Cho vay ngang hàng (P2P Lending) xuất hiện tại Việt Nam từ khá lâu, nhưng đến nay, hành lang pháp lý cụ thể và chính thức cho hoạt động này vẫn chưa được ban hành.
Thị trường bị biến tướng, doanh nghiệp muốn rời sân
Đến cuối tháng 6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước triển khai, nghiên cứu giải pháp thử nghiệm cho P2P Lending để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn vay. Tuy nhiên đến lúc này, dường như thị trường đã không còn màu mỡ hoặc quá khó kinh doanh, khiến không ít tổ chức đang triển khai hoạt động P2P phải dần từ bỏ, hoặc nhường sân cho những "người giấu mặt" khác thâm nhập.
Một điển hình là dự án cho vay ngang hàng, tập trung mảng cho vay cá nhân của Tập đoàn Công nghệ Nexttech (vaymuon.vn) đã âm thầm ngừng hoạt động từ đầu năm nay.
Chia sẻ với báo chí, Chủ tịch Tập đoàn Nexttech Nguyễn Hoà Bình cho biết, Nexttech chỉ dừng hoạt động cho vay cá nhân, còn đối với doanh nghiệp thì vẫn duy trì. "Chúng tôi thấy thị trường không còn quá hấp dẫn nên dừng. Đồng thời, việc không có hành lang pháp lý, dẫn đến các công ty khởi nghiệp P2P Lending tại Trung Quốc tràn sang Việt Nam, có thời điểm lên tới 60-70 công ty P2P Trung Quốc không phép. Các app Trung Quốc này vào Việt Nam, đã tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, họ dùng các chiêu bài quảng cáo, gây nhầm lẫn, lừa đảo… để lấy khách hàng, gây ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp chân chính và thị trường".
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Minh Hoàng, cố vấn cấp cao và Giám đốc Truyền thông của một số công ty P2P Lending nhận định, thực tế, thị trường P2P vẫn có nhiều bên mới cả trong và ngoài nước tham gia. Tùy theo mô hình và mục đích cũng như mức độ ưu tiên về kinh doanh mà các công ty mở rộng hay thu hẹp, thậm chí ngừng hẳn. Trong đó còn có các yếu tố quyết định như hành lang pháp lý, cạnh tranh không lành mạnh và thực trạng bùng nợ đang diễn ra.
Ông Nguyễn Minh Hoàng cũng phân tích thêm, P2P là sự kết hợp của 3 yếu tố then chốt bao gồm: Người vay - app - nhà đầu tư. Nếu người vay trả lãi và gốc đầy đủ thì mô hình thắng, nhà đầu tư an toàn. Ngược lại, nếu người vay kém, bùng nợ, sẽ khiến công ty phải gồng mình chịu lỗ cho nhà đầu tư. Thậm chí trên thị trường còn phát sinh rất nhiều trường hợp cá nhân vay tiền có tư tưởng vay để "bùng nợ" .
Như vậy, yếu tố công nghệ cùng với quy trình đảm bảo tìm đúng khách vay an toàn, thu hồi nợ đúng luật là rất quan trọng. Tuy nhiên, mỗi công ty có một bí quyết, năng lực thẩm định riêng, thị trường riêng và cả tệp khách hàng riêng.
Còn đối với các công ty Trung Quốc tràn vào Việt Nam, họ có "người giấu mặt" bơm tiền với mục tiêu nhắm vào người vay để lấy lãi và gây ra nhiều hệ luỵ. Điều này dẫn đến một cuộc cạnh tranh không lành mạnh với các doanh nghiệp chân chính. Không ít vụ việc đã bị phơi ra ánh sáng nhưng hệ lụy đến nay vẫn chưa thể triệt tiêu.
Nhiều app cho vay qua mạng của Trung Quốc hoạt động không phép tại Việt Nam đã tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh
Vẫn còn màu mỡ, nếu sớm có "chiến lược hỗ trợ"
"Điều quan trọng là các doanh nghiệp Việt Nam nên nỗ lực hoàn thiện công nghệ, năng lực, con người... để không bị thất thế trên sân nhà khi các ứng dụng bên ngoài đang chiếm tỷ lệ lớn. Đến nay, các công ty trong nước vẫn đang tuân thủ chặt chẽ các quy định, sẵn sàng đợi giấy phép thí điểm sandbox. Việc luật hóa tốt sẽ đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp, cho nhà đầu tư và thị trường P2P Lending còn non trẻ như hiện nay", ông Hoàng nói.
Vị chuyên gia gắn bó với nhiều P2P Lending này cũng cho biết, với nhiều tập đoàn đa ngành, hoặc các doanh nghiệp đang có nhiều lĩnh vực quan tâm hơn, việc chờ đợi hành lang pháp lý là quá lâu cho một loại hình kinh doanh mà lợi ích không đảm bảo cân bằng. Còn các công ty chỉ tập trung về P2P Lending thì sẽ khác. Họ dồn hết sức lực vào để phát triển và chờ ngày hái quả. Do đó, thời gian mà họ "đủ sức" chờ đợi khung pháp lý để hoạt động và phát huy hiện có hạn chế nhất định. Nếu không sớm kịp có hành lang pháp lý cho doanh nghiệp, nhiều P2P trong nước vừa khởi nghiệp đã khó cầm cự và "chết yểu".
Trong khi đó, xét về triển vọng chung, P2P vẫn đang được đánh giá là mô hình cho vay phù hợp xu thế phát triển công nghệ 4.0. Báo cáo của Transperancey Market Research về quy mô và xu hướng phát triển thị trường P2P Lending toàn cầu dự báo, thị trường này có thể đạt quy mô 897,9 tỷ USD vào năm 2024. Riêng thị trường cho vay ngang hàng ở Việt Nam, thực tế vẫn mới chỉ ở giai đoạn ban đầu và vì vậy, vẫn còn nhiều tiềm năng.
Tại Dự thảo báo cáo đánh giá tác động của một số loại hình kinh tế chia sẻ tới nền kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vào cuối năm 2020 cho biết, Việt Nam đang có khoảng 100 công ty P2P Lending, bao gồm cả công ty đã đi vào hoạt động chính thức và một số công ty đang trong giai đoạn thử nghiệm. Trong đó, một số công ty P2P Lending có nguồn gốc từ Trung Quốc, Nga, Singapore, Indonesia... chi phối.
"Vì vậy nếu không khẩn trương ban hành và triển khai chiến lược hỗ trợ doanh nghiệp trong nước thì có thể dẫn đến hiện tượng bị nước ngoài chi phối hoàn toàn thị phần kinh tế chia sẻ trong nước. Ngoài ra, các đối tác khác của mô hình kinh tế chia sẻ khi không cập nhật được thông tin, công nghệ sẽ trở thành đối tượng yếu thế, mất việc làm… vì không theo kịp hoặc bị hình thức kinh doanh mới thống lĩnh, chiếm thị phần", dự thảo Báo cáo đánh giá.
Theo Diễn đàn doanh nghiệp