinh lãi suất là phòng ngừa rủi ro lãi suất, tỷ giá và giá cả hàng hóacủa giao dịch gốc.

Đồng thời đề nghị đổi từ viết tắt Sản phẩm hoán đổi lãi suất giữa hai đồng tiền cộng dồn (Accrual Interest Rate Swap) tại điểm b Khoản 3 Điều 6  thành Accrual Cross currency swap (ACCS) để tránh nhầm với sản phẩm AIRS 1 đồng tiền ở điểm b Khoản 2 Điều 6.

VỀ ĐIỀU KIỆN đối với khách hàng sử dụng sản phẩm phái sinh lãi suất do ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài kinh doanh, cung ứng trên thị trường trong nước:

- Điểm a Khoản 5 Điều 1 dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung điểm b Khoản 1 Điều 7 Thông tư 01/2015/TT-NHNN như sau: b) Có giao dịch gốc còn hiệu lực thực hiện, phù hợp với ngành nghề sản xuất kinh doanh và quy định của pháp luật. Đối với nhà đầu tư nước ngoài, giao dịch gốc là trái phiếu Chính phủ phát hành bằng Đồng Việt Nam tại thị trường trong nước;”.

Đề nghị Ban soạn thảo xem xét bỏ quy định về giao dịch gốc phải phù hợp với ngành nghề sản xuất kinh doanh, do các giao dịch gốc của Khách hàng có thể phát sinh từ hoạt động đầu tư của doanh nghiệp, mà không phải phát sinh từ ngành nghề kinh doanh của khách hàng nhưng vẫn là giao dịch hợp pháp. Đối với giao dịch của Nhà đầu tư nước ngoài đầu tư trái phiếu Chính phủ cũng vậy, đây là hoạt động đầu tư, không phải hoạt động sản xuất kinh doanh theo lĩnh vực hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Mặt khác, giao dịch gốc theo định nghĩa hiện tại có bao gồm việc gửi tiền, mua bán giấy tờ có giá; đây là những hoạt động không có quy định về ngành nghề sản xuất kinh doanh.

Đồng thời, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung định nghĩa Trái phiếu Chính phủ bao gồm các loại trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, Trái phiếu chính quyền địa phương.

- Điểm b Khoản 5 Điều 1 dự thảo Thông tư bổ sung điểm đ vào sau điểm d khoản 1 Điều 7 Thông tư 01/2015/TT-NHNN như sau: “đ) Trường hợp khách hàng được nhận ngoại tệ từ khoản tiền lãi phát sinh trong giao dịch phái sinh lãi suất hoặc nhận ngoại tệ từ việc trao đổi khoản vốn gốc danh nghĩa, thì nguồn ngoại tệ này được sử dụng để thanh toán cho các nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch gốc của khách hàng hoặc khách hàng phải bán nguồn ngoại tệ này cho ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài kinh doanh, cung ứng sản phẩm phái sinh lãi suất đó.”

Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài sở hữu trái phiếu Chính phủ phát hành bằng VNĐ tại thị trường trong nước, nhà đầu tư muốn phòng ngừa rủi ro cho khoản lãi phát sinh bằng VNĐ từ trái phiếu nên sẽ thực hiện hợp đồng hoán đổi lãi suất 02 đồng tiền trong đó nhà đầu tư trả lãi VNĐ và nhận lãi ngoại tệ, nhưng tại thời điểm kết thúc hợp đồng phái sinh lãi suất, nếu theo quy định này, nhà đầu tư lại phải bán ngoại tệ thu được để quy đổi ra VNĐ, do vậy không phù hợp với mục đích của nhà đầu tư. Bên cạnh đó, giao dịch gốc của khách hàng có thể thực hiện tại NHTM, CNNHNNg cung ứng sản phẩm phái sinh lãi suất hoặc tại TCTD khác. Trường hợp giao dịch gốc của khách hàng tại TCTD khác thì rất khó để Ngân hàng cung ứng sản phẩm phái sinh lãi suất kiểm soát dòng tiền của khách hàng, việc này chỉ khả thi nếu giao dịch gốc là hợp đồng tín dụng của khách tại chính Ngân hàng đó. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại quy định này.

Bên cạnh đó, với quy định này, NHTM, CNNHNNg cung ứng sản phẩm phái sinh lãi suất đó cho khách hàng có bắt buộc phải kiểm soát việc sử dụng nguồn ngoại tệ của khách hàng hay không? Nếu có, đề nghị Ban soạn thảo quy định cụ thể để NHTM, CNNHNNg có cơ sở yêu cầu Khách hàng.

Ngoài ra, thuật ngữ “khoản vốn gốc danh nghĩa” không được sử dụng trong Thông tư 01/2015/TT-NHNN. Theo thông tư này, chỉ có “vốn gốc” hoặc là “vốn danh nghĩa”. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi thuật ngữ này thành “vốn danh nghĩa” để đồng bộ với nội dung trong Thông tư.

- Điểm c Khoản 5 Điều 1 dự thảo Thông tư bổ sung điểm a và b Khoản 2 Điều7Thông tư 01/2015/TT-NHNN như sau: “a) Mục đích sử dụng sản phẩm phái sinh lãi suất là phòng ngừa, hạn chế rủi ro lãi suất đối với giao dịch gốc hoặc phòng ngừa, hạn chế rủi ro lãi suất cho các khoản mục của bảng cân đối kế toán (bao gồm cả các khoản mục ngoại bảng) của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đó; b) Có giao dịch gốc còn hiệu lực thực hiện, phù hợp với nội dung và phạm vi hoạt động theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng (đã được sửa đổi, bổ sung) và quy định của pháp luật liên quan. Đối với tổ chức tín dụng không phải là ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, trường hợp phòng ngừa, hạn chế rủi ro lãi suất cho các khoản mục của bảng cân đối kế toán (bao gồm cả các khoản mục ngoại bảng), thì tổ chức tín dụng đó phải có phương án phòng ngừa, hạn chế rủi ro lãi suất được cấp có thẩm quyền của tổ chức tín dụng phê duyệt;”.

+ Trong thực tế, giao dịch phái sinh lãi suất được sử dụng để phòng ngừa, hạn chế những rủi ro về lãi suất và cả tỷ giá. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo xem xét điều chỉnh lại điểm a Khoản 2 Điều 7 như sau: “a) Mục đích sử dụng sản phẩm phái sinh lãi suất là phòng ngừa, hạn chế rủi ro thị trường (bao gồm rủi ro lãi suất và rủi ro tỷ giá) đối với giao dịch gốc hoặc phòng ngừa, hạn chế rủi ro lãi suất cho các khoản mục của bảng cân đối kế toán (bao gồm cả các khoản mục ngoại bảng) của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đó;”.

+ Do quy tắc dẫn chiếu là dẫn chiếu đến văn bản hiện hành (bao gồm cả văn bản sửa đổi, bổ sung văn bản gốc) nên đề nghị Ban soạn thảo bỏ cụm từ “(đã được sửa đổi, bổ sung)” tại điểmb Khoản 2 Điều 7.

VỀ GIAO DỊCH đối ứng:

Khoản 6 Điều 1 dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung điểm a Khoản 3 Điều 8 Thông tư 01/2015/TT-NHNN như sau:

a) Đối với trường hợp thực hiện một hoặc nhiều giao dịch đối ứng cho một hợp đồng phái sinh lãi suất mà ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã cung ứng cho khách hàng, thời hạn thực hiện và giá trị của các giao dịch đối ứng không vượt quá thời hạn còn lại và giá trị khoản vốn danh nghĩa của hợp đồng phái sinh lãi suất;”.

Trong thực tế, tùy vào nhu cầu của mình và tình hình thị trường, khách hàng có thể chia nhỏ nghĩa vụ của giao dịch gốc và thực hiện nhiều giao dịch phái sinh lãi suất để phòng ngừa rủi ro cho giao dịch gốc. Đồng thời, để thống nhất, phù hợp với nội dung về thời hạn hiệu lực còn lại của hợp đồng phái sinh lãi suất quy định tại khoản 3 Điều 1 của dự thảo Thông tư, đề nghị Ban soạn thảo xem xét điều chỉnh lại như sau: “Đối với trường hợp thực hiện một hoặc nhiều giao dịch đối ứng cho một hợp đồng phái sinh lãi suất mà ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã cung ứng cho khách hàng, thời hạn thực hiện của từng giao dịch đối ứng không vượt quá thời hạn hiệu lực còn lại và tổng giá trị của các giao dịch đối ứng không vượt quá giá trị khoản vốn danh nghĩa của hợp đồng phái sinh lãi suất”.

VỀ GIỚI HẠN hoạt động kinh doanh, cung ứng và sử dụng sản phẩm phái sinh lãi suất:

Khoản 8 Điều 1 dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Điều 12 Thông tư 01/2015/TT-NHNN như sau: “...2. Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chưa áp dụng quy định tại Thông tư số 41/2016/TT-NHNN được kinh doanh, cung ứng, sử dụng sản phẩm phái sinh lãi suất và tổ chức tín dụng khác được sử dụng sản phẩm phái sinh lãi suất khi:a) Giới hạn lỗ ròng về hoạt động kinh doanh, cung ứng và sử dụng sản phẩm phái sinh lãi suất không vượt quá 5% vốn điều lệ, vốn được cấp của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đó...”.

Nhằm làm rõ thêm quy định này, đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi, bổ sung quy định tại điểm a Khoản 2 Điều 12 nêu trên như sau: “Giới hạn lỗ ròng về hoạt động kinh doanh, cung ứng và sử dụng sản phẩm phái sinh lãi suất không vượt quá 5% vốn điều lệ, vốn được cấp của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đótại thời điểm xác định lãi/lỗ ròng của toàn bộ danh mục phái sinh lãi suất.”

VỀ TRÁCH NHIỆM của khách hàng sử dụng sản phẩm phái sinh lãi suất:

Điểm a Khoản 12 Điều 1 dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung điểm a Khoản 2 Điều 20 Thông tư 01/2015/TT-NHNN như sau: “a) Cung cấp cho ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài: Bản sao y hoặc bản trích sao hợp đồng của giao dịch gốc; các thông tin, tài liệu khác do ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cung ứng sản phẩm phái sinh lãi suất quy định để chứng minh đủ điều kiện sử dụng sản phẩm phái sinh lãi suất theo quy định tại Thông tư này. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của các thông tin, tài liệu cung cấp cho ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;”.

Đề nghị Ban soạn thảo hướng dẫn khái niệm “Hợp đồng của giao dịch gốc” là được thể hiện ở hình thức nào? Trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài mua trái phiếu Chính phủ thông qua sàn giao dịch chứng khoán thì không thể có một hình thức “hợp đồng” chuẩn xác theo khái niệm hiểu thông lệ của Bộ luật Dân sự. Đồng thời, đề nghị hướng dẫn cụ thể hơn đối với nhà đầu tư nước ngoài không cư trú tại Việt Nam thì việc họ cung cấp tài liệu “bản sao y hoặc trích sao hợp đồng của giao dịch gốc” có cần phải thực hiện việc hợp pháp hóa lãnh sự đối với các tài liệu nước ngoài hay không hay chỉ cần các tài liệu trích suất trên hệ thống giao dịch chứng khoán hoặc do công ty chứng khoán nơi mở tài khoản chứng khoán của khách hàng xác nhận là cũng có thể đảm bảo?

MỘT SỐ ý kiến khác:

- Về đối tượng Khách hàng sử dụng sản phẩm phái sinh lãi suất: Đề nghị Ban soạn thảo bổ sung đối tượng Khách hàng sử dụng sản phẩm phái sinh lãi suất do NHTM cung ứng trên thị trường trong nước bao gồm cả cá nhân nếu cá nhân đó có các giao dịch gốc phát sinh rủi ro về mặt lãi suất, có nhu cầu thực hiện giao dịch phái sinh lãi suất và NHTM đảm bảo kiểm soát được các rủi ro, chẳng hạn yêu cầu cá nhân có các biện pháp bảo đảm khi thực hiện giao dịch.

- Về giải thích từ ngữ tại Điều 3 Thông tư 01/2015/TT-NHNN:

+ Thông tư 01/2015/TT-NHNN đang sử dụng đồng thời 02 khái niệm “kinh doanh sản phẩm phái sinh lãi suất” và “cung ứng sản phẩm phái sinh lãi suất”, tuy nhiên chưa có giải thích để làm rõ sự khác nhau giữa các khái niệm này. Đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung khái niệm “kinh doanh sản phẩm phái sinh lãi suất” và “cung ứng sản phẩm phái sinh lãi suất” vào Điều 3 Thông tư 01/2015/TT-NHNN.

Ngoài ra, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung Khoản này vào Điều 3 Thông tư 01/2015/TT-NHNN như sau:“Giá trị bù trừ: Là giá trị còn lại của các giao dịch đối ứng sau khi đã thực hiện bù trừ lẫn nhau.”

+ Khoản 3 Điều 3 Thông tư 01/2015/TT-NHNN quy định: “3. Giao dịch gốc là các giao dịch chịu rủi ro lãi suất, gồm: Gửi tiền, nhận tiền gửi; phát hành, mua bán, đầu tư giấy tờ có giá; cho vay, vay vốn; cho thuê, thuê tài chính; các giao dịch hợp pháp khác chịu rủi ro lãi suất, trừ hồ sơ phái sinh lãi suất”.

Hiện giờ nhiều L/C có rủi ro lãi suất, tỷ giá. Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung L/C vào danh mục hợp đồng gốc. Bên cạnh đó, ngoài các giao dịch gốc đã liệt kê nêu trên, các Hợp đồng mua bán, xuất nhập khẩu hàng hóa không chỉ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc biến động giá cả hàng hóa mà còn chịu ảnh hưởng của biến động lãi suất thị trường trong nước và quốc tế, ảnh hưởng đến sự tăng giảm giá cả hàng hóa. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung khái niệm Giao dịch gốc bao gồm cả các Hợp đồng mua bán, xuất nhập khẩu hàng hóa, các Hợp đồng có liên quan đến biến động giá cả hàng hóa để có cơ sở áp dụng giải pháp phái sinh lãi suất đối với các giao dịch này.

Ngoài ra, khái niệm về “giao dịch gốc” tại Khoản 3 Điều 3 Thông tư 01/2015/TT-NHNN đang quy định: “là các giao dịch chịu rủi ro lãi suất, gồm: Gửi tiền, nhận tiền gửi; phát hành, mua bán, đầu tư giấy tờ có giá; cho vay, vay vốn; cho thuê, thuê tài chính; các giao dịch hợp pháp khác chịu rủi ro lãi suất, trừ hồ sơ phái sinh lãi suất”. Định nghĩa trên chưa nêu rõ tiêu chí “chịu rủi ro lãi suất” là như thế nào, ví dụ trường hợp khách hàng gửi USD, lãi suất tiền gửi USD là 0% thì có tính giao dịch gửi tiền là có rủi ro về lãi suất? và có thể coi giao dịch gửi tiền đó là giao dịch gốc cho 1 giao dịch phái sinh lãi suất không… Đồng thời, làm rõ nội dung “trừ hồ sơ phái sinh lãi suất” là giao dịch gì? Hiện tại chưa có định nghĩa về “hồ sơ phái sinh lãi suất” trong toàn văn bản. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo làm rõ các vấn đề nêu trên.

