Thứ bảy, 09/11/2024
   

Cách thức tiếp cận tăng cường năng lực của IMF về Tiền kỹ thuật số NHTW

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và thanh toán số, việc nghiên cứu, phát hành đồng tiền kỹ thuật số Ngân hàng Trung ương (CBDC) đã và đang nhận được sự quan tâm rất lớn không chỉ các Chính phủ, cơ quan quản lý, các nhà hoạch định chính sách, mà còn đối với các khu vực tư nhân

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và thanh toán số, việc nghiên cứu, phát hành đồng tiền kỹ thuật số Ngân hàng Trung ương (CBDC) đã và đang nhận được sự quan tâm rất lớn không chỉ các Chính phủ, cơ quan quản lý, các nhà hoạch định chính sách, mà còn đối với các khu vực tư nhân và giới học giả toàn cầu hiện nay, đặc biệt là những kiến thức kỹ thuật chuyên sâu, phương thức thiết kế và triển khai thực tiễn.

Hinh anh tien ky that so

Hỉnh ảnh minh họa (ảnh: Internet)

Tháng 3/2023, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã công bố Báo cáo về cách thức tiếp cận trong việc tăng cường năng lực cũng như giới thiệu những nội dung cơ bản về Sổ tay về CBDC.

Trên cơ sở thu thập, đánh giá, phân tích về CBDC trong những năm qua, Báo cáo nghiên cứu về CBDC của IMF đã đúc kết lại rằng: “Mối quan tâm toàn cầu đối với CBDC là chưa từng có và hoạt động mang tính thăm dò, quan sát của các NHTW vẫn đang tiếp tục diễn ra trên khắp thế giới. Đến nay có rất ít trường hợp thực tế về CBDC để có thể học hỏi, áp dụng và các nước thành viên IMF vẫn đang trong quá trình tìm kiếm câu trả lời và bài học kinh nghiệm từ các thành viên khác. Điều này phản ánh nhu cầu ngày càng tăng của các quốc gia thành viên đối với tăng cường năng lực phát triển CBDC”. Và với những hiểu biết thực tế và phân tích vững chắc về các vấn đề liên quan đến các quốc gia đang xem xét thử nghiệm và tiến tới phát hành CBDC, cũng như với tư cách thành viên toàn cầu, IMF có những lợi thế nhất định để thực hiện tư vấn chính sách hiệu quả, khả thi cho các cơ quan quản lý cũng như hỗ trợ đào tạo tăng cường năng lực cho NHTW các nước trong quá trình nghiên cứu chuyên sâu về CBDC.

Cuộc khảo sát gần đây nhất của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) thực hiện năm 2021, bao gồm 81 ngân hàng trung ương, đại diện cho gần 76% dân số thế giới và 94% sản lượng kinh tế toàn cầu, cho thấy 9/10 NHTW hiện đang tìm hiểu, nghiên cứu về CBDC, với ½ đang phát triển hoặc chạy thử nghiệm cụ thể. Cuộc khảo sát cũng chỉ ra rằng hơn 2/3 các NHTW có khả năng phát hành CBDC bán lẻ trong ngắn hạn hoặc trung hạn (trong vòng 6 tháng tới). Hội đồng Đại Tây Dương (2023) theo dõi độc lập sự phát triển của CBDC tại 119 quốc gia cũng đã chỉ ra kết quả tương tự.

Vào tháng 7/2021, Ban điều hành IMF đã phê duyệt Chiến lược tiền kỹ thuật số, công nhận tầm quan trọng vĩ mô của sự phát triển tiền kỹ thuật số và công nghệ tài chính (fintech), yêu cầu tổ chức hỗ trợ và tư vấn cho các quốc gia trong lĩnh vực này. Chiến lược của IMF đã vạch ra nhiệm vụ đảm bảo rằng việc áp dụng rộng rãi tiền kỹ thuật số góp phần thúc đẩy sự ổn định kinh tế-tài chính trong nước và quốc tế, và IMF phải thực hiện giám sát và tư vấn về quá trình chuyển đổi nhanh chóng và phức tạp này cho tất cả các thành viên liên quan, đặc biệt khi CBDC có ý nghĩa quan trọng đối với điều hành chính sách tiền tệ, ổn định tài chính và hệ thống tiền tệ quốc tế.

