Ngày 26/10/2022, Hiêp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Blockchain Việt Nam tổ chức hội thảo: 'Cơ hội, thách thức ứng dụng Blockchain vào vận hành trong ngành Tài chính - Ngân hàng'. Hội thảo nhằm cập nhật thông tin, xu hướng và kinh nghiệm của quốc tế, thực tiễn tốt của các tổ chức về ứng dụng công nghệ blockchain.
> Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam hợp tác với Hiệp hội Blockchain Việt Nam
Phát biểu tại hội thảo, TS Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, 2021 được xem là một năm thảm họa cho nền kinh tế thế giới khi phải đối mặt với dịch bệnh Covid-19 nhưng đây lại là năm bùng nổ của lĩnh vực blockchain. Blockchain nổi lên như một hiện tượng trong bức tranh tổng thể của nền kinh tế thế giới năm 2021. Trong năm qua, các chỉ số Blockchain trên thế giới đều tăng trưởng mạnh. Dẫn số liệu từ CB Insights, TS Nguyễn Quốc Hùng cho biết, lượng tiền tài trợ cho lĩnh vực này cũng tăng gấp 4 lần chỉ trong một năm, từ 3,1 tỷ USD trong cả năm 2020 lên thành 15 tỷ USD chỉ trong 9 tháng đầu của năm 2021.
Tuy nhiên, cũng theo TS. Nguyễn Quốc Hùng, hiện tại, blockchain mới chỉ ứng dụng chủ yếu trong lĩnh vực tài chính, đặc biệt là tài sản số, tiền số. Ngoài một vài dự án tiền mã hóa (crypto) và blockchain Việt Nam nổi bật như Axie Infinity, Coin98, Kyber Network, TomoChain, KardiaChain… thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này, thì phần lớn các ứng dụng blockchain tại thị trường Việt Nam vẫn chưa đạt được thành công nổi bật. Những tiềm năng khác của công nghệ blockchain như truy xuất nguồn gốc trong nông nghiệp, logistics, y tế, giáo dục,… chưa được ứng dụng nhiều.
Mặt khác, việc phát triển công nghệ blockchain ở Việt Nam cũng đang gặp nhiều thách thức do Việt Nam không có nhiều chuyên gia về blockchain, mức độ am hiểu của người dân về công nghệ này rất hạn chế, cơ sở hạ tầng chưa bảo đảm và cho đến hiện tại, Việt Nam vẫn chưa có bất kì một hành lang pháp lý cụ thể nào cho công nghệ này.
Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng thảo luận cùng đại biểu tại hội thảo
Tại Việt Nam, blockchain được ưu tiên nghiên cứu, phát triển và ứng dụng để chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 theo Quyết định số 2117/QĐ-TTg ngày 16/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã phê duyệt Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2025, trong đó công nghệ blockchain được xếp thứ hai sau trí tuệ nhân tạo (AI) trong loạt các công nghệ chủ chốt.
Blockchain đã và đang dần trở thành cột trụ cho công nghệ ở Việt Nam với nhiều ứng dụng khá hấp dẫn như nền tảng lưu trữ văn bằng trong lĩnh vực đào tạo; thư tín dụng, bảo lãnh hợp đồng, thanh toán trong lĩnh vực ngân hàng… Chính vì thế, blockchain đang dần được thấu hiểu đó chính là công nghệ, không phải bitcoin hay tiền điện tử như lầm tưởng trước đây…
Số liệu từ Vụ Thanh toán thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng cho thấy, số lượng các doanh nghiệp Fintech tham gia cung ứng dịch vụ trên thị trường Việt Nam hiện nay đã tăng gần 4 lần, từ 40 doanh nghiệp tại thời điểm cuối năm 2016, đến cuối năm 2021 đã tăng lên hơn 150 doanh nghiệp, trải rộng trên nhiều lĩnh vực khác nhau…Ngân hàng BIDV tiên phong ứng dụng blockchain trong tài trợ thương mại, MB, VPBank, Vietcombank... cũng đã công bố ứng dụng blockchain trong giao dịch tài chính. Một số doanh nghiệp khác cũng ứng dụng thành công blockchain vào kinh doanh, như: Masan Group, Bảo Việt, AIA…
Ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam
Theo ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam, việc ứng dụng Blockchain trong ngành tài chính - ngân hàng đang 7 xu hướng chính. Các ngân hàng Việt Nam nên ứng dụng các lợi thế của blockchain với các bài toán thúc đẩy hệ sinh thái Fintech tạo ra một hệ sinh thái bao quanh lõi ngân hàng.
Bên cạnh đó, cắt giảm các chi phí quản trị trung gian nội bộ ngân hàng dưới góc nhìn ứng dụng blockchain thông qua cơ chế đồng thuận/phê duyệt giao dịch. Đồng thời, xây dựng mô hình ngân hàng lấy dịch vụ truyền thống làm trung tâm nhưng chia sẻ đa nền tảng dịch vụ khác với doanh nghiệp dựa trên cấu trúc Enterprise Blockchain.
Tại hội thảo, các diễn giả, chuyên gia và đại biểu tham dự đã cùng trao đổi, thảo luận để tìm hiểu những cơ hội, thách thức cũng như tìm ra các giải pháp nâng cao hiệu quả ứng dụng blockchain trong ngành tài chính ngân hàng, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.
Đại diện Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết có nhiều thách thức ứng dụng blockchain cho ngân hàng một phần do rào cản chi phí đầu tư hạ tầng công nghệ, tích hợp. Chi phí nghiên cứu, đầu tư hạ tầng cao, cùng với yêu cầu tích hợp, chuyển đổi đồng bộ với các hệ thống, cơ sở hạ tầng khác đòi hỏi yêu cầu thời gian chỉnh sửa hệ thống và tối ưu chi phí để đảm bảo hiệu quả hoạt động kinh doanh và tính bảo mật, an toàn thông tin.
Các nền tảng blockchain yêu cầu ngân hàng, khách hàng của ngân hàng trả phí dịch vụ khiến việc mở rộng danh mục khách hàng và hiệu suất sử dụng dịch vụ trên nền tảng blockchain gặp nhiều thách thức.
Bên cạnh đó, khả năng mở rộng mạng lưới, kết nối đa phương là nhu cầu của nhiều ngân hàng. Chỉ khi nào mạng blockchain thực sự đủ lớn kết nối được các chủ thể, bao gồm chủ thể ở các quốc gia trên thế giới thì giao dịch mới có thể tiến hành thông suốt và trọn vẹn.
Đại diện Vietcombank phát biểu tại Hội thảo
Tại hội thảo, nhiều ý kiến cũng cho rằng, để thị trường công nghệ blockchain phát triển đúng hướng, lành mạnh, phát huy được tiềm năng, cần nâng cao nhận thức, bổ sung các cơ chế, chính sách, thúc đẩy và nâng cao năng lực của các doanh nghiệp công nghệ, phát triển cơ sở hạ tầng, cũng như chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao.
Trong sáng cùng ngày, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã ký biên bản ghi nhớ (MOU) hợp tác nhằm thúc đẩy sự phát triển của ứng dụng nền tảng blockchain tại Việt Nam. Việc hợp tác của hai bên nhằm thúc đẩy ứng dụng công nghệ; hợp tác trong công tác đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực cũng như tìm kiếm, mở rộng các cơ hội hợp tác/đầu tư khác.