Chủ nhật, 29/09/2024
   

Cơ chế phù hợp sẽ hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn

Ngân hàng được ví như huyết mạch của nền kinh tế. Ngân hàng mạnh sẽ có đủ nguồn lực để cung ứng vốn cho nền kinh tế, doanh nghiệp sẽ thúc đẩy Sản xuất, kinh doanh phát triển… Đã đến lúc Chính phủ cần có cơ chế, chính sách mạnh hơn, linh hoạt hơn để ngân hàng trở lại trạng thái bình thường mới, ổn

Việc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 03/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN với điểm nhấn quan trọng là, ấn định thời điểm kết thúc tái cơ cấu, miễn giảm lãi được kéo dài đến ngày 31/12/2021, và quy định về trích lập dự phòng với lộ trình 3 năm theo mức 30%, 60%, 100%, đã giải quyết được các khó khăn, vướng mắc cũng như tháo gỡ sự lúng túng cho các TCTD trong các hoạt động như: cơ cấu nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, miễn giảm lãi phù hợp…

Cơ chế phù hợp

Tại thời điểm ban hành Thông tư 01 ngày 13/3/2020 và Thông tư 03 ngày 02/4/2021 đã thể hiện rõ quan điểm của NHNN, cũng như các TCTD trong việc chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn chống dịch COVID-19. Có thể nói, Thông tư 01, Thông tư 03 đã phát huy tác dụng tốt, tăng sức đề kháng cho doanh nghiệp trong giai đoạn đầu của dịch bệnh, tiếp máu đủ liều lượng để doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Thông tư 03 như bảo bối cơ chế, chính sách để các tổ chức tín dụng không bị phạm quy, khi cân nhắc, xem xét khi cơ cấu nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ của khách hàng còn đang bị mắc kẹt do sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch covid-19. Việc cơ cấu nợ theo đó sẽ không chuyển nhóm nợ tương ứng đối với khách hàng và được xem xét cho vay mới nếu dự án có tính khả thi và đáp ứng được điều kiện của các TCTD. Về bản chất khoản nợ được cơ cấu đó là nợ dưới chuẩn và đương nhiên tổ chức tín dụng phải trích lập dự phòng rủi ro, song Thông tư 03 đã ghi điểm cộng quan trọng là giải thoát tâm lý e ngại của cán bộ tín dụng khi cho vay mới, nếu xảy ra rủi ro thì sẽ bị thiếu tinh thần trách nhiệm.

Ngân hàng với trách nhiệm xã hội

Nhưng hiện tại, dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, bất định, chưa ai có thể khẳng định thời điểm nó kết thúc. Đợt bùng phát dịch với biến thể Delta có mức độ lây lan chóng mặt, trên diện rộng làm cho nhiều ngành, nghề sản xuất, kinh doanh cũng như sinh hoạt, tiêu dùng của người dân bị xáo trộn. Giao thương cách trở, doanh thu của các doanh nghiệp giảm mạnh do không thực hiện được các đơn hàng; người lao động mất việc làm… vẫn đang buộc cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. Để chung tay cùng Chính phủ thực hiện mục tiêu kép, các tổ chức tín dụng đồng thời cùng lúc: triển khai Thông tư 03 cơ cấu lại nợ, trích lập dự phòng rủi ro; tiếp tục tung ra các giải pháp giảm lãi suất đối với dư nợ hiện hữu, miễn, giảm phí thanh toán, phí phát hành thẻ…, và làm tốt công tác an sinh, hỗ trợ vật chất chia sẻ với tuyến đầu chống dịch.

Đến 31/5/2021, song song với xử lý nợ xấu, các tổ chức tín dụng đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 257.600 khách hàng với dư nợ 1.277.831 tỷ đồng; cho vay mới trong 5 tháng đầu năm lãi suất thấp hơn so với trước dịch là 3.508.415 tỷ đồng cho 480.839 lượt khách hàng (số liệu báo cáo của Ngân hàng Nhà nước). Trong khi tổng vốn điều lệ (yếu tố quyết định đến quy mô vốn huy động) còn ở mức độ khiêm tốn, dự kiến đến cuối năm đạt trên 700 nghìn tỷ đồng, có thể coi sứ mệnh cho vay và bảo toàn vốn cho vay đang hết sức khó đối với các tổ chức tín dụng trước tác động của dịch Covid-19. Từ tháng 6/2021 trở lại đây, nhất là sau khi triển khai thực hiện Nghị quyết 63/NQ-CP ngày 29/6/2021 của Chính phủ “Về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022”, các tổ chức tín dụng lại ra quân giảm 1% lãi suất với khoản vay hiện hữu của khách hàng, nhiều ngân hàng thương mại đã triển khai các gói tín dụng với quy mô hàng chục, hàng trăm ngàn tỷ đồng lãi suất ưu đãi dành cho các đối tượng vay vốn. Điều đó cho thấy các ngân hàng thương mại đã nêu cao ý thức trách nhiệm xã hội.