Cách thức tiếp cận đào tạo tăng cường năng lực về CBDC

IMF là một trong những tổ chức quốc tế hàng đầu thế giới về tăng cường năng lực, cung cấp tư vấn kỹ thuật phù hợp, khả thi cho các quốc gia thành viên, dựa trên phân tích kỹ lưỡng, kinh nghiệm thực tiễn phong phú và bài học từ lĩnh vực này. Về cơ bản, việc tăng cường năng lực về CBDC khác với cách thức hỗ trợ tư vấn kỹ thuật truyền thống IMF cung cấp cho các lĩnh vực khác do CBDC là chủ đề mới, phức tạp, kỹ thuật nghiệp vụ chuyên sâu, và thay đổi nhanh chóng trong khi kinh nghiệm thực tiễn của các quốc gia về CBDC còn tương đối hạn chế. Do vậy, việc tăng cường năng lực phát triển CBDC của IMF tập trung vào việc tạo thuận lợi cho chia sẻ, học hỏi lẫn nhau và phát triển cơ sở phân tích để tư vấn cho chuyên gia các quốc gia thành viên. Báo cáo thường niên Hỗ trợ kỹ thuật Thị trường vốn và Tiền tệ năm 2022 của IMF đã đề cập những công việc được thực hiện trong năm bởi nhóm chuyên gia hỗ trợ các quốc gia thành viên trong việc thay đổi nhận thức, thiết kế và triển khai CBDC trên cả khía cạnh song phương và khu vực.

Hiện tại, việc phát triển năng lực song phương về CBDC của IMF chủ yếu cung cấp hỗ trợ tư vấn thực nghiệm cho khoảng 30 quốc gia đang tìm kiếm sự hỗ trợ về kỹ thuật. Các hội thảo khu vực giúp nâng cao nhận thức, kiến thức và chia sẻ những hiểu biết sâu sắc cũng như bài học kinh nghiệm trong thực tiễn nghiên cứu áp dụng đã được IMF tổ chức ở khu vực châu vực châu Phi, khu vực Caribe và ở các nước châu Á - Thái Bình Dương, trong đó tập trung đào tạo về các chủ đề như: Tổng quan về các mục tiêu của CBDC; hàm ý của CBDC đối với tài chính vĩ mô; các vấn đề pháp lý, công nghệ và khả năng kết nối liên thông của CBDC; một số kinh nghiệm và bài học quốc gia, với sự tham gia điều phối của nhiều bộ phận và chuyên gia cao cấp. Theo nghiên cứu của IMF, nhu cầu thực tiễn các quốc gia đang thay đổi rất nhanh chóng đối với CBDC, do đó các cơ quan quản lý, các nhà hoạch định chính sách cũng như Ban điều hành IMF hiện đang xem xét CBDC một cách cụ thể hơn, và việc tăng cường năng lực CBDC phải phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của từng quốc gia cũng như năng lực phân tích, giám sát.

Bên cạnh đó, IMF sẽ ưu tiên: (i) phát triển năng lực CBDC cho các quốc gia, đáp ứng các yêu cầu cùng với tăng chi ngân sách và tài trợ để đảm bảo công bằng thông qua áp dụng phương pháp quản lý rủi ro cho các quốc gia có tầm quan trọng hệ thống và các quốc gia đang có những bước tiến nghiên cứu về CBDC nhưng có hạn chế về năng lực tương đối cao hoặc các tiêu chuẩn quy định chưa đầy đủ, đồng bộ; (ii) Đồng thời, IMF cũng sẽ ưu tiên phản hồi những câu hỏi quan trọng và thường gặp nhất cho các quốc gia về các vấn đề kỹ thuật, pháp lý liên quan đến CBDC; hợp tác với các tổ chức quốc tế khác (WB, BIS,…) để tăng cường năng lực về CBDC và các cơ quan thiết lập tiêu chuẩn trong việc phát triển các quan điểm chính sách, các tiêu chuẩn quốc tế liên quan đảm bảo tính nhất quán, tránh trùng lặp về nội dung tư vấn; (iii) giải quyết các vấn đề vướng mắc trong thanh toán xuyên biên giới sẽ liên quan đến cách thức tiếp cận của các quốc gia, cùng với WB, BIS, CPMI và FSB, bao gồm xây dựng tài liệu tư vấn, thiết lập danh sách các chuyên gia thanh toán xuyên biên giới và thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ kỹ thuật. Trong khuôn khổ hợp tác quốc tế, IMF chịu trách nhiệm cuối cùng và chịu trách nhiệm giải trình trước Ban điều hành về các vấn đề liên quan.

