Thứ sáu, 10/01/2025
   

Đại lý ngân hàng - “chân rết” thúc đẩy tài chính toàn diện

Thời gian gần đây, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đã và đang mang lại hiệu ứng tích cực đối với hoạt động tổ chức tín dụng. Các ngân hàng thương mại, công ty tài chính đã nhanh chóng tiếp cận xu thế chuyển đổi mô hình ngân hàng số cùng với hàng loạt sản phẩm, dịch vụ tiện ích, mang đến cho người dùng

Thời gian gần đây, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đã và đang mang lại hiệu ứng tích cực đối với hoạt động tổ chức tín dụng. Các ngân hàng thương mại, công ty tài chính đã nhanh chóng tiếp cận xu thế chuyển đổi mô hình ngân hàng số cùng với hàng loạt sản phẩm, dịch vụ tiện ích, mang đến cho người dùng những trải nghiệm về thanh toán, vay vốn chưa từng có.

Tuy nhiên, còn một bộ phận lớn người dân vẫn chưa được tiếp cận được thành quả đó, bởi rất nhiều nguyên nhân, đó cũng là lý do khi Chính phủ ban hành Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, với mục tiêu đến năm 2025 ít nhất 50% tổng số xã có điểm cung ứng dịch vụ tài chính, 80% người trưởng thành có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác.

Tài chính toàn diện qua góc nhìn tín dụng

Nói đến tài chính toàn diện là việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ tài chính của ngân hàng đến mọi đối tượng, lĩnh vực của nền kinh tế. Tài chính toàn diện không phân biệt độ tuổi, giới tính, nơi cu trú, miễn là đáp ứng đầy đủ các nhu cầu khác nhau về tín dụng, thanh toán, các giao dịch liên quan đến tiền của các tầng lớp dân cư. Trong “thế giới phẳng”, công nghệ thông tin phát triển như vũ bão, các sản phẩm, dịch vụ tiện ích của ngân hàng thường xuyên, liên tục được mở rộng, đa dạng, phong phú; ngày càng tiếp cận nhanh chóng, thuận tiện, hiệu quả đến các nhu cầu của xã hội, gia tăng các giá trị cuộc sống. Nhưng thực tiễn cho thấy, ở nước ta, vẫn còn bộ phận dân cư không nhỏ chưa hề biết tới dịch vụ tài chính – ngân hàng, đặc biệt ở lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; khu vực vùng sâu, vùng xa; nhóm dân cư yếu thế; độ tuổi đang trưởng thành mong muốn khởi nghiệp…  Các nhóm đối tượng này bởi thiếu vốn nên luôn khát khao được “trợ giúp” tài chính, coi đó là “cứu cánh” để giải quyết các nhu cầu cho tiêu dùng, sinh hoạt đời sống như lo học phí cho con, thanh toán tiền viện phí, mua sắm công cụ, vật tư, cây, con giống cho sản xuất, thậm chí chỉ là lo việc hiếu, hỉ chuyện đại sự trong đời. Nhưng dù sao thì những nhu cầu đó đều xuất phát từ câu chuyện nhân văn là, làm sao để cuộc sống không rơi vào thế bế tắc, tương lai khấm khá hơn, có cơ hội cho một thế hệ kế tiếp “bằng anh bằng em”.

Nói cách khác, với người dân tiền tín dụng vẫn là vấn đề đầu tiên, trước khi nói đến các giao dịch thanh toán. Tiền là phương tiện thanh toán, không có tiền/thu nhập thì mọi phương thức thanh toán, mọi ứng dụng dịch vụ thanh toán.. cũng trở nên vô nghĩa. Mục tiêu của tài chính toàn diện cũng chính là tạo tiền – nâng cao chất lượng cuộc sống, còn sản phẩm dịch vụ tài chính là hệ thống các giải pháp làm gia tăng giá trị cho toàn xã hội.

Đại lý ngân hàng muôn màu, muôn vẻ

Hoạt động ngân hàng, tổ chức tín dụng là một tổng thể các giao dịch về cấp tín dụng, thanh toán với những quy trình, quy tắc nghiêm ngặt, chặt chẽ liên quan đến việc huy động vốn, cho vay, thanh toán của xã hội. Đối với nền kinh tế, một ngân hàng, tổ chức tín dụng dù có mạnh đến đâu cũng không thể “bao sân” hết các đối tượng khách hàng. Cả hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng dù đã có sự phân khúc lĩnh vực, đối tượng phục vụ thì chiếc bánh thị trường vẫn luôn có một phần không nhỏ còn bỏ ngỏ. Lý do thật đơn giản, đó là bên cạnh khẩu vị của từng ngân hàng, tổ chức tín dụng, thì mạng lưới các điểm  giao dịch ngân hàng không đủ để vươn xa. Chi phí đắt đỏ, môi trường, điều kiện kinh doanh không đủ đảm bảo để có thể duy trì hiệu quả hoạt động cũng là nguyên nhân khó mở rộng quy mô mạng lưới. Tuy vậy, nhìn một cách tích cực, trong quá trình đổi mới hoạt động ngân hàng, có rất nhiều mô hình đại lý ngân hàng rất đáng được tổng kết, ghi nhận.

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) có mô hình Tổ vay vốn thông qua hình thức phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội như Hội Nông dân, Hội Cựu Chiến binh, Hội Phụ nữ… hình thành nên các nhóm, tổ cho vay tín chấp. Theo mô hình này, trong giai đoạn 2016 – 2020, hệ thống Agribank có 80 chi nhánh loại I triển khai ký kết chương trình phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp để triển khai thực hiện các nội dung về thực hiện chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp nông thôn theo Nghị định 55 ủa Chính phủ; ký 870 Thỏa thuận hợp tác với Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp; các chi nhánh Agribank nơi cho vay phối hợp với Hội Phụ nữ xã thành lập các tổ vay vốn, thời điểm cao nhất đạt trên 11 nghìn tổ vay vốn tại các thôn, bản, ấp, xã, phương, thị trấn, với gần 270 nghìn thành viên tổ vay vốn do các cấp Hội Phụ nữ quản lý. Đến ngày 30/9/2021, số lượng tổ vay vốn qua Hội phụ nữ không ngừng được mở rộng lên 10.964 tổ, dư nợ tăng trưởng từ 13.161 tỷ đồng của năm 2016 đã tăng lên 25.185 tỷ đồng của năm 2020, chiếm trên 14% dư nợ cho vay qua tổ nhóm toàn hệ thống, tăng trưởng bình quân 21%/năm. Bình quân dư nợ trên 1 thành viên là 109 triệu đồng; bình quân dư nợ trên 1 tổ vay vốn đạt 2.297 triệu đồng.

Đi lên từ ngân hàng thương mại cổ phần nông thôn, Ngân hàng Kiên Long (Kienlongbank) có mô hình Cộng tác viên tham gia vào các hoạt động dịch vụ tín dụng. Kienlongbank tuyển dụng cộng tác viên trên khắp cả nước, với nhiều chế độ phúc lợi cạnh tranh, môi trường làm việc thân thiện. Cộng tác viên của Kienlongbank là những nhân sự tiềm năng, có đam mê và nhiệt huyết gia nhập Ngân hàng, với những chế độ lương thưởng hấp dẫn và cơ hội phát triển nghề nghiệp. Khi tham gia làm cộng tác viên của Kienlongbank, ngoài mức thu nhập ổn định, thời gian làm việc linh động, cộng tác viên còn được hưởng các quyền lợi, phúc lợi khác như: được ưu tiên xét chọn làm nhân viên chính thức; được hưởng phí dịch vụ định kỳ và các lợi ích khác theo doanh số phát vay, theo địa bàn làm việc; hưởng hoa hồng khi giới thiệu cộng tác viên mới cho Ngân hàng; được khen thưởng theo chế độ xét thưởng của Kienlongbank; được tham gia các chương trình thi đua và nhận giải thưởng cao; đào tạo kỹ năng giao tiếp, kỹ năng nghiệp vụ trong công tác tín dụng; được bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ để nâng cao kỹ năng trong công việc, …

Ngân hàng Liên Việt sau khi trở thành Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) đã tận dụng hàng nghìn địa điểm bưu cục xã để kết hợp phát triển dịch vụ tiết kiệm bưu điện, thu hộ, chi hộ…

Trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng, Công ty tài chính Fe Credit sau 8 năm đi vào hoạt động, đến năm 2018 đã mở rộng hợp tác với trên 9.000 đối tác, phục vụ cho hơn 10.000.000 khách hàng trong cả nước, chiếm tới trên 50% thị phần. Có thể nói, các đối tác này là một phần không thể thiếu trong hoạt động kinh doanh và là những nhân tố đã góp phần tích cực tạo nên thành công của các ngân hàng, tổ chức tín dụng.

Trên bình diện chung, đại lý ngân hàng là một phần tất yếu trong hoạt động ngân hàng, tổ chức tín dụng, là chân rết không thể thiếu để đẩy mạnh tài chính toàn diện.

Đại lý ngân hàng

Tại Việt Nam, 2 năm trở lại đây, Ngân hàng Nhà nước cũng đã cho triển khai thí điểm đại lý ngân hàng ở khu vực nông thôn với ba mô hình: MB kết hợp với Viettel; PGBank với Petrolimex và Vietcombank với M_service (chủ sở hữu ví điện tử MoMo)… Đây là những mô hình đại lý kết hợp giữa ngân hàng với công nghệ tài chính, đã đạt một số kết quả tương đối khả quan khi số điểm cung cấp dịch vụ của cả ba mô hình đạt 32.185 điểm - tăng 1,4 lần; số lượng khách hàng tăng hơn 8 lần, trong đó số lượng khách hàng ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa chiếm gần 60% tổng số khách hàng; tổng số lượng giao dịch đạt hơn 11 triệu giao dịch và tổng giá trị giao dịch đạt hơn 81.000 tỷ đồng…

Kết hợp giữa mô hình đã có và mô hình đang triển khai thí điểm cho thấy sự cần thiết khách quan phải tăng cường đại lý ngân hàng để hỗ trợ các tổ chức tín dụng mở rộng quy mô hoạt động, nâng cao chất lượng sản phẩm để “phủ sóng” cung ứng dịch vụ tài chính đến mọi đối tượng có khả năng thanh toán. Đại lý ngân hàng là bên thứ ba thay mặt cho tổ chức nhận tiền gửi hoặc/và tổ chức cung ứng dịch vụ tiền di động được cấp phép.

Vấn đề đặt ra là, cần phải có hành lang pháp lý bảo đảm cho đại lý ngân hàng hoạt động an toàn, có hiệu quả đúng quy định của pháp luật.

Trước tiên, mô hình đại lý ngân hàng xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của mỗi tổ chức tín dụng. Số lượng đại lý phụ thuộc vào khẩu vị, năng lực tài chính, năng lực quản trị, công nghệ thông tin.. của mỗi ngân hàng, công ty tài chính. Tổ chức tín dụng có thể phân cấp cho các chi nhánh ký kết hợp đồng đại lý, nhưng việc kiểm soát phải tập trung vào một đầu mối tại trụ sở chính. Do tính chất ủy quyền, nên mỗi đại lý có nghĩa vụ trong phạm vi được ủy quyền (toàn bộ hay từng phần về tín dụng, thanh toán). Để đảm bảo an toàn cho hoạt động đại lý, các tổ chức tín dụng cần quy chế quản lý nội bộ, thống nhất mấu hợp đồng cho từng đối tượng đại lý khác nhau, đảm bảo nguyên tắc đối tượng nào được phép cung cấp dịch vụ gì và những dịch vụ nào không được phép triển khai thực hiện. Các yếu tố ràng buộc và cam kết cần làm rõ sẽ là căn cứ pháp lý quan trọng khi xảy ra rủi ro, tranh chấp và dễ dàng kiểm tra, giám sát. Bên cạnh yếu tố mang tính nghiệp vụ, các tổ chức tín dụng không coi nhẹ vai trò của đại lý trên giác độ hỗ trợ việc tuyên truyền, quảng bá, phổ biến hướng dẫn sản phẩm dịch vụ, cũng như là tai, mắt theo dõi, giám sát, thông tin về xu hướng nhu cầu, biến động về nhân thân, môi trường sinh sống để bổ sung vào cơ sở dữ liệu khách hàng, lịch sử giao dịch tín dụng, chuyển tiền. Điều này rất cần thiết để tạo lập bộ hồ sơ khách hàng hoàn chỉnh, là giá trị riêng có của mỗi tổ chức tín dụng.

Thứ hai, cần có văn bản của cơ quan có thẩm quyền tích hợp, liên thông các quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực ngân hàng, giao dịch dân sự… làm cơ sở pháp lý khi ký kết hợp đồng đại lý ngân hàng trên tinh thần cụ thể hóa các nhóm đối tượng (tổ chức, cá nhân) được phép/không được phép thực hiện đại lý; phân loại tổ chức tín dụng được phép/không được phép ký hợp đồng đại lý ủy quyền toàn bộ/một phần cung cấp dịch vụ ngân hàng. Đặc biệt là những quy định về phòng chống rửa tiền/tài trợ khủng bố, quy định về tiền điện tử, quy trình nhận biết khách hàng (KYC).

Một trong những băn khoăn nhất hiện nay là, đối tượng và địa bàn hoạt động đại lý ngân hàng. Bởi tính đặc thù chuyên ngành, quy định pháp luật nên hướng đến mặt “hỗ trợ” giải ngân vay vốn nhỏ và thu hồi nợ/trả góp, hỗ trợ thanh toán hoá đơn, hỗ trợ chuyển vốn, truy vấn số dư, thu thập và chuyển tiếp các đơn đăng ký mở tài khoản, mở tiết kiệm, vay và thẻ tín dụng của đại lý nhiều hơn. Các nghiệp vụ phê duyệt quyết định mở tài khoản thẻ/khoản vay… không thuộc thẩm quyền của các đại lý. Về đối tượng và địa bàn hoạt động đại lý ngân hàng, cần xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của tổ chức tín dụng, quy định cần linh hoạt, cởi mở, không hạn chế đó là tổ chức hay cá nhân, là cá nhân kinh doanh hay hộ gia đình. Mọi giao dịch dân sự có pháp luật dân sự điều chỉnh, miễn là đối tượng đó phải đảm bảo đáp ứng được những tiêu chuẩn về năng lực tài chính, có uy tín, có khả năng đáp ứng cam kết trong điều kiện bất lợi, khả năng cung ứng các dịch vụ tài chính dựa trên nền tảng công nghệ, kiểm soát nội bộ, đảm bảo an ninh, phòng chống rửa tiền…

Mở rộng, phát triển mô hình đại lý ngân hàng sẽ giúp các tổ chức tín dụng tăng cường khả năng tiếp cận, sử dụng các dịch vụ tài chính của người dân. Gia tăng độ phủ đại lý, hướng đến khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa sẽ góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện.

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay