Thứ bảy, 29/06/2024
   

DIV bảo vệ quyền lợi người gửi tiền, góp phần bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng

Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (DIV) là tổ chức tài chính nhà nước hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, thực hiện chính sách bảo hiểm tiền gửi, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành

Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (DIV) là tổ chức tài chính nhà nước hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, thực hiện chính sách bảo hiểm tiền gửi, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.

Làm tròn sứ mệnh bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền

Được thành lập từ năm 1999 và chính thức đi vào hoạt động năm 2000, sau hơn 20 năm xây dựng và trưởng thành, DIV luôn phấn đấu làm tròn nhiệm vụ được giao, tập trung nguồn lực đáp ứng các hoạt động nghiệp vụ trọng yếu: giám sát từ xa thường xuyên, liên tục; kiểm tra tại chỗ định kỳ đối với các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi; tham gia kiểm soát đặc biệt, xây dựng phương án xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém; tổ chức tuyên truyền chính sách bảo hiểm tiền gửi nhằm nâng cao nhận thức của công chúng, đưa chính sách đi vào cuộc sống; thực hiện nghiệp vụ quản lý thu phí bảo hiểm tiền gửi, đảm bảo nhanh chóng, chính xác, đầu tư nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi an toàn và hiệu quả, góp phần nâng cao năng lực tài chính của tổ chức.

DIV hiện bảo vệ cho 1.281 tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, bao gồm: 96 ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 1.180 quỹ tín dụng nhân dân, 01 ngân hàng hợp tác xã và 04 tổ chức tài chính vi mô. DIV cũng thực hiện tốt công tác quản lý thu phí. Chỉ tính riêng năm 2022, tổng số phí bảo hiểm tiền gửi thu được vượt 1,98% kế hoạch Ngân hàng Nhà nước giao; thực hiện miễn nộp phí bảo hiểm tiền gửi cho một số tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi được kiểm soát đặc biệt theo quy định. Đến hết năm 2022, quỹ dự phòng nghiệp vụ của DIV đã đạt trên 89 nghìn tỷ đồng, tổng nguồn vốn đạt trên 95 nghìn tỷ đồng. Với nguồn lực tài chính tăng trưởng khá được tích lũy qua từng năm giúp DIV có thể sẵn sàng chi trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền khi cần thiết và tham gia có hiệu quả vào quá trình tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng.

DIV đã chủ động, tích cực thực hiện các nhiệm vụ mới trong quá trình tham gia kiểm soát đặc biệt các tổ chức tín dụng, nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quản trị, điều hành về kiểm soát đặc biệt để phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng năm 2017. Ngoài ra, DIV còn cử cán bộ tham gia Ban kiểm soát đặc biệt tại các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi; xây dựng mức vốn dự phòng nhằm chủ động nguồn lực về tài chính, sẵn sàng cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt đủ điều kiện vay vốn; giám sát, phân tích, đánh giá, cảnh báo an toàn đối với hệ thống quỹ tín dụng nhân dân.

DIV đã chỉ đạo các đơn vị trong toàn hệ thống tiếp tục thực hiện giám sát liên tục, thường xuyên đối với 100% tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi trên địa bàn quản lý; hoàn thành đạt 100% kế hoạch kiểm tra định kỳ và theo chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước... để kịp thời tham mưu, đề xuất, kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước về các vấn đề phát sinh có khả năng gây rủi ro, mất an toàn hệ thống tổ chức tín dụng.

DIV thực hiện tuyên truyền chính sách bảo hiểm tiền gửi thông qua nhiều hình thức và phương tiện truyền thông, đặc biệt nhắm đến đối tượng là người gửi tiền nhỏ lẻ, thiếu thông tin... giúp họ nâng cao hiểu biết tài chính để có lựa chọn gửi tiền phù hợp tại các tổ chức tín dụng.

Với những kết quả nói trên, DIV đã trở một điểm tựa quan trọng cho các tổ chức tín dụng trong việc củng cố, duy trì hoạt động huy động vốn; trở thành một kênh giám sát, tham mưu cho Ngân hàng Nhà nước đảm bảo hoạt động an toàn, lành mạnh của các tổ chức tín dụng.

Góp phần bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng, an sinh xã hội

Để tiếp tục nâng cao vai trò của chính sách bảo hiểm tiền gửi và hoạt động của tổ chức bảo hiểm tiền gửi tại Việt Nam, Thủ Tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển bảo hiểm tiền gửi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 1660/QĐ-TTg ngày 30/12/2022. Chiến lược này đã xác định vị thế, khẳng định vai trò của DIV trong giai đoạn tới, đó là góp phần ổn định hệ thống tài chính, ngân hàng, thúc đẩy sự phát triển của kinh tế xã hội đất nước.

Chiến lược bảo hiểm tiền gửi kiên trì mục tiêu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, đảm bảo sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng. Bên cạnh đó, tăng cường vai trò của DIV trong quá trình tham gia tái cơ cấu các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi yếu kém gắn với xử lý nợ xấu. DIV sẽ từng bước đổi mới theo hướng đáp ứng các nguyên tắc trong Bộ nguyên tắc phát triển tổ chức bảo hiểm tiền gửi hiệu quả của Hiệp hội bảo hiểm tiền gửi quốc tế, phù hợp với định hướng tổng thể Chiến lược ngành Ngân hàng và thực tiễn tại Việt Nam. Đồng thời, việc phát triển tổ chức bảo hiểm tiền gửi nhanh và bền vững sẽ là kết quả của ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại và đổi mới sáng tạo đi đôi với phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao.

Chủ tịch Hội đồng quản trị DIV Phạm Bảo Lâm khẳng định, Chiến lược phát triển bảo hiểm tiền gửi đã đặt ra các mục tiêu cụ thể, sát sườn, lượng hóa được các hoạt động nghiệp vụ bảo hiểm tiền gửi để ngày càng bảo vệ một cách tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người gửi tiền, củng cố niềm tin của công chúng vào hệ thống hệ thống tài chính - ngân hàng và đóng góp vào sự phát triển ổn định của nền kinh tế - xã hội. Đó là phấn đấu tỷ lệ người gửi tiền được bảo hiểm toàn bộ trên tổng số người gửi tiền được bảo hiểm đạt 92% - 95%, đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế. Phấn đấu rút ngắn thời gian chi trả thực tế kể từ khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm đến năm 2025 là 30 ngày làm việc và đến năm 2030 là 15 ngày làm việc, nhằm giúp người gửi tiền được tiếp cận sớm với tiền gửi của mình khi tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi được xử lý. Về nhận thức của công chúng, phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2025 có 45% và đến năm 2030 có 55% người gửi tiền nắm bắt được các nội dung cốt lõi của chính sách bảo hiểm tiền gửi.

Theo DIV

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay