NHNN đang khẩn trương hoàn thiện Dự thảo Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt (thay thế Nghị định số 110/2014/NĐ-CP) trình Chính phủ ban hành.
Dự thảo cho phép các ngân hàng uỷ thác cho các bên thứ ba làm đại lý thanh toán thực hiện một số dịch vụ cơ bản như mở tài khoản, nạp/rút tiền mặt, chuyển tiền, thu hộ/chi hộ với hạn mức nhỏ…
Chính sách về đại lý thanh toán này hay còn gọi là đại lý ngân hàng được kỳ vọng có thể góp phần tạo cơ hội cho các khách hàng tiếp cận và sử dụng dịch vụ ngân hàng nhiều hơn, tăng tần suất sử dụng dịch vụ ngân hàng, thúc đẩy thị trường khách hàng, đặc biệt ở những khu vực vùng sâu, vùng xa, đồng thời gia tăng doanh thu cho ngân hàng. Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về đại lý ngân hàng cũng là một trong những giải pháp cốt lõi được đặt ra để nhằm đạt mục tiêu tại Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Tại Việt Nam, thời gian qua NHNN cũng đã triển khai thí điểm 3 mô hình có thể xem là đại lý ngân hàng của MBBank kết hợp với Viettel, PGBank phối hợp với Petrolimex và Vietcombank với Công ty M_service (chủ quản ví MoMo).
Thừa nhận lợi ích mang lại nếu triển khai mô hình này, song trao đổi với phóng viên, TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng chỉ ra rủi ro của kênh này có thể phát sinh từ phía nhà đại lý bán lẻ và khó kiểm soát hơn so với ở chi nhánh hay phòng giao dịch truyền thống của ngân hàng. Do đó, ông Hiếu đặc biệt lưu tâm tới vấn đề kiểm soát rủi ro khi giao cho bên thứ ba thực hiện một số chức năng thanh toán thay ngân hàng. Tính bảo mật của các nhà băng và quyền lợi của khách hàng cần phải được đảm bảo, ưu tiên hàng đầu.
ThS. Phạm Xuân Hoè - chuyên gia ngân hàng cũng cho rằng, với các ngân hàng trong mô hình đại lý ngân hàng có thể gặp nhiều rủi ro. Đơn cử như việc khách hàng hay chính đại lý bán lẻ có thể gian lận, hoặc các công cụ mà ngân hàng cung cấp cho đại lý có thể bị lấy trộm. Tổn thất tài chính có thể xảy ra nếu rò rỉ thông tin của khách hàng do tin tặc, hay thiếu hệ thống an ninh cần thiết. Đó là chưa kể, với những đại lý ở vùng sâu, vùng xa, quy mô nhỏ rất dễ xảy ra việc không đủ tiền mặt để đáp ứng những nhu cầu rút tiền mặt của khách hàng, cũng như thiếu kinh nghiệm trong quản lý thanh khoản khi cung cấp dịch vụ tài chính…
Để có thể sớm đưa mô hình này vào triển khai tại Việt Nam, các chuyên gia cho rằng phải xây dựng được khuôn khổ pháp lý phù hợp cho mô hình đại lý ngân hàng hoạt động. Việc xây dựng khuôn khổ pháp lý cho mô hình đại lý ngân hàng cần có sự linh hoạt cần thiết, hay nói cách khác khi đưa vào thực tế nếu có những quy định gây khó khăn cho các bên tham gia thì cần nghiên cứu để có điều chỉnh cho phù hợp.
Khuôn khổ pháp lý phải quy định rõ đối tượng nào được làm đại lý cũng như các điều kiện đáp ứng, gồm cả những yêu cầu về cơ sở hạ tầng kỹ thuật; quy định rõ dịch vụ nào được làm và không được làm. Bên cạnh đó, các quy định khác liên quan tới hoạt động của mô hình đại lý ngân hàng cũng phải được sửa đổi cho phù hợp như các quy định về phòng chống rửa tiền, quy trình nhận biết khách hàng…
Về phía các NHTM, giới chuyên gia cũng nhận thấy cần có sự tìm hiểu, nghiên cứu hoạt động đại lý uỷ quyền này để có cơ chế hoạt động phù hợp, đi cùng với đó là áp dụng các biện pháp quản lý rủi ro tương ứng. Ngân hàng chủ quản bắt buộc phải thiết lập quy trình kiểm soát nội bộ của mỗi đại lý, quy trình kiểm soát giữa ngân hàng chủ quản và các đại lý của ngân hàng; xây dựng quy trình tiếp nhận và xử lý khiếu nại từ khách hàng khi sử dụng dịch vụ tại các đại lý để đảm bảo quyền lợi của mỗi khách hàng. Ngân hàng cũng cần phải có kế hoạch trong đào tạo, bồi dưỡng chuyên biệt, đặt ra những tiêu chuẩn, yêu cầu của bên đại lý của mình…
"Con người bao giờ cũng là nhân tố rất quan trọng, nhất là với mô hình mới này có sự phụ thuộc rất lớn vào đạo đức, uy tín và năng lực của bên đại lý uỷ quyền. Sau khi lựa chọn đại lý đủ tiêu chuẩn, tiến hành ký kết hợp đồng, ngân hàng phải đào tạo về sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng; bảo vệ thông tin khách hàng, cơ chế phòng gian lận, vận hành, bảo dưỡng thiết bị, giải quyết khiếu nại...", một chuyên gia chia sẻ.
CEO một NHTMCP cho hay, ứng dụng công nghệ cũng có tính quyết định khi triển khai mô hình đại lý ngân hàng. Các đại lý ngân hàng chủ yếu sẽ được thiết lập tại những khu vực địa lý ít hoặc không có chi nhánh/phòng giao dịch của ngân hàng. Nên chính nhờ ứng dụng công nghệ thông tin mà những thiết bị đầu cuối như POS có thể kết nối trực tuyến với ngân hàng để thực hiện các giao dịch theo thời gian thực, đảm bảo vận hành suôn sẻ, phục vụ tốt cho công tác quản lý, giám sát. Các ngân hàng cũng cần phải có chiến lược tuyên truyền tới khách hàng, để khách hàng hiểu hơn về mô hình này, về việc đại lý đó được ngân hàng nào uỷ quyền; được hiểu về các sản phẩm/dịch vụ đang được đại lý của ngân hàng cung cấp; cũng như nắm được quyền hạn và nghĩa vụ khi ký hợp đồng sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng chủ quản…
Theo Thời báo ngân hàng