Trong các ngày tư 17-21/10/2022, tại Thụy Sỹ, Đoàn công tác của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) do ông Phan Thảo Nguyên - Thành viên Hội đồng Thành viên làm Trưởng đoàn đã tham dự Hội nghị Hội đồng Khai thác Bưu chính (POC).
Hội nghị Hội đồng khai thác Bưu chính (POC) lần thứ hai năm 2022, với sự tham dự của 192 nước thành viên (92% trực tiếp và 8% trực tuyến) tập trung vào các nội dung chính gồm: xem xét, phê chuẩn Chương trình công tác và chỉ tiêu KPI giai đoạn 2022-2025 của các Ủy ban 1, 2, 3, 4, Hiệp hội EMS, Hiệp hội Telematics, Quỹ Chất lượng Dịch vụ (QSF)… Đoàn công tác Vietnam Post đã chủ động nghiên cứu tài liệu và tích cực tham gia tham luận, đóng góp ý kiến đối với các vấn đề cần có sự đồng thuận cao của Hội nghị, được UPU đánh giá cao.
Đặc biệt, ngày 19/10/2022, tại cuộc họp Ủy ban 4 về Tài chính Bưu chính của Hội đồng POC, Bà Chu Thị Lan Hương - Phó Tổng giám đốc Vietnam Post cùng với đồng Chủ tịch Ủy ban 4 là Ông Prannoy Sharma từ Ấn Độ đã chủ trì, dẫn dắt phiên họp với các nội dung trọng tâm như: Xem xét, thông qua Chương trình công tác và các chỉ tiêu KPI của Ủy ban 4 giai đoạn 2022-2025. Rà soát, ghi nhận tiến độ triển khai hoạt động của Nhóm công tác Người dùng các dịch vụ thanh toán qua bưu chính (PPSUG), thông qua kế hoạch hành động và ngân sách của Nhóm PPSUG năm 2023, kế hoạch triển khai các diễn đàn/ hội thảo, các vấn đề tuân thủ quy định về phòng chống khủng bố, rửa tiền qua mạng lưới bưu chính. Xem xét, ghi nhận tiến độ công việc của Nhóm công tác Thể lệ và Tiêu chuẩn với kết quả nghiên cứu và 12 khuyến nghị về Tầm nhìn UPU 2030 đối với dịch vụ tài chính bưu chính. Tiến độ thực hiện Thỏa thuận đa phương về Dịch vụ thanh toán qua Bưu chính (PPSMA) và phê chuẩn việc sửa đổi Thỏa thuận cấp phép thương hiệu Pos Transfer.
Ngoài ra, tại Hội nghị Hiệp hội EMS với chủ đề “Duy trì và khôi phục Kinh doanh” trong các ngày 13 và 14/10/2022, đại diện Tổng công ty Chuyển phát nhanh Bưu điện (EMS Việt Nam) đã có bài tham luận chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam trong việc duy trì chất lượng dịch vụ EMS, liên tục cải tiến và nâng cao chất lượng chăm sóc khách hàng đáp ứng nhu cầu khách hàng theo các tiêu chí Hiệp hội EMS đặt ra trong giai đoạn vừa qua, đặc biệt là duy trì và đảm bảo chất lượng dịch vụ EMS xuyên suốt thời gian đại dịch Covid-19.
Bên lề Hội nghị, Đoàn Vietnam Post đã có các buổi trao đổi, tiếp xúc với Lãnh đạo UPU, làm viêc song phương với Bưu chính các nước Mỹ, Anh, Nhật Bản, Tunisia và các nước ASEANPOST (Malaysia, Thái Lan, Singapore…) về thúc đẩy hợp tác phát triển kinh doanh, chia sẻ kinh nghiệm về chuyển đổi số, ứng dụng CNTT hiệu quả trong quản lý vận hành bưu chính, những thách thức và giải pháp trong bối cảnh mới để triển khai các dịch vụ tích hợp nhằm giảm bớt khó khăn của bưu chính trong xu thế suy thoái hiện nay; chia sẻ đánh giá của bưu chính các nước về tác động của chính sách mở cửa ảnh hưởng đến bưu chính.
Trong các ngày 24-28/10/2022, Đoàn Vietnam Post sẽ tiếp tục tham dự Hội nghị Hội đồng Điều hành (CA) lần thứ 2 năm 2022 và Hội nghị về các vấn đề pháp lý lĩnh vực bưu chính trong khuôn khổ Hội nghị CA.
Hội nghị đã phê chuẩn các đề xuất sửa đổi Thể lệ thi hành Công ước; xem xét, thông qua các báo cáo tiến độ triển khai các hoạt động của các Nhóm công tác thuộc các Ủy ban của Hội đồng POC theo định hướng chiến lược giai đoạn 2021 - 2025, đáp ứng nhu cầu thị trường và khách hàng trong bối cảnh mới. Cụ thể gồm: Thúc đẩy các giải pháp, tiêu chuẩn và các hoạt động nâng cao năng lực, đáp ứng tốt các yêu cầu khi tham gia chuỗi cung ứng, trong đó tập trung vào các vấn đề về trao đổi dữ liệu điện tử báo trước (EAD). Các hoạt động kiểm soát việc đưa hàng nguy hiểm vào mạng bưu chính, đảm bảo an toàn an ninh bưu chính toàn cầu trong bối cảnh thương mại điện tử bùng nổ. Thiết lập hợp tác chính thức giữa UPU và Liên minh xuyên quốc gia chống buôn bán bất hợp pháp (TRACIT). Hệ thống thù lao phù hợp quy hoạch mới theo hướng phân tách các nhóm dịch vụ hàng hóa và tài liệu. Thúc đẩy triển khai dịch vụ mới với sự hỗ trợ của quỹ chất lượng dịch vụ; các quy định và thủ tục nhằm hài hòa trong việc áp dụng bất khả kháng khi thanh toán cước bản cảnh, thù lao bổ sung và cước đầu cuối thanh toán thù lao đối với bưu phẩm không phát được phải chuyển hoàn. Vấn đề phát triển dịch vụ bưu chính xanh phát triển bền vững. Các vấn đề chuyển đổi trong cung cấp các dịch vụ tài chính bưu chính, đảm bảo tuân thủ các quy định về phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, rửa tiền trên mạng lưới bưu điện… Kết quả, trong tổng số 133 hạng mục công việc theo Chương trình công tác POC đề ra đến nay đã có 122 hạng mục hoàn thành đúng tiến độ đạt 91,73%, 05 hạng mục gia hạn (3,76%) và 06 hạng mục hủy bỏ (chiếm 4,51%).
Cũng trong thời gian này, UPU đã tổ chức Diễn đàn Đổi mới Bưu chính vào ngày 20/10/2022 với mục tiêu phát huy vai trò cầu nối các cơ quan chính phủ với các doanh nghiệp bưu chính quốc gia. Cùng với đó, shia sẻ về những thách thức và giải pháp trong quản lý và vận hành để ứng phó với nhu cầu thay đổi của khách hàng, thị trường. Khuyến khích hợp tác đối tác để triển khai sớm các sản phẩm, dịch vụ bưu chính thế hệ mới.
Diễn đàn đã thảo luận các chủ đề cụ thể như: (i) đổi mới để xây dựng ngành bưu chính thế hệ mới phát triển bền vững thông qua đổi mới về tư duy, nhận thức, văn hóa doanh nghiệp hướng đến khách hàng là trung tâm, việc đổi mới phải thực hiện ở tất cả các cấp để đạt mục tiêu chung; đổi mới trong phương thức hợp tác để tạo hệ sinh thái, đồng định hướng, sáng tạo và cùng chia sẻ, học hỏi; (ii) xu hướng và sự cần thiết đổi mới pháp lý; (iii) thách thức và giải pháp để đổi mới thành công.
Trong khuôn khổ Hội nghị POC đã diễn ra Lễ trao giải thưởng đối với các nước thành viên UPU đạt xếp hạng Chỉ số Phát triển Bưu chính 2IPD 2022 cao. Theo đó, nhóm các Quán quân khu vực (Regional Champions) gồm các nước: Thụy Sĩ, Colombia, Estonia, Trung Quốc, Ả Rập Xê-út và Cameroon; Nhóm ngôi sao mới nổi (Arising Stars) gồm: Armenia (HayPost), Egypt, Estonia và Nhóm xuất sắc (Excellent Performance) gồm các nước: Áo, Trung Quốc, Pháp, Đức, Nhật Bản và Thụy Sỹ.