+ Khoản 4 Điều 3 Thông tư 01/2015/TT-NHNN quy định: “4. Giao dịch đối ứng là việc ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài giao kết và thực hiện hợp đồng phái sinh lãi suất với ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cung ứng sản phẩm phái sinh lãi suất trên thị trường trong nước hoặc với tổ chức tài chính nước ngoài nhằm mục đích phòng ngừa, hạn chế rủi ro lãi suất đối với hợp đồng phái sinh lãi suất đã giao kết và thực hiện với khách hàng”. Đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung thêm: mục đích phòng ngừa, hạn chế rủi ro lãi suất, tỷ giá đối với hợp đồng phái sinh lãi suất đã giao kết và thực hiện với khách hàng.

+ Khoản 7 Điều 3 Thông tư 01/2015/TT-NHNN quy định: “7. Lãi ròng hoặc lỗ ròng từng kỳ thanh toán của hợp đồng phái sinh lãi suất là chênh lệch giữa khoản tiền lãi được nhận và khoản tiền lãi phải trả trong từng kỳ thanh toán đó”. Lãi ròng, lỗ ròng này chưa tính đến giá trị hiện tại ròng của giao địch. Đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung Giá trị hiện tại ròng vào trong phần Lãi ròng này (là phần lãi hoặc lỗ của hợp đồng còn lại nếu tất toán vào ngày đánh giá), là giá trị thị trường hoặc giá theo mô hình được 2 bên chấp nhận.

- Khoản 1 Điều 6 của Thông tư 01/2015/TT-NHNN hiện đang quy định “Sản phẩm lãi suất kỳ hạn (Forward rate agreement): Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài giao kết hợp đồng phái sinh lãi suất với khách hàng, theo đó vào ngày giao kết hợp đồng phái sinh lãi suất các bên thỏa thuận xác định mức lãi suất kỳ hạn sẽ áp dụng trên cùng giá trị khoản vốn danh nghĩa; vào ngày đến hạn hợp đồng phái sinh lãi suất, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoặc khách hàng thanh toán một lần duy nhất số tiền chênh lệch giữa lãi suất kỳ hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng phái sinh lãi suất với lãi suất tham chiếu trên cùng giá trị khoản vốn danh nghĩa”.

Đề nghị Ban soạn thảo sửa lại việc thanh toán số tiền chênh lệch của Hợp đồng vào “ngày thanh toán theo Hợp đồng(không phải ngày đến hạn hợp đồng) do thông lệ các sản phẩm không thực hiện thanh toán vào ngày đến hạn hợp đồng (“Maturity date”).

- Tại Điều 17 Thông tư 01/2015/TT-NHNN quy định TCTD thực hiện hạch toán kế toán đối với sản phẩm phái sinh lãi suất theo quy định của Chuẩn mực kế toán Việt Nam và quy định của NHNN. Tuy nhiên, hiện nay Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính chưa ban hành hướng dẫn cụ thể về hạch toán kế toán đối với các TCTD thực hiện kinh doanh, cung ứng các sản phẩm phái sinh lãi suất và khách hàng doanh nghiệp sử dụng sản phẩm phái sinh lãi suất. Do đó, đề nghị Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Tài chính sớm ban hành hướng dẫn về hạch toán kế toán đầy đủ các sản phẩm phái sinh lãi suất liên quan để các TCTD và doanh nghiệp có cơ sở thực hiện quản lý, theo dõi và đánh giá kết quả.

- Dự thảo Thông tư bỏ quy định về trích lập dự phòng rủi ro với lý giải để hạn chế rủi ro có thể xảy ra. Thông tư 01/2015/TT-NHNN hiện đã có quy định yêu cầu các TCTD thực hiện giao dịch đối ứng để hạn chế rủi ro thị trường; quy định về điều kiện đối với khách hàng, đối tác giao dịch để hạn chế rủi ro tín dụng đối tác; quy định về chức năng nhiệm, nhiệm vụ cá nhân, trong việc thẩm định, phê duyệt, quyết định giao dịch để hạn chế rủi ro tác nghiệp. Tuy nhiên, các quy định nêu trên mới chỉ nhằm hạn chế rủi ro có thể phát sinh. Thực tế, khi rủi ro phát sinh và tổn thất xảy ra đối với các giao dịch phái sinh lãi suất, các TCTD đang gặp lúng túng trong việc xác định trình tự, thủ tục, nguồn xử lý, hạch toán kế toán đối với các khoản tổn thất này do chưa có các quy định hướng dẫn cụ thể liên quan của Ngân hàng Nhà nước. Do đó, tiếp theo ý kiến của Hiệp hội Ngân hàng tại Công văn số 83/HHNH-PLNV ngày 11/3/2021 về việc góp ý dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2015/TT-NHNN, đề nghị Ban soạn thảo không bãi bỏ Điều 16 Thông tư 01/2015/TT-NHNN và có hướng dẫn đầy đủ về trình tự, cách thức xử lý rủi ro khi đối tác/khách hàng không thực hiện được nghĩa vụ tại hợp đồng phái sinh lãi suất.

