Việc cho thuê, cho mượn tài khoản thanh toán của các chủ tài khoản là hành vi vi phạm và sẽ bị phạt nặng. Bởi nhiều trường hợp cho thuê, cho mượn tài khoản ngân hàng đã vô tình tiếp tay cho hành vi lừa đảo.
Thuê, mượn tài khoản ngân hàng để lừa đảo
Gần đây, một lượng lớn tài khoản ngân hàng cho thuê, cho mượn được phát hiện trong nhiều vụ án quy mô lớn được cơ quan công an triệt phá đã cảnh báo về mối nguy mới xuất hiện này.
Theo cơ quan công an, đa số tài khoản này là của người dân vì hoàn cảnh khó khăn hoặc bị dụ dỗ, không biết việc mình mở tài khoản để bán, cho thuê, cho mượn là vi phạm pháp luật, từ đó tạo điều kiện cho tội phạm sử dụng làm công cụ thực hiện lừa đảo trên không gian mạng.
Thời gian qua, cơ quan điều tra đã xử lý không ít vụ án liên quan đến hành vi lừa đảo hay tiếp tay lừa đảo từ việc mua bán, cho thuê, cho mượn tài khoản ngân hàng.
Điển hình là vụ án Hoàng Thị Thảo (37 tuổi, trú Lạng Sơn). Thảo quen biết người đàn ông Trung Quốc và người này nhờ tìm, giới thiệu người mở tài khoản ngân hàng để nhận tiền chuyển vào. Cứ mỗi tài khoản ngân hàng được dùng để nhận tiền, chủ tài khoản được trả 500.000 đồng và cứ mỗi 100 triệu đồng chuyển về, chủ tài khoản sẽ được nhận thêm 1 triệu đồng. Riêng Thảo khi đi rút tiền về chuyển cho người đàn ông Trung Quốc sẽ được trả 400.000 đồng/lần chuyển. Tính đến ngày bị bắt, Thảo đã sử dụng 3 tài khoản cá nhân của người khác để nhận và chiếm đoạt của 11 bị hại số tiền trên 1,7 tỷ đồng.
Mới đây, Công an Nghệ An triệt xóa đường dây “thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán công khai trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng” do Lê Thế Trung (37 tuổi, TP. Hà Nội) cầm đầu. Trung liên lạc với các đối tượng ở nước ngoài có nhu cầu thuê, mua lại tài khoản ngân hàng rồi giao các “chân rết” tìm mua hoặc thuê lại tài khoản ngân hàng của hàng trăm người dân trên cả nước. Cơ quan công an đã bắt 10 đối tượng trong đường dây này, phong tỏa hơn 1.200 tài khoản ngân hàng. Lượng tiền giao dịch qua mỗi tài khoản được Trung thuê hoặc mua lại là khoảng 50 tỷ đồng, cá biệt có những tài khoản giao dịch trên 400 tỷ đồng. Các đối tượng khai nhận, từ năm 2020 đến đầu năm 2022 đã tiến hành mua, thuê, mượn khoảng 3.000 tài khoản ngân hàng của hơn 600 người ở nhiều tỉnh, thành.
Bên cạnh đó, việc đi mượn, dùng chung tài khoản ngân hàng cũng xảy ra rắc rối pháp lý dễ dẫn đến các khiếu kiện, tranh chấp. Có người đã mất tiền tỷ vì mượn tài khoản ngân hàng của người khác để giao dịch.
Tháng 11/2020, Ngô Thanh Tr. (ở Hà Nội) thuê Nguyễn Văn Hưng (SN 1994, ở Lập Thạch, Vĩnh Phúc) làm quản lý nhà hàng kiêm đầu bếp. Thời gian này, anh Tr. bị mất giấy tờ tùy thân, chưa kịp làm lại nên không rút tiền ở ngân hàng được. Anh Tr. đã nhờ Hưng cho mượn số tài khoản của Hưng để nhận và chuyển tiền từ các đối tác kinh doanh và bạn bè. Hưng đưa cho anh Tr. 4 tài khoản tại 4 ngân hàng để giao dịch. Ngày 23/2/2021, Hưng nhận được tổng số hơn 3,8 tỷ đồng do đối tác của anh Tr. chuyển tiền. Nhưng sau đó Hưng không chuyển trả anh Tr. mà mang đi đánh bạc và thua hết.
Bị phạt tiền, đi tù vì cho mượn tài khoản ngân hàng
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Thái Nguyên về việc đề nghị có quy định chặt chẽ hơn trong việc mở tài khoản ngân hàng cho các cá nhân vì hiện một người có thể mở nhiều tài khoản dẫn tới việc lợi dụng sơ hở để lừa đảo, vi phạm các quy định.
Theo đó, việc cho thuê, cho mượn tài khoản thanh toán của các chủ tài khoản là hành vi vi phạm và sẽ bị phạt nặng. Như vậy, khách hàng phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại do sai sót hoặc bị lợi dụng, lừa đảo khi sử dụng dịch vụ thanh toán qua tài khoản do lỗi của mình; không được cho thuê, cho mượn tài khoản thanh toán của mình; không được sử dụng tài khoản thanh toán để thực hiện cho các giao dịch nhằm mục đích rửa tiền, tài trợ khủng bố, lừa đảo, gian lận hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Ngoài ra, các quy định về xử phạt đối với các hành vi vi phạm liên quan đến mở, sử dụng tài khoản thanh toán cũng được áp dụng, trong đó có hành vi mở, sử dụng và ủy quyền sử dụng tài khoản thanh toán không đúng quy định; thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản thanh toán, mua, bán thông tin tài khoản thanh toán; mở hoặc duy trì tài khoản thanh toán nặc danh, mạo danh…
Cụ thể, phạt tiền từ 40 - 50 triệu đồng đối với hành vi thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản thanh toán, mua, bán thông tin tài khoản thanh toán với số lượng từ 1 tài khoản thanh toán đến dưới 10 tài khoản thanh toán mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự; bị phạt tiền từ 50 - 100 triệu đồng với số lượng từ 10 tài khoản thanh toán trở lên theo quy định.
Khi chưa được sự đồng ý của chủ tài khoản ngân hàng nhưng lại đem đi bán, cho thuê, cho mượn, phát tán mà gây thiệt hại cho chủ tài khoản có thể sẽ phải bồi thường thiệt hại do hành vi xâm phạm tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác theo Bộ luật dân sự.
Nếu có các hành vi có dấu hiệu cấu thành tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng theo quy định tại Bộ luật hình sự thì bị xử lý trách nhiệm hình sự.
Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân không mở và mua, bán tài khoản cá nhân. Trường hợp đã từng mở tài khoản ngân hàng sau đó chuyển cho người khác sử dụng thì cần mang giấy tờ cá nhân đến ngân hàng để làm thủ tục đóng tài khoản đó nhằm bảo vệ mình, đồng thời ngăn chặn các đối tượng sử dụng tài khoản làm công cụ phạm tội. Không cung cấp thông tin cá nhân, mật khẩu của các tài khoản mạng xã hội, ngân hàng, ví điện tử và mã OTP cho những người lạ hoặc chuyển tiền cho tổ chức, cá nhân mạo danh cán bộ, cơ quan nhà nước để giải quyết các thủ tục pháp lý, từ đó đối tượng dễ dàng chiếm đoạt tài sản.