Góp ý hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 153/2020/NĐ-CP, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng quy định trong dự thảo sẽ vô hình chung khiến các doanh nghiệp ngần ngại đầu tư vào các lĩnh vực mới, ngăn cản quyền tự do huy động vốn của doanh nghiệp.
Phản hồi đề nghị của Bộ Tài chính về việc góp ý hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định việc chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế; đồng thời trên cơ sở ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, VCCI cho rằng việc cấm doanh nghiệp phát hành trái phiếu để góp vốn dưới hình thức góp vốn hoặc mua cổ phần tại doanh nghiệp khác tại dự thảo nhằm hạn chế tình trạng công ty mẹ, công ty con trong cùng tập đoàn huy động để chuyển vốn cho nhau.
Tuy nhiên, quy định này không phù hợp với nguyên tắc quản trị của các tập đoàn.
Thực tế, khi triển khai một dự án kinh doanh, tập đoàn thường sẽ không trực tiếp đảm nhận dự án mà thành lập công ty con để thực hiện dự án đó. Đặc biệt là với các dự án đầu tư sang lĩnh vực hoặc dự án có độ rủi ro cao. Đây là phương thức thực hiện dự án quen thuộc và hiệu quả, giúp tránh được rủi ro và linh hoạt khi cần điều chỉnh cơ cấu.
Do vậy, trong trường hợp đó, công ty con mới rất khó vay vốn và không đủ điều kiện phát hành trái phiếu, nên công ty mẹ có tín nhiệm cao hơn thường giữ vai trò huy động vốn, gồm cả biện pháp phát hành trái phiếu. Quy định theo như đề xuất của dự thảo sẽ vô hình chung khiến các doanh nghiệp ngần ngại đầu tư vào các lĩnh vực mới, ngăn cản quyền tự do huy động vốn của doanh nghiệp và không khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế đa ngành, không phù hợp với chủ trương tại Nghị quyết 10-NQ-TW về phát triển kinh tế tư nhân.
Trong khi đó, việc kiểm soát doanh nghiệp góp vốn có thể thực hiện thông qua một số cơ chế khác, như công khai thông tin về cả công ty phát hành và công ty được góp vốn, mua cổ phần; dựa vào đại diện người sở hữu trái phiếu (là đơn vị có trách nhiệm giúp các nhà đầu tư giám sát việc sử dụng vốn huy động). Từ những phân tích trên, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định trên và bổ sung cơ chế kiểm soát theo hướng đã gợi mở.
Việc xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, dự thảo yêu cầu phải được thực hiện trước mỗi khi giao dịch mua/bán trái phiếu. Quy định này cần phải xem xét ở các điểm.
Một là xác định vào thời điểm bán là không cần thiết. Việc xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là nhằm đảm bảo các cá nhân nhỏ lẻ không chuyên có thể tham gia vào lĩnh vực này.
Tại thời điểm bán, nhà đầu tư đã nắm giữ trái phiếu (đã tham gia thị trường) và do đó yêu cầu này sẽ không còn ý nghĩa nữa. Hơn nữa, việc này lại vô tình hạn chế quyền bán của chính nhà đầu tư đó.
Hai là, xác định vào thời điểm mua dường như không thực sự cần thiết. Vì nhà đầu tư có lách các quy định hiện nay bằng các biện pháp với chi phí thấp (chỉ 1,5-2 triệu đồng). Việc xác định lại tư cách nhà đầu tư tại mỗi thời điểm mua không thể giải quyết được vấn đề này, do người mua trái phiếu một vài lần vẫn có thể chịu được phí tổn này, còn người mua trái phiếu nhiều lần thì rất có thể cũng được coi là nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Quy định này cũng dẫn đến phiền phức và phát sinh chi phí cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp. Trong khi vấn đề nằm ở tiêu chuẩn xác định nhà đầu tư chứng khoán tại Điều 11 Luật Chứng khoán, hay chỉ sửa Luật Chứng khoán mới giải quyết được vấn đề này. Vì thế, theo VCCI, cơ quan soạn thảo nên bỏ quy định trên.
