VnDirect nhấn mạnh, sức khỏe các ngân hàng Việt Nam đã được cải thiện hơn so với trước đây. Các nhà băng vẫn được hưởng lợi nhất từ câu chuyện tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong dài hạn. Từ đó, VnDirect cho rằng định giá của ngành này ở mức thấp lịch sử là 1 lần P/B năm 2023 (tương đương với trung bình 3 năm trừ 2 độ lệch chuẩn), qua đó tạo ra một cơ hội đầu tư dài hạn hết sức hấp dẫn.
“Thăng hoa” sau nhịp giảm sâu
Cùng với đà phục hồi của thị trường chứng khoán trong tháng 11/2022, cổ phiếu ngân hàng cũng có tháng giao dịch “thăng hoa”. Tính riêng nhóm các ngân hàng có mức vốn hóa lớn, thống kê cho thấy tất cả các mã đều tăng điểm tốt với biên độ dao động từ 6,14% đến 43,87%. Trong đó, STB là mã có mức tăng mạnh nhất với tỷ suất đạt 43,87%; xếp thứ 2 là BID (tăng 23,87%), CTG (tăng 22,48%), TCB (tăng 22,11%), VIB (tăng 18,7%), VCB (tăng 18,38%), HDB (tăng 18,12%)… Đây được coi là diễn biến tích cực của nhóm ngân hàng sau nhịp giảm sâu hồi tháng 9 và tháng 10.
Đặc biệt, nhịp hồi của nhóm cổ phiếu ngân hàng dự báo còn tiếp tục kéo dài ít nhất là tới hết tháng 12/2022, trước việc NHNN vừa quyết định nới room tín dụng thêm khoảng 1,5-2% trong năm 2022 cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng. Quyết định này được đưa ra nhằm trợ lực cho các ngành, lĩnh vực chạy nước rút hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh cuối năm. Khi cả nền kinh tế cùng tăng tốc thì hiệu quả kinh doanh của hệ thống ngân hàng cũng tiếp tục cải thiện, từ đó tạo lực đẩy tích cực cho nhóm cổ phiếu ngân hàng.
“Sức khỏe” của các ngân hàng đã được cải thiện tích cực
Tại báo cáo cập nhật triển vọng cổ phiếu ngân hàng, Công ty Chứng khoán BSC giữ quan điểm khả quan với nhóm này, bất chấp việc hoạt động của các nhà băng được dự báo trở nên chật vật hơn trong năm 2023 do bối cảnh biến động chung của nền kinh tế. Với việc tăng lãi suất điều hành trong tháng 9/2022, BSC cho rằng NIM các ngân hàng sẽ chịu áp lực giảm trong ngắn hạn khi lãi suất huy động đang có xu hướng tăng trong khi đó dư địa tăng trưởng tín dụng sẽ bị hạn chế. Tuy nhiên mức giảm NIM cũng sẽ tương đối phân hóa giữa các ngân hàng, phụ thuộc vào tỷ lệ CASA, tỷ lệ LDR và tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của mỗi ngân hàng. BSC dự báo NIM hệ thống ngân hàng duy trì ở mức 3,7% trong năm 2022 do phục hồi của nền kinh tế giúp tăng trưởng tín dụng cao.
Một yếu tố tích cực khác là chất lượng tài sản các nhà băng trong tầm kiểm soát, mặc dù có rủi ro xuất hiện từ “cơn gió ngược” liên quan trái phiếu doanh nghiệp khiến thị trường vốn nói chung ít nhiều chịu ảnh hưởng. Tỷ lệ nợ xấu và bao phủ nợ tiếp tục được các ngân hàng cải thiện, với bộ đệm dự phòng lớn trước các rủi ro mới.
Bên cạnh đó, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) tiếp tục giữ ở mức cao và tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn giữ ở mức an toàn. Các tỷ lệ đều đảm bảo tốt theo yêu cầu của NHNN và BSC kỳ vọng điều này sẽ được giữ vững trong tương lai với các kế hoạch tăng vốn, từ đó giúp tăng trưởng quy mô và lợi nhuận của các ngân hàng.