Một số câu hỏi thường xuyên về CBDC của các cơ quan quản lý

IMF chỉ ra rằng những vấn đề liên quan đến CBDC (như thiết kế, pháp lý, hạ tầng, nguồn lực triển khai…) của các cơ quan quản lý thay đổi tùy thuộc vào điều kiện hoàn cảnh quốc gia và mức độ quen thuộc với CBDC. Nhiều quốc gia chỉ mới bắt đầu tìm hiểu sơ bộ về CBDC, một số đã xem xét thiết kế CBDC, tìm hiểu thông qua bằng chứng giả định (Proof of Assumptions - PoA) và tiến hành thí điểm/thử nghiệm nhằm phát hành CBDC tiềm năng. Trong khi đó, hầu hết các quốc gia đang tiến hành công việc phân tích (như điều tra các tác dộng tài chính vĩ mô. Các câu hỏi của các cơ quan quản lý có thể được phân loại thành ba nhóm), trong đó, ba nhóm câu hỏi đầu tiên là các chuỗi liên kết (building blocks) và nhóm thứ tư là các vấn đề chính sách cần được xem xét cẩn trọng trước khi triển khai thực hiện, cụ thể là:

(i) Nhóm câu hỏi “thăm dò”: Mục tiêu chính sách của CBDC và các công cụ thanh toán là gì? Các trường hợp nào được áp dụng? Ưu, nhược điểm và rủi ro của CBDC là gì? Các khuôn khổ, phương pháp và bộ công cụ hướng dẫn các quốc gia ra quyết định như thế nào? Những ưu, nhược điểm của việc sử dụng CBDC xuyên biên giới là gì? Cơ sở hạ tầng và thể chế cần thiết để phát hành CBDC là gì? Chi phí triển khai và mức độ áp dụng tiềm năng CBDC ra sao?

(ii) Nhóm câu hỏi về các phương án thiết kế: Các tính năng thiết kế liên quan như thế nào đến các mục tiêu NHTW theo đuổi? Vai trò tương ứng của khu vực công và tư nhân trong việc thiết kế và triển khai CBDC? Việc quản lý dữ liệu được thực hiện như thế nào? Những ưu đãi nào là cần thiết để khuyến khích các bên trung gian tham gia vào các thỏa thuận CBDC và để đảm bảo thu hồi chi phí? Làm cách nào để người bán và khách hàng chấp nhận? Những công nghệ nào có liên quan và ưu, nhược điểm của chúng là gì? Làm thế nào một NHTW sẽ đảm bảo an ninh an toàn? Khung pháp lý hiện tại có cung cấp nền tảng cần thiết cho việc phát hành CBDC và có liên quan đến quản trị nội bộ, quản lý rủi ro của NHTW có cho phép quản trị đầy đủ và quản lý rủi ro đối với việc phát hành CBDC không? Những quy định pháp luật nào cần được áp dụng để hỗ trợ phát hành CBDC và ngăn ngừa rủi ro phát sinh?.

(iii) Nhóm câu hỏi về tổ chức và quản lý dự án: Làm thế nào để thiết lập PoA và thử nghiệm CBDC? Làm thế nào việc thử nghiệm có thể được thiết kế để kiểm tra các giả thuyết chính sách cụ thể? Dữ liệu chi tiết nào về thị trường thanh toán cần được thu thập để đánh giá rủi ro và lợi ích tiềm ẩn cũng như hiệu suất và khả năng áp dụng CBDC? Năng lực vận hành của NHTW và các đối tác? Làm thế nào để truyền thông tới tất cả các bên liên quan? Các điều khoản quản trị và quản lý rủi ro cũng như các cân nhắc thực thi là gì?

(iv) Nhóm câu hỏi về tác động tài chính vĩ mô của CBDC: Hàm ý đối với việc truyền dẫn và điều hành chính sách tiền tệ, ổn định tài chính, vài trò và sự ổn định của ngân hàng, cấu trúc thị trường và khả năng cạnh tranh, dòng vốn và các cân nhắc về quản lý dòng vốn và ổn định bên ngoài? Ý nghĩa của các giao dịch thanh toán xuyên biên giới là gì và làm thế nào để đạt được khả năng kết nối liên thông với các CBDC khác? CBDC được thiết kế như thế nào và bằng cách nào để có thể tận dụng các nền tảng thanh toán đa phương nhằm tăng cường tính ổn định và hiệu quả của hệ thống tiền tệ quốc tế? Vai trò của CBDC trong việc thúc đẩy tài chính toàn diện là gì? Thực tiễn quản lý dữ liệu sẽ ảnh hưởng như thế nào tới cấu trúc thị trường và sự tham gia của khu vực tư nhân?

Nội dung cơ bản về Sổ tay CBDC

Sổ tay CBDC của IMF do Chính phủ Nhật Bản là đối tác tài trợ chính được chính thức giới thiệu vào tháng 4/2023 dựa trên các sáng kiến toàn cầu hiện có là tài liệu sống (“living” document) tham khảo giúp các quốc gia bắt kịp tốc độ, làm cơ sở cho việc chuyển giao tăng cường năng lực và cung cấp đấu mối cho công việc phân tích liên quan đến CBDC. Đối tượng dự kiến hướng tới là các nhà hoạch định chính sách cấp trung bình và cấp cao trong các NHTW, Bộ Tài chính và ở một cấp độ nào đó trong các cơ quan Chính phủ; các cán bộ IMF và các chuyên gia tham gia các nhiệm vụ tăng cường năng lực CBDC có liên quan. Tài liệu tham khảo được tổng hợp từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm nghiên cứu của chuyên gia IMF được xuất bản dưới dạng Những ghi nhớ về Công nghệ tài chính (Fintech Notes), hay các bài viết về các vấn đề được lựa chọn (Selected Issues Papers), các ấn phẩm của các tổ chức quốc tế và viện nghiên cứu khác. Qua đó mang đến giá trị gia tăng cho các tổ chức và cá nhân bằng cách trình bày tài liệu CBDC theo cách giải quyết các nhu cầu thực tế của những người ra quyết định ở các NHTW.

Sổ tay chủ yếu mang tính chất mô tả hơn là quy định, trong đó nội dung trình bày về kinh nghiệm, kết quả thử nghiệm và khuôn khổ để đánh giá CBDC. Hầu hết các thông báo và phân tích sẽ có điều kiện đối với các quốc gia có mục tiêu chính sách cụ thể. Một điểm đáng lưu ý là Sổ tay sẽ không khuyến nghị các quốc gia áp dụng mục tiêu này thay vì mục tiêu khác; giúp các NHTW xem xét thấu đáo và đánh giá quyết định có nên phát hành CBDC hay không; đồng thời cho phép ứng dụng phù hợp và không liên kết với các thông điệp cụ thể đã được thử nghiệm về mức độ phù hợp với thực tế của từng các quốc gia.

Kết cấu Sổ tay có 19 chương, bao gồm: Định vị về CBDC (Chương 1); Nhận diện những điểm yếu và mục tiêu (Chương 2); Khuôn khổ hướng dẫn các quốc gia trong việc đánh giá CBDC (Chương 3); Nền tảng pháp lý cần thiết cho việc phát hành CBDC (Chương 4); Sự sẵn sàng và khả năng phục hồi không gian mạng của NHTW (Chương 5); Năng lực nội tại của NHTW (Chương 6); Giải quyết những thách thức mới đối với quy định pháp lý và thanh tra, giám sát (Chương 7); Các lựa chọn thiết kế CBDC và tác động đến mục tiêu chính sách và quản lý CBDC (Chương 8); Các mô hình kinh doanh và khả năng áp dụng (Chương 9); Rủi ro toàn vẹn tài chính đối với việc phát hành CBDC (Chương 10); Sự lựa chọn giữa sử dụng dữ liệu và bảo vệ quyền riêng tư (Chương 11); Cách thức CBDC tạo thuận lợi (làm suy yếu) việc thực thi quản lý luồng vốn (Chương 12); Triển khai quy trình quản lý dự án CBDC phù hợp với khung khổ ra quyết định chính sách (Chương 13); Đánh giá về bối cảnh công nghệ CBDC và ứng xử với nhà cung cấp (Chương 14); Vai trò của CBDC trong thúc đẩy tài chính toàn diện (Chương 15); Ý nghĩa tiềm năng của CBDC đối với truyền dẫn chính sách tiền tệ trong các chế độ chính sách tiền tệ khác nhau (Chương 16); Khuôn khổ và các công cụ đánh giá tác động của CBDC đối với việc loại bỏ trung gian ngân hàng và ổn định tài chính (Chương 17); Các cơ hội và rủi ro liên quan đến sử dụng CBDC xuyên biên giới và các thiết kế tiềm năng cho thanh toán xuyên biên giới (Chương 18); Tác động của CBDC đối với cấu trúc thị trường và khả năng cạnh tranh của khu vực tài chính; vai trò của các ngân hàng và tổ chức phi ngân hàng (Chương 19).

Theo SBV

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay