Để tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết, cần thiết lập, xây dựng một hệ thống giải pháp chính sách phù hợp, mạnh mẽ cho doanh nghiệp trong thời gian tới.
TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng
Theo đánh giá của giới chuyên môn, giải pháp trong điều hành của NHNN thời gian qua cho thấy, cơ quan quản lý vẫn kiên định với chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt và đồng bộ. Trong đó, ưu tiên số một của NHNN là kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, tạo đà phục hồi nền kinh tế. Song dư địa hỗ trợ của chính sách tiền tệ đang ngày càng hạn hẹp trước áp lực lạm phát tăng, trong khi NHTW trên thế giới vẫn tiếp tục tăng lãi suất. Ngành Ngân hàng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhất là áp lực cấp vốn cho nền kinh tế.
Theo thông lệ quốc tế, hệ thống ngân hàng chủ yếu cung cấp vốn ngắn hạn cho nền kinh tế, còn nguồn vốn trung - dài hạn sẽ do thị trường vốn đảm nhiệm. Song hiện nay thị trường vốn và thị trường tiền tệ đang mất cân đối. Thị trường tiền tệ thì không chỉ lo cung ứng vốn ngắn hạn mà còn có vai trò chính trong cung ứng vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế. Chưa kể thời gian qua, thị trường trái phiếu doanh nghiệp bộc lộ lỗ hổng lớn, nhiều vụ việc đáng tiếc xảy ra ảnh hưởng đến lòng tin của các nhà đầu tư. Việc phải thanh toán lượng lớn trái phiếu chưa đến hạn, buộc doanh nghiệp phải lấy cả nguồn tiền sản xuất kinh doanh, thậm chí cả vốn vay ngân hàng để trả nợ.
Trong bối cảnh huy động vốn qua kênh trái phiếu gặp khó, nhiều ý kiến đề xuất NHNN nới thêm room tín dụng cho các NHTM để họ có thêm dư địa cho vay doanh nghiệp. Dẫn số liệu tín dụng 10 tháng đầu năm tăng trưởng 11,5% trong khi nguồn vốn chỉ tăng 4,8%, TS. Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) cho rằng, ngay cả khi NHNN có nới thêm room tín dụng thì NHTM cũng không đủ vốn để cho vay thêm. Nguyên do, hiện nay các ngân hàng đang rất khó khăn trong đảm bảo hệ số an toàn vốn, bởi tính chung cả Ngành, dư nợ cho vay và tổng huy động gần như tương đương nhau. Do đó, để đảm bảo đủ nguồn vốn đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp thời gian tới, buộc ngân hàng phải tăng mạnh lãi suất huy động đầu vào. Điều này, có thể sẽ ảnh hưởng tới việc hạ lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ và NHNN.
“Dù đã tiết giảm chi phí hoạt động để lãi suất cho vay tăng chậm hơn lãi suất huy động nhưng NHTM cũng là doanh nghiệp nên không thể hy sinh mãi được”, TS. Nguyễn Quốc Hùng thẳng thắn chia sẻ.
Bên cạnh những khó khăn trên, giới chuyên môn cũng lo ngại nợ xấu sẽ có xu hướng tăng cao, bởi nhiều khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 14/2021/TT-NHNN trước đây, nếu khách hàng vẫn khó khăn không trả nợ thì sẽ bị chuyển nợ xấu. Trong khi hiện công tác xử lý nợ xấu của các NHTM vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là trong khâu thu giữ và xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ.
Ngoài ra, TS. Nguyễn Quốc Hùng cũng cho biết, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp còn tản mát do nhiều địa phương, tổ chức triển khai mà chưa có đầu mối thống nhất để tổng hợp cung cấp các thông tin về chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp. “Điều doanh nghiệp cần nhất thời điểm hiện tại chính là sự nhất quán trong cơ chế, chính sách; một chính sách nhất quán, không giật cục, không phải chính sách hôm nay đúng, mai sai, rồi ngày kia lại đúng”, TS. Hùng lưu ý.
Để tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng, TS. Nguyễn Quốc Hùng cho biết, cần thiết lập, xây dựng một hệ thống giải pháp chính sách phù hợp, mạnh mẽ cho doanh nghiệp trong thời gian tới. Cụ thể, cần phải có sự điều hành đồng bộ cả chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác. Do vậy, đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt tăng cường đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, cũng như thực hiện chính sách tài khóa mở rộng, giảm bớt áp lực đối với tiền tệ, tín dụng từ hệ thống ngân hàng; đồng thời tăng cường xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu, tăng cường thu hút đầu tư… giúp cải thiện cung - cầu ngoại tệ cũng như giảm áp lực đối với tỷ giá.
Lãnh đạo VNBA đề xuất, cơ quan chức năng xem xét có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các NHTM tích cực giảm lãi suất cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ: thông qua giảm thuế, phí cho các NHTM này với mức giảm cao hơn so với quy định hiện nay; xem xét có cơ chế hỗ trợ các NHTM thông qua tái cấp vốn với lãi suất hợp lý.
Để thúc đẩy hoạt động xử lý nợ, theo TS. Nguyễn Quốc Hùng, cần nhanh chóng tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong việc triển khai Nghị quyết 42, đồng thời sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về thị trường mua bán nợ, xây dựng và ban hành tiêu chuẩn thẩm định giá khoản nợ... Ngoài ra, Tổng Thư ký VNBA cũng kiến nghị NHNN tiếp tục điều hành linh hoạt, thận trọng và phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, đồng thời phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiềm chế lạm phát, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ doanh nghiệp tạo đà phục hồi nền kinh tế.
Đối với hoạt động tín dụng, bên cạnh tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên, các ngành nghề tiềm năng có tính lan tỏa cao, tạo động lực để phát triển kinh tế - xã hội, NHNN cần kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn. “Khuyến khích các TCTD mở rộng mạng lưới hoạt động ở những nơi chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của người dân, doanh nghiệp, đặc biệt tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, tích cực triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để cùng với chính quyền các địa phương trực tiếp tháo gỡ đồng bộ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; đẩy mạnh triển khai hỗ trợ lãi suất”, TS. Hùng đề xuất thêm.
Theo: thoibaonganhang.vn