- Trong giao dịch phái sinh lãi suất, khi khách hàng không thực hiện được nghĩa vụ thanh toán với ngân hàng, ngân hàng có quyền (a) xử lý tài sản bảo đảm hoặc sử dụng số dư ký quỹ của khách hàng để bù trừ cho nghĩa vụ thanh toán của khách hàng và (b) sử dụng bất kỳ khoản thanh toán nào mà ngân hàng phải thực hiện cho khách hàng để bù trừ toàn bộ hoặc một phần bất kỳ khoản nào mà khách hàng phải trả. Tuy nhiên, nếu việc thực hiện nội dung (a) và (b) nêu trên vẫn không đủ bù đắp nghĩa vụ thanh toán của khách hàng với ngân hàng sau khi chấm dứt giao dịch, ngân hàng có quyền yêu cầu khách hàng nhận nợ bắt buộc đối với phần nghĩa vụ chưa thanh toán hay không? (trên cơ sở có nội dung thỏa thuận này trong Hợp đồng cung ứng sản phẩm phái sinh lãi suất đã ký). Đề nghị Ban soạn thảo có hướng dẫn cụ thể về việc xử lý khi xảy ra trường hợp nêu trên.

- Giao dịch hoán đổi lãi suất giữa 02 đồng tiền (CCS) có hoán đổi gốc trong kỳ và/hoặc cuối kỳ sẽ phát sinh các cam kết mua bán ngoại tệ tại thời điểm thực hiện giao dịch. Tuy nhiên, theo Thông tư 07/2012/TT-NHNN ngày 20/3/2012 v/v quy định về trạng thái ngoại tệ của các TCTD, CNNHNNg, trạng thái ngoại tệ không tính đến trạng thái phát sinh trong giao dịch phái sinh lãi suất. Đồng thời, việc hạch toán các cam kết nêu trên như giao dịch kỳ hạn cũng không thực hiện được do Ngân hàng Nhà nước có quy định giao dịch kỳ hạn không vượt quá 365 ngày tại Thông tư 02/2021/TT-NHNN ngày 31/3/2021 của NHNN hướng dẫn giao dịch ngoại tệ trên thị trường ngoại tệ của các tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối. Do đó, trạng thái ngoại tệ của ngân hàng không được phản ánh đúng từ thời điểm thực hiện giao dịch CCS cho đến khi giao dịch đến hạn. Đề nghị Ban soạn thảo xem xét và hướng dẫn bổ sung quy định về nguyên tắc hạch toán, xác định trạng thái ngoại hối đối với các giao dịch CCS để ngân hàng có cơ sở thực hiện.

- Đề nghị Ban soạn thảo xem xét hướng dẫn bổ sung quy định về nguyên tắc hạch toán, xác định trạng thái ngoại hối đối với các giao dịch phái sinh lãi suất, đồng thời bổ sung Phụ lục hướng dẫn cách thức tính giá trị bù trừ theo trạng thái và dải kỳ hạn để các NHTM, CNNHNNg thống nhất áp dụng.

Ý kiến góp ý đối với dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2015/TT-NHNN, đã được Hiệp hội Ngân hàng gửi tới Cơ quan soạn thảo xem xét, tổng hợp.

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay