Trong thời gian qua, số vụ việc liên quan đến kinh doanh thương mại, tranh chấp phát sinh từ hoạt động tín dụng ngân hàng chiếm tỷ lệ cao. Việc giải quyết, xét xử, hướng dẫn giải quyết những tranh chấp trong lĩnh vực ngân hàng có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần cải thiện chỉ số giải quyết tranh chấp hợp đồng tại nước ta.
Nghị quyết 42/2017/NQ-QH ban hành ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng trong quá trình giải quyết các tranh chấp về tín dụng của các tổ chức tín dụng được xem là bước tiến quan trọng trong hành lang pháp lý để xử lý nợ xấu. Nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao đã ban hành Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định trong giải quyết tranh chấp về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu tại Tòa án nhân dân và một số Nghị quyết để hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng. Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng trong việc giải quyết những tranh chấp liên quan trong lĩnh vực tranh chấp tín dụng, góp phần giảm tỷ lệ nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên trong quá trình áp dụng các quy định được hướng dẫn tại các Nghị quyết vẫn còn vướng mắc, hạn chế; chưa có sự thống nhất về các quy định giữa các Nghị quyết và Bộ luật Dân sự.
1. Về một số quy định về hợp đồng trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng:
1.1. Quy định lãi suất giữa BLDS 2015 và luật chuyên ngành:
Mức lãi suất cho vay theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015 chỉ áp đặt mức lãi suất trần cố định 20%, mức lãi suất này sẽ không dao động tăng, giảm hay phụ thuộc vào quy định của Ngân hàng Nhà nước. Cụ thể, tại Điều 468 quy định về lãi suất, có nội dung như sau: “Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáoQuốc hội tại kỳ họp gần nhất...”.
Điều 468 BLDS 2015 đã quy định loại trừ việc áp dụng mức trần lãi suất vay 20% trong “trường hợp luật khác có liên quan quy định khác”. Theo quy định tại Điều 12 Luật Ngân hàng Nhà nước năm 2010 và Khoản 2, 3 Điều 91 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, trong điều kiện bình thường, lãi suất trong hoạt động ngân hàng sẽ thực hiện theo cơ chế tự thỏa thuận, không có trần lãi suất. Như vậy, BLDS 2015 đã loại trừ việc áp dụng mức trần lãi suất vay 20%/năm đối với hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng, lúc đó pháp luật về tín dụng, ngân hàng sẽ cho phép các bên trong quan hệ tín dụng là tổ chức tín dụng và khách hàng được tự thoả thuận.
Tuy nhiên, khoản 2 Điều 91 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 (về lãi suất, phí trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng) quy định: “Tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật...”. Có nghĩa là việc xác định lãi suất trong hoạt động cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng là theo cơ chế thoả thuận nhưng lại kèm theo cụm từ “theo quy định của pháp luật”. Do đó, sẽ dẫn đến việc một số tòa án lúng túng không biết áp dụng theo pháp luật về tín dụng ngân hàng (không áp dụng trần lãi suất cho vay) hay theo pháp luật dân sự (áp dụng trần lãi suất cho vay). Do đó, cần quy định cụ thể và rõ ràng hơn về việc áp dụng lãi suất này.
1.2. Về việc xử lý tài sản thế chấp.
Hợp đồng thế chấp bao gồm rất nhiều điều khoản, khá phức tạp, chứa nhiều quy định và nó thường do các TCTD đưa ra; bên bảo đảm thường có rất ít cơ hội được thảo luận về các điều khoản trong hợp đồng. BLDS chưa có quy định để bảo vệ bên bảo đảm, nhất là khi bên bảo đảm đưa tài sản của mình vào bảo đảm cho khoản vay của một bên khác. Trong nhiều trường hợp, bên bảo đảm không được chuẩn bị đầy đủ kiến thức và hiểu biết khi tham gia vào quan hệ tín dụng và bảo đảm, nhiều khi chỉ là do cả tin, cho bạn bè, họ hàng “mượn” tài sản khi tài sản đang nhàn rỗi không sử dụng vào việc gì, chỉ đến khi tài sản bảo đảm bị xử lý do bên vay không trả được nợ thì lúc đó mới biết hậu quả pháp lý của việc bảo đảm của mình. BLDS nên có quy định để bảo vệ tốt hơn quyền lợi của bên bảo đảm là cá nhân.
2. Về một số quy định liên quan đến nợ xấu
2.1. Về các vụ án mà TAND Quận 3 đã thụ lý và giải quyết liên quan đến khoản nợ xấu của các tổ chức tín dụng theo Nghị quyết số 42/2017/QH14:
- Số liệu thụ lý và giải quyết từ ngày 15/8/2017 đến 28/02/2021: Thụ lý: 1047 vụ . Giải quyết: 1008 vụ.
- Trong quá trình thụ lý, giải quyết, có những khó khăn, vướng mắc sau:
Đối với tài sản đảm bảo nợ xấu là bất động sản gặp rất nhiều khó khăn khi tiến hành thẩm định tại chỗ đối với bất động sản, khi thế tài sản Ngân hàng chỉ thế nhận thế chấp và xem xét tài sản dựa trên giấy tờ, không xem xét thực tế dẫn đến quá trình thẩm định tại chỗ phần diện tích chênh lệch hoặc hiện trạng khác so với khi nhận thế chấp tài sản.
- Quá trình giải quyết phát sinh thêm nhiều người tham gia tố tụng, do có nhiều người sinh sống, doanh nghiệp kinh doanh, hoặc nhiều người tạm trú trên tài sản thế chấp. Ví dụ đối với tài sản là nhà đất, trong nhà đất đó có các tài sản khác của người có nhà đất thế chấp hoặc của bên thứ ba (các đồ gia dụng, điện tử, quần áo, giường tủ…) mà họ không tự nguyện dời đi thì cơ chế, phương thức để xử lý đối với các tài sản này thế nào, gửi giữ ở đâu, nếu người có tài sảnkhông hợp tác để nhận và di dời tài sản thì sẽ xử lý phát mại như thế nào… Hoặc khi thu giữ đối với tài sản là nhà đất, trong nhà đất đó có những người không phải là người thế chấp (như bố mẹ, các con cái của người thế chấp) đang sinh sống thì cơ chế, phương thức để xử lý đối với những người này ra sao. Dẫn đến Tòa án phải triệu tập, tống đạt đưa thêm người tham gia tố tụng phát sinh, do người có tài sản bị thế chấp họ cố tình kéo dài thời gian giải quyết vụ án, tâm lý nhằm mục đích giữ được tài sản càng lâu càng tốt.
- Đối với tài sản Ngân hàng đem bán đấu giá, người mua được tài sản đấu giá vẫn không thực hiện được thủ tục đăng ký cấp Giấy chứng nhận vì người có tài sản khởi kiện liên quan đến tài sản đấu giá, hoặc tranh chấp khác liên quan đến tài sản đem đấu giá. Dẫn đến phát sinh thêm nhiều vụ tranh chấp liên quan đến Nghị quyết 42, vì vậy vẫn không thể nào giải quyết dứt điểm nợ xấu của Ngân hàng.
Tranh chấp hợp đồng tín dụng có nhiều tài sản thế chấp, những tài sản này ở nhiều nơi khác nhau, cũng gặp nhiều khó khăn trong việc xác minh nguồn gốc tài sản thế chấp.
2.2. Về thủ tục rút gọn theo hướng dẫn Nghị quyết 03/2018/NQ-HĐTP:
Theo nghị quyết, Tòa án áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm hoặc tranh chấp về quyền xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu. Quy định này tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng có thể rút ngắn quá trình giải quyết tranh chấp và tăng hiệu quả hoạt động xử lý tài sản bảo đảm.
Nghị quyết quy định về: Tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm, về quyền xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu đáp ứng đủ các điều kiện tại Khoản 1 Điều 8 Nghị quyết 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 và hướng dẫn của Nghị quyết 03/2018/NQHĐTP thì Tòa án giải quyết theo thủ tục rút gọn. Trong quá trình giải quyết vụ án Hôn nhân và gia đình, trước khi đưa vụ án ra xử sơ thẩm, nếu có đương sự yêu cầu giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm, về quyền xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu thuộc trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 8 Nghị quyết 42 thì: Tòa án có thể tách yêu cầu của đương sự đó để giải quyết bằng một vụ án khác theo thủ tục rút gọn nếu tài sản bảo đảm đó là tài sản của vợ chồng. Ngoài ra, Nghị quyết cũng hướng dẫn các quy định về đơn khởi kiện, tài liệu kèm theo trong quá trình Tòa án thụ lý đơn khởi kiện.
Tuy nhiên trong quá trình áp dụng, thủ tục rút gọn tại tòa án còn hạn chế và vướng mắc nên cho đến thời điểm hiện nay vẫn chưa có trường hợp nào được giải quyết theo thủ tục rút gọn tại Tòa án nhân dân Quận 3. Nguyên nhân của thực trạng trên là việc áp dụng quy định. Cụ thể:
Một là, quy định các điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn:
Tại Khoản 2 Điều 8 Nghị quyết 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 quy định về việc áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm tại Tòa án như sau:
“2. Việc giải quyết tranh chấp quy định tại khoản 1 Điều này được thực hiện theo thủ tục rút gọn quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự”. Và tại Khoản 1 Điều 317 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định về điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn như sau: “1. Tòa án giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Vụ án có tình tiết đơn giản, quan hệ pháp luật rõ ràng, đương sự đã thừa nhận nghĩa vụ; tài liệu, chứng cứ đầy đủ, bảo đảm đủ căn cứ để giải quyết vụ án và Tòa án không phải thu thập tài liệu, chứng cứ;
b) Các đương sự đều có địa chỉ nơi cư trú, trụ sở rõ ràng;
c) Không có đương sự cư trú ở nước ngoài, tài sản tranh chấp ở nước ngoài, trừ trường hợp đương sự ở nước ngoài và đương sự ở Việt Nam có thỏa thuận đề nghị Tòa án giải quyết theo thủ tục rút gọn hoặc các đương sự đã xuất trình được chứng cứ về quyền sở hữu hợp pháp tài sản và có thỏa thuận thống nhất về việc xử lý tài sản.”
Theo quy định tại Điều 317 Bộ luật Tố tụng dân sự thì các điều kiện để áp dụng thủ tục rút gọn là rất rộng. Trong trường hợp vụ án có tình tiết đơn giản, quan hệ rõ ràng nhưng bên bị khởi kiện không thống nhất , từ chối nghĩa vụ nợ, nghĩa vụ được bảo đảm, hoặc cố tình vắng mặt tại nơi cư trú…nhằm tạo các điều kiện không áp dụng thủ tục rút gọn. Và thông thường khi gặp những trường hợp này, Thẩm phán được phân công giải quyết sẽ lựa chọn giải quyết vụ án theo thủ tục bình thường để tránh phát sinh trách nhiệm liên quan nên hầu hết các vụ tranh chấp xử lý nợ xấu không giải quyết được theo thủ tục rút gọn.
Hai là, trong giai đoạn chẩn bị xét xử vụ án theo thủ tục rút gọn:
Tại Khoản 3 Điều 317 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định như sau:
“3. Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử vụ án theo thủ tục rút gọn, nếu xuất hiện tình tiết mới sau đây làm cho vụ án không còn đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn thì Tòa án ra quyết định chuyển vụ án sang giải quyết theo thủ tục thông thường:
a) Phát sinh tình tiết mới mà các đương sự không thống nhất do đó cần phải xác minh, thu thập thêm tài liệu, chứng cứ hoặc cần phải tiến hành giám định;
b) Cần phải định giá, thẩm định giá tài sản tranh chấp mà các đương sự không thống nhất về giá;
c) Cần phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;
d) Phát sinh người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
đ) Phát sinh yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập;
e) Phát sinh đương sự cư trú ở nước ngoài, tài sản tranh chấp ở nước ngoài, yêu cầu xác minh, thu thập chứng cứ ở nước ngoài mà cần phải thực hiện ủy thác tư pháp, trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều này.”
Theo quy định này thì trong giai đoạn chuẩn bị xét xử vụ án theo thủ tục rút gọn, nếu xuất hiện tình tiết mới mà các bên đương sự không thống nhất làm cho vụ án không còn đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn theo Điều 1 Khoản 8 Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 thì Toà án phải ra quyết định chuyển vụ án sang giải quyết thông thường. Như vậy, trường hợp bên có nghĩa vụ trả nợ, chủ tài sản hoặc bên đảm bảo không hợp tác, chống đối thì dễ dẫn đến trường hợp cố tình tạo các tình tiết mới làm cho cho vụ án không còn bảo đảm điều kiện quy định tại Điều 1 Khoản 8 Nghị quyết số 42 để đưa vụ án về thủ tục tố tụng thông thường, nhằm mục đích kéo dài thời gian giải quyết vụ việc, dẫn đến việc áp dụng thủ tục tố tụng rút gọn không phát huy được hiệu quả xử lý trong thực tế.
3. Một số đề xuất, kiến nghị:
- Có quy định cụ thể và rõ ràng hơn về việc áp dụng lãi suất, có một trong các văn bản quy định hoặc giải thích rõ việc đối với các hợp đồng tín dụng các TCTD được phép áp dụng mức trần lãi suất cao hơn 20%.
- Cần có biện pháp chế tài đối với người có tài sản thế chấp (hoặc những người liên quan đến người có tài sản thế chấp) nếu họ cố tình không hợp tác, cố tình kéo dài thời gian giải quyết vụ án của Tòa án.
- Cần quy định cụ thể đối với Ngân hàng khi nhận tài sản thế chấp phải tiến hành thẩm định, kiểm tra tài sản thế chấp trên thực tế với trên giấy tờ có trùng khớp với nhau không.
- Đề nghị TAND Tối cao chỉ đạo, hướng dẫn về việc triển khai, thi hành, áp dụng thống nhất quy định về thủ tục rút gọn tại Nghị quyết 03/2018/NQHĐTP, Nghị quyết 42/2017/QH14 và Điều 317 Bộ luật Tố tụng dân sự./.
Tham luận của Tòa án nhân dân Quận 3 tại tọa đàm “Thực trạng, giải pháp và các vấn đề pháp lý cần lưu ý liên quan đến hợp đồng tín dụng, xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm trong giai đoạn Khởi kiện và Thi hành án” được Hiệp hội Ngân hàng, Tòa Kinh tế - Tòa án Nhân dân TP. Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức tháng 3/2021