Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến 31/12/2024, tín dụng tăng khoảng 15,08% so với đầu năm, dư nợ tín dụng đạt gần 15,6 triệu tỷ đồng vào cuối năm 2024, tăng hơn 2,1 triệu tỷ đồng. Đây cũng là mức tăng dư nợ tín dụng lớn nhất 11 năm trở lại đây xét về giá trị tuyệt đối. Kinh tế vĩ mô diễn biến tích cực, tăng trưởng GDP các quý sau tốt hơn quý trước, thị trường bất động sản nhiều tín hiệu khởi sắc và kim ngạch xuất nhập khẩu tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Các yếu tố này làm tăng cầu tín dụng và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế năm 2024.
Còn theo Tổng cục Thống kê, tính đến 25/12/2024, huy động vốn của các TCTD tăng 9,06%, tương ứng giá trị tăng 1,2 triệu tỷ đồng, lên gần 14,7 triệu tỷ đồng. Tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 13,82%, tương ứng tăng 1,9 triệu tỷ đồng, lên hơn 15,4 triệu tỷ đồng.
Nếu so với dư nợ tín dụng cùng thời điểm 25/12/2024, huy động vốn thấp hơn 700 ngàn tỷ đồng, đánh dấu chênh lệch tín dụng và huy động đạt mức cao nhất. Hơn nữa 2024 cũng là năm thứ 3 liên tiếp ghi nhận số dư tiền gửi thấp hơn dư nợ tín dụng.
Năm 2022 là bước ngoặt dư nợ tín dụng lần đầu tiên vượt số dư tiền gửi sau 12 năm, mức chênh lệch khoảng 100 ngàn tỷ đồng. Đây là kết quả tất yếu, xuất phát từ nhu cầu vốn vay của nền kinh tế dâng cao hậu Covid-19 trong khi một phần tiền của dân cư bị “mắc kẹt” vào trái phiếu doanh nghiệp sau sự kiện Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát.
Từ khủng hoảng niềm tin trái phiếu doanh nghiệp năm 2022, thị trường bất động sản - khu vực thu hút nguồn vốn tín dụng gần như “đóng băng” năm 2023. Cộng thêm nhiều yếu tố bất lợi từ bên ngoài (tổng cầu thế giới suy yếu, xung đột địa chính trị leo thang) càng khiến nhu cầu vay vốn, mở rộng sản xuất kinh doanh trong nước suy yếu.
Nền kinh tế đối mặt với nhiều yếu tố bất định khiến người dân quay lại chọn kênh gửi tiết kiệm ngân hàng, tức ưu tiên kênh đầu tư an toàn hơn. Vì vậy, số dư tiền gửi đã gần như đuổi kịp tín dụng với mức chênh lệch thu hẹp còn 60 ngàn tỷ đồng trong năm 2023.
Tuy nhiên, bước sang 2024, việc số dư tiền gửi thấp hơn dư nợ tín dụng lập đỉnh với cách biệt lớn chưa từng có. Mặt bằng lãi suất huy động rơi xuống mức thấp kỷ lục, trong khi đó lãi suất cho vay được giảm tối đa là nguyên nhân chính của kết quả này.