Đường còn dài, nhưng nhiều triển vọng
Mặc dù tăng trưởng khả quan, song để nhóm cổ phiếu ngân hàng thực sự lấy lại những gì đã mất từ thời kỳ đỉnh cao, chắc chắn không phải câu chuyện một sớm một chiều. Bởi nếu xét trong 1 năm trở lại đây, chỉ có duy nhất 2 mã tăng điểm là BID (tăng 16,86%), VCB (tăng 9,79%); còn lại đều giảm trong biên độ từ 11,68% đến 42,23%.
Trong góc nhìn đến năm 2023, Công ty Chứng khoán VnDirect nhìn nhận, sóng gió vẫn sẽ tiếp tục với các ngân hàng. Theo đó, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô vẫn sẽ là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ trong năm 2023, cùng với việc duy trì các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để phục hồi kinh tế. Định hướng này khiến chi phí huy động vốn khó có thể giảm, trong khi lãi suất cho vay cũng khó có thể tăng, từ đó tác động tiêu cực đến NIM của các ngân hàng. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục khó khăn sẽ tác động xấu lên chất lượng tài sản cũng như tình hình thanh khoản của các ngân hàng.
Nhìn chung theo VnDirect, tăng trưởng lợi nhuận của ngành Ngân hàng sẽ chậm lại và đạt 10-12% so với cùng kỳ trong năm 2023-2024 (từ mức 32% so với cùng kỳ năm 2022) khi tăng trưởng tín dụng chậm lại, NIM thu hẹp và chi phí tín dụng tăng. Đáng chú ý, khoảng 46.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong 6 tháng đầu năm 2023 sẽ là một thử thách lớn cho hệ thống tài chính.
Tuy nhiên, theo VnDirect sang nửa cuối năm, tình hình sẽ trở nên khả quan hơn khi rủi ro lãi suất và căng thẳng tỷ giá được dịu bớt; và vấn đề căng thẳng thanh khoản cũng được giải quyết phần nào nhờ các địa phương đẩy mạnh giải ngân đầu tư công.
VnDirect cũng nhấn mạnh, sức khỏe các ngân hàng Việt Nam đã được cải thiện hơn so với trước đây. Các nhà băng vẫn được hưởng lợi nhất từ câu chuyện tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong dài hạn. Từ đó, VnDirect cho rằng định giá của ngành này ở mức thấp lịch sử là 1 lần P/B năm 2023 (tương đương với trung bình 3 năm trừ 2 độ lệch chuẩn), qua đó tạo ra một cơ hội đầu tư dài hạn hết sức hấp dẫn.
Trong giai đoạn biến động của năm 2023, VnDirect cho rằng nhà đầu tư nên ưu tiên chọn các cổ phiếu ngân hàng sở hữu danh mục cho vay ít rủi ro (tỷ trọng cho vay bất động sản và TPDN thấp); tham gia hỗ trợ các ngân hàng yếu kém; CAR cao; và quản trị thanh khoản tốt, sẽ nhận được hạn mức tín dụng cao hơn…
Tương tự như vậy, Công ty Chứng khoán Agriseco cũng đánh giá lợi nhuận ngành Ngân hàng trong năm 2022 và 2023 sẽ khó duy trì tăng trưởng cao như giai đoạn 2020 - 2021. Tuy nhiên, Agriseco kỳ vọng một số yếu tố có thể hỗ trợ cho nhóm ngân hàng thời gian tới gồm: Các kế hoạch tăng vốn dự kiến được triển khai; định giá nhóm cổ phiếu ngân hàng đã được chiết khấu về mức hấp dẫn khi giảm xuống dưới mức trung bình 5 năm.
Về dài hạn, Agriseco duy trì quan điểm cổ phiếu ngành Ngân hàng sẽ là cơ hội đầu tư hấp dẫn nhờ quá trình chuyển đổi số trong hệ thống ngân hàng đang diễn ra mạnh mẽ, nhiều ngân hàng đang dần hình thành hệ sinh thái ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm với các sản phẩm tài chính công nghệ 4.0 giúp gia tăng giá trị thặng dư. Cùng với đó, quy mô và năng lực tài chính của các ngân hàng cũng đang được đẩy mạnh nhờ lợi nhuận tích lũy cùng quá trình tăng vốn, phát hành cho đối tác chiến lược.
Theo Huy Ngọc
Thời báo Ngân hàng