Dự thảo còn bổ sung quy định nhà đầu tư có quyền yêu cầu doanh nghiệp mua lại trái phiếu trước hạn khi phát hiện doanh nghiệp phát hành sử dụng không đúng mục đích. Tuy nhiên, quy định này chưa rõ ràng ở điểm thế nào được coi là “phát hiện”? Liệu có cần kết luận của cơ quan có thẩm quyền về việc doanh nghiệp sử dụng tiền không mục đích hay nhà đầu tư chỉ cần yêu cầu với lý do trên là sẽ được mua lại? Nếu không có căn cứ yêu cầu mua lại phù hợp, chỉ cần có tin đồn trên thị trường, có thể khiến một lượng nhà đầu tư yêu cầu mua lại, gây ảnh hưởng đến kế hoạch tài chính và dòng tiền của doanh nghiệp. Vì thế, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi theo hướng nhà đầu tư được yêu cầu doanh nghiệp phát hành mua lại trong trường hợp có kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc doanh nghiệp sử dụng vốn không đúng mục đích.
Dự thảo bổ sung quy định doanh nghiệp phát hành cam kết mua lại trái phiếu trước hạn khi thay đổi mục đích sử dụng, vi phạm pháp luật về phát hành trái phiếu, vi phạm phương án phát hành trái phiếu. Tuy nhiên, quy định cần xem xét ở các điểm như các hành vi vi phạm pháp luật về phát hành trái phiếu, vi phạm phương án phát hành là tương đối rộng; trong đó, có những hành vi vi phạm nhỏ, không ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của nhà đầu tư, do đó quyền được mua lại trong trường hợp này là không hợp lý. Việc này tương tự như quy định về hủy bỏ hợp đồng, nghĩa là chỉ khi doanh nghiệp phát hành có những hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng đến mức nhà đầu tư không đạt được mục đích giao kết hợp đồng thì mới phát sinh quyền này.
Ngoài ra, trong một số trường hợp, dù thay đổi mục đích sử dụng, các nhà đầu tư vẫn chấp nhận và có nhu cầu giữ trái phiếu. Khi đó, quy định doanh nghiệp vẫn có trách nhiệm mua lại trái phiếu trước hạn là không hợp lý.
Vì thế, VCCI cũng đề nghị sửa đổi quy định theo hướng doanh nghiệp có cam kết mua lại khi thay đổi mục đích sử dụng, các vi phạm nghiêm trọng về phát hành trái phiếu hoặc phương án phát hành, trừ trường hợp các nhà đầu tư (trái chủ) chấp nhận các nội dung này.
Dự thảo bổ sung thành phần hồ sơ là kết quả xếp hạng tín nhiệm của tổ chức xếp hạng tín nhiệm đối với trường hợp phát hành cho nhà đầu tư cá nhân, phát hành trái phiếu không có tài sản bảo đảm, không có bảo lãnh thanh toán, có kết quả kinh doanh lỗ.
Tuy nhiên, quy định này cần được xem xét lại. Lý do là quy định pháp lý và thị trường xếp hạng tín nhiệm ở Việt Nam chưa phát triển, các chuẩn mực xếp hạng chưa được hình thành, và hiện thị trường mới chỉ có 2 đơn vị cung cấp dịch vụ. Việc yêu cầu kết quả xếp hạng tín nhiệm sẽ gây khó khăn lớn cho các tổ chức phát hành cũng như gây một số quan ngại liên quan đến chất lượng của kết quả xếp hạng tín nhiệm - vốn là yếu tố hàng đầu trong việc yêu cầu thành phần hồ sơ này.
Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc lại việc bổ sung quy định này, có thể theo hướng đưa ra lộ trình phù hợp, bắt đầu từ việc khuyến khích doanh nghiệp sử dụng kết quả xếp hạng tín nhiệm.