Cần cơ chế mạnh, linh hoạt hơn nữa

Không ai có thể phủ nhận hiệu quả, hiệu lực Thông tư 01, Thông tư 03 đối với các ngân hàng thương mại và các doanh nghiệp trước khó khăn bởi dịch Covid-19. Bản chất của các Thông tư nêu trên, như tên gọi của nó là “Quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19”. Vấn đề đặt ra là, từ nay đến 31/12/2021, là thời điểm cuối cùng cơ cấu thời hạn trả nợ sẽ không còn bao xa, trong khi dịch Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm, khó khăn của khách hàng vẫn đang hiện hữu và ngày càng tăng lên, liệu Thông tư 03 có phải xem xét sửa đổi, bổ sung nữa không và sửa đổi, bổ sung theo hướng nào?

Nhìn toàn cục thì dịch Covid-19 chưa thể vãn hồi trong ngắn hạn. Với các giải pháp phòng, chống quyết liệt của Chính phủ như hiện nay, với nỗ lực, đồng lòng của toàn xã hội hy vọng dịch bệnh Covid-19 sẽ sớm bị khống chế trong thời gian không xa, để trở lại với cuộc sống bình thường mới. Tuy nhiên dịch bệnh cũng sẽ để lại hậu quả nặng nề đối với nền kinh tế mà không phải một sớm, một chiều có thể khắc phục ngay được. Nằm trong vùng ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, việc thường xuyên phải khắc phục khó khăn do thiên tai tàn phá cũng tiêu tốn rất nhiều nguồn lực xã hội, ngân sách nhà nước, trong đó có cả nguồn lực của các tổ chức tín dụng. Cộng thêm ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, đã và đang là áp lực rất lớn đối với ngân hàng khi tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Nếu như Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đang mang lại kết quả hết sức tích cực đối với lĩnh vực hoạt động ngân hàng, đã xử lý thu về hàng trăm ngàn tỷ đồng nợ xấu, làm lành mạnh thị trường tín dụng; Nếu như Nghị định 55/2015/NĐ-CP và Nghị định 116/2018/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, về khoanh nợ, với thời hạn khoanh nợ tối đa là 2 năm… thì cần thiết phải có chính sách tương tự như vậy để đảm bảo tính pháp lý khi cho vay mới đối với những khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 còn đang tiếp diễn.

Dịch Covid-19 kéo dài có tác động không chỉ với một quốc gia mà trên phạm vi toàn cầu; mức độ ảnh hưởng không chỉ đối với một ngành, một lĩnh vực mà rộng khắp đối với cả nền kinh tế, xã hội. Cơ quan quản lý nhà nước cần nghiên cứu, tiên liệu những khó khăn sẽ đến, ban hành cơ chế, chính sách mang tính đồng bộ, dài hạn, đưa ra các giải pháp phù hợp nhằm huy động tối đã nguồn lực; đồng thời đảm bảo ổn định vĩ mô, thúc đẩy việc duy trì ổn định, phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thương mại. Đặc biệt, đối với hoạt động ngân hàng, an toàn hệ thống phải được đặt lên hàng đầu, không thể hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp bằng cách liên tục cơ cấu lại nợ, gia hạn, miễn, giảm lãi, phí sẽ dẫn đến hậu quả khó lường. Giải pháp khoanh nợ cũng cần được xem xét ngay từ bây giờ.

Ngân hàng được ví như huyết mạch của nền kinh tế. Ngân hàng mạnh sẽ có đủ nguồn lực để cung ứng vốn cho nền kinh tế, doanh nghiệp sẽ thúc đẩy Sản xuất, kinh doanh phát triển. Cơ chế phù hợp sẽ hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn. Trong thiên tai, chúng ta đã có các giải pháp sống chung với lũ, thì đối với dịch bệnh cũng cần có những giải pháp sống chung với nó. Đã đến lúc Chính phủ cần có cơ chế, chính sách mạnh hơn, linh hoạt hơn để ngân hàng trở lại trạng thái bình thường mới, ổn định và tăng trưởng mạnh mẽ, có thêm nguồn lực phục vụ nền kinh tế.

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay