Công ty tài chính tiêu dùng (FE CREDIT) vừa đưa ra cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo khách hàng nhằm chiếm đoạt tài sản.
Theo FE CREDIT, bằng nhiều phương thức khác nhau, các đối tượng xấu thực hiện nhiều thủ đoạn lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản của khách hàng đang tham gia các dịch vụ tài chính. Dưới đây là 04 thủ đoạn lừa đảo phổ biến mà khách hàng cần đề cao cảnh giác:
1. Gian lận thẻ
Các nhóm tội phạm công nghệ cao sử dụng nhiều thủ đoạn từ đơn giản đến phức tạp để yêu cầu chủ thẻ cung cấp thông tin 2 mặt (trước và sau) của thẻ tín dụng để thực hiện các giao dịch trực tuyến mà không cần thẻ vật lý. Một số chiêu thức phổ biến như:
- Đối tượng gọi điện chào mời sử dụng dịch vụ rút tiền mặt từ thẻ tín dụng và yêu cầu khách hàng cung cấp hình ảnh 2 mặt thẻ và số tiền cần rút.
- Giả mạo nhân viên của các công ty tài chính, ngân hàng… gọi điện yêu cầu khách hàng cung cấp các thông tin thẻ tín dụng (số thẻ, ngày hết hạn thẻ, mã CVV, mã OTP…) để được hưởng ưu đãi thẻ.
2. Đánh cắp mã OTP
Việc lừa đảo bằng cách đánh cắp mã OTP để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản trong tài khoản ngân hàng hoặc thẻ tín dụng vẫn đang diễn biến phức tạp và tinh vi gây ảnh hưởng trực tiếp đến người dùng. Hãy tuyệt đối cảnh giác với các chiêu trò sau:
- Giả danh công ty tài chính, ngân hàng để yêu cầu khách hàng cung cấp mã OTP.
- Giả nhân viên nhà mạng để nâng cấp SIM sau đó chiếm đoạt SIM, lấy mã OTP.
- Liên hệ lừa khách hàng đã trúng phần thưởng lớn, yêu cầu khách hàng điền thông tin và mã OTP vào link lạ…
3. Đánh cắp thông tin cá nhân (CMND/CCCD, bằng lái xe…)
Tình trạng gian lận, đánh cắp danh tính, xác thực thông tin người dùng/định danh thông qua CMND, bằng lái xe… để làm giả hồ sơ vay và chiếm đoạt tài sản đang có dấu hiệu gia tăng. Đối tượng lừa đảo thường sử dụng các chiêu trò sau:
- Gọi điện thoại đến cho khách hàng và tự xưng là người của công ty tài chính, nhân viên ngân hàng, nhân viên viễn thông, cơ quan thuế, công an… với một kịch bản “thuyết phục” đã được chuẩn bị trước, từ đó có được toàn bộ thông tin của khách hàng (bao gồm: ngày tháng năm sinh, địa chỉ, số CMND/CCCD, hình chụp CMND/CCCD…).
- Đối tượng xấu xin chụp hình CMND/CCCD và trả tiền cho người được chụp nhằm mục đích khai thác thông tin để lừa đảo. Thông qua việc mua bán, trao đổi CMND/CCCD, các đối tượng xấu thực hiện làm giả thông tin và đăng ký vay nhưng từ chối nghĩa vụ trả nợ. Việc này dẫn đến hậu quả là nhiều người không đi vay những vẫn dính vào nợ xấu.
4. Giả mạo nhân viên công ty tài chính
Với chiêu trò mới này, kẻ gian sẽ tự xưng là nhân viên công ty tài chính liên lạc khách hàng để thực hiện các hành vi lừa đảo như:
- Đến tận nhà khách hàng thu hồi thẻ do lỗi hoặc đề nghị thu hồi thẻ không sử dụng và tiến hành chiếm đoạt, thực hiện giao dịch rút tiền mặt qua thẻ.
- Lừa hỗ trợ khoản vay tiêu dùng và yêu cầu khách hàng phải đóng phí vào tài khoản cá nhân.
FE CREDIT khuyến cáo khách hàng nên lưu ý:
- Tuyệt đối không cung cấp mật khẩu, OTP cho bất kỳ ai (kể cả nhân viên Ngân hàng, nhân viên của công ty tài chính). FE CREDIT không bao giờ yêu cầu khách hàng cung cấp mã OTP, mật khẩu tài khoản FE Online hay số tài khoản bên ngoài ứng dụng.
- Tuyệt đối không truy cập vào các đường link lạ được gắn kèm trong nội dung tin nhắn không rõ nguồn gốc. Không kí bất cứ giấy tờ nào khi chưa đọc kỹ nội dung, kể cả chữ kí điện tử trên điện thoại.
- Khi có nhu cầu vay tiêu dùng, cần liên hệ trực tiếp với các công ty tài chính uy tín được cấp phép hoạt động để được nhân viên công ty hướng dẫn về thủ tục.